Con người là những sinh vật trực quan – sự hiểu biết của chúng ta về thế giới bị chi phối bởi những gì ta nhìn thấy và bởi cảm xúc mà những hình ảnh này đem lại. Thế nhưng, biến đổi khí hậu lại là câu chuyện khác. Nó là một tiến trình lâu dài, tích lũy, hoàn toàn không dễ hình dung.
Vào những năm 1980s, các nhà hoạt động môi trường đã nhắc đến biến đổi khí hậu bằng cách liên kết nó với loài gấu Bắc Cực. Vào thời điểm đó, đây là cách ngắn gọn và cụ thể nhất để nói về vấn đề này. Tuy nhiên, nó lại tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng biến đổi khí hậu là vấn đề của loài vật, là một chuyện xa vời với cuộc sống hằng ngày của chúng ta – loài người.
Climate Visuals – nguồn tài nguyên nhiếp ảnh khí hậu tập trung vào tác động và dựa vào bằng chứng duy nhất hiện nay trên thế giới – đã thực hiện những bước đầu tiên để giúp kể lại câu chuyện biến đổi khí hậu một cách trực quan hơn.
Dựa trên các nhóm thảo luận cùng hàng nghìn cuộc khảo sát trực tuyến, Climate Visuals đã biên soạn 6 nguyên tắc chính về nhiếp ảnh khí hậu nhằm giúp các tổ chức, cá nhân, và nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những hình ảnh mạnh mẽ, truyền tải thành công quy mô, phạm vi, mức độ nghiêm trọng, cũng như tính nhân văn của cuộc khủng hoảng khí hậu này.
1. Dùng hình ảnh người thật, không phải ảnh dàn dựng
Kết quả từ các khảo sát của Climate Visuals cho thấy phần lớn ủng hộ những hình ảnh tư liệu thực tế. Những bức ảnh dạng này được đánh giá là nguyên bản, chân thật, chạm đến cảm xúc hơn nhiều so với những hình ảnh được dàn dựng chỉ đem lại cảm giác phô trương, lố lăng, thậm chí thao túng người xem.
Ảnh chụp các chính trị gia đi kèm với những câu chuyện về luật hoặc quy định về khí hậu vừa được ban hành là những bức ảnh được đánh giá vô cùng thấp về độ tin cậy và tính xác thực.
2. Kể những câu chuyện mới
Những hình ảnh về khói đốt rác, chặt phá rừng, hay gấu Bắc cực trên băng tan,… được đánh giá là dễ hiểu, đồng thời cũng nhận được những đánh giá tích cực trong khảo sát. Nhưng bên cạnh đó, mặc dù là cách truyền tải hiệu quả quen thuộc, đây vẫn là những hình ảnh an toàn và những câu chuyện cũ.
Những hình ảnh ít quen thuộc và kích thích tư duy hơn có thể giúp kể một câu chuyện mới về biến đổi khí hậu, cũng như định hình lại nhận thức của người xem về việc vấn đề này thực sự trông như thế nào.
3. Đưa ra được nguyên nhân, tác động, và giải pháp đối với khí hậu ở quy mô lớn hơn
Trong các nghiên cứu của mình, Climate Visuals nhận ra rằng hầu hết mọi người không hiểu rõ mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và cuộc sống thường ngày của họ. Vì thế, nếu muốn truyền tải tác động của hành vi thải nhiều khí carbon đến môi trường, cách tốt nhất là thể hiện những hành vi này ở quy mô lớn hơn, thay vì tập trung vào từng cá nhân.
Ví dụ, một bức ảnh đường cao tốc tắc nghẽn đầy xe cộ được đánh giá hiệu quả hơn trong việc để mọi người nhìn rõ về lượng khí thải nhiên liệu, so với hình ảnh một chiếc xe ô-tô.
4. Hình ảnh những tác động khí hậu có khả năng gây ra phản ứng cảm xúc
Những người tham gia khảo sát của Climate Visuals cho biết họ xúc động hơn, cảm thấy có động lực hơn để ‘phản hồi’ và ‘làm điều gì đó’ trước những hình ảnh về tác động của biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán, sự tàn phá do thời tiết khắc nghiệt) so với những hình ảnh về nguyên nhân hoặc giải pháp.
5. Đưa ra các tác động cục bộ nghiêm trọng cùng với các giải pháp khả thi trong quy mô địa phương
Những hình ảnh về “các tác động khí hậu ở quy mô cục bộ / địa phương, với chủ thể ảnh là cá nhân / nhóm người đang thể hiện một cảm xúc dễ nhận biết” là những hình ảnh khiến người xem xúc động nhất.
Tuy nhiên, tương tự như khi giao tiếp bằng lời và bằng văn bản, cần phải có sự cân bằng trong việc ‘địa phương hóa’ vấn đề biến đổi khí hậu. Đan xen những hình ảnh tác động cục bộ và bức tranh toàn cảnh là giải pháp tốt để người xem vừa nhận ra vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ, vừa nhìn được mọi thứ ở một quy mô rộng lớn hơn.
6. Cẩn trọng với những hình ảnh biểu tình, phản đối
Nhiều nhóm hoạt động vì môi trường thường chọn cách tổ chức các cuộc biểu tình, hoặc chọn chụp những hình ảnh với concept ‘gây sốc’ để người xem “có được nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề môi trường”. Tuy nhiên, qua các khảo sát và nghiên cứu của Climate Visuals, thì những hình ảnh này lại nhận về sự hoài nghi thay vì đồng tình, và thường được xếp hạng thấp nhất về độ thuyết phục.
Hình ảnh về những người được mô tả là “nhà bảo vệ môi trường điển hình” chỉ thu hút sự chú ý với những người đã và đang tự xem mình là một nhà hoạt động / vận động vì môi trường. Không nhiều người trong số chúng ta có mối liên hệ nào về tư tưởng và cách làm của những người chuyên phản đối biến đổi khí hậu, vì thế những hình ảnh thế này có thể phản tác dụng, củng cố ấn tượng rằng biến đổi khí hậu là vấn đề của họ chứ không phải của mình.
(Theo: Toby Smith – người chịu trách nhiệm đứng đầu của Climate Visuals)
Xem thêm:
Aerial Photography Awards – Thế giới khác biệt nhìn từ trên cao
Tản mạn về nền kinh tế phi chính thức thông qua bộ ảnh chụp tại Quận 5, TPHCM
The Year Earth Changed – Ngắm nhìn thiên nhiên “hồi sinh” dưới sự ảnh hưởng của COVID-19
Vòng quanh thế giới xem năm mới của bạn bè năm châu
Thảo luận về bài viết