#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Những công trình đầu tiên do người Pháp xây dựng ở Sài Gòn đến nay, một số đã thay đổi hoàn toàn, một số vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tất cả đều đã tồn tại qua nhiều thăng trầm lịch sử, trở thành biểu tượng của thành phố và là dấu ấn trong lòng người Sài Gòn.
Le Grand Marché – Chợ Bến Thành
Khu chợ tiền thân của chợ Bến Thành ngày nay nằm bên bờ sông bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Năm 1912, người Pháp xây lại khu chợ mới như ngày nay, đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất. Kiến trúc chợ vẫn giữ nguyên trong hơn 100 năm qua. Hiện tại, xung quanh chợ là hàng rào “lô cốt” dài hàng trăm mét của dự án Xây dựng tuyến đường sắt số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên).
Théâtre Municipal – Nhà hát Thành phố
Nhà hát TP.HCM, gọi tắt là Nhà hát Thành phố được chính quyền Pháp xây dựng năm 1898, khánh thành vào ngày 1/1/1900 tại vị trí trung tâm thành phố, có mặt tiền hướng ra đường Catinat / Tự Do (nay là Đồng Khởi) và đường Bonnard / Lê Lợi. Đây được xem là công trình tiêu biểu và tốn kém nhất ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, do kiến trúc sư Pháp Eugène Ferret thiết kế.
Từ năm 1955 đến nay, quảng trường trước Nhà hát được gọi là Công Trường Lam Sơn. Đến năm 1955, dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Nhà hát được chuyển đổi công năng thành tòa nhà trụ sở của Quốc Hội. Mặt tiền được thay đổi. Các hoạ tiết, hoa văn trang trí được dỡ bỏ. Lối kiến trúc chuyển thành đường nét vuông vức, phù hợp với một trụ sở mang tính chính trị.
Qua năm 1964, tòa nhà này được đổi lại thành Nhà hát như cũ với tên gọi Nhà Văn Hóa.
Đến năm 1966, chính quyền mới đã thành lập Quốc hội Lập hiến. Cuộc Tuyển cử năm 1967 đã bầu lên Quốc hội chính quy. Quốc hội này chia thành 2 Viện giống như nhiều nước phương Tây khác là Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. Chính quyền chọn Trụ sở Quốc hội cũ (tức Nhà hát) để làm Trụ sở Hạ Nghị Viện, và chọn Hội Trường Diên Hồng làm trụ sở Thượng Nghị Viện.
Sau 1975, Nhà hát được trả lại công năng cũ là biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Hiện nay, Nhà hát Lớn là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như opera, múa ba lê, ca nhạc, kịch nói, cải lương… cho các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Dinh Thượng Thơ – Sở Thông Tin và Truyền thông TP HCM
Dinh Thượng thơ được xây năm 1860, theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm một dãy nhà chính giữa, nhìn ra đường Lý Tự Trọng (quận 1), nối với hai dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song tòa nhà vẫn giữ được hai chiếc cổng sắt thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh. Nếu tính về lịch sử khi mới được xây dựng lần đầu thì công trình đã gần 160 tuổi.
Dinh Thượng thơ Nội vụ, trước 1975 là trụ sở Bộ Kinh Tế, hiện tại là trụ sở Sở Thông Tin và Truyền thông TP.HCM.
Cathédrale Notre-Dame de Saigon – Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà có tên đầy đủ là Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Ngày 7/10/1877, Giám mục Isidore Colombert đã đặt những viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng nhà thờ. Công trình được hoàn thành 3 năm sau đó. Đây được xem là “bản sao” của Nhà thờ Đức Bà Paris tại Pháp.
Nhà thờ được xây dựng ở vị trí gần như là ở trái tim của Sài Gòn, giao lộ của nhiều con đường, trong đó có 2 đường nổi tiếng là Catinat / Tự Do và Norodom / Thống Nhứt.
Hiện tại, Nhà thờ vẫn đang trong quá trình trùng tu từ năm 2018 đến nay.
