Bất đồng với leader của phòng ban hay sếp trong công sở là điều hết sức bình thường và khó có thể tránh khỏi hoàn toàn khi ta đi làm. Nhưng bật sếp không có nghĩa là ta tự đưa bản thân mình vào ‘danh sách đen’ của họ. Chính vì vậy, việc khéo léo nêu quan điểm của mình với họ là điều mà mọi nhân viên cần phải thành thạo.
Khi đi làm, bạn biết rằng việc lên tiếng để bảo vệ cho quan điểm của mình là điều nên làm. Nhưng sẽ khá là khó nếu những ‘đứa con’ của mình luôn bị sếp bác bỏ. Càng tệ hơn nếu đó không chỉ đơn giản là sự khác biệt về quan điểm, mà bạn cảm thấy sếp mình đang hoàn toàn phủ nhận các cố gắng trong công việc của mình hoặc đưa ra các định hướng không phù hợp.
Bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó? Có thể bạn sẽ chấp nhận rằng mình đi làm với tâm thế uể oải mỗi ngày, hay bạn mạnh dạn ngồi xuống và giải thích lý do tại sao mình luôn không đồng tình với ý của leader, hoặc bạn có thể từ bỏ công việc và tìm kiếm một môi trường mà bạn có thể cảm thấy mình hợp với họ?
Dù là lý do gì, chúng ta nên giữ một ‘cái đầu lạnh’ trước khi bắt đầu giải quyết vấn đề. Bật sếp lại không phải là điều cấm kỵ trong văn hoá công sở, mà là cách bạn ‘bật’ như thế nào mới là điều quan trọng.
3 lý do người khác luôn bất đồng với ý kiến của bạn… và cáchbật sếp lại cho đúng
1. Sếp của bạn đang trong quá trình thay đổi nhiều yếu tố trong công việc
Nếu bạn là kiểu người khi thấy một hiện tượng nào đó thường được thay đổi mà tặc lưỡi nói: “Đổi thay làm chi, cái cũ còn tốt mà?”, thì đó chính là lý do đầu tiên bạn không thể bật sếp lại rồi. Đặc biệt, trong trường hợp khi sếp của bạn là người mới và hoàn toàn thay đổi cách làm việc trước đây của phòng ban, thì bạn có thể sẽ dễ mâu thuẫn trong quá trình làm việc cùng sếp của mình.
Cách bật sếp đúng: hãy xây dựng uy tín. Nếu bạn thực sự nghĩ rằng những cách tiếp cận vấn đề của sếp là không hợp lý, hành động tốt nhất vẫn là nên làm theo cách của họ trong tất cả các dự án.
Thực ra, làm như vậy không có nghĩa là thiệt cho bạn. Thay vào đó, nó sẽ giúp bạn quyết định khi nào nên phản đối và làm cho lý lẽ của bạn mạnh mẽ hơn khi bạn quyết định bật sếp lại. Nếu bạn từ chối thử mọi phương pháp từ sếp của mình, thì ta sẽ không có đủ luận cứ để hỗ trợ cho những lần muốn ‘bật’. Thêm vào đó, bạn trông giống như người cố chấp hơn là người quan tâm đến việc phát triển công việc.
Một khi đã thử các chiến lược mới đó, bạn sẽ có thể chỉ ra những lý do cụ thể tại sao bạn lại nghĩ rằng quy trình cũ vẫn còn hiệu quả hơn những quy trình mới. Và khi những lần bật sếp đó thất bại và bạn vẫn nghĩ các chiến lược mới vẫn tệ, thì ta sẽ ít có hối tiếc hơn khi bắt đầu tìm kiếm công việc mới.
2. Bạn nghĩ rằng nếu đi theo chiến lược mới thì khả năng thành công rất thấp
Trái ngược hoàn toàn với kiểu người trên, kiểu người hay bật sếp này sẽ không thể tưởng tượng được viễn cảnh cứ ‘cuốn theo chiều gió’ được; đặc biệt là khi nhân viên đó biết rằng kế hoạch đó sẽ thất bại thảm hại. Cho nên, cách tiếp cận chiến lược mới đó có vẻ khá rủi ro nếu nhân viên đó biết chắc chắn rằng nó sẽ tốn nhiều thời gian hoặc tiền bạc, hoặc tệ hơn là mất khách hàng.
