Ngày nay, rất nhiều xã hội và nền văn hóa khác nhau đều đề cao tầm quan trọng của định nghĩa freedom of choice – quyền tự chủ của cá nhân để ra quyết định dựa trên những tùy chọn sẵn có mà không bị ràng buộc bởi bất cứ yếu tố bên ngoài nào. Chúng ta hy vọng rằng, bằng việc đưa ra các quyết định phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân, mức độ hạnh phúc của chúng ta cũng theo đó mà tăng trưởng. Niềm tin này càng được củng cố bởi một nền kinh tế thị trường luôn sẵn sàng cung ứng một cơ số các chủng loại hàng hóa đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Nghe rất tuyệt, đúng không?
Ví dụ, bạn bước vào một quán cà phê. Để tìm ra cho mình món uống độc đáo và thỏa mãn nhất, bạn cần phải đưa ra quyết định về loại hạt (Arabica hay Robusta?), xuất xứ (Colombia, Brazil, hay Ghana?), và độ rang của hạt (nhạt, trung bình, hay đậm?). Nhưng vẫn chưa xong nhé, bạn muốn ly cà phê được pha theo theo kiểu gì? Ristretto? Espresso? Café crema? Macchiato hay Cappuccino? Flat white kiểu Úc, Café au lait kiểu Pháp, hay Turkish kiểu Thổ? Americano, Long black, hay Lungo? Chỉ cà phê hay thêm nguyên liệu khác như Mocha, Caffe Latte, Frappé, Irish? Nếu thêm sữa, thì sữa nguyên kem, ít béo, không béo, không lactose, hay sữa đậu nành, hạnh nhân, yến mạch, sữa gạo?
Những lựa chọn gây đau đầu
Có đến 80.000 cách kết hợp khác nhau từ danh mục tùy chọn của Starbucks. Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra ly cà phê ‘chân ái’ đời mình? Nếu chọn cách thử nghiệm từng loại một mỗi ngày, bạn sẽ mất 109 năm cho tất cả các lựa chọn sẵn có đó trước khi có thể đi đến quá trình so sánh và kết luận đâu là sự kết hợp hoàn hảo nhất. Trừ khi ai đó uống cà phê từ ngày mới lọt lòng và sống thọ hơn 109 tuổi, thì tất cả đều sẽ chết trước khi kịp tìm ra ly cà phê yêu thích nhất đời mình.
Có quá nhiều lựa chọn đôi khi lại thành ra phiền phức. Việc này có thể trở nên mệt mỏi và khó khăn đến mức làm người ta ‘quay xe’ hẳn sang một phương án khác để tránh né quá trình ra quyết định. Uống cà phê mệt mỏi thế, thôi thì đành uống nước vậy. Mặc dù đây không phải thứ bạn muốn, và vẫn phải lựa chọn (nước đóng chai, nước đun sôi để nguội, nước lọc có gas, nước lọc có gas và có mùi, etc.) nhưng so với cà phê thì quá trình lựa chọn nước lọc đơn giản hơn rất nhiều.
Quá nhiều lựa chọn có thể dẫn đến thất vọng
Các nghiên cứu cho thấy, nếu có nhiều lựa chọn, mức độ hài lòng về quyết định cuối cùng lại thấp hơn so với khi có ít lựa chọn. Lấy lại ví dụ quán cà phê phía trên nhé. Sau 10 phút đọc thực đơn chăm chú như tiểu thuyết, bạn quyết định chọn cho mình một ly Iced Blonde Cold Foam Cappuccino với sữa không béo và một gói đường. Hôm nay trời đẹp, bạn càng thêm hài lòng với quyết định này…
… cho đến khi những ý nghĩ không mời mà tới đột nhiên xuất hiện. Liệu đây có phải là sự kết hợp tốt nhất có thể hay chưa? Có lẽ là chưa, bạn có đến 80.000 lần thử nghiệm cơ mà? Chà, hôm qua bạn uống gì ấy nhỉ, một ly Vanilla Latte Sữa Dừa thì phải… Bình thường bạn không thích sữa dừa, nhưng mà sữa dừa kết hợp với vị va-ni hôm qua thì lại khác hẳn. Ồ, có lẽ nào chính va-ni mới là hương vị bạn tìm kiếm? Sao bạn lại có thể bỏ sót yếu tố này nhỉ, lúc nãy đứng xem thực đơn cả buổi rồi còn gì?
