Thế hệ Millennials – những người sinh năm từ 1981 đến 1996, được gọi là “thế hệ lo âu” (the anxious generation).
“Có một thời tôi rất ghét nhìn cảnh những người trẻ ngồi thu lu một góc trong quán café nổi tiếng nào đó. Họ có vẻ cô đơn, mà từ góc độ của người quan sát, tôi đã thấy ngộp thở. Nhà văn Hemingway từng nói rằng, ông tin thế hệ nào cũng sẽ phải đương đầu với sự lạc lối. Và ở thời đại của những công dân Millennials như chúng ta, sự lạc lối ấy được định nghĩa là hội chứng nỗi buồn Millennials.”
Hội chứng nỗi buồn Millennials được thể hiện rõ rệt qua nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tình yêu khó kiếm tìm hơn những cuộc hẹn hò chóng vánh. Quan hệ xã hội dừng lại ở những nút share, like và block. Sự riêng tư là khái niệm xa xỉ và những xung đột xã hội đang nổi lên những cơn sóng ngầm như phân biệt giới, phân biệt chủng tộc…
Có lẽ bởi vì những lí do như thế mà YouGov gọi Millennials là “thế hệ cô đơn nhất mọi thời đại.”
Hội chứng lo âu của người trẻ
Đã có nhiều nghiên cứu khoa học tìm hiểu về hội chứng này, cũng như lý do vì sao thế hệ trẻ ngày nay lại có mức độ lo âu cao hơn những thế hệ trước.
Rối loạn lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường (cả về cường độ và thời gian). Dù không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi, người bệnh vẫn còn lo lắng, căng thẳng.
1. Đối mặt với những gánh nặng chuyển giao từ thế hệ trước
Những yếu tố như chính sách, khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cũng như chất lượng sống tăng cao đòi hỏi chi phí kinh tế lớn là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên cảm giác không có năng lượng, buồn bã hay mệt mỏi tinh thần ở thế hệ này.
Theo chỉ số sức khỏe của tổ chức “Blue Cross Blue Shield Health”, thế hệ Millennials đang có tỉ lệ trầm cảm tăng cao và nhanh nhất so với những nhóm tuổi khác, cụ thể tăng từ 3 – 4,4%.
Thêm vào đó, những “hi vọng vào một thế hệ tương lai” cũng chính là áp lực mà người trẻ thời nay phải gánh vác. Ngày nay, thế hệ millennials được cha mẹ kì vọng rất nhiều, họ mong muốn con mình có được và làm được những gì họ đã bỏ lỡ trong quá khứ. Theo thống kê, có hơn khoảng 60% người trẻ sau khi tốt nghiệp phổ thông đều học những ngành nghề mà cha mẹ mong muốn.
2. Sức ép vật chất
Theo tổ chức Y tế Mỹ, những vấn đề chính mà thế hệ Millennials phải đối mặt hiện nay liên quan phần lớn đến sức ép vật chất. Gánh nặng này buộc người trẻ hoặc làm thêm giờ hoặc có thêm những công việc ngoài lề để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt nếu muốn lập gia đình. Cảm giác mệt mỏi kiệt quệ trong công việc trở nên phổ biến và nghiêm trọng đến mức được tổ chức Y tế Thế giới coi là “hội chứng.”
Đây là bệnh phổ biến và tăng cao ở những xã hội phát triển. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, có 15% dân số gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người.
3. Cuộc cách mạng IT và những bất cập trong đời sống giới trẻ
Bài báo trên tờ New York Post cho rằng Millennials là thế hệ đầu tiên lớn lên với Internet và mạng xã hội.
“Cuộc cách mạng IT đã thực sự khiến con người ta dễ dàng rời xa nhau, và điều đó khiến những nỗi lo âu ở người trẻ lớn hơn bao giờ hết,” Hugh Mackay – nhà báo người Úc, chia sẻ.
Các thiết bị hiện đại thời 4.0 đã khiến con người ta hạn chế gặp mặt và trò chuyện theo cách truyền thống. Họ dần “rời xa” nhau và phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc điện thoại thông minh. Mọi thứ đều được lưu giữ trong chiếc hộp phát sáng đó, thế hệ Millennials không còn đủ “lí do” cho sự giao lưu, gặp gỡ như trước nữa.