Sở Dây thép Sài Gòn – Bưu điện Thành phố
Tọa lạc tại Công trường Công xã Paris (Quận 1), Bưu điện Trung tâm Sài Gòn (Bưu điện Thành phố) là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của TP.HCM, nằm ngay bên cạnh Nhà thờ Đức Bà.
Sau khi chiếm thành Gia Định, người Pháp đã cho thiết lập hệ thống thông tin liên lạc. Năm 1860, Pháp cho xây dựng Sở Dây thép Sài Gòn ngay vị trí trung tâm thành phố. Đến năm 1863, Sở dây thép Sài Gòn chính thức được thành lập.
Năm 1864, những lá thư đầu tiên có dán tem “con cò” (loại tem xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam) đã được gửi từ Sài Gòn đi khắp nơi và ra thế giới. Năm 1886, Bưu điện Sài Gòn được khởi công xây dựng lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux, do không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của người dân. Năm 1891, trụ sở mới Bưu điện trung tâm Sài Gòn được khánh thành.
Công trình đã trải qua nhiều lần thay đổi màu sơn, hiện mang màu vàng nhạt và là điểm tham quan nổi tiếng với du khách nước ngoài.
Tòa đô chánh Sài Gòn – UBND TP.HCM
Nằm tại vị trí đắc địa và nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, ở phia cuối đường Charner / Nguyễn Huệ nhìn ra sông Sài Gòn, công trình này được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế dựa theo những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên tiếng Pháp là Hôtel de ville hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, địa điểm làm việc của các quan chức cấp cao và diễn ra các cuộc họp của chính quyền nội đô.
Từ sau 30/4/1975 đến nay, tòa nhà trở thành nơi làm việc của UBND TP.HCM.
Continental Palace – Khách sạn Continental
Continental Palace là khách sạn sang trọng đầu tiên ở Nam Kỳ được hoàn thành năm 1880, gần như cùng thời điểm với Nhà Thờ Đức Bà.
Thời điểm đó nhu cầu du lịch và khám phá Đông Dương của giới nhà giàu Pháp rất cao. Pierre Cazeau – một nhà sản xuất vật liệu xây dựng người Pháp – quyết định xây một khách sạn thật sang trọng tại Sài Gòn để đón giới thượng lưu Pháp. Công trình này được xây dựng năm 1878 và hoàn thành năm 1880.
Khách sạn cao 4 tầng, gồm 86 phòng. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong của Continental đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ.
Trong thập niên 1960-1970, chánh phủ Sài Gòn bắt các cơ sở thương mại phải dùng bảng hiệu tiếng Việt, vì thế khách sạn từng có tên là Đại Lục Lữ Quán.
Continental đã tiếp đón nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore (Giải Nobel văn chương 1913), văn hào Pháp André Malraux, văn hào Anh Graham Greene (tác giả chuyện Người Mỹ trầm lặng). Trong thời Chiến tranh Việt Nam, khách sạn cũng là nơi tụ họp của các ký giả, nhà báo, chánh khách, và thương gia ngoại quốc hoạt động tại Sài Gòn.
Gần 140 năm tuổi, khách sạn vẫn giữ được vẻ sang trọng với kiến trúc tường gạch, trần nhà cao và phòng khách rộng rãi.
Bịnh viện Chợ Quán – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
Năm 1862, bệnh viện đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng, mang tên Chợ Quán. Bệnh viện tọa lạc ở khu đất 5ha, đối diện kênh Tàu Hủ, tiền thân là nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp khi đánh đồn Chí Hòa.
Từ 1954 đến 1957, hai trong ba cơ sở bệnh viện được sử dụng làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính và đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán.
Năm 1972, khu nhà chính 6 tầng của bệnh viện được xây dựng như hiện tại. Công trình với sự trợ giúp của Hàn Quốc, hoàn thành sau 2 năm và mang tên mới là Trung tâm Y Khoa Hàn – Việt. Sau năm 1975 bệnh viện được gọi bằng tên cũ. Đến năm 1989, UBND TP HCM đổi thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Thảo luận về bài viết