#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt
Đời sống mọi mặt của cư dân Nam kỳ vào đầu thế kỷ 20 được tái hiện lại chi tiết và sống động không phải qua lời văn từ những nghiên cứu, bài viết, tiểu luận,… mà qua nét vẽ chuyên nghiệp của hàng trăm bức họa trong Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương.
Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương
Bộ Chuyên khảo (The Monograph of Fine Drawings of Indochina / Monographie Dessinée de L’Indochine) được thực hiện bởi các học sinh của Trường Mỹ nghệ Gia Định (l’École d’Art de Giadinh, tiền thân của Đại học Mỹ thuật TP.HCM) theo sự chỉ đạo của ông J.G. Besson (Thanh tra các trường Mỹ thuật Nam kỳ kiêm Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Gia Định). Đây là một tuyển tập những bức ký họa miêu tả phong cảnh, công trình, đời sống sinh hoạt của người Việt thời kỳ đầu thập niên 1930.
Theo lời nhiếp ảnh gia Pháp gốc Việt, Quang Lâm, có tổng cộng 8 bộ gồm 40 bức vẽ/bộ và đề tài riêng. Những ai am hiểu tranh ảnh Đông Dương sẽ nhận ra một số bức vẽ lấy đề tài từ các tấm bưu thiếp hoặc ảnh chụp khá nổi tiếng được công bố vào khoảng năm 1900-1910 (Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 38, 6/10/2013).
Các bức vẽ trong Chuyên khảo được thực hiện theo dạng vẽ tả chân xã hội – kỹ thuật vẽ phổ biến mà học viên tại các trường mỹ nghệ thực hành ở Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trước năm 1975 đều được dạy. Đối với dạng vẽ này, đầu tiên người vẽ sẽ thực hiện ký họa bằng bút sắt, sau đó tô màu nước. Hiệp hội họa sĩ, thợ chạm khắc và in litô Gia Định (Association Corporative des Décorateurs, Graveurs et Lithographes) – đã cho in các tác phẩm trên bằng kỹ thuật in litô (in thạch bản) và tổng hợp thành Vựng tập về Thương mại, Văn hóa, Lãnh thổ, và Con người đất Gia Định. NXB Paul Geuthner (Éditions Geuthner – Pháp) sau cho in thành Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương.
Những nét chấm phá sống động rất riêng của đời sống cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20 dẫu chưa hoàn toàn được gọi là đầy đủ, nhưng ở góc độ sinh hoạt kinh tế, văn hóa, tâm linh… đã phác họa khá tinh tế làm nổi bật những đặc trưng của cư dân Nam kỳ đầu thế kỷ 20.
Ký họa về Đông Dương – Nam kỳ
Năm 2015, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chọn lọc và xuất bản ấn phẩm Ký họa về Đông Dương – Nam kỳ.
Sau khi ra mắt, ấn phẩm đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trong và ngoài nước, bởi bên cạnh giá trị nghệ thuật đặc sắc, ấn phẩm còn giúp hiểu thêm về nếp sinh hoạt, lao động của các thế hệ đi trước, qua đó càng thêm trân trọng nét văn hóa truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người dân Nam kỳ xưa, trong đó có Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Ấn phẩm gồm nhiều hình ảnh minh họa đen-trắng và màu, được chú thích bằng ba ngôn ngữ Anh – Pháp – Việt, với những chủ đề như:
Phong cảnh Sài Gòn xưa
Cảnh sinh hoạt của người dân
Phong tục, tập quán
Tóc sau khi búi có thể bọc thêm túi lưới tròn, giắt thêm khúc lược để giữ cho tóc không bị sút đồng thời tiện để lấy ra chải búi lại khi cần.
Bới đầu bánh lái “ba vòng một ngọn”: kiểu búi tóc phổ biến của phụ nữ Nam kỳ, người thuộc tầng lớp nào cũng có thể sử dụng kiểu búi này, chỉ khác nhau ở phần trang sức giắt trên búi tóc. Kiểu này làm khá công phu và cần tóc rất dài, ai tóc ngắn hoặc ít tóc phải kết thêm “tóc mượn”. Gọi là bánh lái vì tóc uốn cong 3-4 vòng (thường được giắt bên thuận tay của người búi tóc) cùng chung 1 ngọn nhìn như cái bánh lái của con tàu. Hiện nay kiểu tóc này hầu như đã thất truyền.
Các kiểu guốc, dép của phụ nữ Nam kỳ xưa
Những tác phẩm trên từ những tác giả đa phần “vô danh”, chỉ được biết đến qua tập thể đại diện của họ là Trường Mỹ thuật Gia Định. Họ không lưu lại tên tuổi hoặc chỉ lưu trên tranh thông qua chữ ký, nhưng họ đã góp công sức không nhỏ trong việc lưu giữ lại những ký ức xa xưa sống động và trực quan về đất Nam kỳ đầu thế kỷ 20.
Thảo luận về bài viết