Thêm vào đó, nguồn thông tin quá tải từ các trang báo, mạng xã hội khiến thế hệ trẻ bị choáng ngợp. Việc cập nhật liên tục về cuộc sống của người khác làm cho thế hệ này có thường xuyên có cảm giác thất vọng và bất an về bản thân khi so sánh với người khác. Họ luôn thấy bất an, tự ti và không thoả mãn với những gì mình có.
“Hội chứng sợ bị bỏ rơi” (fear of missing out, hay FOMO) là một hiện tượng thường thấy trong giới trẻ hiện nay. Những người mắc phải hội chứng FOMO này thường có cảm xúc sợ hãi về việc bản thân sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó; cảm giác này ám ảnh người mắc phải rằng những người xung quanh sẽ đạt được thứ gì đó mà mình không được. Từ đó, hội chứng này thôi thúc người mắc phải phải hành động gì đó tại thời điểm thiếu lý trí, dẫn đến quyết định sai lầm, gây ít nhiều hậu quả.
Vẫn có những luồng sáng ở phía cuối đường hầm
Tác giả của 10 cuốn sách về phát triển cá nhân, giáo sư người Mỹ Marty Nemko cho rằng hội chứng nỗi buồn Millennials tuy phổ biến nhưng không phải không có cách đương đầu hay phòng ngừa. Một số người coi việc ngồi buồn bã một góc là chuyện rất bình thường, nhưng điều này kì thực là biểu hiện của những hiện thực tâm lý nguy hiểm hơn cả. Dưới đây là một vài gợi ý thực tiễn để giúp bạn vượt qua hội chứng này.
Chọn công việc thật kĩ càng
Trong cuộc phỏng vấn xin việc, đừng ngại hỏi câu hỏi để giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn với công việc này. Ví dụ, bạn có thể hỏi xem nhà tuyển dụng rằng họ muốn bạn đạt được chất lượng công việc như thế nào trong 30 ngày đầu tiên, hay văn hóa nơi làm việc này khác thế nào so với nơi khác… Hãy tìm hiểu thông tin kĩ càng trước khi nhận công việc chỉ bởi mức lương của nó.
Đúng là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta có rất nhiều công việc có thể được thực hiện qua mạng Internet. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với việc tương tác qua mạng Internet, dù ở bất cứ thế hệ nào.
Ngày trước, làm những công việc không cần sử dụng Internet vốn dĩ là điều bình thường. Bỗng chốc, khái niệm này giờ đây trở thành khái niệm xa xỉ với nhiều người thuộc thế hệ Millennials. Vẫn còn rất nhiều những công việc “bình thường” cần sự xuất hiện của thế hệ . Những công việc này vừa có thể giúp cân bằng gánh nặng tài chính, lại vừa có thể giúp bạn sở hữu một nhịp độ ổn định.
Tìm kiếm niềm vui bên ngoài vật chất
Hội chứng nỗi buồn Millennials còn được thể hiện khi nhiều Millennials thừa nhận rằng họ không tìm được niềm vui ngay cả đã kiếm được nhiều tiền. Chủ nghĩa tiêu thụ suy cho cùng cũng không thể mang lại cảm giác thỏa mãn lâu dài, thậm chí đây còn là nguồn cơn đẩy bạn vào cơn căng thẳng không đáng có. Hãy tìm kiếm niềm vui từ những yếu tố vượt ngoài vật chất như sự sáng tạo, các mối quan hệ hay thiên nhiên.
Tiết kiệm tiền
Hoặc đầu tư với số lượng vừa phải. Tiết kiệm tiền là thói quen không bao giờ vô nghĩa bởi thói quen này không chỉ đơn giản giúp bạn có một khoản để dành mà còn tạo thói quen tốt trong việc cân nhắc cẩn trọng hơn, nhận thức rõ hơn về sự cân bằng giữa giá trị vật chất và tinh thần.
Tham khảo: Vogue Australia, Vietcetera
Thảo luận về bài viết