Về mặt định nghĩa, gaslighting là một thủ thuật để điều khiển, bạo hành, và thao túng nhằm khiến nạn nhân sợ hãi, nghi ngờ bản thân mình.
Gaslighting là một dạng bạo hành tâm lý rất hiệu quả. Nó khiến nạn nhân tự nghi ngờ cảm xúc, bản năng và sự tỉnh táo của mình. Khi đó, kẻ bạo hành sẽ có rất nhiều quyền lực lên nạn nhân và có thể dễ dàng kiểm soát nạn nhân. Một khi nạn nhân đã mất khả năng tin tưởng vào chính bản thân mình thì họ sẽ càng khó rời bỏ người bạo hành hơn.
Trong cuộc sống, không khó để nhận diện những kẻ bắt nạt và những người thích lợi dụng người khác. Nhưng chuyện sẽ khó hơn một chút, nếu họ là những người chúng ta yêu quý, hoặc họ có khả năng khéo léo ẩn giấu chiêu trò thao túng dưới những lời nói và hành động tưởng chừng vô hại thường ngày.
(Để đơn giản, bài viết sử dụng đại từ nhân xưng Tôi và Cậu. Thực tế sẽ có khác biệt, tùy vào vai vế, mối quan hệ giữa bạn và đối phương.)
– Tôi thấy mình chẳng làm gì sai cả.
– Ủa? Làm vậy thì sao?
Bạn đang cố giải thích vấn đề hai người gặp phải, nhưng họ một mực khẳng định rằng họ không thấy chuyện có gì nghiêm trọng, thế nên rõ ràng rằng họ “chẳng làm gì sai hết”. Đây là một hình thức thao túng khá ‘tinh tế’. Đối phương dùng niềm tin của chính mình để lý giải những hành vi xấu họ đã làm — vấn đề ở đây là họ có thể không thật sự tin như thế, hoặc họ khăng khăng giữ lấy ‘niềm tin’ của mình cho dù nó có sai lệch đến đâu.
– Mình cậu nghĩ vậy thôi.
– Có ai thấy vậy đâu?
– Không có ai bình thường mà lại như thế hết.
Khi một người nói thế này, họ đang muốn bạn nghi ngờ phán đoán và cảm xúc của chính mình bằng cách chỉ ra rằng bạn đã sai lầm, rằng bạn không giống những người khác. Lâu dần, điều này sẽ làm bạn thấy bị cô lập, khiến bạn phải tự vấn bản thân, cảm thấy bất an với suy nghĩ, nhu cầu, thậm chí cả với niềm tin cốt lõi của mình.
– Tôi không biết cậu đang nói gì nữa.
– Có vụ đó không nhỉ?
– Làm gì có chuyện đó.
Gánh vác trách nhiệm và thừa nhận mình sai là điều mà những gaslighters khó lòng làm được. Họ sẽ loại bỏ hoàn toàn những sự kiện / sự việc đó khỏi trí nhớ của mình, một cách vô tình hay cố ý. Vì thế, khi bạn đề cập đến, họ sẽ “không nhớ” hoặc “không biết” bạn đang nói về điều gì.
– Thôi tụi mình xí xóa đi.
– Huề nha, làm lại từ đầu.
Cuộc sống không phải trò chơi để ai cũng có thể restart bất cứ khi nào thấy mình ‘sắp chết’. Một khi chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề trong hiện tại thì mối quan hệ không thể tiến thêm bước nào đến tương lai, chứ đừng nói là quay lại “lúc mình chưa bắt đầu”. Gaslighters không thích đối mặt với vấn đề. Hoặc họ đẩy mọi chuyện sang bạn, hoặc họ nhắm mắt làm ngơ bỏ qua hết mọi thứ, và gợi ý giải pháp làm lại từ đầu.
– Sao cậu cứ phải để bụng mọi chuyện thế?
– Đừng có làm lố quá nha.
