#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Ba chữ thời bao cấp mang lại cảm xúc lẫn lộn cho nhiều người. Những ai may mắn sinh trưởng trong thời bình, không trải qua một tuổi thơ thiếu thốn chạy đầu này vá đầu kia sẽ biết đến thời bao cấp qua lời kể của ông bà, cha mẹ, qua những câu chuyện nghe “hư cấu” đến mức buồn cười.
Nhưng cười xong thì lại buồn, vì đó không phải những câu chuyện bịa mua vui mà lại hoàn toàn là sự thật, là “bóng ma” ám ảnh những người thuộc thế hệ 8X đời đầu trở về trước.
Thời bao cấp là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta, diễn ra từ khoảng 1976 (sau Giải phóng) đến 1986 (trước Đổi mới), để lại nhiều dấu ấn và hoài niệm cho những ai đã từng trải qua thời kỳ này. Lúc này, Nhà nước chủ trương xây dựng theo mô hình chủ nghĩa xã hội giống Liên Xô cũ.
Hiểu nôm na, đây là giai đoạn các hoạt động kinh doanh tư nhân bị xóa bỏ, thay vào đó là nền kinh tế kế hoạch hóa do Nhà nước làm chủ. Các tư liệu sản xuất tư nhân được quốc hữu hóa (thuộc sở hữu của Nhà nước), người lao động được lãnh “lương” như nhau không cần biết làm nhiều hay ít, hàng hóa làm ra được quy về một mối rồi phân phối lại cho người dân thông qua chế độ tem phiếu do Nhà nước điều hành và quản lý.
Việc vận chuyển hàng hóa tự do giữa các địa phương và mua bán trên thị trường cũng bị xóa bỏ. Giao dịch bằng tiền mặt vô cùng hạn chế.
Chợ Tết thời bao cấp | Ảnh tư liệu
Có tiền mua tiên cũng được…
… nhưng mua hàng hóa phục vụ đời sống hằng ngày thì không.
Cùng với sự phổ biến của chế độ tem phiếu thì đồng tiền cũng dần mất giá. Nếu lấy tiền lương năm 1978 làm chuẩn thì đến 1980, số tiền này chỉ còn 51,1%, đến 1984 chỉ còn 32,7%.
Đồng tiền trong thời điểm này không có nhiều giá trị sử dụng. Mặc dù các loại tài sản, thiết bị, hàng hóa và vật tư đều do Nhà nước định giá nên thấp hơn nhiều so với giá trị thực trên thị trường nhưng cung không đủ cầu, hàng hóa các loại đều khan hiếm nên cho dù có tiền cũng không mua được. Nhiều người phải tìm đến “dân phe phẩy” – từ lóng để gọi những người buôn lậu, bán chợ đen – để mua bán và trao đổi hàng hóa, cho dù hàng ở đây giá cao hơn và cũng không mấy đa dạng.
Nhiều người đem cả tem phiếu đã lĩnh nhưng chưa dùng đến bán ở chợ đen
Chờ đổi hàng trong cửa hàng mậu dịch | Ảnh tư liệu
“Lương” của người lao động ngoài vài đồng tượng trưng, còn lại đều được quy ra hiện vật. Cán bộ công chức được cấp 13kg gạo/tháng còn công nhân lao động nặng được cấp 20kg/tháng. NSND Nguyễn Hữu Phần chia sẻ về những ngày tháng ấy, “Đạo diễn được 13,5kg/tháng vì ‘các ông chỉ ngồi chỉ đạo, có làm gì đâu’. Tổ đạo diễn bất bình quá, mời mấy ông lương thực xuống trải nghiệm cho biết, thế là thấy vất vả quá sức, thế là được nâng tiêu chuẩn lên 17,5kg/tháng. Còn quay phim thì thi nhau xin làm ‘công nhân quay phim’ vì công nhân được lĩnh nhiều gạo hơn.”
Mặc dù được cấp phát lương thực nhưng trong gạo đó hơn nửa là “đồ độn” như ngô, khoai, sắn, bo bo. Chưa kể gạo nhận được cũng không phải gạo tốt, đôi khi mốc đen mốc đỏ hết cả là chuyện bình thường. Thời kỳ này ăn no là một mơ ước chứ đừng nói ăn ngon hay ăn sang.
Buồn như “mất sổ gạo”
Việc phân phối lương thực, thực phẩm sẽ dựa theo đầu người, xét theo hộ khẩu. Do đó, chế độ hộ khẩu (戶口: số lượng người trong một nhà) được hình thành. Nổi bật nhất là sổ gạo, trong đó ấn định số lượng và các mặt hàng được phép mua dựa trên số người trong một gia đình.
