Năm 2020, vì dịch bệnh và cách ly xã hội mà các cửa hàng phải tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, thu nhập của các gia đình cũng phần nào bị ảnh hưởng nên những người trẻ cũng bắt đầu phải thắt eo buộc bụng, hạn chế việc sắm sửa áo xinh váy đẹp. Việc mua sắm và chăm chút cho bản thân chưa bao giờ là bài toán khó như thế.
Lúc đó chúng ta bắt đầu dành thời gian ở nhà và thắc mắc mẹ mua quần áo ở đâu? Bởi vì không giống như bọn trẻ chăm chỉ đi shopping hay đặt quần áo online, thị trường mua sắm quần áo của mẹ là một bức tranh khác hẳn.
Chuyện ăn mặc đối với phụ nữ luôn là một chủ đề vô cùng sôi nổi mỗi khi nhắc đến. Nhất là trong thời đại ngày càng phát triển như hiện nay thì chuyện ăn mặc như thế nào, diện đồ ra làm sao cũng được chị em phụ nữ quan tâm hơn cả.
Mỗi bà mẹ là mỗi phong cách và sở thích khác nhau. Có người sẽ chọn cho mình những bộ trang phục “đo ni đóng giày” để phù hợp với số đo cơ thể, người lại tranh thủ đi chợ ghé vào những sạp quần áo để lựa cho mình những bộ đồ thoải mái nhất, người lại cùng con gái dạo phố shopping. Mỗi bộ quần áo mẹ mặc đều là một câu chuyện, mà nếu không để ý, sẽ chả ai trong chúng ta thử thắc mắc xem rốt cuộc thì “mẹ mua quần áo ở đâu?”
Mẹ đi may quần áo
Một điều kỳ lạ là dù lên Shopee đặt hàng một cái là trang phục sẽ chuyển đến tận nhà, ra cửa hàng chút xíu là sẽ có đủ mẫu mã quần áo để mặc thử, mẹ vẫn giữ thói quen đi may đồ. Mẹ nói mấy món đồ may đó không chỉ độc đáo, vừa vặn, mà còn là cách để mẹ tự lưu giữ những hoài niệm xưa cũ. Ngày bé, quần áo của mẹ thường được chính tay bà cắt vải may đo, đến khi mẹ mang thai cũng chính tay bà chọn từng xấp vải khâu đồ cho cháu. Hình ảnh bà ngồi bên cửa sổ, tiếng máy may dập đều trong gió hè có lẽ đã in hằn vào tâm trí của mẹ tới nỗi dù chẳng phải đồ bà tự tay làm, mẹ vẫn trân trọng từng chiếc khuy được đơm thủ công, những đường chỉ vắt mềm mại trên nếp áo được làm riêng cho chính mình.
Một công đi may, một lần đo số, mẹ thường tiện thể nhờ người ta làm luôn ba, bốn bộ trang phục. Có thể vì mẹ muốn tranh thủ công đi lại, cũng có thể là do mẹ muốn nán lại ở cửa hàng lâu hơn chút nữa. Vừa bàn về các mẫu muốn may, vừa đắm mình trong không gian khác lạ. Mỗi khi bước vào cửa hàng may, người ta đều có thể cảm nhận được bầu không khí khá đặc biệt. Cũng là những bộ quần áo được là phẳng treo trên giá, cũng là những chồng vải được xếp gọn lên nhau, nhưng mọi thứ ở nơi này thường phảng phất chút gì đó chậm dãi và hoài cổ. Ai cần tiếp khách đo cơ thể thì cứ đo, ai nheo mắt luồn kim hoặc cúi đầu cắt vải thì cứ làm. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng và tuần tự theo cách riêng của nó. Có lẽ khi trực tiếp nhìn thấy trang phục của mình được cắt xén cẩn thận, màu chỉ được chọn tỉ mỉ theo màu vải cần khâu, theo dõi cách từng người thợ đơm cúc áo bắt đầu từ ô nào thì đường chỉ thật êm mượt và sáng bóng, mẹ thấy rằng mình đang góp phần lưu giữ những nhà may nhỏ đang ngày một ít dần.
Mẹ đã từng buồn thiu khi biết tin cô Nga may đo đầu ngõ đóng cửa nghỉ nghề vì ế khách. Bác Thanh bán vải cuối ngõ cũng chuyển sang bán tạp hoá vì người mua vải buôn sẽ chả ghé qua gian hàng nhỏ đó, người mua vải lẻ lại chả có mấy ai. Chưa kể con cái cũng không cần học thêu thùa may vá để tiện lấy chồng nữa. Vậy là một thói quen thuộc xưa cũ lại dần dần mất đi.