Những kẻ thao túng (gaslighters) thích đổ lỗi cho tất cả mọi người ngoại trừ bản thân. Nếu ai đó bảo bạn rằng bạn “hay để bụng”, “quá nhạy cảm”, hoặc “thích vơ lấy mọi chuyện về mình”, thì đây là dấu hiệu họ đang tìm cách đổ lỗi cho bạn và những cảm xúc bạn có (do hành động của họ), thay vì thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc làm sai trái của mình.
– Nói dối là không tốt đâu.
– Cậu lại nghe đám bạn kia nói gì rồi?
Bạn nói với ai đó về những hành vi không tốt của họ, và họ một mực bảo rằng bạn chỉ đang nói dối. Lời tuyên bố “không thích người nói dối” cũng tương tự như khi họ bảo rằng bạn chỉ đang làm quá vấn đề, rằng bạn “điên đấy à?”. Với gaslighters, bất cứ lời nói nào ngược với câu chuyện do chính họ kể đều là những lời dối trá.
– Chuyện cũ rồi mà.
Đây là một trong những câu nói thao túng tinh vi, thường bị bỏ qua nhất. Trong hầu hết trường hợp, chúng ta vẫn thường nhắc nhở bản thân và người khác rằng không nên sống mãi ở quá khứ, cũng như không cố chấp những gì đã qua.
Tuy nhiên, với gaslighters, câu nói này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Vấn đề giữa bạn và họ vẫn chưa được giải quyết — và có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết — nhưng họ vẫn cố gắng làm bạn ‘yên tâm’ hơn vì “mọi chuyện chỉ là quá khứ”. Điều này cũng có nghĩa rằng sẽ không có giải pháp hay thay đổi nào được đưa ra đâu.
Bảo vệ mình khỏi những chiêu trò thao túng
Nếu nghi ngờ rằng bản thân đang bị thao túng
Không tranh cãi — Cố gắng nói lý với gaslighters chỉ khiến bạn mệt mỏi và càng dễ rơi vào bẫy của họ hơn.
Không đổ lỗi cho bản thân — Bạn nghĩ rằng đáng lẽ mọi chuyện có thể sẽ khác nếu lúc ấy mình nói thế này / làm thế kia. Điều cần nhớ ở đây: bạn không có lỗi, và bạn cũng không thể quay ngược thời gian.
Không nhượng bộ — Có thể bạn sẽ muốn ‘dĩ hòa vi quý’, nhắm mắt cho qua chuyện, nhưng làm thế chỉ càng thêm cổ vũ cho những hành vi sai trái của đối phương.
Thay vào đó, bạn có thể
Xác nhận lại với những người xung quanh — Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn về cảm nhận của mình, hãy tham khảo ý kiến từ những người bạn tin tưởng.
Ghi chép — Nếu có đủ sự riêng tư, bạn có thể viết nhật ký để ghi nhận lại những sự kiện / lời nói đã xảy ra, cùng với cảm xúc của mình. Việc này sẽ giúp bạn thấy nhẹ nhõm hơn, đồng thời cũng có ích trong trường hợp họ bảo bạn dựng chuyện.
Không cố gắng giải thích — Và đừng mất thời gian tìm hiểu lý do đối phương làm thế với mình. Họ có thể đã làm thế với rất nhiều người, và bạn chỉ là một trong số đó.
Ảnh: Power of Positivity
Xây dựng lòng tin vào bản thân — Lắng nghe cảm xúc của mình. Một khi đã hiểu được nhu cầu và giá trị của bản thân, ranh giới của bạn cũng sẽ trở nên rõ ràng, và bạn sẽ dễ dàng bảo vệ bản thân khỏi những hành vi bạo hành hơn.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý — Những người có chuyên môn sẽ có cách chỉ cho bạn thấy vấn đề, giúp bạn bình tĩnh, khỏe mạnh và kiểm soát cảm xúc bản thân tốt hơn.
Xem thêm:
#Nghĩ: Halo Effect – Khi một người trở thành “hào quang” trong mắt ta
#Nghĩ: Quy luật Cunningham và lý do chúng ta thích “sửa lưng” người khác
#KhôngQuạu: Gaslighting – Khi người yêu trở thành người điều khiển rối
9 ‘báo động’ cần chú ý về tính cách của một người
Thảo luận về bài viết