Ai mà chả có lúc muốn gục đầu xuống bàn làm việc sau một ngày tồi tệ. Nhưng thay vì đắm chìm trong sự tiêu cực đấy, ta có thể làm gì để xoay chuyển tình thế hiện tại?
Khi trải qua một ngày tồi tệ ở chỗ làm, tâm trí ta thường bị cuốn vào những suy nghĩ buồn bã. Nó giống như thể có ai đó đã làm mờ ánh sáng xung quanh bạn, khiến mọi thứ trở nên tối tăm và ảm đạm vậy.
Bạn sẽ dễ dàng mất bình tĩnh hơn hoặc phản ứng không tốt trước những bất tiện nhỏ nhặt, và nhìn người khác với ánh mặt “thù hận” như đang cố ý chống lại bạn, chỉ ra những sai sót và điểm yếu của mình.
Những bất đồng bình thường giờ đây biến thành sự công kích cá nhân, và những xung đột nhỏ trở thành vấn đề lớn. Tâm lý bi quan bắt đầu xuất hiện, làm tăng thêm cảm giác tiêu cực khi tâm trí bạn chỉ tập trung vào những điều tồi tệ, trong khi những điều tích cực dần bị lãng quên.
Chỉ một sai lầm, một sự bất thường, hay một sự kỳ vọng không được đáp ứng cũng đủ khiến bạn cảm thấy như cả cuộc đời mình đang sụp đổ. Bạn bắt đầu tự vấn về tất cả các lựa chọn trong cuộc sống — mặc dù có thể chúng chẳng liên quan gì đến hiện tại.
Càng nghĩ về sự bất công hay hoàn cảnh tồi tệ đấy, bạn càng rơi vào cảm giác ủ rũ hơn; rồi tất cả những căng thẳng, lo âu và bất mãn từ chỗ làm cũng len lỏi vào cuộc sống gia đình.
Nếu đã gặp hoàn cảnh như trên, sẽ có 4 bước bạn cần làm để ngăn chặn một ngày tồi tệ đấy biến thành cả một tuần u ám.
Bước 1: Chấp nhận những cảm xúc gây ra bởi ngày tội tệ ở chỗ làm đấy
Khi trải qua một ngày tồi tệ tại nơi làm việc, cảm xúc mạnh mẽ thường kiểm soát tâm trí và cơ thể ta. Bạn có thể cảm thấy tức ngực, tim đập nhanh, tay ướt đẫm mồ hôi, hay chán ăn,… Những gì bạn cảm nhận qua cơ thể cũng ảnh hưởng đến tâm trí — và những điều đã kích thích cảm xúc tiêu cực cứ lặp đi lặp lại trong đầu bạn.
Nếu đã nhiều năm né tránh các cảm xúc tiêu cực này, đối mặt với chúng có thể khá là đáng sợ; thế nhưng, việc phớt lờ những biểu hiện đấy sẽ không làm cải thiện tình hình hay cảm xúc của bạn đâu. Mà ngược lại, càng né tránh hoặc phủ nhận rằng có điều gì đó sai trái, bạn càng cảm thấy tồi tệ hơn. Tâm lý học gọi điều này là tránh né cảm xúc.
Thay vì kìm nén hay đẩy chúng ra xa, hãy học cách chấp nhận cảm xúc của mình. Chấp nhận ở đây không có nghĩa là cho rằng chúng đúng, mà là cho những cảm xúc thật sự của mình được tồn tại mà không phán xét hay cố thay đổi chúng.
Cách đương đầu với những cảm xúc tiêu cực này hiệu quả hơn nhiều, bởi việc chấp nhận và thừa nhận nó sẽ tiêu tốn ít năng lượng hơn so với việc đẩy chúng đi. Chấp nhận cảm xúc giúp bạn biến sự ám ảnh thành năng suất, biến vấn đề thành giải pháp, và biến trở ngại thành cơ hội.
Để thực hiện điều này, ta cần:
- Xác định chính xác điều gì đã kích hoạt cảm xúc tiêu cực của bạn.
- Hãy tập trung vào việc bạn có thể làm gì lần tới để tránh tình huống tương tự.
