#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Năm nay của bạn thế nào rồi? Bạn đã học được thứ ngôn ngữ mới đó chưa? Hay là tham gia 1 bộ môn thể thao và gắn bó với nó lâu dài? Cơ thể hằng mơ ước của bạn thì sao, đã sở hữu nó chưa? Đi du lịch được nhiều nơi không?
Nếu có, dù là mục tiêu gì cho nữa thì cũng chúc mừng bạn, không còn phải bàn gì hết. Còn nếu ở trong nhóm thứ 2, thì có lẽ bài viết này sẽ dành cho bạn.
Có 1 điều mà ta sẽ nhận ra được mỗi khi số ngày còn lại của năm cũ chỉ còn đếm trên đầu 2 bàn tay, đó là cái danh sách mục tiêu năm mới mà bạn vẫn còn để trên bàn (hoặc trong tâm trí), thực ra rất vô nghĩa!
The Millennials Life nghĩ chắc rằng điều này có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, nhưng hãy để chúng tôi giải thích rõ hơn vì sao không chỉ chúng là vô nghĩa mà còn có thể gây hại nếu không có điều chỉnh kịp thời nhé.
Kỳ vọng và thực tế
Ta hãy thử hình dung thế này: 1 hoặc 2 tuần trước khi năm cũ kết thúc, hầu hết chúng ta đều đã chuẩn bị giấy bút, viết ra một danh sách các mục tiêu cần đạt được trong năm mới, nghĩ rằng: “Đây sẽ là năm mình sẽ trở thành con người hoàn toàn mới!“
Và rồi bạn viết ra những mục tiêu như là: Đi tập gym 4 buổi/tuần, tiết kiệm 2 triệu đồng mỗi tháng, du lịch nhiều hơn, được thăng chức,… Chúng tatrong tâm thế hào hứng chuẩn bị tinh thần thực hiện tất cả những điều này trước khi đồng hồ điểm hết năm tiếp theo.
Như bao người khác, bạn hoàn thành danh sách, đặt bút xuống và tự hứa rằng mình sẽ cam kết, rằng lần này bạn sẽ làm được, rằng :“Năm nay sẽ là năm của mình.”
Và rồi, 1 đến 2 tháng trôi qua kể từ khi năm mới bắt đầu, bạn có lẽ đã quên bẵng danh sách ấy cùng những mục tiêu từng viết ra. Ngày, tuần, tháng cứ thế mà trôi qua, và bạn cảm thấy áp lực, căng thẳng khi nhận ra mình đang tiến gần tới cuối năm mà vẫn chưa gạch được bất kỳ mục tiêu nào, hoặc may mắn lắm là chỉ đạt được một hoặc hai mục tiêu nhỏ.
… Đùng! Thế là năm kết thúc. Bạn cảm thấy thất vọng, không hài lòng với bản thân, rồi lại hứa hẹn sẽ lặp lại quá trình này – thêm vào đó là những mục tiêu mới.
Chuyện gì đang xảy ra với những mục tiêu năm mới?
Giờ đây, khi suy ngẫm lại về những mục tiêu không đạt được, có một câu hỏi sẽ hiện ra: “Tại sao những mục tiêu của mình không bao giờ thành hiện thực?” Hãy tự hỏi bản thân mình tại sao bạn chưa một lần bước chân vào phòng gym dù đã đặt nó làm mục tiêu, hoặc tại sao bạn chưa từng lập kế hoạch cho chuyến đi nước ngoài ấy. Câu trả lời nằm ngay trong chữ “tại sao” đấy.
Có thể những mục tiêu ta đặt ra dựa trên kỳ vọng của người khác, hoặc có thể bạn đang cố gắng tuân theo các chuẩn mực xã hội rằng đến độ tuổi này, bạn nên có số tiền nhất định trong tài khoản ngân hàng, hoặc xây dựng một gia đình chẳng hạn. Có lẽ lý do bạn không cam kết với những mục tiêu đó, dù đã viết đi viết lại chúng mỗi năm, là vì chúng không thực sự xuất phát từ mong muốn sâu thẳm trong trái tim mình.
Sự thật là…
Có 3 điều bạn cần phải biết, đó là:
- Thứ nhất, bạn không cần phải chờ đến năm mới để bắt đầu lại hoặc tạo ra một sự thay đổi lớn đâu: Những khởi đầu mới không nhất thiết chỉ gắn liền với dịp đầu năm. Thay đổi có thể diễn ra bất cứ lúc nào, và cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ khiến ta phải thay đổi hướng đi hoặc cân nhắc xem liệu mục tiêu ấy có còn phù hợp với giai đoạn hiện tại của mình hay không.