Cách bật sếp đúng: hãy làm rõ mục tiêu của bạn. Trong công việc, bạn nên nhìn nhận đúng đâu là vai trò và mục tiêu của từng nhiệm vụ được giao. Bởi trên thực tế là các tổ chức luôn phát triển và những điều tưởng như cố định cũng sẽ luôn thay đổi. Chính vì vậy, bạn phải đảm bảo mình cũng theo kịp các mục tiêu mà công ty hướng đến.
Hãy thử ngồi nói chuyện với sếp mình về các vai trò và mục tiêu của bạn trong dự án đó thử. Khi đó, bạn có thể hiểu được mục tiêu chính của sếp mình là đổi mới hoặc thử nghiệm một quy trình mới (2 thứ này hoàn toàn khác nhau nhé). Hơn nữa nếu sếp biết thêm được “những sự cố không hay” trong kế hoạch mới thì cũng hoàn toàn ổn, nó có thể sẽ giúp ích trong việc điều chỉnh một số thứ. Chung quy lại là bạn cứ thử nêu lên ý kiến của mình với sếp trước khi đưa ra các quyết định khác.
Ngược lại, nếu sếp của bạn có mục tiêu khác và bạn cảm thấy như mình đang bị yêu cầu làm một điều không thể. Cái điều mà không giúp bạn phát triển nghề nghiệp và khiến bạn ‘vắt tay lên trán’ mỗi sáng thức dậy, thì bỏ đi có lẽ là điều đúng.
3. Sếp của bạn là một người thích quản lý vi mô
Có thể bạn liên tục bật sếp nhưng thất bại vì họ không bao giờ cho bạn sự tự do để thực hiện công việc của mình. Hoặc nếu bạn tự mình thực hiện sáng kiến đó, người ấy sẽ ‘đập đi, xây lại’ theo ý muốn của mình.
Cách bật sếp đúng: hãy thành thật với chính bản thân mình. Có lẽ, nhân viên nên xem xét liệu sếp có quản lý vi mô (micromanagement) họ hay không, vì có thể công việc của họ không đạt tiêu chuẩn. Nói theo cách khác, người quản lý của bạn có khả năng muốn giám sát chặt chẽ bạn, và phải làm mọi thứ theo cách của họ, bất kể bạn có đồng ý hay không.
Nếu bạn đang ở trường hợp này, thì ta có thể thử bật sếp như thế này: bạn sẽ phải làm mọi việc theo cách của họ trong một thời gian. Tuy nhiên, hãy cố gắng không chỉ đáp ứng mà còn vượt kỳ vọng, và thể hiện tiềm năng đầy đủ của bạn. Khi bạn đã lấy lại được niềm tin của sếp, bạn có thể bắt đầu đề xuất các đổi mới và đi kèm với lý do tại sao ý tưởng của bạn tốt hơn.
Nhưng nếu bạn luôn xuất sắc trong công việc mà họ vẫn tiếp tục quản lý hà khắc như vậy, thì ta nên bật sếp lại bằng cách nêu lên mong muốn làm việc tự do, thực hiện sáng kiến của mình và cam kết đóng góp nhiều hơn. Sau đó, hãy lắng nghe phản hồi của sếp bạn và cân nhắc liệu ta có nên tiếp tục công việc đó luôn.
Cuối cùng, còn có một lý do khác khiến mọi người thường hay muốn bật sếp, đó là khi họ được yêu cầu làm điều gì đó mà bị cho là không đúng đạo đức. Đây không phải là lúc để thử theo cách của họ. Khi đó, hãy lên lịch gặp với bộ phận nhân sự (hoặc sếp của sếp bạn nếu không có bộ phận nhân sự chính thức) và chia sẻ rằng bạn không đồng ý với những điều được yêu cầu làm.
