Trong bức tranh âm nhạc Việt Nam mười năm trở lại đây thì không thể không nhắc đến dòng nhạc indie đang ngày càng phát triển. Ban đầu chỉ là những vết mực loang nhỏ bé nhưng sau một thập kỷ, dòng nhạc này đã định hình cho chính nó, một lối đi tự tin và nhiều màu sắc hơn.
Quay trở lại những năm 2010, khi mà các sản phẩm âm nhạc chủ yếu được phát hành thông qua băng đĩa. Việc này giới hạn khả năng tiếp cận của các nghệ sĩ indie đến với công chúng. Họ tốn khá nhiều chi phí và không giỏi trong việc quảng bá sản phẩm âm nhạc.
Theo dòng thời gian, khi thị trường internet bắt đầu manh nha và ngày càng phát triển. Các nền tảng âm nhạc như Soundcloud, Youtube, Spotify, Apple Music… được nhiều người sử dụng và tìm kiếm âm nhạc, giúp mở ra một thời kỳ mới cho dòng nhạc indie Việt Nam đến gần với công chúng hơn.
Ranh giới giữa các nghệ sĩ indie và các nghệ sĩ mainstream không còn quá cách biệt.
10 năm trước, các nghệ sĩ indie khá chật vật khi muốn giới thiệu sản phẩm âm nhạc mới của mình. Các nền tảng stream khi đó vẫn còn mới mẻ với công chúng, những bài hát thuộc dạng indie đa phần được các nghệ sĩ chia sẻ chủ yếu đến một số ít fan hâm mộ của mình. Những sản phẩm này vẫn giữ được chất lượng âm nhạc nhưng chưa được chú trọng về hình thức. Các ca khúc chủ yếu tự thu âm, cover hoặc có nền background đơn giản.
Một số nghệ sĩ khác chấp nhận gửi sản phẩm của mình đăng trên những kênh stream có lượng người truy cập đông để hi vọng đến gần khán giả hơn. Vài cá nhân tham gia vào các cuộc thi để quảng bá ca khúc của mình. Đơn cử như một số cuộc thi như Bài hát Việt: Chênh Vênh (Lê Cát Trọng Lý), Uống Trà (Phạm Toàn Thắng), Đứng Yên (Thái Trinh)…; Sing My Song: Ông Bà Anh (Lê Thiện Hiếu), Hmmm (Lộn Xộn Band), Là Anh Đó (Andiez)…Đó là những cố gắng của các nghệ sĩ để được khán giả công nhận.
So với thời điểm đó, mọi thứ bây giờ đã dễ dàng hơn cho các nghệ sĩ indie. Công chúng thưởng thức âm nhạc bắt đầu dễ dàng tiếp cận và chia sẻ các ca khúc hay với nhau hơn, thông qua các ứng dụng âm nhạc và mạng xã hội. Các phương thức này có tốc độ lan truyền nhanh chóng, chi phí quảng bá cũng không quá cao. Hàng loạt các tên tuổi và ca khúc hay trở thành các bản hit được nhiều người yêu thích như Tuý Âm (Xesi, Masew, Nhật Nguyễn), Hồng Nhan (Jack), HongKong1 (Nguyễn Trọng Tài), Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em (Đen), Mượn Rượu Rỏ Tình (Emily, Big Daddy), Anh Thanh Niên (HuyR)…
Sau sự thành công của ca khúc trên, tên tuổi và các tác phẩm khác của những nghệ sĩ này nhanh chóng tạo độ phủ sóng. Jack, Đen, Big Daddy, Binz, Justatee… và một số nghệ sĩ khác có sức ảnh hưởng không khác gì những nghệ sĩ mainstream. Chưa bao giờ thị trường âm nhạc Việt lại trở nên sôi nổi như bây giờ. Mỗi tháng đều có một ca khúc mới dẫn đầu top trend trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như youtube, zing, nhaccuatui… đồng thời mạng xã hội facebook cũng tạo ra hàng chục ngàn lượt like và chia sẻ.
Các sự kiện âm nhạc, khán giả phát cuồng với sự xuất hiện của những nghệ sĩ indie giống như những nghệ sĩ nổi tiếng khác. Đây là động lực để những ngày hội âm nhạc indie ra đời như: Giao – Indie Night, Star Live Halloween – INDIE ROCK, Thơm Music Festival… với sự góp mặt của những nghệ sĩ indie nổi tiếng bao gồm: Uyên Pím, Nguyên Hà, The SHEEP, Cá Hồi Hoang, Vũ, Đạt Maniac, Cam, Klaf, Anesthetic Youth, The A Plan…
Các lễ hội như này luôn trong tình trạng cháy vé mà không cần phải quảng bá rầm rộ. Trong chương trình In the spotlight Contemporary có sự tham gia của Ngọt giá vé dao động từ 500k đến 1 triệu, live show Sau 10 năm của Da LAB với 2500 vé nhanh chóng được tẩu tán hết, hay nhiều khán giả phải xếp hàng để có vé nghe Vũ hát… Những con số này đã phần nào thể hiện sức ảnh hưởng giữa nghệ sĩ indie và nghệ sĩ mainstream không còn quá cách biệt.