- Nếu ai đó là nguồn cơn của nỗi buồn, đừng coi đó là sự phản ánh của con người mình. Hành vi xấu của họ không hề nói lên con người bạn.
Chấp nhận cảm xúc là bước đầu tiên để lấy lại cân bằng và chuyển hoá năng lượng tiêu cực thành tích cực ở chỗ làm lẫn cuộc sống.
Bước 2: Tự cảm thông cho bản thân
Một ngày tồi tệ tại chỗ làm sẽ không làm cho danh sách đầu việc của bạn biến mất đâu, mà bây giờ nhìn nó chỉ khiến ta “nhức nhức cái đầu” mà thôi! Khi thế giới nội tâm của bạn rối loạn, tương lai bỗng trở nên ảm đạm. Với ít nguồn lực tinh thần hơn, bạn khó có thể tập trung vào những công việc phía trước, thậm chí những nhiệm vụ đơn giản vốn dĩ bạn có thể hoàn thành dễ dàng nay cũng trở thành thử thách.
Trong tình huống này, hầu hết mọi người thường phản ứng theo 2 cách:
- Một là chỉ trích bản thân: Họ quá khắt khe với bản thân vì không thể làm tốt nhất có thể.
- Hoặc là cố gắng gồng mình vượt qua: Nghĩa là ép bản thân phải tiếp tục làm việc mặc kệ cảm xúc.
Cả 2 cách này đều không hiệu quả. Việc tự trách móc về những thiếu sót của mình chỉ khiến bạn thêm mất động lực mà thôi. Tương tự, việc cứ tự nhủ rằng “đừng căng thẳng nữa và tiếp tục thôi” có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và sự an lành của bạn.
Thay vào đó, ta có 1 con đường khác — một con đường không đòi hỏi bạn phải phán xét hay đánh giá bản thân. Bạn không cần gán cho mình nhãn mác “tốt” hay “xấu,” mà hãy học cách chấp nhận chính mình bằng một trái tim rộng mở.
Thay vì nghiêm khắc phán xét hay chỉ trích bản thân vì những thiếu sót hay thất bại, lòng tự cảm thông cho mình nghĩa là bạn đối xử với bản thân bằng sự tử tế và thấu hiểu khi đối mặt với những khó khăn cá nhân. Thay vì lờ đi nỗi đau với thái độ cứng rắn chịu đựng, bạn dừng lại và tự nhủ: “Hiện tại, mọi thứ đang thực sự khó khăn. Mình có thể làm gì để xoa dịu và chăm sóc bản thân trong lúc này?”
Tự cảm thông nghĩa là đối diện với những lỗi lầm và thất bại bằng sự tử tế và thấu hiểu, thay vì để chúng định hình giá trị bản thân hay làm ta nghĩ rằng bản thân không xứng đáng. Đó là tự trao cho chính mình sự ấm áp, cảm thông và cái nhìn tích cực, giống như cách bạn sẽ làm khi an ủi một người bạn trong hoàn cảnh khó khăn.
Tự cảm thông với bản thân có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng phục hồi cảm xúc và sự an lành về tâm lý. Nó cũng giúp giảm xu hướng né tránh thường xuất hiện khi đối mặt với cảm xúc tiêu cực. Hơn nữa, những người có lòng cảm thông cho bản thân thường có mức độ lo âu và trầm cảm thấp hơn, ít bị ám ảnh hay cố gắng kìm nén cảm xúc tiêu cực, lạc quan hơn, và có khả năng chủ động cao hơn.
Thay vì cố gắng gượng ép vượt qua một ngày tồi tệ, hãy cứ tử tế với chính mình đi. Tạm hoãn đưa ra những quyết định quan trọng hoặc làm những việc đòi hỏi sự tỉnh táo. Chăm sóc bản thân khi tâm trạng không tốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc cố gắng làm cho xong việc.
Bước 3: Điều gì mang bạn trở lại trạng thái tích cực?
