#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Nếu đã một lần đi qua Cầu Nhị Thiên Đường cũ của quận 8 TPHCM, ít ai lại có thể quên được hàng cột xanh rêu và mái vòm cong dưới chân cầu.
Đây cũng là một trong những cây cầu ‘cao tuổi’ nhất Sài Gòn. Cầu Nhị Thiên Đường được xây dựng năm 1925 – cùng thời với cầu Chà Và, cầu Chữ Y,… tạo thành một trong những nét tiêu biểu của Sài Gòn xưa.
Một hình ảnh của Sài Gòn xưa cũ
Cầu bắc ngang qua một nhánh của kênh đôi Tàu Hũ, chảy nối từ sông Sài Gòn (phía bắc) về huyện Bình Chánh (phía nam). Đây là cửa ngõ kết nối vùng Chợ Lớn với các tỉnh miền tây thông qua quốc lộ 50. Hiện nay, cầu có thêm một nhánh song song là Nhị Thiên Đường 2 (xây dựng năm 2005).
Trên 2 tấm biển đúc bằng gang gắn ở 2 trụ hai đầu cầu có ghi rõ năm khánh thành và công ty xây dựng. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, đây là cây cầu đầu tiên làm bằng xi măng cốt thép. Toàn bộ nguyên vật liệu thép, xi măng… được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công người bản địa.
Ngoài thân cầu, thì cả các cột đèn trên cầu cũng bằng bê tông, trong khi đa phần các trụ đèn đường thời xưa của thành phố đều được Pháp làm bằng thép đúc. Một số trong các cột này có chiều cao lớn hơn và hai bên có hai “tai” dài ra.
Theo những người sống lâu năm ven cầu, hai tai này là để treo 2 hai đèn hộp, dạng vuông. Lúc đầu, các đèn treo này, có thể là đèn dầu, sau chuyển thành đèn điện. Và màu xanh của cột tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa cũ.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chất cổ xưa nhất của cầu Nhị Thiên Đường nằm ở dưới chân cầu. Ở đó có một dãy dài các mái vòm gợi liên tưởng tới cây cầu huyền thoại của thành Rome, hay rất nhiều các cây cầu cổ xưa nổi tiếng của Châu Âu.
Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Lan can gỉ sét. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh của cầu dần chuyển thành bạc. Cầu cứ mỗi ngày một thảm hại, như một chứng tích về thời khó khăn thiếu thốn sau giải phóng.
Với chiều cao nổi tiếng của mình, cầu Nhị Thiên Đường từng là điểm hẹn của những người cá cược mưa nắng. Hồi ấy dân Chợ Lớn, nhất là mấy người Hoa ngày nào cũng kéo nhau lên cầu Nhị Thiên Đường cá cược thời tiết, khi đang nắng chang chang mà vẫn có người quả quyết rằng đến khoảng mấy giờ sẽ mưa. Tiền cược đặt to. Họ là những người đầy kinh nghiệm thời tiết, có khi còn hơn cả trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của nhà nước.
Nguồn gốc cái tên Nhị Thiên Đường
Ngày nay, cầu Nhị Thiên Đường đã được xây mới, thành hai cầu song song theo hai chiều lưu thông. Cầu mới thứ nhất được thông xe giữa năm 2005, cầu mới thứ hai hoàn thành việc nối hai bờ vào cuối tháng 10/2017.
Hai cây cầu song song hiện tại làm nhiều người tưởng lầm rằng đây là nguồn gốc của cái tên: Nhị (tức hai cây) Thiên Đường (tức đường lên thiên đường – với hàm ý khoe chiều cao). Thực tế, suy luận có-vẻ-logic này hoàn toàn không liên quan gì đến cái tên Nhị Thiên Đường cả.
Nhị Thiên Đường vốn là tên một hãng dầu nóng lừng lẫy trong Chợ Lớn thời giữa thế kỉ 20. Hãng dầu này kinh doanh đa ngành nghề, có cả in sách lẫn buôn bán gạo.
Có người nói, thuở xưa, cạnh chân cầu có 1 kho gạo khá lớn của hãng này, nên cho dễ nhớ, dân gian đã lấy luôn Nhị Thiên Đường để gọi tên cây cầu.
Lại có ý kiến rằng do xưởng sản xuất nằm trên đường Trần Hưng Đạo còn công nhân đa số cư ngụ phía bên kia bờ kênh Đôi. Mỗi ngày đi làm, công nhân đều phải đi đò ngang qua kênh, mất thời gian và cũng rất nguy hiểm. Ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường đã đề xuất với chính quyền và bỏ tiền thuê nhà thầu là Công ty xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công cây cầu này để thuận tiện cho người dân và cho chính công nhân của mình qua lại.