Sự hợp tác giữa các nghệ sĩ indie và mainstream.
Nhận ra sức ảnh hưởng và khả năng sáng tạo mạnh mẽ đến từ các nghệ sĩ indie. Các nghệ sĩ nổi tiếng và nghệ sĩ indie đôi khi tìm thấy sự đồng điệu, sự bổ sung màu sắc âm nhạc trong nhau, họ hợp tác và bắt tay nhau tạo ra các sản phẩm chung.
Gần đây có thể kể đến Da LAB một ban nhạc Rap được thành lập từ năm 2007, với chất nhạc hiện đại và phóng khoáng, thể hiện nhiều chủ đề mới mẻ. Mặc dù sở hữu cho mình một lượng fan trung thành sau 10 năm hoạt động thì sau các ca khúc hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng như Nước Mắt Em Lau Bằng Tình Yêu Mới (ft. Tóc Tiên), Gác Lại Âu Lo (ft. Miu Le)… khiến nhiều người biết đến họ hơn.
Điểm cộng từ sự hợp tác này giúp các nghệ sĩ indie, nghệ sĩ mainstream có thêm sự khác lạ, mới mẻ trong âm nhạc, thử nghiệm các dòng nhạc khác và tiếp cận đến những người nghe mới. Với Bích Phương, một nữ ca sĩ có nhiều sản phẩm kết hợp cùng những nghệ sĩ mới như Tuổi Gì Mà Chẳng Thích Lì Xì (ft. Bình Gold), từ chối nhẹ nhàng thôi (ft. Phúc Du)… tạo ra các ca khúc pha trộn sự mềm mại, quyến rũ cùng chất rap mạnh mẽ, nhiều tự sự.
Một số nghệ sĩ indie khác chọn cách đứng sau tạo ra các bản hit cho những nghệ sĩ mainstream. Sự kết hợp ăn ý của Onionn và Sơn Tùng M-TP từ ca khúc Chạy Ngay Đi, đến việc remix lại các ca khúc cũ theo hướng hiện đại hơn hay mới đây là Hãy Trao Cho Anh…
Chàng trai triệu view của Tuý Âm, Masew, thành công với các sản phẩm của bản thân kết hợp cùng những người bạn của mình như Buồn Của Anh (K-ICM và Đạt G), Thương Nhiều Hơn Là Nói (B Ray và Đạt G)… bắt đầu hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng như Ai Cần Anh (Bảo Anh), Em Hơi Mệt Với Bạn Thân Anh (Hương Giang), Truyền Thái Y (Ngô Kiến Huy)… đều là những bản hit dẫn đầu top thịnh hành ở Việt Nam.
Sau ca khúc từng được cộng đồng âm nhạc yêu thích Tâm Sự Cùng Người Lạ, Tiên Cookie chuyển sang việc sáng tác cho các nghệ sĩ khác. Sự thành công của Bích Phương không thể không kể đến các bài hát Bùa Yêu, Chị Ngả Em Nâng, Đi Đua Đưa Đi hay mới đây là em bỏ hút thuốc chưa? đều do Tiên Cookie sáng tác.
Ngoài ra còn phải kể đến giai điệu day dứt trong Bài Hát Của Em do Min và Uyên Linh thể hiện được sáng tác bởi một nghệ sĩ indie trẻ, với cái tên độc đáo Nhạc Của Trang. Cung Đàn Vỡ Đôi của Chi Pu là sản phẩm do Kiên sáng tác…
Tự do về chất nhạc và màu sắc của cá nhân, nhưng dễ kiểu vụt sáng rồi tắt.
Điểm độc đáo của dòng nhạc indie chính là họ không chỉ muốn quảng bá sản phẩm âm nhạc của mình mà đồng thời còn muốn thể hiện được nét cá tính, màu sắc của bản thân với mọi người. Các nghệ sĩ indie hầu như đều tự mình hoàn thành tất cả các khâu từ giai đoạn sáng tác, hoà âm, sản xuất cho đến việc phát hành và quảng bá. Do đó tính cá nhân trong âm nhạc của họ không bị giới hạn trong khuôn mẫu nào, làm mọi thứ mình thích với âm nhạc là ưu tiên hàng đầu.