Thất vọng có thể dẫn đến tự trách
Tự trách bản thân là một hệ quả khác của việc có quá nhiều lựa chọn. Ở những nơi như Starbucks – một thiên đường cà phê – nếu bạn không hài lòng với đồ uống của mình thì lý do là vì bạn đã ra quyết định sai. Có đến 80.000 tùy chọn cơ đấy! Chà, bạn còn có thể trách ai ngoài bản thân khi đã tự mình kết hợp nên một ly cà phê có mùi như nước rửa bát thế này được?
Quá tải lựa chọn sẽ khiến chúng ta lúng túng với quá trình ra quyết định, kém hài lòng với kết quả nhận được, từ đó dễ lâm vào tình trạng tự đổ lỗi cho bản thân. Tính tự chủ của quá trình ra quyết định, trớ trêu thay, lại trở thành cái cớ ‘hợp lý’ nhất để tự trách – Tôi lựa chọn không vì bị tác động bởi ai hay điều gì cả, quyết định sai, tức có nghĩa tôi kém cỏi.
Vậy chúng ta nên làm gì? Từ bỏ hết tất cả các lựa chọn, hay cầu viện hỗ trợ từ ‘thế lực bên ngoài’ để có người san sẻ trách nhiệm? Hoặc, chúng ta có thể tìm kiếm những thỏa hiệp khác lành mạnh hơn.
Vẻ đẹp của sự đơn giản
Trong một thế giới với nhịp hoạt động nhanh và dồn dập, việc phải đưa ra quyết định với rất nhiều lựa chọn sẵn có lại trở thành một nhiệm vụ khó khăn. Thay vì luôn tìm kiếm và trở nên mỏi mệt hơn với quá nhiều lựa chọn, có lẽ đôi khi chúng ta nên học cách bằng lòng với thực tại và chậm rãi, thận trọng hơn trong tiến trình thay đổi. Chúng ta không từ bỏ hoàn toàn việc thay đổi hay những sự lựa chọn, chỉ là đừng lựa chọn quá nhiều thứ cùng một lúc.
Đồng thời, chúng ta cũng cần biết cách chấp nhận thất bại để có thể vượt qua thất bại. Tự trách bản thân vì đã quá kém cỏi, quá yếu đuối, quá ngu ngốc, … là chuyện ai cũng làm được, nhưng quan trọng là chúng ta có lựa chọn thực hiện điều đó hay không (cũng lại là một quá trình ra quyết định nữa đấy). Xét trên những góc độ nhất định, cuộc sống của bạn là kết quả của hàng loạt những lần lựa chọn, từ việc cỏn con như tối nay ăn gì đến chuyện có tác động lớn hơn như nghề nghiệp, ước mơ, phong cách sống, … Ly cà phê hôm nay có mùi nước rửa bát rồi thì thôi, giải quyết nó xong thì quên nó đi vậy, để ngày mai mới có tinh thần thử tiếp món khác chứ!
Thông tin tham khảo
Nếu hứng thú với chủ đề này, bạn có thể xem qua phần trình bày về nghịch lý lựa chọn của nhà tâm lý học Barry Schwartz.
(Tham khảo: Too Much Choice – Eva M. Krockow)
Xem thêm:
Những trang ASMR về thế giới ẩm thực đáng theo dõi trên Instagram
Bạn có phải một người hướng ngoại có lựa chọn?
10 bí quyết chống trì hoãn cho hội ‘để mai tính’
Thảo luận về bài viết