Bạn đã gặp những vị sếp như thế nào trong quãng thời gian đi làm? Có người sẽ rất tuyệt vời, với những kĩ năng, trình độ khiến bạn không ngừng thán phục và muốn gắn bó thật lâu dài. Nhưng cũng có những người sếp khiến bạn “nín lời”, ước gì ngày làm việc chỉ trôi thật nhanh, vậy họ là ai? Làm sao để nhận ra? Hãy bóc tách từng vị sếp không mấy dễ chịu này và cách làm việc cùng họ nhé!
1. The Blob:
Trong văn hóa đại chúng, the Blob là một khối chất nhầy sền sệt với bộ óc thông minh. Mục tiêu của chất dẻo này là theo sau và tìm mọi cách “nuốt chửng” những mục tiêu của mình.
Ở chỗ làm, Bob sẽ là những vị sếp luôn cảm thấy lo lắng, thiếu niềm tin và không có tầm nhìn vững chắc. Bởi vậy họ có xu hướng sa đà vào việc kiểm soát từng tiểu tiết – điều có thể vô tình làm thui chột khả năng sáng tạo và kết quả của nhân viên. Bạn có thể cảm thấy mình luôn trong tình trạng nơm nớp, nghi ngờ vào năng lực làm việc của bản thân, bởi vị sếp “chất dẻo” này đang liên tục theo dõi bạn.
Cách làm việc cùng sếp Blob:
– Đối diện trực tiếp với người lãnh đạo. Nói với cấp trên rằng họ có thể tin vào bạn thay vì kiểm soát khắt khe từng chút một. Hãy cùng sếp soạn một bản kế hoạch mà trong đó các đầu việc, KPI đã được miêu tả với những hiệu suất cụ thể.Điều này giúp sếp nắm rõ được những việc bạn sẽ làm và dự đoán kết quả của từng đầu việc.
– Giúp vị sếp “chất dẻo” kiểm soát sự lo lắng của mình thông qua việc trao đổi thường xuyên với cấp trên. Nếu có thay đổi hoặc gặp khúc mắc trong quá trình làm việc, hãy là người chủ động giao tiếp với họ thay vì để quản lý phải nóng ruột quan sát bạn loay hoay với công việc của mình.
– Cập nhật tiến độ làm việc và kết quả của từng khâu cho sếp. Bạn có thể viết những email ngắn để họ nắm rõ tình hình gần như mọi lúc. Ví dụ: “Cuộc họp hôm nay với bên A rất tốt đẹp, các bước tiếp theo sẽ được thực hiện như trong đề xuất” hoặc “Hôm nay nhóm sẽ gặp gỡ công ty B, kết quả của cuộc trao đổi em sẽ thông báo ngay sau khi về công ty”.
2.Vị sếp vô hình:
Trong cuốn tiểu thuyết của H.G.Wells, Griffin là một nhà bác học đã tìm ra cách khiến bản thân trở nên tàng hình. Thế nhưng sau đó ông ta đã hóa điên và tấn công mọi người trên thế giới. Sự đáng sợ của một người vô hình chính là bạn không thể nhìn thấy đối tượng cho đến khi nhận ra cuộc sống của mình đang bị xáo trộn và đảo lộn hoàn toàn.
Tại chỗ làm, sếp vô hình (SVH) có hành tung bí ẩn, khó lường và ít thể hiện năng lực lãnh đạo của mình. Những vị sếp vô hình thường xuất hiện khi mọi thứ đã rối tung lên. Họ không nắm rõ được chi tiết công việc và cũng không đưa ra đước các biện pháp giải quyết hợp lý. Thay vì thế, những người sếp này thường có xu hướng khiển trách và chỉ trích nhân viên, khiến hình ảnh của cấp dưới xấu đi trong mắt nhiều người.
Cách làm việc cùng sếp vô hình:
– Tương tự như vị sếp “chất dẻo,” bạn cần phải thường xuyên liên lạc với người sếp vô hình. Thông báo cho họ về nội dung mọi cuộc họp, tất cả các mục tiêu, tiến trình của từng dự án qua bất kể hình thức nào như email, Zalo, Viber,… Nếu sếp quá bận rộn hoặc quên mất những thông tin trên thì ít nhất họ cũng đã có một chiếc email để kịp thời nắm bắt tình hình.
– Giữ lại tất cả báo cáo công việc, số liệu và thông tin ở chỗ làm. Nếu không tìm thấy “sếp vô hình”, bạn có thể trình bày những điều này với quản lý cấp cao hơn. Điều này không chỉ cho thấy bạn là một nhân viên có trách nhiệm, linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề mà còn giúp bạn có những lời khuyên, phương án chính xác hơn khi làm việc.
– Trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp và các ban ngành khác trong công ty. Không có sếp, bạn vẫn có những người khác để làm việc cùng! Khi công việc gặp khúc mắc, mọi người có thể cùng nhau giải quyết vấn đề để vừa tìm ra những ý kiến mới vừa kết nối các thành viên với nhau một cách chặt chẽ hơn.
