Sáng nay mình nghe Podcast này về câu chuyện người lao động sau 30-35 tuổi đang đối mặt với làn sóng khủng hoảng công việc khi bị sa thải, mất việc và chưa tìm được công việc mới ưng ý. Cần làm gì khi đứng trước nguy cơ trên, đây là một số góc nhìn từ hướng nghiệp của mình.
Nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta: thị trường kinh tế suy thoái, công ty phải thay đổi chiến lược cắt giảm những vị trí ít quan trọng hoặc thừa để tập trung vào các vị trí thiết yếu hơn. Chúng ta không thể kiểm soát được hai yếu tố này, việc có thể làm là nghe ngóng, đọc tin tức, theo dõi tình hình ngành nghề để lường trước.
Vậy người lao động 30-35 hay ngấp nghé tuổi này cần làm gì khi đứng trước nguy cơ trên, đây là một số góc nhìn từ hướng nghiệp của mình.
1/ Cải thiện kĩ năng ngôn ngữ
Mình có một số người bạn hiện đang tầm tuổi 25-27 và một số bạn khác ở tuổi 31-35, họ đều là những người làm việc có chuyên môn khá tốt và đang làm việc ở những công ty Việt Nam. Khi có biến cố xảy ra, các bạn này muốn tìm cơ hội khác ở các công ty nước ngoài hoặc tập đoàn đa quốc gia nhưng lại gặp khó do không tự tin vào khả năng tiếng Anh. Chính vì vậy mình tin rằng ngoại ngữ là kĩ năng đầu tiên mà những bạn ở tuổi 30 cần có để nâng cao khả năng tuyển dụng.
Ngoại ngữ không có nghĩa là phải siêu giỏi như IELTS 9.0. Mình hiểu rằng bây giờ khi chúng ta lướt web hay Tiktok dễ bắt gặp những bạn rất giỏi IELTS trên 8 rất nhiều. Điều này có thể khiến các bạn thấy tiếng Anh của mình bình thường, và không biết cố đến bao giờ mới giỏi bằng những bạn đó. Thực tế đi làm thì tiếng Anh của bạn chỉ cần cỡ IELTS 5.5 trở lên, hoặc 6.5 là khá. Mình làm ở Đại học RMIT là môi trường tiếng Anh hoàn toàn cũng chỉ cần tiếng Anh ở mức 6.5-7.0. Con số này không quá dễ nhưng cũng không quá khó, mình tin tất cả các bạn đều có thể đạt được nếu thực sự bỏ thời gian (6 tháng – 1 năm) chuyên tâm học đúng phương pháp.
Ở cấp độ tốt hơn nữa, khi đã khá tốt tiếng Anh thì bạn nên cân nhắc bổ sung thêm một ngoại ngữ thứ ba. Trong một xã hội mà đã có nhiều người giỏi tiếng Anh rồi thì việc biết thêm một thứ tiếng nữa có thể đem lại cho bạn chút lợi thế tuyển dụng. Ví dụ hiện nay có nhiều công ty tập đoàn Thái Lan đang kinh doanh ở Việt Nam, khi bạn ứng tuyển vào đó ngoài tiếng Anh mà biết thêm chút tiếng Thái thì cũng là một điểm cộng rồi. Ngôn ngữ bây giờ có thể dễ dàng học chỉ với một chiếc điện thoại, bạn có thể bắt đầu ngay sau bài viết này bằng việc tải ứng dụng Duolingo. Mình đã dùng Duolingo để học tiếng Tây Ban Nha từ 2014 đến nay, cũng đủ dùng để giao tiếp cơ bản và đọc tin tức.
2/ Cải thiện kĩ năng công nghệ
Thời buổi hiện nay không thể lấy do mình “low-tech”, mù công nghệ để tránh né việc học về công nghệ được đâu. Thực tế ngành nghề nào cũng đang có ứng dụng công nghệ dù ít hay nhiều. Tài chính ngân hàng điển hình là các ứng dụng điện tử, giáo dục là câu chuyện học online, ngay cả nông nghiệp cũng là những ứng dụng theo dõi cây trồng, bón phân tự động. Không có ngành nghề nào nằm ngoài làn sống công nghệ cả.
Mình hiểu rằng tuổi càng cao thì độ nhạy bén công nghệ càng ít và tâm lý lười học cái mới cũng tăng lên. Tuy nhiên nếu bạn muốn nâng cao cơ hội tuyển dụng cho mình, đặc biệt là đang nhắm vào những công ty tập đoàn lớn thì bạn cần trang bị thêm cho mình những kiến thức về công nghệ.
Trước tiên, bạn tự tìm hiểu xem trong ngành mình đang làm việc có những công nghệ nào mới mà mình chưa biết. Tiếp sau đó bạn tìm hiểu về những thuật ngữ đang phổ biến hiện nay như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), dữ liệu lớn (big data) hay các khái niệm về Blockchain. Mình biết rằng việc mới bắt đầu tìm hiểu các khái niệm trên sẽ cảm thấy rất lùng bùng và khó hiểu, nhưng từ từ bạn sẽ quen và thấy nó ứng dụng rất nhiều trong công việc.
