Trong thời đại kỹ thuật số như ngày nay, việc định hình con đường sự nghiệp không chỉ đơn thuần là lựa chọn một công việc ổn định. Nó giờ còn là hành trình tìm kiếm ý nghĩa và sự thỏa mãn cho chính bản thân về lựa chọn của mình. Thế hệ Millennials (hay còn gọi là Gen Y) và Gen Z, với sự tiếp cận vô hạn đến thông tin và công nghệ, đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc xây dựng sự nghiệp của mình.
Những người trong 2 nhóm này không chỉ mong muốn thành công về mặt tài chính mà còn khao khát tìm thấy sự đồng điệu giữa công việc và giá trị cá nhân. Vậy điều gì là quan trọng nhất để 2 thế hệ này có thể xây dựng một con đường nghề nghiệp vừa có ý nghĩa, vừa phát triển bền vững?
Hãy định nghĩa một ‘sự nghiệp có ý nghĩa’ xem thử…
Thế nào là một ‘sự nghiệp có ý nghĩa’? Đó có thể là làm một công việc mang lại mục đích cho bạn và phù hợp với các giá trị của mình. Nó cũng có nghĩa là sự cân bằng giữa công việc và các khía cạnh của cuộc sống một con người.
Nói xa xôi hơn, ‘sự nghiệp có ý nghĩa’ có thể là một sự nghiệp mang lại cho những người thế hệ Millennials và Gen Z, một cơ hội để là chính mình, đồng thời đóng góp cho thế giới hoặc cải thiện cuộc sống của người khác. Tóm lại, câu trả lời sẽ khác nhau tùy vào mỗi người và thay đổi theo thời gian.
Định nghĩa ‘sự nghiệp có ý nghĩa’ đã khó rồi, đạt được nó còn khó hơn! Bởi, đây là một hành trình của riêng mỗi người và liên quan đến việc xác định các giá trị, đam mê và sở thích của một cá nhân, cũng như cách tìm kiếm những môi trường mà người đó có thể phát triển.
Thế hệ Millennials và Gen Z có điểm giống và khác nhau như thế nào trong hành trình tìm kiếm công việc có ý nghĩa?
Mới đây, một cuộc khảo sát bởi Quỹ tài trợ của gia đình Walton (là thành lập và sở hữu công ty đại chúng Walmart) ở Mỹ cho biết: mục đích ý nghĩa khi làm việc hoặc ở trong trường học chính là yếu tố tiên quyết cho sự hạnh phúc của thế hệ Gen Z. Nếu nhìn rộng ra, chúng ta có thể thấy sự tương đồng này với thế hệ Millennials. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 cũng sẽ giống với đại dịch COVID-19 diễn ra trong năm 2020. Điều này đã khiến cả 2 thế hệ cảm thấy bất an về tương lai vô định.
Điều này không chỉ thể hiện bên trong nội tâm, mà còn chính ở trên thị trường lao động bên ngoài nữa. Nói cách khác, môi trường kinh tế mà họ đang đối mặt không cho phép họ có sự linh hoạt để ưu tiên một sự nghiệp có ý nghĩa.
Cả thế hệ Millennials và Gen Z đều nhấn mạnh giá trị của một môi trường làm việc hợp tác và toàn diện. Họ mong muốn nhà tuyển dụng ưu tiên sức khỏe của họ bằng cách quản lý khối lượng công việc và cho họ sự tự chủ trong công việc. Hơn nữa, cơ hội đào tạo và phát triển, gói lợi ích và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, đều là những thứ mà 2 thế hệ này quan tâm nhất. Ở tầm vĩ mô, cả 2 nhóm cũng mong muốn công việc của họ mang lại giá trị cho tổ chức hoặc xã hội rộng hơn.
Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau giữa thế hệ Millennials và Gen Z. Nhưng điều này lại liên quan đến tuổi tác hơn là giữa bản tính của 2 nhóm này.
Gen Z cảm thấy rằng: do đại dịch có quá nhiều sự bất định, vì vậy họ muốn có một nơi mang lại sự ổn định công việc nhiều hơn. Họ cũng cảm thấy rằng một nơi có tiếng tăm và uy tín tốt sẽ giúp họ có sự an toàn về con đường nghề nghiệp hơn là sự vô định.
Thế hệ Millennials, hiện đang có con cái và hầu như đã ổn định cuộc sống, đặt nặng hơn vào việc muốn có một đi làm gần nhà hơn và giảm bớt việc công tác. Họ sẽ có xu hướng tạo ranh giới giữa cuộc sống gia đình và công việc, tuy nhiên, nữ giới sẽ thường yêu cầu điều này hơn nam giới.
