Trong nhiều thập kỷ, phụ nữ đã phải học cách im lặng trước những tiêu chí đánh giá tại nơi làm việc. Những yêu cầu bất thành văn này được đánh dấu bằng những quan điểm sai lầm về giới tính, những định kiến mang phần ép buộc. Điều này khiến tình trạng bất bình đẳng diễn ra tại văn phòng trở thành vấn đề “ngầm” ai cũng biết, nhưng lại chưa thể giải quyết.
Một người phụ nữ, nếu quá thẳng thắn và quyết liệt ở chỗ làm thường sẽ nhận được những đánh giá như: “Thiếu khả năng lắng nghe, cần phải tìm cách hoà đồng với mọi người hơn.” Nhưng ngược lại, những hành vi tương tự ở nam giới sẽ được đề cập là: “Tự tin, quyết đoán và độc lập trong công việc.” Khi quan sát những người phụ nữ phi thường như: Anita Hill, Marcia Clark và Margaret Thatcher bằng những góc nhìn soi sét và kỹ lưỡng như cặp kính hiển vi, người ta thường khen ngợi rằng: “Họ là những người phi thường, mạnh mẽ, hoàn thành tốt những việc mà tưởng như chỉ có đàn ông mới có thể đảm nhận.” Việc vượt qua nam giới bỗng nhiên trở thành tiêu chí phấn đấu của nữ giới dù nó không cần thiết.
Những quy tắc thầm lặng – thứ đánh giá phụ nữ tại nơi làm việc
Trong nhiều thập kỷ, phụ nữ đã phải học cách thích nghi với các quy định ngầm. Những quy định này không chỉ nói về việc trở thành một nhân viên tốt với lộ trình thăng tiến chậm rãi mà còn liên quan tới khía cạnh giao tiếp: Phụ nữ phải cư xử dễ chịu, không được cảm tính, biết cách để được người khác tôn trọng, dễ gần, không được cáu giận, v.v… Những quy luật ngầm này được đóng khung bởi các khuôn mẫu và định kiến giới tính, càng làm nghiêm trọng tình trạng bất bình đẳng giới trong công sở.
Theo nghiên cứu vào năm 2018 của Pew Research, lao động nữ ở Hoa Kỳ có mức thu nhập dừng ở khoảng 85% tổng thu nhập của nam giới. Thống kê mới nhất của McKinsey & Company và LeanIn.org cũng cho biết, cứ 100 nam giới được thăng chức ở Bắc Mỹ thì chỉ có 72 phụ nữ được đề bạt. Nghĩa là nếu tỉ lệ hiện tại được duy trì, số lượng phụ nữ làm quản lý sẽ chỉ tăng 1% trong mười năm tới. Một nghiên cứu khác của Trung tâm Luật pháp cho phụ nữ toàn quốc (NWLC) cũng tiết lộ rằng nữ giới dường như đang phải chịu đựng “hình phạt làm mẹ,” bởi khi đấy họ sẽ mất đi 16,000 đô la Mỹ tiền lương mỗi năm. Không dừng ở đó, một định kiến rất phiến diện được nghiên cứu của Bright Horizons chỉ ra rằng, 41% lao động Mỹ thấy rằng các bà mẹ có vẻ ít quan tâm tới công việc của mình hơn những ông bố.
Nghi ngờ sự cam kết của một người phụ nữ với công việc là một trong nhiều quan niệm sai lầm có thể gây hại cho sự nghiệp của cô ấy. Theo một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người đàn ông đạt thành tích cao sẽ được gọi lại sau các cuộc phỏng vấn xin việc thường xuyên hơn so với những phụ nữ cũng đạt thành tích tương tự — cụ thể là với tỷ lệ khoảng 2 chọi 1.
Natasha M. Quadlin, tiến sĩ, tác giả nghiên cứu và là trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học bang Ohio, cho biết: “Họ có thể chỉ trích nhân cách của cô ấy và phản đối việc cô ấy được đặt vào vị trí lãnh đạo. Trong khi phụ nữ phải chịu đựng những định kiến kép, tức chỉ hành xử dễ mến hoặc rõ ràng trong công việc, thì đàn ông lại dễ dàng được chấp nhận ở cả hai khía cạnh này.”
