Nhờ những trải nghiệm khi kinh tế khó khăn, người trẻ đã có những bài học về quản lý tài chính cá nhân và bắt đầu tiết kiệm tiền để phòng ngừa các rủi ro trong tương lai.
Thất nghiệp gần nửa năm, cô gái chỉ tiêu 800 ngàn/tháng để tiết kiệm
Đó là câu chuyện của Thu Hương (25 tuổi, Nam Định). Cuối năm ngoái, Thu Hương đã xin nghỉ vị trí kế toán viên. Bởi cô nhận thấy mức lương mang lại thấp mà áp lực công việc cao, làm 2 năm vẫn không thấy cơ hội thăng tiến.
Cô nàng chia sẻ: “Mức lương cứng khởi điểm là 5,5 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 6 tháng làm chính thức thì vị trí của mình được nâng lên 6,5 triệu đồng. Nếu tính cả hỗ trợ phụ cấp của công ty nữa thì khoản tiền lương mỗi tháng chỉ quanh quẩn 7 – 7,2 triệu đồng/tháng.
Nhưng áp lực và khối lượng công việc ngày càng nhiều. Năm ngoái, phòng ban mình có 1 người xin nghỉ đẻ. Không kịp tìm người thay thế nên mình phải gánh đến 2 đầu việc. Tuy vậy lương không tăng, và mình bắt đầu thấy có dấu hiệu quá tải. Nhiều sự vô lý liên tiếp xuất hiện nên mình quyết định nghỉ để kiếm việc khác”.
Sau khi nghỉ việc, Thu Hương rơi vào tình trạng thất nghiệp thời gian dài. Lúc bấy giờ, để xoay xở được tiền nhà và trang trải sinh hoạt phí, cô đã xin làm nhiều công việc như đứng quầy bán mỹ phẩm trong siêu thị, phục vụ ở quán ăn, ship hàng, trợ lý của một quản lý khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng…
Thu nhập bấp bênh đã khiến Thu Hương phải tìm cách xoay xở để sống sót tốt bằng cách cố quản lý tài chính cá nhân. Được biết trong thời gian thất nghiệp, để tiếp tục sống và làm việc tại Hà Nội, cô đã phải trả phòng trọ với giá 2 triệu đồng/tháng, ra ngoại thành ở. Việc này giúp Thu Hương tiết kiệm được một khoản tiền:
“Bạn mình thấy tình hình khó khăn nên kêu về nhà nó ở tạm. Xuống Đan Phượng, bắt xe buýt vào trung tâm để làm việc, di chuyển mỗi lần khoảng 1,5 tiếng nhưng cuộc sống bớt hẳn xô bồ. Mình cũng đỡ áp lực chuyện tiền nong một chút. Tuy biết là tạm bợ nhưng trong tình huống này mình không còn cách nào khác. Mình ăn uống riêng và chỉ về nhà để ngủ và tắm rửa”, Thu Hường nói.
Đỉnh điểm giai đoạn khó khăn, bị chậm lương nên Hương phải ăn trứng gà cả tuần. Tính tổng tiền điện nước, ăn uống, đi lại thì trong gần nửa năm cô nàng chỉ tiêu khoảng 800 ngàn đồng/tháng: 100 ngàn đồng tiền vé xe bus, 100 ngàn đồng tiền điện nước và 600 ngàn đồng cho tiền ăn uống và chi phí khác.
Qua được khoảng thời gian đó cần phải quản lý chi tiêu khó khăn đó, Hương càng biết trân trọng từng đồng tiền kiếm được. Khi có được công việc ổn định, cô làm việc chăm chỉ và cố gắng từng ngày để phát triển. “Sau chuyện này, mình rút ra bài học là không nên tự ý nghỉ việc nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ càng. Thật sự những ngày tháng như thế, mình không muốn bất cứ ai phải trải qua!”, Thu Hương tâm sự.
Tăng chi tiêu khi chuyển vào TP.HCM sống, chàng trai học cách quản lý tài chính cá nhân
Cách đây 5 năm, Đào Xuân (28 tuổi, IT) chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống sau khi nhận được mức lương nhân gấp 5 lần so với công việc cũ.