3. Tiến sĩ Frankenstein:
Frankenstein là một nhà khoa học lỗi lạc, người đã tạo nên những phát minh mang tính cách mạng. Tham vọng và khả năng của nhà khoa học này cao ngang với sự tự luyến của ông. Tuy nhiên chính điều này đã vô tình đem lại bi kịch cho thế giới.
Tại chốn công sở, sếp Frank sẽ luôn tạo ra những công việc mới, biến mọi ý tưởng trên giấy thành hiện thực và có khả năng phát triển nó một cách mạnh mẽ. Họ tin rằng những gì mình biết là điều tốt nhất và bản thân đáng tin hơn bất cứ ai ở chỗ làm. Những vị sếp này thường khá độc đoán, ít khả năng thông cảm hay nhẫn nại để lắng nghe cấp dưới của mình.
Cách làm việc cùng sếp Frankenstein:
– Học cách làm việc một cách vui vẻ với quản lý của mình. Việc giữ mối quan hệ hài hòa với vị sếp này sẽ khiến ý kiến của bạn dễ dàng được tiếp thu và lắng nghe hơn. Hãy thể hiện sự trân trọng với từng ý kiến của họ, song song với đó là đưa ra những suy nghĩ của bản thân. Trao đổi chính là chìa khóa để dung hòa mọi vấn đề và kết hợp những ưu điểm lớn nhất của hai bên. Xét cho cùng, cả hai đều có cùng mục tiêu là làm sao để công việc đạt được kết quả tốt nhất cơ mà.
– Chuẩn bị cho sự kiêu hãnh của họ. Một vị sếp tự tin vào năng lực và kiến thức của mình là điều hoàn toàn hợp lý. Không phải ngẫu nhiên mà họ được lựa chọn làm quản lý. Do đó, hãy chú ý lắng nghe, chắt lọc những ý kiến hợp lý và áp dụng điều đó vào công việc.
– Tích cực thể hiện bản thân. Việc chứng minh rằng mình là một nhân viên có giá trị sẽ khiến ý kiến của bạn trong mắt sếp có trọng lượng hơn. Thông qua cách này, bạn cũng có thể trở thành cầu nối giữa các thành viên khác và quản lý, giúp cho mối quan hệ của tập thể trở nên hoài hoà hơn.
4. Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde:
Trong khi Jekyll là một tiến sĩ dễ chịu, đáng kính thì quý ngài Hyde lại là một nhân vật khá nguy hiểm. Họ là hai thái cực tồn tại trong một con người, và bạn không biết trước được hôm nay bạn sẽ phải gặp tính cách nào.
Phiên bản chỗ làm của vị sếp này này cũng không khác nhân vật trong quyển tiểu thuyết của Robert Louis Stevenson là mấy. Vị quản lý này có thể rất vui khi được làm việc bên ngoài, luôn tràn ngập năng lượng khi gặp gỡ đối tác, sẵn sàng đi công tác xa hàng tháng trời, về muộn nhất sau những buổi giao lưu nhưng sáng hôm sau vẫn tràn đầy năng lượng để hỗ trợ nhân viên. Tuy nhiên họ cũng dễ dàng nổi cáu nếu phát hiện văn bản có một lỗi chính tả, những cuộc họp quá dài mà vẫn không giải quyết được vấn đề v.v.. Nói tóm lại, bạn sẽ không biết được vì sếp này đang có tâm trạng như thế nào? lỡ họ lại nổi cáu khi mọi thứ vẫn đang tốt đẹp thì sao?
Cách làm việc cùng sếp Jekyll-Hyde:
– Đừng để bụng với sự thay đổi chóng mặt trong tính cách của họ. Hãy nhớ rằng không ai hoàn hảo và sếp bạn cũng thế. Mỗi người đều có những giới hạn cảm xúc riêng. Chừng nào cả hai đều tôn trọng và chấp nhận nhau thì mọi chuyện đều sẽ ổn.
– Giúp tính cách tốt của Jekyll đối phó với sự kích động của nhân cách Hyde. Hãy giúp vị sếp “hai-trong-một” này sắp xếp công việc và hỗ trợ họ nhiều hơn. Ví dụ, nếu sếp là người ghét tính toán, tổng kết sổ sách thì bạn có thể chủ động nhận phần việc này và báo cáo kết quả lại cho họ. Hạn chế lỗi sai và tuyệt đối đừng lặp lại những sơ suất đã từng được quản lý nhắc nhở.
Kết
Tuy còn nhiều cửa ải boss khác – như quỷ, ma cà rồng, thậm chí cả Godzilla, nhưng 4 vị “đại nhân” the Blob, Jekyll và Hyde, Sếp vô hình và Tiến sĩ Frankenstein là những quản lý chúng ta có thể hay gặp nhất. Đôi khi bạn lại gặp cả hai kiểu sếp trong cùng một người. Vào lúc đấy hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể “kiểm soát” mọi tình huống nếu bạn đủ chân thành, chuyên nghiệp và nắm vững những “chìa khóa” để giải quyết vấn đề.
Theo Medium
Thảo luận về bài viết