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Applied Psychology, những định kiến giới tính còn ảnh hưởng đến góc nhìn của phụ nữ về khả năng hài hước. Các tác giả đã làm một bài nghiên cứu riêng biệt cho vấn đề này khi một nữ giám đốc điều hành nổi tiếng trong ngành dầu khí cho biết cô phải cố gắng không bộc lộ sự vui vẻ của mình. Jon Evans, tác giả nghiên cứu và nhà nghiên cứu lãnh đạo tại Đại học Arizona cho biết: “Các nữ cố vấn đã nói tính hài hước có thể khiến cô ấy không được coi trọng và bị nhìn nhận là thiếu nghiêm túc trong công việc. Nhất là khi cô ấy là phụ nữ.”
Một thử nghiệm chính thức khác cũng đưa ra kết quả tương tự như bài nghiên cứu của Jon Evans. Trong khi tính hài hước trong bài thuyết trình có thể cải thiện sức hút, nâng cao hiệu suất và đánh giá khả năng lãnh đạo của đàn ông, thì phụ nữ lại ngược lại. Họ bị đánh giá tiêu cực hơn khi muốn cho thêm những yếu tố vui vẻ lúc diễn thuyết và bị nhìn nhận như thiếu khả năng quản lý.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Hài hước không chỉ là lĩnh vực duy nhất mà phụ nữ có nguy cơ không được coi trọng. Điều gây áp lực cho nữ giới còn bao gồm cả tuổi trẻ của chính mình.
Khi một người đàn ông trẻ giới thiệu mình với lãnh đạo, đối tác lớn tuổi, họ sẽ nghe được câu: “Bạn làm tôi nhớ đến con trai mình.” Với các nhà đầu tư, câu này có nghĩa như thể họ đang được nhìn lại phiên bản hồi xưa của mình: “Bạn làm tôi nhớ đến tôi”. Thế nhưng nếu đó là một cô gái trẻ, họ sẽ dễ bị coi là non nớt và thiếu kinh nghiệm. “Khi nghĩ về người phụ nữ đang khởi nghiệp, tôi nghĩ về họ như cô con gái của mình, cô ấy đột nhiên trở thành một người mong manh và cần được bảo vệ”. Hay đơn giản hơn, phụ nữ trẻ bị coi như người không thể đương đầu với sự khắc nghiệt của chặng đường khởi nghiệp.
Rất nhiều cô gái Việt Nam khi muốn kinh doanh hoặc cố gắng gây dựng những thành tựu lớn cho riêng mình đều phải đối diện với câu hỏi: “Tại sao bạn lại muốn lập nghiệp? Bạn là một cô gái xinh đẹp; chỉ cần lấy một người chồng giàu có và thoải mái tận hưởng cuộc sống là được mà?” Tuy nhiên, là một người phụ nữ thời hiện đại, nữ giới Việt Nam và thế giới không cần phải được bao bọc trong công việc hay chờ đợi bất cứ sự ưu ái nào. Cái họ cần là cơ hội và các đánh giá khách quan, không phải những phát ngôn mang tính tuyên truyền như: “Phụ nữ hiện đại có thể làm được mọi thứ,” rồi chỉ nhận lại cái nhìn thiếu tin tưởng và mức lương không xứng đáng.
Ngoài chuyện kinh doanh, nữ giới làm việc trong môi trường toàn nam giới vẫn phải đối diện với rất nhiều mâu thuẫn. Cherie Marquez, 40 tuổi, giám đốc tiếp thị và truyền thông cho biết cô thường xuyên cảm thấy mình bị “coi thường.” Cô chia sẻ, “Tôi làm việc cho một công ty thiết kế với phần đông nhân viên là nam và được nam giới lãnh đạo. Khi tôi và những đồng nghiệp nữ khác bày tỏ những lo lắng của mình, chúng tôi lại bị gắn mác là “drama” hoặc đang nói xấu những người xung quanh. Vì thế mà không ai lắng nghe ý kiến của chúng tôi, dù rằng nó cũng tương tự ý kiến của các đồng nghiệp nam khác.”