Một giai thoại khác thì nói chính quyền đã đứng ra xây dựng. Trong quá trình thi công có lẽ thiếu vốn nên họ mới vận động ông chủ Nhị Thiên Đường góp vốn để hoàn thành. Đổi lại cây cầu được mang tên cầu Nhị Thiên Đường.
Chai dầu trị bá bệnh
Dầu gió Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc đông y Nhị Thiên Đường ở tại địa chỉ 47 Canton (nay là đường Triệu Quang Phục, quận 5). Ban đầu, chủ nhân người họ Vi, gốc Quảng Đông (Trung Quốc) bào chế ra dầu nhằm lưu hành trong giới người Hoa ở Chợ Lớn.
Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước và dầu cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường. Sau này, dầu gió Nhị Thiên Đường được tín nhiệm nhiều hơn hết. Phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi ít ai không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu nâu đỏ mang nhãn hiệu ông Phật mập này.
Người ta ưu ái gọi đây là “dầu trị bá bệnh” vì chỉ cần khó ở là người ta lấy dầu ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó.
Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức.
Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo. Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán gọi là Vệ sanh chỉ nam.
Nội dung trong sách Vệ sanh chỉ nam của Nhị Thiên Đường có hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, chữa các thứ bệnh và truyện vui hay tiểu thuyết giải buồn.
… Nhà thuốc Nhị-Thiên-Đường là một nhà thuốc rất to tác trong dược-giới bên cỏi Á-Đông nầy, thuốc chế đã tinh-anh mà giá bán lại rẻ, danh tiếng vang lừng khắp trong hoàn-võ; đối với văn minh xã hội trong thế kỷ hai mươi nầy thì cái công lao cũng chẳng nhỏ.
Nay ông chủ tiệm Nhị-Thiên -Đường chẳng nài hao tốn mà in ra quyển Vệ Sanh Chỉ Nam nầy thì tiện lợi cho xã hội là dường nào; người chưa bịnh thì biết chổ mà dự phòng, kẻ có bịnh lại biết thuốc hay mà điều trị…
Lời tựa cho cuốn Vệ sanh chỉ nam
Phần quảng cáo trong sách, có đăng nhiều thơ cảm tạ từ khắp lục tỉnh (Gia Định, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cái Bè…) ngay cả Trung kỳ, Bắc kỳ, Cam Bốt và từ Lào gởi về nhà thuốc. Ông Trần Quan Tịnh, soạn giả gánh cải lương Sĩ Đồng Ban cũng có viết thơ năm 1923 cám ơn và khen tặng sự hiệu nghiệm của các liều thuốc mà ông đã dùng khi lưu diễn ở lục tỉnh.
Sách Vệ sanh chỉ nam cũng cho ta biết thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường vì tiếng tăm hiệu nghiệm đã bị nhiều người làm giả mạo. Tiệm thuốc Nhị Thiên Đường kêu gọi mọi người phòng hờ thuốc giả khi mua và nên coi kỹ nhãn hiệu có hình ông Phật Mập là nhãn hiệu cầu chứng của Nhị Thiên Đường.
Tiệm Nhị Thiên Đường còn rao thưởng 500 đồng (khoảng 200 triệu ngày nay) cho ai bắt kẻ giả mạo thuốc.
Ban đầu, sách này được tặng khách mua thuốc hay khách qua đường để quảng cáo nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản.
Sách Vệ sanh chỉ nam không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc. Những nhà văn không có tiền in sách đã chọn cách đưa in tác phẩm của họ trong sách quảng cáo nhà thuốc – một ‘kênh’ tốt để được độc giả biết đến.
Ngày nay, địa chỉ 47 Triệu Quang Phục với dáng dấp hiệu thuốc từng nổi tiếng khắp Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung vẫn còn. Trước kia, phía trước lầu 3 có 3 chữ Nhị Thiên Đường bằng tiếng Hoa. Nay đã bị chủ mới đục bỏ.
(Tổng hợp: Thanh Niên, VietNamNet, Người Đô Thị)
Xem thêm:
#LocalZine: Tản mạn về nền kinh tế phi chính thức thông qua bộ ảnh chụp tại Quận 5, TPHCM
#LocalZine: Triển lãm “Ảo Mỡ” và Body Shaming – khi định kiến ngoại hình được kế thừa từ quá khứ
#LocalZine: Rạp xi nê nào ở Sài Gòn trước 1975 ?
Thảo luận về bài viết