Một cuộc khảo sát gần đây trên “Alba Heaven” với 1.496 người trẻ ở thế hệ MZ (sinh năm 1981 ~ 2005) cho thấy 35,6% người trả lời gặp triệu chứng “sợ nghe điện thoại”
Số liệu này đã tăng 5,7% so với năm ngoái. Những người mắc chứng ám ảnh cuộc gọi cho biết họ lo lắng về cả việc nghe và gọi điện thoại. Họ thường sẽ không trả lời số lạ, và kể cả khi là người quen gọi, họ vẫn thích gửi tin nhắn hơn.
Nhiều người cũng phải viết kịch bản trước khi gọi điện vì cảm thấy căng thẳng cao độ. Thậm chí, nhiều người trẻ cũng không thoải mái khi nhận cuộc gọi của shipper và yêu cầu shipper chỉ nhắn tin khi giao hàng. Ngay cả những người nổi tiếng như IU, dancer Honey J cũng từng chia sẻ về “cảm giác khó khăn khi phải nói chuyện điện thoại lâu, ngay cả khi gọi điện cho mẹ”.
Theo đó, khó khăn lớn nhất khi gọi điện đối với họ là “phải trả lời ngay mà không có thời gian suy nghĩ”. Một số mối lo khác là “Tôi lo rằng mình sẽ thể nói đúng suy nghĩ của mình”, “Tôi đã quen với giao tiếp không trực tiếp như nhắn tin”, “Tôi sợ không hiểu người kia nói gì” và “khoảng lặng khi không còn gì để nói”.
Trên các trang cộng đồng, hầu hết netizen đồng tình rằng họ gặp khó khăn khi trả lời điện thoại và thoải mái hơn khi nhắn tin. Tuy nhiên, có người cũng cho rằng các cuộc gọi có tính hiệu suất cao hơn và đôi khi việc nhắn tin có thể gây hiểu lầm.
Đáng chú ý, nỗi ám ảnh cuộc gọi không chỉ xảy ra với duy nhất giới trẻ Hàn Quốc. Trong những năm vừa qua, nó cũng đang dần trở nên phổ biến hơn với giới trẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới khi. Tại Mỹ, một báo cáo vào tháng 8/2023 cũng cho biết có tới 90% Gen Z ở nước này đang gặp phải tình trạng ám ảnh cuộc gọi nêu trên.
Các chuyên gia cho rằng việc sợ nghe điện thoại không phải là vấn đề tâm thần và không cần điều trị. Tuy nhiên, để khắc phục, các chuyên gia khuyên những người đang gặp phải tình trạng này nên bắt đầu bằng việc thực hiện những cuộc trò chuyện ngắn để hỏi thăm sức khỏe. Sau đó, tăng dần thời lượng các trò chuyện qua điện thoại với những người cho mình cảm giác thoải mái.