Những điều cần biết trước khi muốn bật lại sếp
Nỗi sợ bất đồng quan điểm với cấp trên là điều phổ biến. Nó tồn tại trong cuộc sống, trong môi trường có nhiều quy tắc chặt chẽ như ở công sở. Đối mặt với những điều đó, khi hầu hết thế hệ Millennials vẫn còn hơi rụt rè vì sợ gây hại đến sự nghiệp của họ, thì thế hệ Gen-Z lại bày tỏ ý kiến một cách mạnh mẽ hơn.
Trên thực tế, việc bật sếp đúng cách không gây nguy hiểm cho sự nghiệp của bạn, mà nó có thể đưa bạn trên con đường thành công nhanh chóng hơn. Chúng ta thường quên rằng, hầu hết các leader và sếp đều mong muốn nhân viên của mình phản hồi mang tính xây dựng và đóng góp ý tưởng sáng tạo. Điều này có thể giúp các sếp thực hiện công việc của họ hiệu quả và dễ dàng hơn. Dưới đây là 5 mẹo bạn cần để tâm trước khi bật sếp để thành công:
1. Ta nên bất đồng vì lý do đúng đắn
Nhiều lúc, chúng ta bất đồng bởi vì chúng ta yếu thế mà không có lý do hợp lý hoặc mục tiêu cuối cùng rõ ràng. Đó là một sai lầm nghiêm trọng vì nó có thể làm suy giảm uy tín nghề nghiệp của bạn với sếp. Ngoài ra, nó cũng gây phiền toái. Vì thế, những bất đồng có ngữ cảnh phù hợp và có tạo thêm giá trị thực sự, thì sẽ là một điểm cộng lớn.
2. Bất đồng không phải là để tranh cãi mà là đưa ra lập luận
Bất cứ ai thường xuyên bật sếp đều có khả năng bị sa thải. Nhưng một nhân viên đưa ra sự bất đồng của mình có lập luận logic và ủng hộ cách tiếp cận tốt hơn đối với tình huống hoặc ý tưởng mới sẽ được lắng nghe một cách vui vẻ và ghi điểm cao với sếp. Vậy ta rút ra được điều gì? Hãy tránh tấn công quan điểm của người khác hoặc phàn nàn, và thay vào đó, hãy tập trung vào việc đưa ra các điểm tích cực của riêng bạn.
3. Hãy nghiên cứu trước khi nói
Không có gì làm sếp khó chịu hơn một nhân viên khăng khăng chia sẻ ý kiến của mình nhưng không nghiên cứu kĩ để hỗ trợ và kiểm tra lập luận của mình. Điều đó cho thấy sự lười biếng về trí tuệ của nhân viên và không cung cấp gì cho sếp để đánh giá ý kiến của họ. Như thế, có phải như kiểu bạn bắt sếp làm việc đó hộ mình hay sao? Liệu bạn có nghĩ đây là một điều chuyên nghiệp trong công sở hay không?
4. Ta nên đam mê nhưng không được quá xúc cảm
Lập luận thường sẽ thuyết phục hơn khi chúng được trình bày với sự đam mê từ người nói. Người nghe cần cảm thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến các đề xuất của mình, tin vào quan điểm và sẵn sàng chịu trách nhiệm về nó. Nhưng điều đó không nhất thiết bạn phải như một diễn viên. Khi bạn bày tỏ quá nhiều cảm xúc, điều này có thể khiến bạn trông như quá khích và sếp của bạn cảm thấy bị áp lực. Ta nên trình bày một cách rõ ràng, tự tin và bình tĩnh..
5. Hiểu rõ tính cách của họ trước khi ‘bật’ sếp
Có rất nhiều ‘loại’ sếp. Một số người thích làm việc với dữ liệu, trong khi những người khác lại trực quan hơn. Vì thế, ta nên biết tính cách của sếp để diễn đạt ý kiến của mình tốt hơn. Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của sếp đi! Nếu bạn suy nghĩ bằng những con số, thì một lập luận bằng số liệu có thể sẽ thuyết phục bạn về một quan điểm khác, trong khi một bài trình bày chỉ dựa trên trực giác sẽ gặp phải sự hoài nghi ngay lập tức.
Xem thêm: Cách để kết bạn với đồng nghiệp trong môi trường công sở