#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
“Một người mười mặt”, liệu chúng ta có thể nói về nhau như vậy trong thời đại online không?
Khi những “influencer” đăng ảnh lên với dòng caption: “Đừng tin vào những gì tôi thể hiện trên mạng“, ta mới “vỡ” ra rằng, dường như ai cũng đang mang mặt nạ lừa dối trên mạng xã hội. Đằng sau những bức ảnh vui cười, những lần đăng story check-in với bạn bè lại có thể là sự thật hoàn toàn khác. Nhưng tại sao chúng ta phải làm vậy? Lý do gì đã dẫn đến việc tránh thể hiện con người thật và bày ra những hình ảnh khác biệt trên mạng xã hội như thế?
Tại sao chúng ta lại có nhiều “mặt” trên mạng?
Chúng ta lớn lên với nhiều nỗi sợ, trong đó nổi bật là sợ bị từ chối, bị dị nghị vì thể hiện chính bản thân mình. Để tránh điều đó, nhiều người sẵn sàng gồng mình khoác lên những chiếc vỏ mới. Mạng xã hội trở thành công cụ để họ thỏa sức sáng tạo ra con người mà bản thân mong muốn trở thành – nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, nhận lại sự yêu quý, cũng như thỏa mãn cái tôi của mình.
Chưa kể, từ khi Instagram ra mắt chức năng “Add close friends” (Thêm bạn bè thân thiết), một câu hỏi được quan tâm hàng đầu: “Mình sẽ là “bạn thân” của ai?” Có thể thấy, nội dung mà người dùng chia sẻ với danh sách “bạn thân” sẽ có phần riêng tư và “đặc biệt” hơn. Đó có thể là những đoạn chat với crush, những lúc cơn “xấu tính” chợt nổi lên, hoặc bất cứ thứ gì ngớ ngẩn chỉ muốn cho “bạn thân” thấy.
Ngoài ra, chúng ta sẽ còn có những “acc clone” – những tài khoản riêng tư được sử dụng cho những mục đích thầm kín nhất. Những tài khoản này có thể nhằm mục đích tham gia các fandom, đi comment dạo mà không lo người quen nhận ra, hoặc thậm chí sử dụng acc clone như một nhật ký online. Đếm sương sương thôi thì có lẽ một người dùng mạng xã hội thông thường sẽ có khoảng 3 “khuôn mặt” trên mạng rồi.
Vậy trên mạng có còn tồn tại tính sự chân thật?
Câu trả lời là có, nhưng số lượng đang ngày càng ít đi. Tưởng chừng sự ra đời của mạng xã hội sẽ giúp khoảng cách giữa con người gần hơn, nhưng giờ đây nó lại càng đẩy chúng ta ra xa nhau. Ta thà nghe những lời nói dối, đi theo số đông để nhận được sự ủng hộ và không phải gánh chỉ trích. Chúng ta ngại chia sẻ những gì bản thân suy nghĩ, bởi cảm giác khó tìm được sự đồng cảm và hơn cả, là những lo sợ mơ hồ về việc người khác thấy phiền phức khi đọc những gì ta viết.
Tuy vậy việc cố gắng chia sẻ cảm xúc thật vẫn có thể khiến chúng ta nhận phải những lời chỉ trích hoặc bị đánh giá là giả tạo. “Làm sao một người có thể luôn đăng những hình ảnh vui vẻ lên mạng, chẳng lẽ cuộc đời họ không có nỗi buồn ư?”, hay, “Sao người này lại luôn chia sẻ năng lượng tiêu cực qua bài đăng của họ vậy?”. Chúng ta không biết mỗi người đang trải qua chuyện gì, và việc nhanh chóng đánh giá qua những gì họ thể hiện, thay vì tìm hiểu ngoài đời thực đã dẫn tới vòng lặp bất tận của hiểu lầm về tính chân thật của mỗi con người.
Trong cộng đồng Facebook Việt Nam, nếu đi ngang các bài viết trên các fanpage, ta dễ dàng bắt gặp những bình luận thuộc về những cái tên như: “Page này lập ra để comment dạo“, “Comment bằng page này để tránh người quen phát hiện“,… Hoặc tại những nhóm cộng đồng giúp đỡ nhau, mở đầu mỗi bài đăng sẽ là dòng chữ, “Xin chào mọi người, mình sử dụng tài khoản clone (ảo) để tránh người quen nhận ra“… Ta lo sợ sự đánh giá từ những người xung quanh, dần dần chui mình vào vỏ ốc do mình tạo ra và thoải mái với việc ẩn danh.
Làm thế nào để thể hiện con người thật trên mạng?
Chúng ta biết càng ít về mạng xã hội thì sẽ càng dễ dàng thể hiện bản thân mình hơn. Làm những điều mình thích và bớt bận tâm cách thế giới cảm nhận là những bước đầu tiên trong hành trình này.
“Nhưng nói dễ hơn làm“. Đúng là vậy, nhưng chính chúng ta mới là người có quyền quyết định liệu những yếu tố này có thể chi phối mình hay không. Chúng ta có thể tắt chế độ comment, để không phải đọc những lời chỉ trích, những bình luận ra vào. Chúng ta có thể xóa các phần mềm mạng xã hội, để không phải chú ý, liên tục cập nhật về các xu hướng mới nhất và “đu” theo chúng.
Nhưng cũng cần nhớ rằng việc chia sẻ hay thể hiện đều có giới hạn của nó. Mỗi người phải đặt ra giới hạn cho mình, đồng thời không để người khác đi sâu hơn vào những ranh giới đã đề ra. Chúng ta cũng cần chấp nhận rằng một khi đã chia sẻ suy nghĩ, công khai thì sẽ luôn có khả năng nhận phải các ý kiến trái chiều. Từng người đều có thang giá trị riêng, lối suy nghĩ và kinh nghiệm khác nhau, vậy nên không phải ai cũng có thể thống nhất với chúng ta.
Kết
Chúng ta hoàn toàn có thể là mình trong xã hội online. Khi ranh giới giữa cái riêng và cái chung đang ngày càng mất đi, việc giữ được quan điểm của mình là điều quan trọng nhất. Việc cho phép mình thể hiện con người thật không chỉ giúp tiếng nói của ta được thông suốt hơn, mà còn giúp mối quan hệ của ta với chính mình và những người xung quanh giữ được sự ngay thẳng, chân thành.
Có thể bạn quan tâm:
7 kiểu nghỉ ngơi để nạp đầy năng lượng
#Nghĩ: Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
Thảo luận về bài viết