Đào Xuân nhớ lại: “Quả thực đây là 1 bước chuyển lớn trong công việc của mình. Ngày đó nhận được thư mời phỏng vấn mà tay chân run rẩy. Vì ít có công ty nào chịu chi đến 25 triệu đồng/tháng cho 1 nhân viên vừa vào nghề được 1 năm.
Sau khi chuyển đến thành phố mới, Đào Xuân nhanh chóng nhận ra mức chi tiêu ở TP.HCM đã tăng lên rất nhiều. Điều này dẫn đến việc chàng trai phải thay đổi cách quản lý tài chính cá nhân nếu vẫn muốn có một khoản tiền tiết kiệm.
“Chi phí thuê nhà ở Quận 1 quả thực là rất đắt. Hàng tháng mình cũng tốn hơn chục triệu đồng cho nhà cửa. Chưa kể đến những chi phí cho tiền ăn, sinh hoạt cơ bản, 1 tháng ít cũng phải 6-7 triệu. Mình không có thói quen ăn ngoài nhiều, nhưng những buổi giao lưu, bạn bè thì không thể tránh hết được. Cái gì tối ưu được thì tiết kiệm, nhưng riêng quan hệ thì không.
Thêm nữa là khoản tiền chi tiêu cho mua sắm. Mình không mua nhiều đồ vật, trang sức hay quần áo. Mà dồn tiền để đầu tư cho thiết bị làm việc. Mỗi lần thay máy tính, ước chừng cũng phải bỏ ra vài chục triệu”, Đào Xuân chia sẻ.
Cũng từ đó, chàng trai bắt đầu lên kế hoạch kiểm soát chi tiêu nghiêm ngặt. Với mức lương hiện tại, anh chàng chi khoảng 30% cho sinh hoạt phí. Đào Xuân ưu tiên cho tiết kiệm nên mỗi tháng anh luôn cố gắng dành ít nhất 40% trên tổng thu nhập cho khoản này.
“Việc tiết kiệm diễn ra hết sức suôn sẻ, vì là con trai mà lại độc thân nên không tốn kém. Dù một lần đầu tư cho máy móc cũng tốn vài chục triệu, cũng chỉ bằng tiền quần áo, mỹ phẩm của chị em trong vài tháng. Mình thích những thứ đơn giản, nên nhà cửa không trang hoàng gì nhiều (cũng vì ở thuê mà, càng ít đồ càng tiện).
Quần áo một năm cũng chỉ vài bộ, chủ yếu là thoải mái, dễ mặc. Đó cũng gần như là các khoản chi phí mình chi trả cho cuộc sống rồi. Quan trọng nhất, vẫn cứ là tối giản cho cuộc sống của mình thì hơn. Đây cũng là phong cách viết code của mình”, Đào Xuân nói.
Cũng nhờ thành quả tiết kiệm và làm việc chăm chỉ nên sau 5 năm sinh sống tại TP.HCM, Đào Xuân đã đặt cọc một chiếc ô tô mà không cần phải xin bố mẹ. Chàng trai nhận định anh tiết kiệm là để lo cho tương lai và bản thân mình. Cũng vì thế, Đào Xuân không cảm thấy khổ sở khi theo đuổi các mục tiêu kiểm soát tài chính.
Anh chàng tâm sự: “Mình yêu TP.HCM và muốn gắn bó với nó vài năm nữa. Nên mình không muốn ở đây với 1 chiếc ví rỗng sau khi về. Mức sống trong TP.HCM cao hơn nhiều so với ngoài Bắc. Chi phí cho mỗi lần ăn ngoài cực kỳ tốn kém, nếu muốn ăn ngon có khi phải chi vài trăm ngàn cho một bữa. Hoặc những lần tụ tập, vui chơi với bạn bè.
Cuộc sống về đêm ở TP.HCM có thể khiến túi bạn cháy sạch dù mới nhận lương. Bạn bè xung quanh mình có người sống như vậy nên mình rất sợ. Vì thế, mình luôn hạn chế những buổi tụ tập chẳng đâu vào đâu, ít ăn ngoài, mua sắm. Ở đâu cũng có điều này điều kia. Nhưng nếu muốn có tiền tiết kiệm khi sống ở TP.HCM, bạn nhất định phải học cách quản túi tiền của mình thật chắc!”.
VÂN ANH