Networking – khả năng thiết lập và xây dựng mạng lưới mối quan hệ – đã trở thành một trong những kỹ năng không thể thiếu trong xã hội ngày nay. Với nhiều người, đặc biệt trong giới kinh doanh, thì những buổi hẹn cà phê, những bữa ăn trưa, các cuộc hội nghị, các nền tảng giúp thiết lập mạng lưới mối quan hệ như LinkedIn là những “cơ hội vàng” để giúp sự nghiệp phát triển. Nhưng số khác lại thấy những thứ kể trên chỉ tốn thời gian và đem lại nhiều phiền phức.
Vậy, ý nghĩa của networking là gì? Và liệu nó có thật sự hiệu quả trong việc thúc đẩy hiệu suất hay cách một người nhìn nhận về công việc của họ?
Dù chủ động hay miễn cưỡng thì đến một lúc nhất định, chúng ta đều cảm nhận được nhu cầu mở rộng mạng lưới mối quan hệ, vì thiên lệch nhận thức rằng vòng tròn xã hội của mình lúc nào cũng nhỏ hơn so với một ai đó khác. Không chỉ người có khuynh hướng hướng ngoại, mà người hướng nội cũng có suy nghĩ này. (Popularity, Similarity, and the Network Extraversion Bias – Daniel C. Feiler & Adam M. Kleinbaum, 2015)
Như vậy, nhu cầu thiết lập mạng lưới mối quan hệ có tồn tại. Nhưng nó hữu ích đến mức độ nào? Để giải đáp câu hỏi này, nhà khoa học tâm lý Judith Volmer (ĐH Bamberg, Đức) đã cùng các cộng sự tìm cách chứng minh giả thuyết “những người thực hiện networking mỗi ngày không chỉ thấy lạc quan với sự nghiệp mà hiệu suất làm việc của họ cũng cao hơn, đặc biệt nếu họ là những người có nhu cầu liên kết xã hội cao”.
Những tình nguyện viên tham gia vào thí nghiệm của nhóm nghiên cứu là những người làm việc chủ yếu trong môi trường văn phòng, phần lớn trong số đó đều có bằng cấp cao. Tình nguyện viên được yêu cầu hoàn thành một số bài test đánh giá tâm lý về những hoạt động networking hay thực hiện, cũng như nhu cầu liên kết xã hội của họ. Trong một tuần sau đó, tình nguyện viên tiến hành báo cáo mỗi ngày về các hoạt động networking, mức độ nhiệt tình và hiệu suất công việc của họ trong ngày.
Kết quả cho thấy, mối quan hệ giữa networking với mức độ lạc quan trong công việc thể hiện rõ ràng nhất ở những người có nhu cầu liên kết xã hội cao. Với những người có nhu cầu liên kết xã hội thấp hơn, các hoạt động networking hầu như không đem đến thay đổi gì đáng kể trong cách họ nhìn nhận công việc của mình. Tuy nhiên, nó lại ảnh hưởng đến hiệu suất – càng nỗ lực thiết lập mạng lưới mối quan hệ, hiệu suất công việc càng giảm đi.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu lý giải rằng networking là một hoạt động đòi hỏi thời gian và năng lượng, do đó có thể dẫn đến việc chậm trễ hoàn thành công việc. “Kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc thiết lập mạng lưới mối quan hệ hằng ngày có thể trở thành con dao hai lưỡi. Nếu là người có nhu cầu liên kết xã hội cao, bạn sẽ hưởng được lợi ích từ hoạt động này. Nhưng với người có nhu cầu liên kết xã hội thấp hơn, networking chẳng những không giúp được gì mà thậm chí còn gây bất lợi.”
Tuy vẫn còn nhiều hạn chế khi chỉ dựa vào đánh giá chủ quan của tình nguyện viên về các hoạt động, thái độ, và hiệu suất công việc, nhưng nghiên cứu trên cũng mang lại ý nghĩa nhất định cho các tổ chức và những đơn vị cố vấn nghề nghiệp trong việc xây dựng một cơ chế đánh giá, huấn luyện, và khen thưởng phù hợp cho nhân viên cũng như ứng viên tiềm năng.
Chủ đề này vẫn có thể tiếp tục được nghiên cứu và phát triển hơn nữa trong tương lai, chẳng hạn như bao gồm cả ý kiến đánh giá từ đồng nghiệp và người giám sát thay vì chỉ lấy ý kiến chủ quan; mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu sang các chuyên gia, doanh nhân, hoặc người nghiên cứu học thuật thay vì chỉ nghiên cứu nhân viên văn phòng; và cuối cùng là tiến hành đánh giá chi tiết hơn về các đặc điểm tính cách cá nhân thay vì chỉ tính đến nhu cầu liên kết xã hội.
(Nguồn: Psychological Science)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thiên kiến nhận thức (cognitive bias) – Vì không biết mình sai nên cứ đâm đầu
Liệu một nụ cười có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn?
Những đặc điểm trên khuôn mặt tác động đến ấn tượng của người khác với bạn thế nào?
Thảo luận về bài viết