A1 là tiêu chuẩn đặc biệt, dành cho cán bộ cao cấp.
Ảnh tư liệu
Phiếu A dành cho Bộ trưởng, B là Thứ trưởng, C là vị trí trưởng các Vụ, Cục, Viện
Sổ gạo – ban đầu được gọi là sổ lương thực – ban đầu để đổi lương thực, sau là tem phiếu bao gồm các loại mặt hàng, số lượng mà một gia đình được phép mua. Tem phiếu mua nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ có chế độ riêng tùy vào vị trí công việc, nghề nghiệp. Cán bộ công chức nhà nước và người dân lao động được phát khác nhau. Do đó, có nhà được ưu tiên mua hàng, có nhà thì không.
Thời bao cấp thì tem phiếu và sổ gạo là của quý mà cả nhà chung tay bảo vệ. “Mất sổ gạo” thời nay có thể là một câu ví von buồn cười nhưng thời xưa thì đó là thảm họa. Bên cạnh việc nhịn đói thì chuyện đi vay mượn lương thực là không thể tránh khỏi bởi thủ tục xin cấp lại sổ rất phức tạp rườm rà, có thể mất hàng tháng trời.
“Cái khó ló cái khôn”, trong gian khổ, vô vàn sáng kiến đã xuất hiện, như: quấn vải sạch vào đầu đũa để bôi mỡ khi xào rán cho khỏi tốn, lót lá chuối để chảo không cháy những khi rán “chay” không mỡ,… Những tình tiết thường chỉ xuất hiện trong chuyện tiếu lâm như “đun nước mắm” cũng thành việc rất thật thời kỳ này.
Một yêu anh có Sên-kô…
Chuyện ăn đã khổ, chuyện mặc cũng lắm nhiêu khê. Mọi thứ đều được cấp phát bằng tem phiếu, thế nên vải vóc cũng không ngoại lệ. Cán bộ, công nhân viên chức được nhận 5 mét vải/người/năm (may được khoảng 2 bộ quần áo). Dân thành phố nhận khác người ở quê. Phiếu vải chia ra loại của nam và của nữ. Từng cái quần tấm áo cũng phải tính toán sao cho chi li khéo léo, “con nít may ra bà già may vô” (ý nói quần áo của trẻ em may rộng để lớn hơn vẫn mặc được, còn của người già thì may chật lại)
Ngày ấy, hiếm người đi may quần áo mới, mà chủ yếu là sửa chữa, cứ rách là lại ‘tích kê’(*).
ông Nguyễn Tiến Dũng, con trai nhà văn Kim Lân
(*) từ cũ chỉ những mảnh vải vuông, dùng để che chỗ rách trên áo quần
Quần áo, giày dép khan hiếm nên thành ra quý giá. Nhiều người sợ mang nhiều thì mòn mất giày dép nên cứ hay đi chân đất nếu được. Trước khi đi ngủ thì “ba xoa hai đập” (xoa bàn chân vào nhau 3 lần, xong thì đập thêm 2 cái để bụi đất rơi xuống đất) để đừng dơ giường.
Những thứ thiết yếu còn thiếu thốn thì những đồ vật để trang sức, tôn thêm vẻ đẹp và giá trị người sử dụng càng hiếm gặp. Những thứ chúng ta xem là vô cùng bình thường thời nay như đồng hồ, xe đạp,… thì thời bao cấp đó là cả gia tài, chỉ ai giàu lắm, sành điệu lắm (và quen biết nhiều lắm) thì mới có cơ may sở hữu.
Góc phố bán nước giải khát cho sinh viên thời bao cấp.
Ảnh tư liệu
“Một yêu anh có Sên-kô
“Bí quyết” chọn nơi trao thân gửi phận nam nữ thời xưa thuộc làu
Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng
Ba yêu nhà cửa đàng hoàng
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô…”(*)
(*) Sên-kô: đồng hồ đeo tay Seiko (Nhật), Pơ-giô cá vàng: xe đạp Peugeot (Pháp) màu vàng
Được ngồi sau yên xe đạp thôi cũng là một sự hãnh diện.
Ảnh tư liệu
Nhìn lại thời kỳ khó khăn bằng lăng kính hoa hồng
Năm 2006, dự án trưng bày Cuộc sống thời bao cấp 1975 – 1986 của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm đổi mới đã trở thành một sự kiện lớn. Lần đầu tiên, một dự án quy mô, chạm đến ký ức tập thể (bị cho là nhạy cảm) của rất nhiều người xuất hiện, nên cũng không khó hiểu khi sự kiện thu hút hàng ngàn người tới xem. Cuộc trưng bày kéo dài đúng một năm mà vẫn đông khách.
