Màu cỏ úa là bộ phim tài liệu âm nhạc khắc họa cuộc đời làm nghề của nhạc sĩ Trần Tiến – ”gã du ca” nổi tiếng số một Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của gia đình, bạn bè và nhiều giọng ca gắn bó với âm nhạc của ông, như nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, và nhạc sĩ Dương Thụ.
Trước đó, nhạc sĩ Trần Tiến từ chối cho đạo diễn Lan Nguyên làm phim về ông. Nhưng sau một cuộc nói chuyện dài, khi biết cô chính là người đã trình bày phiên bản Tạm biệt chim én “ngây thơ nhất” mà ông rất thích, ông đã thay đổi ý kiến. Và Màu cỏ úa đã ra đời và đến với khán giả như một món quà tri ân của nhạc sĩ.
Mười lăm lần quay trong suốt năm năm, đã có những lúc dự án tưởng chừng như gãy đổ. Bởi lẽ nhạc sĩ Trần Tiến có gần một năm lâm bệnh. Thế nhưng, may thay, sau tất cả những trắc trở đó, Màu cỏ úa đã đến được với khán giả.
Qua lăng kính của đạo diễn trẻ Lan Nguyên – đồng thời là người dẫn truyện xuyên suốt bộ phim dài 80 phút, Màu cỏ úa ra đời như một lời khẳng định: Giá trị của âm nhạc thực thụ không tính bằng lượt view khủng, mà là bằng khoảng thời gian tồn tại trong lòng khán thính giả.
Bộ phim có bối cảnh ở nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng…, đều là địa danh đã in dấu chân du ca của Trần Tiến. Vị nhạc sĩ tài hoa từng có lần chia sẻ: Ông thích xê dịch, đi đến đâu thì sáng tác và hát đến đó. Những chuyến đi đã góp phần làm nên chất nhạc của “gã du ca” đó. Xuyên suốt bộ phim là những lời tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển – ba chất liệu ảnh hưởng đến con người Trần Tiến và âm nhạc của ông.
Màu cỏ úa do Silver Moonlight Entertainment sản xuất và được thực hiện bởi đạo diễn Lan Nguyên, sinh năm 1990 tại Hà Nội, tốt nghiệp á khoa Đại học Kiến trúc TP HCM. Trước khi làm phim, cô là phóng viên, biên tập viên truyền hình. Cô từng đi khắp đất nước, làm nhiều phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, ẩm thực, bản sắc và con người.
Bộ phim sẽ được trình chiếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt vào ngày 23/11 và 30/11.
Xem thêm thông tin chi tiết tại đây.
Thảo luận về bài viết