Trong dịch bệnh, người cao tuổi là đối tượng được lo lắng về sức khoẻ nhiều nhất. Trong văn hoá ứng xử, chúng ta dặn nhau phải luôn kính trên nhường dưới, tôn trọng người cao tuổi. Trong lũ lụt và thiên tai, đây cũng là đối tượng cần đặc biệt chăm sóc. Dường như chúng ta luôn ý thức đặt người cao tuổi lên hàng đầu. Nhưng thực tế có phải là như vậy?
I. Nghịch lý từ lịch sử
Chúng ta đều biết càng về xa xưa, vai trò của người già trong xã hội càng lớn. Trong văn hoá người da đỏ, mỗi bộ tộc đều có một cách ứng xử và những đặc quyền riêng dành cho người lớn tuổi. Nhưng nhìn chung, những bô lão luôn được coi là kho kiến thức văn hoá, triết học đồng thời là người liên lạc giữa trời và đất. Niềm tin được di truyền từ người lớn tuổi nhất trong tộc bao gồm những giáo lý cơ bản, niềm tin vào Thần Linh, Đấng sáng tạo. Người cao tuổi nhất trong tộc sẽ nắm vai trò lãnh đạo và được gọi là trưởng tộc hoặc già làng. Với sự thông thái, nhìn thấu mọi sự việc, trước khi người dân trong bộ tộc đưa ra một quyết định gì, đều phải hỏi ý kiến của hội đồng bô lão này.
Tại La Mã cổ đại, mặc dù tuổi thọ trung bình trong quá khứ của họ là khoảng 25 nhưng một số người vẫn sống thọ đến 70 và được tôn trọng bởi sự thông thái của mình. Tiến sỹ Karen Cokayne thuộc đại học Reading đã viết: Người La Mã có sự tôn kính đặc biệt với người già và tin tưởng vào trí tuệ, kinh nghiệm của họ. Tuổi tác đã lấy đi nhiều thứ nhưng chắc chắn không phải sự thông thái của người cao tuổi. Theo truyền thống của người La Mã, người cao tuổi luôn phải cư xử chừng mực, đàng hoàng và trở thành tấm gương cho lớp trẻ. Tư tưởng này đã ăn sâu vào tâm lý của tất cả mọi người ở nơi đây. Bên cạnh đó, người Hy lạp từ xa xưa cũng có một nét văn hoá được gọi là Philitimo, có nghĩa là “làm điều tốt.” Trẻ em thể hiện tính “Philotimo” của mình khi chúng yêu quý và kính trọng những người lớn tuổi.
Trong tiếng Hán, chữ “hiếu – 孝” được ghép từ một phần chữ “lão – 老” ở trên và chữ “tử – 子” ở dưới để thể hiện quan hệ tôn ti giữa cha mẹ, con cái. Suy rộng ra là quan hệ của con cháu đối với ông bà tổ tiên, ngụ ý rằng người trẻ luôn phải đặt những người lớn tuổi làm đầu, trân trọng và tôn kính họ. Việt Nam là một đất nước bị ảnh hưởng mạnh bởi chữ “hiếu” từ Nho giáo với những quy tắc Khổng Mạnh hoặc lễ Vu Lan báo hiếu của Phật Giáo vào ngày rằm tháng bảy. Tất cả đều cho thấy một truyền thống kính trọng người lớn tuổi đã ăn sâu vào trong quan niệm của chúng ta.
Tuy vậy trong dòng chảy của quá khứ, mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra đúng theo những triết lý văn hoá tốt đẹp đó. Theo tác giả cuốn sách Súng, Vi trùng, Thép của Jared Diamond, trong những điều kiện tồi tệ, ví dụ thiếu thốn thức ăn, hoặc trong thời kỳ săn bắn hái lượm khi liên tục phải thay đổi chỗ ở, người già có thể trở thành gánh nặng hoặc bị bỏ mặc không ai chăm sóc. Tại Nhật Bản, có truyền thuyết về một hủ tục “Cõng mẹ lên núi” hay còn gọi là Ubasute, thường liên quan đến việc bỏ rơi hoặc để mặc người già lại trên một ngọn núi hoặc những nơi hoang vắng. Ở Trung Quốc, một sắc dân thiểu số người Hồi có phong tục liên quan đến việc những người già sẽ được xây một ngôi nhà bên trong rừng và đưa vào đó ở. Mỗi ngày các thành viên trong gia đình sẽ đến đưa cơm và đắp vào đó một viên gạch, hành động này được lặp đi lặp lại cho đến khi ngôi mộ bị bít kít.
