Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta đều từng ít nhất một lần nghe đến hoặc thậm chí rơi vào friendzone. “Mình rớt nào friendzone rồi bạn ơi” nghe có vẻ là một câu phàn nàn (thường thấy) của các bạn trẻ, ám chỉ friendzone là một trạng thái không mấy tươi sáng trong một mối quan hệ.
Tuy nhiên, nếu chịu nhìn nhận theo góc độ khác, ta có thể sẽ nhận ra bản chất của friendzone có lẽ không thật sự đáng ghét như trong định kiến của mọi người.
Friendzone là gì?
“Friendzone” lần đầu xuất hiện trong bộ phim Friends của Mỹ vào năm 1994 và bắt đầu được thảo luận phổ biến trên internet vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên phải đến năm 2012 khi show Friendzone của MTV phát sóng thì cụm từ này mới trở nên thực sự thông dụng trong cuộc sống thường ngày và đa phần là từ giới trẻ.
Friendzone vốn là một từ lóng (slang) trong văn hóa Mỹ, sau đó được lan rộng ra toàn cầu. Người ta không có khái niệm chính xác về friendzone mà chủ yếu hiểu theo ngữ cảnh nó được sử dụng. Do đó, cách nhìn nhận về định nghĩa friendzone cũng khác nhau với từng người, từng nền văn hóa phụ thuộc vào các bối cảnh tiếp nhận khác nhau.
Nhìn chung, chúng ta thường hiểu friendzone là trạng thái của một mối quan hệ,mà trong đó, một người muốn tiến xa hơn nữa vào tình yêu, song người còn lại chỉ muốn duy trì tình bạn. Friendzone thường khiến người ta khó xử bởi dù đã bắn tín hiệu, hoặc bày tỏ tình cảm của mình, đối phương vẫn luôn cố giữ hành xử chừng mực hoặc chỉ duy trì quan hệ ở mức tình bạn.
Tại sao friendzone mang “màu xám” và một số người không thích ở trong friendzone?
Friendzone tạo cảm giác bí bách trong mối quan hệ.
Khi có tình cảm với một người mà lại mắc kẹt ở vị trí “chúng ta chỉ nên làm bạn,” người ta sẽ dễ có tâm lý “bỏ thì thương, vương thì tội.
Nhất là trong tình yêu đơn phương, không phải ai cũng đủ tỉnh táo và dứt khoát để nhận ra chuyện tình cảm này sẽ không như ý muốn. Do đó, một số người sẽ không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hy vọng. Những suy nghĩ như: “Có lẽ mình vẫn còn cơ hội”, “trong tương lai mọi thứ sẽ sẽ khác”, hoặc tâm lý “mưa dầm thấm lâu” có thể đeo bám chúng ta một thời gian dài. Điều này chi phối và làm xáo trộn cuộc sống của mỗi người, đặc biệt khi từng hành động, lời của người ấy đều sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của chúng ta. Một số người biết cách làm chủ tình huống, dứt ra được friendzone để mở lòng đi tìm cho mình người phù hợp hơn. Một số khác thì mãi ở trong vòng luẩn quẩn với câu hỏi liệu mình có cơ hội không, liệu tương lai có thể thay đổi không, và mang một sự kì vọng nhỏ nhoi nào đó trong suốt một thời gian dài. Điều này có thể chi phối và ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ khi mỗi hành động của đối phương đều tác động tới họ một cách sâu sắc, mà đối phương thì không mảy may nhận ra điều đó.
Friendzone chỉ là một loại thỏa hiệp. Với một số người, sau khi bị từ chối tình cảm, friendzone dường như là một tấm phao cứu sinh cho họ. Ta có thể miễn cưỡng an ủi bản thân rằng ít nhất mình vẫn có thể làm bạn, ở cạnh và trò chuyện cùng người ấy. Song, tâm lý khi biết bản thân chỉ là một lựa chọn dự phòng rõ ràng không phải điều dễ chịu. Sự thất vọng quá lớn để họ chấp nhận tiếp tục mối quan hệ bạn bè. Việc làm bạn khi một trong hai người có tình cảm đôi khi cũng không phải điều dễ dàng.
Với một số người, sau khi bị từ chối tình cảm, friendzone giống như một sự an ủi miễn cưỡng mà đối phương dành cho họ. Sự thất vọng vì bị từ chối quá lớn để họ có thể chấp nhận việc tiếp tục làm bạn như bình thường. Họ cho rằng nếu đã không thích nhau thì không có lí do gì để làm bạn, và việc làm bạn khi một trong hai người có tình cảm đôi khi cũng không phải điều dễ dàng.
Theo một bài báo của BBC, ngay cả khi xác định đây là mối quan hệ bạn bè thuần túy, nam giới vẫn có xu hướng bị thu hút bởi những người bạn khác giới nhiều hơn phụ nữ. Đồng thời, phái mạnh cũng có khuynh hướng tự đánh giá cao về độ thu hút của bản thân. Điều này tạo động lực cho họ chủ động tiến tới, bày tỏ tình cảm dù trong thực tế, đối phương chưa chắc đã có cùng một mong muốn.
Trong khi đó, phụ nữ lại có xu hướng đánh giá thấp sự thu hút của bản thân hơn so với những gì nam giới nhìn nhận,vậy nên họ có khả năng mắc kẹt vào tình huống đầu tiên cao hơn.