Sau đó, bao cấp trở thành hot trend. Liên tiếp các triển lãm được mở ra để mọi người đến trải nghiệm. Ngành truyền hình cũng khai thác chủ đề này với chương trình Ký ức Việt Nam (VTV, 2013), chương trình Tết mô phỏng thời bao cấp (VTV, 2016), các phóng sự về cuộc sống thời bao cấp (VTC, nay thuộc VOV), các chương trình lấy bối cảnh thời kỳ này do các đài truyền hình địa phương thực hiện,…
Văn hóa và nghệ thuật cũng tìm về bao cấp với sự ra đời của các đầu sách nói về thời kỳ này. Họa sĩ trẻ vẽ tranh thời bao cấp. Ca sĩ trẻ tìm về các khu tập thể, tòa chung cư cũ để làm MV. Hàng quán ăn uống phong cách bao cấp trải dài từ Bắc đến Nam.
Thương nhớ thời bao cấp – sách tranh của họa sĩ Thành Phong và Còm (Hữu Khoa) về giai đoạn đặc biệt này.
Ngoài ra còn các tựa sách Sống thời bao cấp (Ngô Minh), Chuyện thời bao cấp (nhiều tác giả), Những đứa con rải rác trên đường (Hồ Anh Thái),…
Mặc dù giúp giới trẻ có thêm nhận thức về thời kỳ đã qua nhưng những chương trình này vô hình trung đã phủ lên quá khứ gian khổ một màu hồng đậm hương hoa. Nhiều người có trải nghiệm cũng như những nhà nghiên cứu dày công tìm hiểu về giai đoạn này có phần không thỏa mãn với cách truyền thông hiện đại phản ánh thời bao cấp.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho rằng ở thời điểm này cần có dũng khí để nhìn nhận lại về thời bao cấp trong tính toàn vẹn của nó. Tâm lý không muốn, không nỡ khắc nghiệt với quá khứ khiến những chương trình về bao cấp có xu hướng lựa chọn và tái hiện những gì thú vị, cảm động, vui vẻ, có pha chút ngậm ngùi mùi mẫn, nhằm chứng minh cho “một thời kỳ dẫu đói khổ nhưng tràn đầy tình người”.
Tuy nhiên, đây là cách nhìn phiến diện, có thể tác động đến cách hiểu của thế hệ sau về quá khứ, khi thời bao cấp trong mắt họ là đáng nhớ và đáng thương, cả thương xót và thương yêu, chứ không đáng sợ.
Có thể có một trăm ví dụ về thời bao cấp tràn đầy tình người thì cũng nên tin rằng cũng có những ví dụ về sự khô kiệt tình người thời bao cấp.
nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam
Trong nhìn nhận của nhiều người, đặc biệt là những người đã từng sinh trưởng trong thời kỳ này, thì bao cấp “là giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX”. Việc bao cấp nổi lên như một hiện tượng đã mở ra một cuộc tranh luận quy mô lớn.
“Sự gian khổ, sự khó khăn thời bao cấp không làm họ căm giận mà trái lại làm họ yêu hơn những gì mình đã trải qua, tự hào là mình đã vượt qua được thử thách đó. Đó là hai mặt của sự đối lập, khó mà có thể tách bạch rạch ròi”
PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – nói về những người đến xem trưng bày Cuộc sống thời bao cấp 1975 – 1986
Không phải ngẫu nhiên mà không gian thời bao cấp lại được ưa chuộng. Thời kỳ này để lại cho người Việt Nam những cảm xúc vô cùng đa dạng. Ngoài ra, đồ đạc giai đoạn này giản tiện, có tính ứng dụng cao, hơn nữa lại thân thiện với môi trường. Đây đều là những chủ đề được quan tâm bởi người trẻ thời hiện đại. (Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức)
Việc những không gian bao cấp như nhà hàng, quán nước, địa điểm chụp ảnh,… xuất hiện giữa đời sống hiện đại âu cũng là một cách hay để chúng ta biết về quá khứ một cách sống động hơn, không chỉ bằng lời kể của ông bà cha mẹ nữa. Biết và hiểu để khâm phục sự mạnh mẽ và sức chịu đựng của người dân Việt Nam một thời vô cùng khổ cực.
Xem thêm: Sài Gòn khi vừa bước ra thời kỳ bao cấp (nhiếp ảnh gia Doi Kuro)
Thảo luận về bài viết