Ngày nay, những hủ tục trên đã bị xem là phạm pháp và nhận được sự lên án dữ dội từ cộng đồng. Luật pháp và xã hội đã dành nhiều sự quan tâm hơn cho người lớn tuổi thông qua phúc lợi xã hội như chính sách lương hưu, chính sách bảo hiểm, tổ chức các sân chơi văn hoá… Ở Việt Nam, truyền thống tôn trọng người lớn tuổi vẫn được duy trì, trong những ngày lễ tết, con cháu vẫn thường tụ tập xum vầy quanh gia đình và ông bà. Tại Trung Quốc, chính phủ đã ban hành “luật người cao tuổi” yêu cầu những người trưởng thành phải về thăm cha mẹ họ nếu không có khả năng sẽ bị phạt hoặc ngồi tù.
II. Bức tranh bị phớt lờ về 962 triệu người ở tầm vĩ mô
Dù có lạc quan thế nào, chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng giá trị của người lớn tuổi đang ngày càng mờ đi, tỷ lệ nghịch với sự phát triển của công nghệ. Trong xã hội xưa, khi cuộc sống còn ít chuyển biến, các công việc được tổ chức theo mô hình làng xóm hoặc cha truyền con nối. Nếu một nhà có ông bà là người dân chài, rất có thể con cháu cũng sẽ theo nghề đấy. Những nghề làm gốm, trồng lúa, dệt vải được duy trì từ năm nay qua năm khác, thông tin được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc lưu trữ trên văn thư một cách hạn chế. Điều này giúp cho người lớn tuổi giữ một vị thế quan trọng – nắm giữ những kinh nghiệm sâu sắc nhất, từ đó nhận được sự nể trọng và tôn kính của lớp người trẻ hơn.
Ngày nay internet đã trở thành mạng lưới lưu trữ thông tin lớn nhất, hầu như mọi kiến thức đều có thể được tìm thấy ở trên Google, một bộ nhớ nào đó, hoặc thư viện điện tử của các trường đại học lớn. Những nghề nghiệp truyền thống như nông nghiệp, gia công cũng bắt đầu được công nghiệp hoá và vận hành bằng máy móc khiến cho kiến thức, kinh nghiệm, khả năng tay nghề của người lớn tuổi trở nên không cần thiết. Chưa kể đến sự phát triển của những nghề mới hoàn toàn như digital marketing, digital painting, phân tích thuật toán… những chuyên ngành mà nhân sự chúng ta biết có khi thể chưa quá 50 tuổi. Từ đó dẫn đến khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn hơn.
Theo như Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ đã cảnh báo vào năm 2017, các cuộc cách mạng lớn của xã hội bao gồm phong trào chống phân biệt chủng tộc, nữ quyền, LGBTQ sẽ tiếp tục lớn mạnh và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Nhưng trong tất cả những chiến dịch nổi cộm đó, không có bất cứ cộng đồng lớn nào lên tiếng cho vấn nạn phân biệt tuổi tác. Người cao tuổi đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến bảo vệ cho những nhóm người bị kì thị khác.
Tệ hơn nữa, trong những năm gần đây, sự già hoá dân số được coi là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khủng hoảng tài chính khi họ có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn lực kinh tế – y tế vì các quỹ lương và chính sách sức khoẻ. Nếu xa xưa, con người luôn tìm kiếm phép màu để được trường sinh bất tử thì ngày nay, sự gia tăng tuổi thọ đã biến ước nguyện thần kỳ đó trở thành một quả bom hẹn giờ.
