“Tự do ngôn luận” là một trong những đặc quyền của xã hội số hóa ngày nay. Chúng ta dễ dàng kết nối với nhau và không ngại ngần đưa ra ý kiến của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Thế nhưng, đi kèm với mặt tích cực là những mặt trái khó lường. Văn hóa xóa sổ (cancel culture) và bạo lực mạng ngày càng trở nên phổ biến. Không khó để bắt gặp những bài đăng hay những bình luận tiêu cực trên các các diễn đàn và mạng xã hội. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người không quen biết nhau vẫn sẵn sàng lao vào đấu khẩu, lăng mạ, hạ bệ nhau trong thế giới ảo.
Bạo lực mạng là gì?
Bạo lực mạng là từ chung để chỉ các hành vi bắt nạt (cyberbullying) và quấy rối (cyberharassment) diễn ra trên các nền tảng online như diễn đàn, blog cá nhân, mạng xã hội,… Những hành vi phổ biến của bạo lực mạng có thể kể đến như tung tin đồn thất thiệt, đe dọa, nhận xét tình dục (với trẻ em nhỏ tuổi), tiết lộ thông tin cá nhân (doxing) hoặc hate speech – phát ngôn mang tính tấn công và sỉ nhục đối phương.
Đối tượng của bạo lực mạng?
Hành vi này đặc biệt phổ biến ở giới trẻ, nhất là những bạn trong độ tuổi từ cấp 2 lên cấp 3. Tuy nhiên, nạn nhân của bạo lực mạng không giới hạn ở bất cứ độ tuổi nào. Họ có thể là một cá nhân, một hội nhóm, hay thậm chí một cộng đồng.
Hậu quả sức khỏe do bạo lực mạng gây ra?
Nạn nhân của bạo lực mạng phải trực tiếp hứng chịu những lời nói, hành vi bắt nạt từ người khác. Điều này gây tác động mạnh mẽ đến lòng tự trọng và giá trị bản thân họ. Họ có phản ứng tiêu cực về mặt cảm xúc (lo sợ, thất vọng, tức giận,…), thường xuyên xuất hiện ý định tự tử, và dễ mắc chứng trầm cảm. Một nghiên cứu tại Mỹ đã tiến hành khảo sát 1.963 học sinh, những bạn trẻ này cho biết dù là người đi bắt nạt hay là nạn nhân, các em đều suy nghĩ đến chuyện tự tử thường xuyên hơn.
Các nghiên cứu về bạo lực mạng
Comparichtech (một trang web online chuyên viết về công nghệ) đã tiến hành khảo sát 1000 phụ huynh có con từ 5 tuổi trở lên. 47.7% phụ huynh có con từ 6-10 tuổi cho biết con của họ từng bị bắt nạt. Kết quả này ở những phụ huynh có con lớn hơn – trong các nhóm tuổi 11-13, 14-18 và 19 trở lên – đều vượt qua mốc 50%.
Phần lớn các vụ bắt nạt xảy ra tại trường học. Tuy nhiên, có 19,2% cho biết việc bắt nạt diễn ra thông qua các phần mềm xã hội và trang mạng điện tử. 11% cho biết con họ bị bắt nạt bằng tin nhắn, 7,9% nói con họ gặp những lời đe dọa trên các trò chơi online… Trong số này, có 10,5% phụ huynh tận mắt chứng kiến con mình bị bắt nạt bằng những cách thức kể trên.
Cách phản ứng với bạo lực mạng
Nếu nạn nhân còn trong độ tuổi vị thành niên, phần lớn sự ứng phó với bạo lực mạng sẽ đến từ phía phụ huynh. Cách phản ứng thường thấy nhất là bố mẹ sẽ dạy con cái về việc sử dụng mạng an toàn. Ngoài ra, bố mẹ còn thông báo với giáo viên ở trường để nhờ họ giúp đỡ, giải quyết tình hình nếu sự việc bắt nạt diễn ra giữa 2 đứa trẻ cùng lớp.
Những nạn nhân ở độ tuổi lớn hơn sẽ có cách hành xử khác hơn. Phần đông lựa chọn phương án im lặng để giữ hòa khí, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân và đối phương. Nhiều người sẽ xóa hoặc chặn liên lạc với kẻ bắt nạt thay cho lời nhắn “chúng ta không thuộc về nhau”. Một số khác lại chọn cách lên tiếng, thẳng thắn đề cập đến việc họ đang bị bắt nạt và điều đó đã gây ảnh hưởng đến họ ra sao.
Điển hình là Charlie D’Amelio – TikToker nổi tiếng với hơn 100 triệu người theo dõi. Cô gái 16 tuổi liên tục bị body-shaming (chê bai cơ thể). Thời gian đầu năm 2020, cô bị chỉ trích là “quá béo”, “giảm cân đi”; còn bây giờ thì là “quá gầy” “tại sao bạn lại liên tục cho thấy hình ảnh gầy gò vậy Charlie?”. Charlie đã trực tiếp nói về việc này trên Tiktok và Instagram, yêu cầu mọi người chấm dứt việc chỉ trích cơ thể cô. Tuy nhiên, cư dân mạng vẫn bỏ ngoài tai, tiếp tục đưa ra những bình luận tiêu cực.
Kết
Thay vì sử dụng mạng xã hội để kết nối bạn bè hay khám phá những điều hay ho thú vị, một phần không nhỏ người dùng lại xem đó là nơi để lên án ẩn danh, để “đánh hội đồng” người khác. Bạo lực mạng thực sự có tác động xấu đến tâm lý của mỗi người, và nó sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không nhận thức được và chưa thay đổi cách hành xử của mình trên mạng xã hội.
Ảnh bìa: Ryan Johnson
Thảo luận về bài viết