Tất nhiên, đàn ông không phải ai cũng nhận ra sự xuất hiện của bất bình đẳng giới trong công việc. Ví dụ như trong những ngành đặc thù như STEM (Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ – Toán học), nam giới luôn nhận được sự thiên vị lớn hơn phụ nữ trong việc được trao cơ hội nghề nghiệp cũng như phát triển. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, nam giới có thể coi các bài báo chứng minh sự thiên vị giới như vậy là kém đáng tin cậy hơn so với nghiên cứu khẳng định ngược lại. Do đó, để cải thiện điều này, sự nhận biết đồng thời ủng hộ bình đẳng giới của đàn ông là vô cùng quan trọng. Rất nhiều nam giới đã chủ động đảm nhận việc nhà để bạn đời của mình có thể tập trung phát triển sự nghiệp. Trong hội đồng thẩm định, cũng có rất nhiều đàn ông đã đặt năng lực, trình độ lên đầu khi phải cân nhắc lựa chọn thăng cấp cho ứng cử viên nam hay nữ. Họ sẵn sàng khen ngợi, đề cử những đồng nghiệp nữ có khả năng vượt trội trong công viêc. Đây chính là tín hiệu đáng mừng để đạt được sự bình đẳng trong công việc và giúp cho phụ nữ không còn phải tuân thủ các quy tắc ngầm trong công việc.
Khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào vai trò lãnh đạo, sẽ có nhiều nhà quản lý, cố vấn nữ mở ra cánh cửa phát triển cho các thế hệ nữ giới đủ năng lực tiếp theo leo lên các vị trí: giám đốc điều hành, doanh nhân, nhà quản lý và nhà đầu tư tương lai.
Để đấu tranh lại những bất công với phụ nữ, Maja Malfino, một nhà văn và chuyên gia lãnh đạo của nữ giới ở vùng Bay Area cho biết rằng phụ nữ có 3 lựa chọn: không nói gì, lên tiếng hoặc rời đi. Cô phân tích, “Khi bạn không hành động, bạn sẽ không giúp đỡ được bất cứ ai, kể cả chính bạn. Việc nói ra những bất công tuy rằng khó khăn nhưng lại vô cùng quan trọng. Trong trường hợp bạn đã lên tiếng nhiều lần nhưng tình trạng ưu ái giới, phân biệt chủng tộc hoặc các bất công không được thay đổi, lựa chọn tốt nhất là nghỉ việc. Lúc này, thiệt hại cuối cùng thuộc về công ty. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự đa dạng giới tính cũng như sắc tộc sẽ giúp làm phong phú các kiểu thông minh và nâng cao khả năng làm việc.”
Tựu chung lại, xã hội vẫn đang dần tiến đến sự cân bằng, dù chúng ta chưa được điều kiện lý tưởng ngay. Theo nghiên cứu của Pew, tuy khoảng cách lương theo giới tính đã giảm dần từ năm 1980, nhưng nó vẫn giữ nguyên vậy trong khoảng 15 năm qua và có thể chúng ta phải mất thêm ít nhất 15 năm nữa mới có thể đạt được trạng thái cân bằng tại chỗ làm. Tuy nhiên điều tích cực là chúng ta đã nhìn ra vấn đề và sẵn sàng có những cuộc trao đổi, đấu tranh vì nó. Những bước nhảy vọt như phong trào #MeToo, nếu đến một thời điểm thích hợp, có thể thúc đẩy sự thay đổi nhanh hơn rất nhiều. Đây là một hành trình dài, nếu chỉ nhìn mỗi vạch xuất phát và đích đến, ta có thể sợ hãi và nản trí rất nhanh. Việc tốt nhất ta có thể làm là tập trung vào điểm trước mắt và kiên nhẫn đi từng bước.
Theo Harpers Bazaar
Có thể bạn quan tâm:
Không muốn bị cho là “ăn lông ở lỗ”, phụ nữ phải đối mặt với áp lực tẩy lông
Từ định kiến đến kiêu hãnh: Những người phụ nữ thay đổi hoàn toàn quan điểm về cái đẹp
#Nghĩ: Những người mẹ hoàn hảo – trào lưu mới của mạng xã hội
Thảo luận về bài viết