Khi covid -19 nổ ra, một trong những thuyết âm mưu nổi tiếng nhất được lưu truyền trên mạng là dịch bệnh này thực chất là kế hoạch của chính phủ các nước nhằm thanh lọc dân số già – khi virus đa phần nhắm vào đối tượng cao tuổi. Nếu đây chỉ là một tin đồn nhảm được chia sẻ qua những bình luận vô căn cứ thì trong thực tế, chúng ta đã phải đối diện với lựa chọn tàn khốc hơn rất nhiều. Một bác sỹ làm việc tại khoa hồi sức của bệnh viện Bergamo – tâm dịch tại miền Bắc nước Ý đã phải thừa nhận trong tình trạng quá tải, họ buộc phải lựa chọn bệnh nhân sẽ được tiếp nhận điều trị. Những tiêu chí này dựa trên tình trạng sức khoẻ, tuổi tác và những người có khả năng hồi phục nhiều hơn.
Một bác sĩ giấu tên khác tại bệnh viện ở Brescia nói với tờ Liberation rằng các bác sĩ ở khu chăm sóc đặc biệt đã phải yêu cầu không đưa đến những ca bệnh lớn tuổi mà người bệnh sẽ phải đặt ống thở “không cần thiết” trong nhiều ngày.
Vị bác sĩ này nói vào thời điểm đầu của dịch bệnh, những người bị từ chối thường trên 80 tuổi. Tuy nhiên, do tình hình ngày càng xấu đi, các bệnh nhân bị bỏ qua đã giảm xuống 10 năm – tức những người từ 70 tuổi trở lên hoặc những bệnh nhân có những bệnh lý nặng khác. (theo thanhnien.vn)
Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, nếu sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, vùng miền… nó sẽ không được chấp nhận, tuy nhiên mọi thứ sẽ được cho phép nếu sự phân biệt đó được hình thành dựa trên tuổi tác.
III. Chủ nghĩa Thời đại vi mô
Trong chủ nghĩa thời đại vi mô, người ta thường lấy những hành động nhỏ hàng ngày của một nhóm đối tượng để áp đặt một hệ tư tưởng áp bức. Từ lâu, hai chữ người già đã là ẩn dụ cho các cụm từ: “lão hoá,” “bệnh tật,” “lú lẫn,” “chậm chạp,” và “cái chết.” Mặc dù ai trong chúng ta cũng sẽ phải già đi, nhưng những người lớn tuổi vẫn luôn được dùng làm hình tượng cho những điều tiêu cực nhất. Nếu bạn không muốn da mình nhăn nheo như một bà lão, hãy dùng kem dưỡng da X, nếu bạn không muốn mắc các bệnh đường tiết niệu của một người lớn tuổi, hãy dùng thuốc bổ của hãng Y. Khi tìm kiếm từ khoá về “người già” ở trên Google, chúng ta có thể thấy đối tượng quan tâm nhất tới người cao tuổi chính là các bệnh viện, những công ty bán thuốc và phần còn lại là “sự cô đơn.” Thật sự vậy, không phải tuổi trẻ lạc lõng, không phải những thanh niên cảm thấy mình không thuộc về đám đông, người lớn tuổi mới chính là đối tượng vô hình, bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.
Hãy thử một lần nữa lấy dịch Covid-19 làm ví dụ. Cùng bị cách ly xã hội, những người trẻ được gợi ý hàng loạt danh sách phim để xem, những cuốn sách nên đọc trong giai đoạn này. Các bài báo mạng liên tục hướng dẫn họ cách để duy trì sự cân bằng khi không được bước ra một thời gian dài – điều mà người già đã duy trì trong rất nhiều năm. Nếu phụ nữ luôn đòi hỏi quyền lợi trong ngành giải trí, người đồng tính than thở rằng họ không được nhận những vai diễn phù hợp, thì hãy nhìn đến những người lớn tuổi. Thường có rất ít các bộ phim mà người già đóng vai chính, có chăng họ sẽ được xuất hiện để làm nền cho lòng tốt của các nhận vật trong bộ phim nào đó. Có thể là do thị trường cũng không ưa thích những nội dung về người lớn tuổi. Nhưng nếu vậy, bộ phim về một đôi vợ chồng già của Pháp mang tên Amour đã không giành được giải cành cọ vàng và được tạp chí Times bình chọn là bộ phim hay nhất năm 2012, tác phẩm Up của Disney nói về một ông lão khó tính cũng đã không được đón nhận đến thế.