Thế hệ Millennials và Gen Z ưu tiên các yếu tố khác nhau trong công việc tùy thuộc vào giai đoạn cuộc sống của họ. Khi các trách nhiệm chăm sóc gia đình bắt đầu hiện hữu, thì định nghĩa của về một sự nghiệp có ý nghĩa có thể thay đổi theo thời gian.
4 bước để thế hệ Millennials và Gen Z xây dựng một sự nghiệp có ý nghĩa
Khi đã xác định được một sự nghiệp ý nghĩa sẽ trông như thế nào đối với bản thân, bạn có thể bắt đầu vạch ra những bước cần làm để có thể phát triển nó. Hãy nhớ rằng, việc điều chỉnh công nghiệp của bạn theo các giá trị, đam mê và sở thích của mình là một quá trình liên tục, và hoàn toàn bình thường khi những điều này thay đổi theo thời gian.
1. Môi trường của bạn như thế nào?
Hãy dừng lại và nhìn quanh môi trường làm việc và những cách bạn có thể thay đổi để phát triển. Ví dụ, một người khuyết tật bắt buộc phải ở nhà thì không thể lên công ty để làm việc hoặc kiểu hybrid được.
Ngược lại, nếu bạn sống một mình hoặc trong một ngôi nhà chung mà không có không gian để làm việc, bạn có thể tìm thấy các vị trí mà bạn có thể giao tiếp trực tiếp với người khác và luôn di chuyển.
2. Không ngừng học hỏi
Giáo dục không nhất thiết phải bắt đầu hoặc kết thúc với việc học chính quy. Hãy cam kết học tập suốt đời bằng cách đón nhận sự phát triển cá nhân trong suốt sự nghiệp của bản thân. Hãy thử nâng cấp kỹ năng nghiệp vụ hoặc học lại/học cái mới liên quan đến ngành của bạn. Ngoài ra, bạn có thể rẽ hướng sang những con đường sự nghiệp khác.
Một người có thể từng làm việc trong lĩnh vực công nghệ với vai trò quản lý dự án. Mặc dù học hỏi được rất nhiều, nhưng công việc đó không mang lại cho họ mục đích và ý nghĩa. Từ đó, họ có thể chuyển hướng sang mảng tuyển dụng, giúp sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm. Chính điều này có thể mang lại ý nghĩa cho người đó hơn.
3. Xây dựng mạng lưới nghề nghiệp của mình
Bạn có thể không cần phải tự mình tìm hoặc xây dựng một sự nghiệp có ý nghĩa đâu. Việc phát triển một mạng lưới mối quan hệ rộng rãi có thể cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về các ngành công nghiệp, tổ chức hoặc vai trò khác, và có thể giúp bạn tiếp cận được các cơ hội mới trong tương lai.
Nếu có thể, hãy gặp gỡ một cố vấn nghề nghiệp. Họ là những người có đủ trình độ để giúp đỡ bạn trong con đường xây dựng sự nghiệp có ý nghĩa. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi người thân và đồng nghiệp (cũ) của bạn.
4. Hãy luôn chân thật với bản thân và linh hoạt với hoàn cảnh khi cần
Vì xây dựng một sự nghiệp có ý nghĩa là thuộc về mỗi cá nhân, chính vì thế, bạn phải giữ vững những giá trị của chính bản thân mình tin vào. Nếu bạn biết giá trị và mục đích của mình, bạn có thể sẵn sàng điều chỉnh công việc theo chính con người thật của mình. Nhưng, nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu giá trị của mình hoặc đang mắc kẹt trong một vị trí không phù hợp thì đừng hoảng sợ, bởi không bao giờ là quá muộn để thay đổi cả.
Không phải công việc nào mà bạn chọn cũng sẽ hoàn toàn phù hợp với các giá trị của bản thân cả. Bạn vẫn có thể học các kỹ năng và sử dụng thời gian này để tinh chỉnh cái định nghĩa của bạn, về một sự nghiệp có ý nghĩa sẽ trông như thế nào. Còn nếu thực tế quá ‘phũ phàng’ và nó không đáp ứng được kỳ vọng của bạn, thì cũng đừng ngại. Hãy thử điều gì đó mới, hoặc tìm kiếm mục đích của mình bên ngoài công việc.
Xem thêm: Cách để đối phó với ‘languishing’ (chán nản) vì công việc