Nếu có thêm thời gian nữa, bạn tìm hiểu thêm về cách vận hành của các trang mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay như Tiktok, Facebook, LinkedIn. Tìm hiểu để thứ nhất tránh việc bị lừa trên mạng (nhiều bạn thiếu tài chính dễ là đối tượng cho bọn lừa đảo), thêm nữa để có thể mở rộng mạng lưới quan hệ và kiếm thêm cơ hội việc làm mới, mình sẽ nói kĩ hơn ở bên dưới.
3/ Mở rộng mạng lưới quan hệ
Mình thường đi dạy mọi người cách viết CV để tìm việc hiệu quả. Tuy nhiên trong các buổi dạy mình đều nhấn mạnh là mọi người hãy tìm việc qua mối quan hệ đi, hiệu quả hơn và nhiều việc ngon hơn là nộp CV rất nhiều.
Các bạn cứ thử tưởng tượng bây giờ mình mở công ty và cần tìm một vài đồng đội làm cùng, các bạn sẽ hỏi xung quanh trước hay đăng tin tuyển dụng trước? Mình sẽ hỏi xung quanh trước vì việc này nhanh hơn và nếu mình biết trước người đó thì mình sẽ dễ làm việc cùng hơn. Nếu bạn nào từng làm một số công ty vừa và lớn cũng có thể thấy các công ty này thường có chính sách thưởng cho việc nhân viên giới thiệu nhân sự đó.
Để mở rộng mối quan hệ đơn giản có 2 cách. Nếu bạn hướng ngoại, hãy tham gia các sự kiện hội thảo, trò chuyện với người mới, xin contact của họ để kết nối. Nếu bạn hướng nội, hãy tận dụng trang LinkedIn để kết nối với những người trong ngành, trong công ty bạn đang quan tâm. Mình có viết một bài kĩ hơn về cách xây dựng Networking hiệu quả, bạn có thể xem tại đây.
4/ Giảm kì vọng và mức sống, tập hài lòng với ít hơn
Nếu anh chị em là người đi làm có thâm niên, ở độ tuổi trên 30 mình tin rằng mọi người có một mức lương khá. Ở thời điểm mình viết bài này (2023), lương khá có thể là trên 20 triệu/tháng, hoặc 30-40 triệu/tháng, hoặc như trong số Podcast chia sẻ ở đầu bài viết là 65 triệu/tháng.
Một trở ngại lớn nhất mình thấy ở các bạn độ tuổi trên 30 gặp phải khi nghỉ việc đó là kì vọng về mức lương. Khi đang có một mức lương ổn, chi tiêu mỗi ngày của chúng ta đang theo mức lương như thế, rất khó để thay đổi. Ví dụ với mức lương 50 triệu/tháng, chúng ta đang ở nhà thuê 20 triệu, đi xe hơi, ăn hàng, con học trường quốc tế – làm sao có thể chịu được việc giảm lương xuống 30 triệu?
Mình không nói chúng ta cần phải giảm lương khi tìm việc. Ở đây là câu chuyện mức sống và mức độ kì vọng. Nếu mức sống của bạn càng tối thiểu, bạn quen được với việc ít sự kì vọng, bạn có thể dễ dàng thích nghi hơn khi có sự thay đổi về tài chính. Nếu mức sống cứ tăng dần theo thu nhập, sẽ khá áp lực nếu mức thu nhập đó bỗng nhiên biến mất.
Giải pháp ở đây là: đặt ra cho mình một mức sống tối thiểu có thể chịu được là ở mức nào. Khi còn làm ăn tốt hãy tiết kiệm cho mình càng nhiều càng tốt, bằng 1-2 năm con số tối thiểu đó để khi chẳng may có mất việc, bạn vẫn có thời gian nghỉ ngơi một chút, bớt áp lực hơn khi tìm việc mới.
5/ Thử nghiệm một số cơ hội mới, nghề nghiệp tay trái.
Viết lách, đi dạy, làm trợ lý từ xa, làm Tiktoker, làm Affiliate là những kiểu công việc phổ biến mình thấy một người đang làm toàn thời gian có thể thử để kiếm thêm thu nhập. Nếu may mắn hơn và thành công với vai trò mới, bạn hoàn toàn có thể chuyển vai trò đó thành công việc toàn thời gian.
Viết lách là bạn dùng tài năng viết của mình để viết bài Marketing, viết sách và kiếm tiền từ đó.
Đi dạy thì bạn cần có chuyên môn vững ở một lĩnh vực, có bằng thạc sĩ càng tốt, bạn có thể dạy ở trường đại học. Hoặc bạn là một người có khả năng truyền cảm hứng, có thể làm diễn giả.
Làm Tiktoker hay một KOL tức là xây một thương hiệu cá nhân về chủ đề bạn thích và giỏi, khi có nhiều người theo dõi bạn có thể làm tiếp thị liên kết hoặc nhận quảng cáo từ các nhãn hàng. Làm tốt thì thu nhập có thể lên đến cả trăm triệu.
Trên đây là một vài giải pháp hướng nghiệp cho các bạn tuổi 30-35 đang lo lắng về con đường nghề nghiệp. Có rất nhiều hướng đi có thể đi, nhiều việc có thể làm, miễn là bạn chịu bắt tay vào làm.
Chúc các bạn thành công.