Khi có một ngày tồi tệ ở chỗ làm, việc bắt tay thực hiện bất cứ điều gì khiến ta cảm thấy tràn đầy năng lượng đều có thể thay đổi tâm trạng của bản thân. Nó giúp bạn chuyển sang một trạng thái tinh thần khác, tạm thời thoát khỏi những điều tiêu cực, dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Hãy xem thử điều gì mang lại năng lượng cho bạn? Điều gì khiến bạn tập trung, quên đi thời gian? Điều gì làm bạn hạnh phúc? Đó không nhất thiết phải là một mục tiêu hay nhiệm vụ trong danh sách công việc — chỉ cần làm bất cứ điều gì giúp bạn gạt bỏ áp lực kỳ vọng và cảm thấy tự do là đủ rồi.
Kết quả của hoạt động đó cũng không hề quan trọng. Điều mà ta cần biết là liệu cảm giác mà nó mang lại có khiến ta phấn khởi không thôi. Một hành động tích cực, dù nhỏ, cũng có thể phá vỡ vòng xoáy tiêu cực của những suy nghĩ lặp đi lặp lại và thay thế chúng bằng những kết nối tích cực.
Để duy trì cảm giác tích cực đó, hãy nghĩ về những điểm mạnh, kỹ năng của bạn, hoặc những thành tựu bạn từng đạt được trong quá khứ, bất cứ điều gì bạn đã làm tốt. Viết chúng ra sẽ giúp thay thế những suy nghĩ tiêu cực trong đầu bằng các hành động và hành vi tích cực. Điều này sẽ truyền cảm hứng để bạn chuyển đổi từ những suy nghĩ phá hoại sang những hành động mang tính xây dựng.
Cũng có thể dù có làm những điều trên sẽ vẫn khiến bạn cảm thấy thất vọng vì những sự kiện trong ngày, nhưng ít ra sự thất vọng đó sẽ không dẫn đến cảm giác tuyệt vọng hay bất lực. Thay vào đó, ta sẽ được truyền động lực để tiến lên phía trước, thay vì bị kéo lùi bởi một ngày tồi tệ.
Bước 4: Luôn hướng tới tương lai
Nếu nhìn ở hướng tích cực hơn, thì chính những thăng trầm, những điều tốt đẹp xen lẫn khó khăn, mới làm cho cuộc sống trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, khi bạn trải qua một ngày tồi tệ tại chỗ làm, ta rất dễ bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực.
Khi sự khó chịu của hiện tại chiếm trọn tâm trí, bạn khó có thể nhìn xa hơn về tương lai. Ta bắt đầu lo lắng quá mức về những điều mà xét về lâu dài có thể chẳng hề quan trọng. Thay vì xử lý những ngày tồi tệ theo cách cũ, hãy thử đặt chúng vào bối cảnh tương lai thử. Tự xoay chuyển cách nhìn nhận của mình về ngày đấy bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
- Điều đã xảy ra hôm nay ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu của bạn?
- Sau 1 tuần, 1 tháng, hoặc 1 năm, sự việc này còn ý nghĩa gì đối với bạn không?
- Đó có phải là điều nằm trong tầm kiểm soát của bạn? Bạn có thể làm gì để ngăn nó lặp lại trong tương lai?
Khi nghĩ về tương lai, bạn sẽ nhận ra mình đang lãng phí thời gian và năng lượng cho những điều vụn vặt hoặc những mối lo không đáng kể. Ngay cả khi sự việc thực sự quan trọng, tìm cách giải quyết vấn đề vẫn hiệu quả hơn nhiều so với việc chìm đắm trong cơn tức giận hay sự thất vọng.
Cho nên, lần tới nếu có một ngày tồi tệ, đừng để nỗi buồn lấn át. Hãy xem đó là cơ hội để kết nối với cảm xúc của bản thân, sống chậm lại, làm điều gì đó vui vẻ và đánh giá lại những ưu tiên của mình trong cuộc sống.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 8 sai lầm ta hay mắc phải trong quá trình thăng tiến sự nghiệp
- Làm sao để ra quyết định đúng đắn trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”?
- Làm thế nào để thể hiện giá trị bản thân mà không bị cho là khoe mẽ?