Nhưng các mẹ có một khả năng rất kì lạ là, dẫu cuộc sống có biến chuyển thế nào, giới trẻ có thay đổi không ngừng ra sao, những người phụ nữ thuộc thế hệ trước vẫn có thể vừa thích nghi, vừa giữ lại những nét đẹp đầy hoài niệm xưa cũ. Mỗi lần bước chân ra tiệm may là một lần mẹ cố gắng đếm ngược thời gian duy trì nề nếp cũ. Mỗi lần ai khen bộ đồ của chị đẹp quá là một lần mẹ cười rạng rỡ và nói: “Thế à, đồ chị tự may đó.”
Sự hài lòng nho nhỏ đó, lưu lại trong chất giọng nhẹ tênh đầy thảnh thơi và sự uyển chuyển của từng nếp gấp trên bộ đồ mẹ đặt may riêng cho chính mình.
Khi sạp chợ gần nhà là nơi các mẹ thủ thỉ trò chuyện
Chợ là nơi các bà, các mẹ nội trợ gặp nhau và trò chuyện hằng ngày. Mẹ đi chợ không chỉ để chuẩn bị cho cả nhà một bữa cơm ngon miệng, mà còn rất hay “tiện chân” tấp vào các sạp quần áo.
Quần áo ở sạp chợ là những bộ quần áo dễ mua, dễ mặc, giá thành lại rất hợp túi tiền với các bà mẹ. Có một điều khó chối cãi là thời trang ở chợ thường rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, họa tiết; và lại còn bắt trend rất nhanh. Dù thiết kế không bắt mắt và sang trọng như những cửa hàng thời trang đắt đỏ, quần áo trong chợ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những bà mẹ “miền Tây.”
Đồ bộ – hay còn được gọi đồ bông, đồ tole, là trang phục thân quen trong bất kì ngôi chợ Việt Nam nào. Cho đến bây giờ dù là ở miền Tây hay Sài Gòn thì cũng sẽ dễ dàng tìm ra một sạp bán hoặc may đồ bộ tại chỗ. Họ vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu xem mỗi năm có loại vải nào mới, kiểu nào mốt rồi may sẵn để đó bán dần cho khách hoặc làm theo yêu cầu.
Mọi người hay chê đồ bộ xấu, ngay cả những fashionista nổi tiếng nhất mặc lên cũng có thể bị dìm dáng tới lui. Nhưng mẹ lại có thể “cân” được tất cả những trang phục này, biến nó thành một vẻ đẹp mà mà chỉ có “khí chất” toát ra từ tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đầy bình dị mới có thể tôn lên được.
Bởi với mẹ, chiếc áo bông viền đen chấm bi xanh mà mình hay chê giống than tổ ong của người ngoài hành tinh mặc thật mát. Vì là vải tole nên độ co dãn tốt khỏi chê, mặc nhà luôn cảm thấy thoải mái và mát mẻ vì khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt. Thêm vào đó, vì là áo tối màu nên mẹ hay bảo nhỡ có cũ hay bẩn thì vẫn có thể giấu tiệt đi không ai biết được.
Hoặc như chiếc satin cổ tim màu đỏ, in họa tiết hình lá cây dừa nằm ngổn ngang, xoay chuyển hoang mang như cảm xúc của mình mỗi lần thấy mẹ diện. Nhưng thật kỳ lạ, mỗi lần về nhà hét lớn “mẹ ơi”, ta đã có thể lập tức thấy được mẹ ở đâu trong căn nhà nhỏ của mình nhờ chiếc áo rất mực nổi bật này.
Vì tính thông dụng và độ phổ biến của mình mà đồ bộ được xem là nếp sống, là nét văn hóa đặc trưng thật duyên của người phụ nữ Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng, nhưng từ khi nào người ta lại bảo “mặc đồ bộ là sến, là quê đến thế”?
Nhiều ý kiến cho rằng đồ bộ thì chỉ nên mặc khi cần đi đâu đó nhanh chóng gần nhà – như đi đổ rác, lấy hàng giao đến nhà, còn đi chơi thì không chấp nhận được, vì nó mang lại cảm giác hơi xuề xoà và có chút không lịch sự. Thêm nữa là vì vải may đồ bộ thường có họa tiết màu mè, rối rắm, vải dễ giãn nên tạo cảm giác luộm thuộm cho người mặc. Bởi thế phụ nữ “hiện đại” ngày nay thường sẽ chọn cho mình những bộ pijama, quần thun – áo phông, hay những chiếc váy đầm xinh xẻo mặc nhà.
Lần xôn xao khắp mạng xã hội cách đây vài tháng, về bốn vị khách mời nữ nổi tiếng có những lời chê bai hình ảnh người phụ nữ mặc đồ bộ trên sóng truyền hình. “Sợ nhất là nhìn hình ảnh của những người mặc đồ bộ đúng kiểu chợ, loại có vải “bèo bèo”. Thậm chí là lấy xe máy chạy vòng vòng, không thể hiểu nổi tại sao có thể mặc bộ đồ như vậy ra đường?”
