Có khá nhiều quan điểm trái chiều về việc sử dụng tiếng Anh xen tiếng Việt. Không thể phủ nhận rằng, trong một số trường hợp, việc chêm từ tiếng Anh hay tiếng nước ngoài là điều cần thiết, bởi vì một số khái niệm hay thuật ngữ ngành nghề có nguồn gốc quốc tế khi du nhập sang Việt Nam – chẳng hạn như internet, artboard,… khó tìm được từ thay thế. Ngay cả tiếng Việt cũng được du nhập sang các nước khác như phở (pho), bánh mì (banh mi) nhưng vẫn giữ nguyên từ gốc.
Ngoại ngữ ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi có trình độ dân trí cao. Bên cạnh việc sử dụng ngoại ngữ như một công cụ hữu ích và không thể thiếu trong công việc, học tập… đã xuất hiện không ít những mặt trái – sính ngoại ngữ, lạm dụng ngoại ngữ ngày càng phổ biến và thực sự là một “căn bệnh” đang lây lan, phát triển mạnh mẽ trong giới văn phòng và sinh viên. Vấn đề giữ gìn và phát triển sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt chưa bao giờ là câu chuyện cũ.
Trong giao tiếp hằng ngày đòi hỏi phản ứng nhanh nên đôi khi việc lồng ghép là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi viết một văn bản hay thông dụng nhất là email, chúng ta có đủ thời gian suy nghĩ, và việc lựa chọn một ngôn ngữ xuyên suốt sẽ giúp cho cuộc trao đổi bằng câu chữ đó trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nếu gõ cụm từ khóa “cách viết email bằng tiếng Việt”, thật ngạc nhiên khi kết quả tìm kiếm không nhiều và dễ dàng như bạn tưởng. Phần lớn các hướng dẫn được viết ra cũng sử dụng những cụm từ tiếng Anh điển hình như “Sincerely” và “Warm regards” thay cho các từ tiếng Việt mang cùng ý nghĩa để kết thúc thư.
Vì thế trong bài viết này, hãy cùng The Millennials tìm hiểu những cụm từ thuần Việt cho lời chào cuối email nhé.
Kính thư
thay cho Sincerely / Warm regards / Your Truly
Sử dụng “Kính thư” để kết thúc email viết cho đối tượng lớn tuổi, vai vế lớn hơn bạn. Cách dùng này thường rất trịnh trọng, nhưng lại hơi cứng nhắc và khuôn phép. Vậy nên hãy dùng khi điều quan trọng nhất mà bạn muốn bày tỏ là sự kính trọng với người nhận.
“Kính thư” sẽ phù hợp cho những email xin việc, liên hệ với cấp trên hoặc những đối tượng giao tiếp lần đầu. Không nên dùng với những người đã gặp nhiều lần hay đồng nghiệp thân thiết. Chính sự trang trọng nhưng có đôi phần xa cách của chúng sẽ làm đối phương đặt nghi vấn về mức độ thân thiết giữa bạn và họ.
Trân trọng
thay cho Best
“Trân trọng” – hay “Chân thành”, chính là lời kết thư an toàn nhất cho phần lớn trường hợp bởi tính trung lập của nó — không quá thân thiết, cũng không quá trang trọng, nhưng vẫn thể hiện được thành ý của người viết. Khi dùng từ kết này, chúng ta không cần quá đắn đo về mối quan hệ với người nhận bởi từ không thể hiện quá nhiều cảm xúc cá nhân nhưng cũng không quá lạnh lùng, xa cách.
Thân ái
thay cho Warmly
Với cách viết “Thân ái”, bạn thể hiện rất nhiều cảm xúc cá nhân và không nên dùng trong những trường hợp viết thư cho một người mà bạn chưa quen và muốn tạo ấn tượng ban đầu. Bản chất của con người luôn trân trọng tình cảm nhưng cũng không thích sự vồ vập ngay từ lần đầu. Tuy được sử dụng tương đối thường xuyên trong các email công việc, nhưng thực tế đây lại là những từ kết buộc người gửi phải cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí hạn chế sử dụng khi giao tiếp.
Lời cảm ơn
Ngoài ra tuỳ vào trường hợp, bạn có thể sử dụng lời cảm ơn hoặc một lời chúc sức khỏe, sự nghiệp thay cho lời chào cuối thư để tránh sự gượng ép trong cấu trúc bức thư.
Lời cảm ơn cuối thư cũng là một trong những cách kết thư giúp người gửi có cơ hội nhận được phản hồi cao nhất do tính thực tế và thân thiện của nó. Một nghiên cứu mới đây đăng trên Journal of Personality and Social Psychology liên quan tới 350.000 email và câu kết của chúng đã chỉ ra rằng, những câu nói thể hiện sự cảm ơn mang đến tỷ lệ phản hồi cao hơn tới 62%, nhiều hơn gấp đôi so với các cách kết thư khác.
Thế nhưng không phải lúc nào “phép màu” đó cũng ứng nghiệm, đặc biệt đối với các email có nội dung yêu cầu hay nhờ cậy. Lời “cảm ơn” ở cuối email sẽ dễ khiến người đọc cảm thấy “bị bắt ép” phải đồng ý hoặc thực hiện yêu cầu của người gửi. “Nói cảm ơn trước khi đối phương quyết định giúp bạn đồng nghĩa với việc bạn đang (vô tình hay cố tình) tạo áp lực theo một cách độc đoán, buộc họ phải làm điều gì đó cho mình,” William Schwalbe – đồng tác giả cuốn “Send: Why People Email So Badly And How To Do It Better”, giải thích.
Thảo luận về bài viết