Nhìn chung, có hai nguyên nhân chính khiến người ta không thích friendzone: một là họ không giải quyết được cảm xúc của bản thân nếu tiếp tục duy trì mối quan hệ như hiện tại, hai là họ không thấy thoả mãn khi tìm cảm không được đáp lại theo cách mà bản thân muốn.
Tại sao chúng ta không nên ngưng dùng ‘friendzone’ khi nói về một mối quan hệ?
1. Friendzone làm thay đổi trạng thái mối quan hệ và vẽ nên một tình bạn tồi tệ
Về cơ bản, nếu đã không có tình cảm đặc biệt với người kia, thì dù có tỏ tình hay không, chuyện chúng ta chỉ coi họ là bạn bè vẫn sẽ không thay đổi. Việc gán cụm từ friendzone lên mối quan hệ có thể làm ảnh hưởng đến cách chúng ta giao tiếp, kết nối với nhau, khiến người khác hình dung rằng có một người là kẻ lợi dụng còn người kia là nạn nhân; một người chuyên đi thao túng và người kia bị điều khiển.
Chuyện không có tình cảm trên mức tình bạn với ai đó là hoàn toàn bình thường. Không yêu họ không có nghĩa chúng ta không muốn dành thời gian, chăm sóc, trò chuyện với đối phương.Thế nhưng sự xuất hiện của cụm từ friendzone đã khiến mối quan hệ trở nên méo mó, thay đổi bản chất của một tình bạn lành mạnh, đồng thời biến việc muốn làm bạn với người mà mình không yêu thành một hành động “có tội”.
2. Friendzone ngụ ý rằng chúng ta sẽ không hạnh phúc nếu không được hồi đáp tình yêu
Trên thực tế, mối quan hệ giữa người với người có rất nhiều hình thái khác nhau và tình yêu không phải lúc nào cũng là đích đến hay là cách duy nhất để hạnh phúc. Sự trân trọng, cảm mến, khao khát đồng hành với một người có thể được duy trì bằng nhiều cách, trong đó có tình bạn.
Ngưng phàn nàn về việc mình đang ở trong ‘friendzone’ thể hiện sự tôn trọng với đối phương và thiện chí muốn cố gắng xây dựng một tình bạn tốt đẹp của họ.
3. Friendzone không phải là dấu chấm hết
Đôi khi tình bạn lại chính là nguồn gốc của tình yêu. Người ta vẫn thường bảo tình yêu sẽ đến khi chúng ta ít mong đợi nhất. Biết đâu trong thời điểm tình bạn đang diễn ra tốt đẹp nhất, cả hai lại nhận ra tình cảm dành cho nhau. Sự chuyển hoá từ bạn sang yêu đó đến một cách tự nhiên, khi người ta đã có sự gần gũi, thấu hiểu nhau sau một thời gian dài quen biết. Khi đó, ta có thể càng chắc chắn hơn, người ấy có thể đồng hành lâu dài với mình trong một vị trí khác.
Có thể thấy từ bộ phim truyền hình mang tên “Thanh xuân vật vã” (Fight for may way) của Hàn Quốc, nữ chính cũng đã ở trong friendzone suốt hơn mười năm. Tất nhiên trong thời gian đó, họ vẫn có những con đường, lựa chọn của riêng mình. Mỗi người đều có đời sống độc lập, không bị phụ thuộc vào cảm xúc, tâm lý đối phương. Để rồi trong một khoảnh khắc tự nhiên nhất, họ nhận ra người ấy là mảnh ghép hoàn hảo với mình.
Điều khiến câu chuyện friendzone trong tác phẩm này trở nên tích cực hơn chính là trong quãng thời gian làm bạn với nhau, cả nữ chính lẫn nam chính đều chăm sóc, quan tâm tới người kia một cách chân thành, họ không tính toán thiệt hơn, không hậm hực tủi thân, cũng chẳng ghét bỏ mối quan hệ bạn bè. Đó chính là nền tảng vững chắc để cả hai xây dựng một mối quan hệ yêu đương có sự cảm thông, tin tưởng và thấu hiểu sau này.
Tạm kết
Có dùng từ ‘friendzone’ để nói về mối quan hệ hay không, không quan trọng bằng việc thật sự hiểu được bản chất vấn đề. Nếu có thời điểm nào ta cảm thấy trạng thái “chúng ta chỉ là bạn” mang đến quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, hãy nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ cởi mở, bao dung hơn. Xét cho cùng, quyền quyết định vẫn ở trong tay mỗi người. Nếu quá mệt mỏi, ta có thể thẳng thắn kết thúc mối quan hệ và dành thời gian ở cạnh những người khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc. Còn không, hãy cứ kiên nhẫn, chân thành nuôi dưỡng tình bạn. Sẽ chả bao giờ là thiệt thòi, nếu ta có thêm một người bạn gắn bó với mình.
Có thể bạn quan tâm:
Theo My Creative Types
Có thể bạn quan tâm:
Loài động vật yêu thích nói gì về bạn?
9 bài trắc nghiệm tính cách giống MBTI bạn nên biết
Trắc nghiệm Karl Koch: “Mở khóa” tính cách của bạn thông qua hình vẽ cây
Thảo luận về bài viết