Lời chia sẻ thẳng thắn của MC Đại Ngọc Trâm tại chương trình Siêu Mom Siêu Tám đã khiến cộng đồng mạng dấy lên câu hỏi “Có nên mặc đồ ở nhà ra đường hay không?”
Thật ra thì chọn cái nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Chưa kể mặc gì còn là quyền tự do mỗi người nên chẳng thể nào cho một cái kết là ai đúng ai sai. Trong cuộc sống này chúng ta có thể chấp nhận sự tồn tại giữa khái niệm sang và không sang, hiện đại hay không hiện đại, nhưng nó không có nghĩa là chúng ta được quyền xem thường nhau và hủy bỏ những giá trị tinh thần, tâm hồn của người khác.
Kể ra đồ bộ cũng duyên dáng, mộc mạc và “đời” lắm. Đến tận thời điểm hiện tại, đồ bộ vẫn là thứ nuôi sống rất nhiều thế hệ, những người làm nghề may vá, buôn bán ở khắp các ngôi chợ trải dài từ miền Tây lên tới Sài Gòn. Nó còn là thứ song hành, chứng kiến dòng đời của các bà, các mẹ và cả thế hệ trẻ ngày nay với biết bao ký ức ngọt ngào. Với họ, những bộ đồ kia mặc không phải là để sao cho mốt, cho sành điệu, mà quan trọng là phải tiện, làm gì cũng dễ và nhất là lại còn rẻ.
Hai mẹ con mình đi shopping cùng nhau
Người ta thường nói, khi có con gái tức là người mẹ có thêm một người bạn nhỏ để cùng đi chợ, nấu nướng, tâm sự, cùng đi mua sắm, đến hiệu làm đẹp, và làm ti tỉ việc đáng yêu khác của chị em phụ nữ. Mẹ đi mua sắm cùng con thường là những bà mẹ rất hiện đại, rất 4.0. Bởi gu thời trang của giới trẻ không phải người mẹ nào cũng “ngấm” nổi, nhưng một khi đã thích rồi thì cứ mỗi cuối tuần lại nghe mẹ rủ, “bé ơi đi mua đồ với mẹ không.”
Đi mua sắm cùng mẹ quả thật sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác với mua sắm cùng bạn bè. Mua đồ cùng mẹ thì hai mẹ con hủ hỉ với nhau, đưa ra những lời khen, lời chê thật lòng nhất bởi cả hai đều muốn người còn lại trở nên thật xinh đẹp. Lâu lâu mẹ sẽ chê ỏng chê ẹo về việc con gái tăng cân không mặc vừa chiếc quần này. Lắm lúc lại bảo kiểu áo này làm mẹ trông dừ hơn đó. Và cái vui nhất, đó là khi shopping cùng mẹ, mọi chiến lợi phẩm rinh về đều được mẹ chi trả, con gái chẳng phải bỏ tiền túi sắm sửa nữa.
Hai mẹ con như hai chị em vậy. Có mẹ mặc quần áo cùng style, cùng kích cỡ thì cần gì một người chị gái nữa. Tủ đồ của mẹ cũng là tủ đồ của con. Mỗi tuần mẹ lại rủ rê con gái mua đồ cùng mẹ. Dạo hết khu này đến khu kia, ba lại cứ đau đầu vì năm ba chiếc túi giấy nặng chịch những bộ quần áo mà mẹ con mới sắm.
Không giống với khi thử đồ cùng bạn, đôi lúc sẽ ngại ngần không muốn vào thử chung một phòng, nhưng lại gặp ngay chiếc dây kéo “trời đánh” kéo mãi không lên. Có mẹ đi shopping cùng thì hai mẹ con cả ngày ở phòng thử, thử hết bộ này đến bộ kia, “hậu thuẫn” cho nhau để kéo dây, buộc nơ, vui còn gì bằng!
Đi shopping cùng mẹ, lâu lâu lại được nghe mẹ kể về mấy chuyện ngày xưa, mẹ cũng đi sắm sửa quần áo với ông bà ngoại, với các dì, các cô bạn mẹ. Thường ngày đi làm tối mày tối mặt, thời gian để ngồi trò chuyện riêng với mẹ cũng ít. Những lúc hai mẹ con lượn lờ shopping bỗng chốc trở thành “dịp làm thân”, nói đủ thứ chuyện trên đời. Mình thì đỡ căng thẳng trong việc học, việc làm, còn mẹ thì cười quên lối về.
Ngày nay, những tiệm thời trang mới mở lại rất đa dạng phong cách, nên cũng không phải sợ đồ trông “dừ” với con quá hay màu này mẹ mặc có “nhoi” quá không. Cũng tùy vào gu thời trang mà nhiều cửa tiệm đã trở thành điểm hẹn hò quen thuộc của hai mẹ con. Không khó để bắt gặp hình ảnh mẹ và con gái dạo khắp các cửa hàng quần áo lớn nhỏ trong thành phố.
Thảo luận về bài viết