- Thứ 2, những mục tiêu năm mới thường mang lại cảm giác như một nghĩa vụ hơn là một động lực: Áp lực phải hoàn thành một mục tiêu nào đó trước khi năm kết thúc không phải là động lực, mà là một nghĩa vụ tạo ra cảm giác căng thẳng, hoảng loạn, và bất lực khi không đạt được những điều mình đã viết ra và hứa với chính bản thân vào thời điểm hứng khởi nhất của năm mới.
- Thứ 3, có lẽ bản thân ta thậm chí còn chưa thực sự biết mình muốn gì cho năm mới: Nhìn lại một chút xem, bạn đã bao nhiêu lần ngồi xuống để viết danh sách mục tiêu nhưng lại bế tắc, không biết nên viết gì; mà chỉ cảm thấy cần có 1 kế hoạch để không khởi đầu năm mới một cách vô định? Đôi khi, bạn thậm chí viết ra những điều một cách miễn cưỡng, sao chép từ năm trước không phải vì bạn thực sự muốn, mà chỉ bởi vì chúng vẫn chưa được hoàn thành.
Ý chúng tôi muốn nói tóm lại ở đây, là mục đích không phải để bạn trở thành một người thiếu động lực hay sống không quan tâm đến tương lai; mà là khuyến khích bạn trở nên thực tế hơn, và cho bản thân thời gian để hiểu rõ mình thực sự muốn gì.
Tạo dựng 1 “chủ đề” cho năm mới để hướng đến
Giống như việc bạn chọn một chủ đề cho bữa tiệc, hãy để năm nay được định hình bởi một “chủ đề” hoặc một giá trị cụ thể mà bạn muốn mang vào cuộc sống, sau đó tích hợp nó vào những hành động hàng ngày của mình. Đây không phải là ý tồi đâu!
Giả sử bạn cảm thấy cuộc sống của mình đang thiếu sự cân bằng và muốn mang điều đó trở lại. Thay vì lập một danh sách mục tiêu cụ thể, hãy đặt ý định của năm mới xoay quanh việc tìm kiếm cân bằng.
Mặc dù cách tiếp cận này có vẻ rộng hơn và không được phân nhỏ thành những kế hoạch hành động chi tiết như phương pháp thiết lập mục tiêu truyền thống, nhưng nó lại đem đến nhiều lợi ích hơn.
Bạn có thể linh hoạt quyết định cách mang lại sự cân bằng cho cuộc sống, xem xét những quyết định nào cần thay đổi, hoặc điều chỉnh những thói quen nhỏ hàng ngày. Nhờ đó, ta không chỉ thay đổi một khía cạnh cụ thể mà dần dần chuyển hóa cả cuộc sống để đạt được sự cân bằng.
Một ví dụ khác: Nếu chủ đề bạn chọn cho năm nay là “sức khỏe,” bạn có thể cân nhắc ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc, hoặc dọn dẹp không gian sống. Thay vì xem từng hành động này như một mục tiêu rời rạc, bạn sẽ thấy chúng có sự liên kết tự nhiên với nhau nhờ việc xác định rõ ràng hình hài cuộc sống mà bạn mong muốn hướng đến trong năm tới.
Kết
Tóm lại, nếu việc đặt ra mục tiêu năm mới phù hợp với bạn, thì hãy cứ tiếp tục. Nhưng nếu cảm thấy mệt mỏi với việc lặp lại cùng 1 danh sách nhàm chán năm này qua năm khác (thậm chí còn thêm vào những mục tiêu mới), có lẽ đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận rồi đấy.
Ta nên bước vào năm mới với nhiều tự do hơn, niềm tin vào chính mình; và trên hết, hiểu rõ bạn là ai và bạn muốn gì. Hãy làm mọi thứ theo cách của bản thân, chỉ của riêng bạn. Điều gì phù hợp với người khác có thể không hiệu quả với bạn, và ngược lại.
Hãy sáng tạo. Hãy độc đáo. Để trực giác dẫn lối cho bạn suốt cả năm. Bạn sẽ yêu thích hành trình này, chúng tôi hứa đấy!
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- #Nghĩ: Cố gắng quá sức để thành công vượt mức – Lợi ở đâu, hại chỗ nào?
- #Nghĩ: Một căn phòng bừa bộn nói lên điều gì về chủ nhân của nó?
- #Nghĩ: Thiết quân luật có tác động như thế nào đến kinh tế và xã hội?