Các khán giả đến với nhạc indie Việt Nam đa số vì họ cảm thấy âm nhạc thị trường không đủ để họ đồng điệu cảm xúc. Những ồn ào, chiêu trò lôi kéo từ các sản phẩm âm nhạc đại trà trở nên quen thuộc, từ giai điệu đến ca từ không khiến họ thoả mãn. Một điều gì đó đặc biệt như một nghệ sĩ có chất riêng, âm nhạc mới lạ chính là những gì họ cần.
Nổi bật nhất không thể không nhắc đến Đen, người nổi tiếng với các ca khúc có ca từ mộc mạc nhưng đậm chất thơ và giai điệu gây nghiện từ Đưa Nhau Đi Trốn cho đến Anh Đếch Cần Gì Nhiều Ngoài Em… Những ca khúc của anh được cộng đồng mạng yêu thích, không ngừng chia sẻ; Người ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa tính cách bên ngoài của anh với âm nhạc mà anh tạo ra và tìm thấy tiếng nói chung ở anh qua những tâm sự gửi gắm trong âm nhac.
Hay sự kết hợp đến từ bộ đôi Wean và Naomi. Cả hai đều trẻ đều có cá tính khá lạ, cả trong thời trang hằng ngày cho đến âm nhạc. Dòng nhạc mà cả hai theo đuổi là Lo-Fi, một nhánh của rap, hiphop kết hợp cùng các giai điệu có hơi hướng hoài niệm. Ngay từ những ca khúc đầu tiên She said, Retrograde, Ai biết… bộ đôi đã có cho mình một lượng fan trung thành.
Tuy nhiên việc định hình màu sắc cho chính các sản phẩm âm nhạc indie Việt Nam cũng mang lại nhiều khó khăn cho các nghệ sĩ indie. Sau thành công từ các ca khúc của mình, những sản phẩm khác của họ không tạo ra được sự mới mẻ hoặc bị ảnh hưởng từ bài hit cũ như Nguyễn Trọng Tài với HongKong12, Xesi sau Tuý Âm là Tuý Hoạ… vẫn được đón nhận nhưng không tạo được sự bức phá. Hay Lời Yêu Ngây Dại (Kha), Simple Love (Obito)… gần đây được các bạn trẻ yêu thích cũng gặp tình trạng tương tự. Dù vậy những nghệ sĩ này còn khá trẻ và mang trong mình tình yêu âm nhạc lớn, họ vẫn luôn học hỏi, tìm tòi, cải thiện bản thân từng ngày.
Hướng đi cho dòng nhạc Indie Việt Nam trong tương lai
Điểm mạnh của nhạc indie là tính tự sự, sự chân thành, mộc mạc. Người nghe như tìm thấy câu chuyện, một lời tâm tình ở trong đấy. Là một tác phẩm tản văn có nhịp điệu, là một bài thơ hiện đại được phổ nhạc. Nhạc indie Việt Nam phù hợp với những ngày gió mùa khi chúng ta ngồi nhìn ra ban công và lắng nghe một phần tâm sự của mình được người khác nói hộ, được vẽ bằng một bức tranh có âm tnanh.
Mặc dù tạo được những thành công nhất định nhưng dòng nhạc indie so với thị trường âm nhạc Việt vẫn còn khá khiêm tốn. Bắt đầu chỉ bằng cảm xúc, các nghệ sĩ indie dần nhìn thấy được sự quan tâm của mọi người, nhìn thấy được khả năng phát triển trong tương lai. Các MV của những nghệ sĩ indie bắt đầu được đầu tư về mặt hình ảnh, nội dung hơn như Vùng Ký Ức (Chillies), Em dạo này (Ngọt), Nàng Thơ (Hoàng Dũng), Chuyện rằng (Thịnh Suy), Một Giấc Mơ (Vũ ft. Kimmese)… Mọi thứ từ giai điệu, câu chuyện đến màu sắc trong MV đều thể hiện chất nghệ thuật rất thơ, tạo nhiều cảm xúc cho khán giả nghe nhạc.
Không chỉ hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng, những nghệ sĩ indie đạt được một số thành công nhất định thường bắt tay với những người bạn khác của mình trước đây, trong các sản phẩm âm nhạc mới như Đen và Kimmese (Trạm Dừng Chân), Thành Đồng (Một Triệu Like), Biên (Hai triệu năm)… hay bộ đôi ĐạtG x DuUyên trong Bánh Mì Không, Khó Vẽ Nụ Cười… Các bài hát này đều loạt vào top 10 youtube ngay khi ra mắt và có mặt trong các bảng xếp hạng âm nhạc như Zing, Nhaccuatoi…
Tin rằng những hướng đi nhỏ này sẽ tạo động lực cho những nghệ sĩ indie theo đuổi những gì mình thích và định hình cho thị trường âm nhạc trong thời gian sắp tới.