Các hãng bảo hiểm nhân thọ cũng từ chối bán những gói bảo hiểm liên quan đến bệnh hiểm nghèo cho người trên 65 tuổi (hoặc nếu có thì giá rất đắt). Các hãng thời trang cũng không bao giờ hướng tới nhóm khách hàng cao tuổi bởi sức tiêu thụ kém, ít các dịp cần thiết để diện một bộ đồ mới. Trong khi đó ngành du lịch đã chứng kiến một số lượng lớn du khách là người cao tuổi bởi sự tích luỹ về tài chính và nhiều thời gian rảnh rỗi. Vậy nhưng họ cũng chả hào hứng với nhóm khách nhiều rủi ro về sức khoẻ và hạn chế trong di chuyển này.
IV. Kết
Chúng ta đang sống trong một xã hội đa dạng, nhưng sự đa dạng đó không phải lý do cho sự phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc v.v… Sự khác biệt không phải một lời nguyền mà cây bút màu đa năng giúp cho cuộc sống này có nhiều màu sắc và góc nhìn độc đáo hơn. Các thế hệ nên tham gia vào mọi việc cùng nhau và có ảnh hưởng lẫn nhau. Điều này không chỉ mang mục đích thu hẹp khoảng cách giữa các lứa tuổi mà mà còn kết nối những người có cùng lợi ích, mục tiêu dù ở thế hệ nào.
Tình hình kinh tế ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến dòng phim “anh hùng trở lại” được đón nhận nhiệt liệt ở Mỹ. Trong đó, nhân vật chính thường là những lão ông có quá khứ lẫy lừng (cựu cảnh sát, điệp viên, sát thủ), vì một lý do nào đó, sau khi đã về hưu, họ buộc phải một lần nữa trở lại để bảo vệ thế giới quanh mình. Trong bộ phim The Intern năm 2015, được dịch ra tiếng Việt rất yêu là “Bố già tập sự,” nhân vật chính không phải một chiến binh máu mặt với những pha hành động thiện chiến hay khả năng dùng súng thần sầu. Bộ phim nói về cụ Ben – 70 tuổi, đã về hưu (do diễn viên huyền thoại Robert De Niro nhập vai.) Cụ xin vào làm thực tập sinh cho một công ty thời trang trực tuyến – lĩnh vực đòi hỏi sự trẻ trung, hợp thời, sành điệu. Tuy nhiên bộ phim không đi theo các tình huống tréo ngoe gây cười mà lại là một sự pha trộn vô cùng duyên dáng của nữ quyền và những định kiến tuổi tác.
Bố già Ben đã dành nửa cuộc đời để in danh bạ điện thoại, nhưng điều đó không khiến ông bị bỏ lại bên lề cuộc sống hiện đại – như thứ đồ mà ông đã làm. Ben vẫn toả sáng theo cách riêng, với bộ comple truyền thống và chiếc khăn tay “quý ông” trong túi áo cùng cặp sách da cổ. Trong phim, những rắc rối điển hình của một người phụ nữ thành đạt như thiếu thời gian ngủ, không thể chăm lo con cái, thường xuyên muộn các cuộc hẹn, bàn làm việc bừa bộn thiếu khoa học v.v.. đã được tháo gỡ bằng sự từ tốn, điểm đạm của một người đàn ông thế hệ cũ, tưởng như đã già và vô dụng.
Mỗi người già đều giống như một kho thư viện của thời gian. Trong họ có sự trầm mặc của mùa đông, dịu dàng của mùa thu, sự tươi mới của mùa xuân và nhiệt huyết của mùa hè – thứ đã được duy trì và nuôi dưỡng trong suốt nhiều thập kỷ. Thời gian có thể tạm phủi mờ nhưng không thể xoá đi tất cả những đức tính đấy. Giống như cụ Ben, dù làm việc trong môi trường đầy những người trẻ, cái gì cũng biết cái gì cũng giỏi đó, ông vẫn trở thành người tư vấn đáng tin nhất để mọi người đến tìm lời khuyên. Lý do đơn giản là bởi trong cuộc sống này có rất nhiều thứ cần sự từng trải và thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Nguồn ảnh: Pinterest
Xem thêm:
The Chameleon Effect: Khi mỗi chúng ta đều là tắc kè hoa
Vì ai cũng cần một chút cảm hứng để luôn lạc quan trong đời
Điều gì xảy ra khi con người thiếu đi những cái ôm?
Loài động vật yêu thích nói gì về bạn?