#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Chúng ta không cần phải giàu có, phải cưới vợ lấy chồng, hay có sức khỏe tốt thì mới có thể hạnh phúc.
Chúng ta có xu hướng tin vào những lời răn hạnh phúc – bạn cần phải như thế này (hoặc làm thế này) mới có thể hạnh phúc, những thứ ở chiều ngược lại sẽ chỉ mang đến bất hạnh khổ đau mà thôi.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã tiết lộ rằng, cả hạnh phúc và đau khổ đều không đơn giản như phép toán 1+1=2. Chúng ta không cần thiết phải giàu có, cưới vợ lấy chồng, hay có sức khỏe tốt thì mới có thể hạnh phúc. Thay vì xem những dấu mốc hay biến động trong cuộc sống là ‘điềm báo’ của hạnh phúc hay khổ đau, hãy nhìn nhận chúng như là những cơ hội để được đổi mới, trưởng thành, và tạo ra những thay đổi có ý nghĩa.
#1 – Hạnh phúc liệu có phải là kết hôn với đúng người?
Sự thật là phần lớn mọi người sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu họ kết hôn với người–dành–cho–mình. Thế nên, không khó hiểu khi quan niệm về hạnh phúc này lại được rất nhiều người tin tưởng.
Tuy nhiên, có hai điều cần được làm rõ. Đó là hôn nhân không phải suối nguồn hạnh phúc, và cho dù bạn có hài lòng với cuộc hôn nhân của mình đến đâu, thì cảm giác hạnh phúc nó đem lại cũng không lâu dài hay mãnh liệt như bạn tưởng tượng.
Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, hạnh phúc được gia cố bởi hôn nhân có tuổi thọ rất ngắn – chỉ kéo dài trung bình 2 năm. Theo thời gian, cảm giác hứng khởi và thỏa mãn mà một cuộc hôn nhân lý tưởng đem lại sẽ biến mất, cùng với đó là ‘niềm hạnh phúc dài lâu’ tưởng như đã nắm chặt trong tay.
Kết hôn với ai đó là quyết định quan trọng, là dấu mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển của một đời người. Bản thân hôn nhân đã mang theo nhiều trọng trách nặng nề rồi, đừng bắt nó phải gánh thêm nhiệm vụ trở thành ‘phao cứu sinh’ hay phải kiêm luôn việc có trách nhiệm với hạnh phúc cuộc đời bạn.
#2 – Mối quan hệ này không còn, liệu bạn có còn hạnh phúc?
Phản ứng của chúng ta trước sự tan vỡ của một mối quan hệ thân thiết thường bị thổi phồng. Sợ chia ly là một nỗi sợ sâu sắc – chúng ta nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn có thể hạnh phúc nữa, rằng cuộc đời vốn quen thuộc trước đây giờ đã chấm dứt.
Tuy nhiên, bạn kiên cường hơn là mình nghĩ đấy. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ vơi đi, nếu bạn đủ kiên nhẫn. Đấy là cách an ủi ‘văn hoa’, còn các số liệu nghiên cứu sẽ nói cho bạn biết rằng, mức độ hạnh phúc của một cặp vợ chồng thường chạm ngưỡng rất thấp trong vài năm trước khi họ ly hôn. Và đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ không còn có thể hạnh phúc được nữa, vì trung bình chỉ 4 năm sau khi kết thúc một cuộc hôn nhân có vấn đề, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với thời kỳ còn chung sống.
#3 – Bạn có cần ai đó bên cạnh để thấy hạnh phúc?
Nhiều người khẳng định rằng việc cứ mãi một thân một mình là điềm báo cho một cuộc đời cô đơn và lạnh lẽo. Niềm tin này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, như mù quáng xem hôn nhân là điều kiện để được hạnh phúc, hoặc xu hướng mắc kẹt với những mối quan hệ không lành mạnh, chỉ vì tư tưởng ‘dù sao đi nữa có người bên cạnh vẫn tốt hơn’.
Thực tế, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người độc thân cũng hạnh phúc không kém những người đã lập gia định. Chúng ta là những con người khác nhau, định nghĩa hạnh phúc của mỗi người do đó cũng khác nhau, vì sao cứ phải cố định hạnh phúc vào một cái khuôn cho tất cả mọi người?
#4 – Bạn có thấy hạnh phúc với công việc mình mơ ước?
Nếu bạn chưa có câu trả lời cho câu hỏi này, còn chờ gì nữa mà không xem Soul ngay!
Hành trình của anh chàng nhạc công Joe trong Soul sẽ cho bạn cái nhìn khá đầy đủ về việc có hay không cái gọi là có được công việc mơ ước sẽ giúp tôi hạnh phúc hơn. Cũng như những niềm tin sai lệch về mối tương quan giữa hạnh phúc với hôn nhân, mối quan hệ, thì công việc, không cần biết đó là công việc bạn yêu hay ghét, không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc cá nhân của bạn.
Cho rằng bạn thành công đạt được công việc mơ ước, nhưng lỡ như bạn không thấy hạnh phúc như mình mong đợi thì sao? Hay bạn sẽ làm gì nếu cảm giác vui sướng tột cùng và tâm trạng phấn khởi đi làm mỗi ngày lại kết thúc quá chóng vánh? Không lẽ lại thôi không làm gì nữa?
Con người có xu hướng thích nghi với khoái lạc. Chúng ta có khả năng phát triển thói quen và tham gia vào các hoạt động có thể nhằm mục đích thích ứng với các thay đổi trong cuộc sống. Điều này có nghĩa rằng, tất cả những mới lạ, thách thức, thử thách, hào hứng, phấn khởi, vân vân và vân vân mà bạn cảm thấy mỗi khi bắt đầu một cái gì đó mới (như công việc) đều sẽ trở nên quen thuộc theo thời gian.
Nếu cứ đặt niềm tin và mục tiêu vào một công việc mơ ước và rằng công việc mơ ước sẽ đem đến hạnh phúc, thì có lẽ bạn sẽ phải dành cả đời để nhảy việc mất.
#5 – Giàu sang và thành công có đem đến hạnh phúc?
“Tôi chưa hạnh phúc là vì tôi chưa … thôi. Cứ đợi đến khi tôi … mà xem.”
Nhiều người tin rằng họ nhất định sẽ có hạnh phúc khi đã đạt đến một mức độ … nhất định. Có nhiều từ có thể xuất hiện trong khoảng trống này, nhưng thường thấy nhất sẽ là thành công và tiền bạc.
Vấn đề ở đây là bao nhiêu mới được xem là đủ? ‘Mức độ nhất định’ là một cái mốc mơ hồ. Bạn sẽ sở hữu mấy căn nhà, có bao nhiêu tiền trong tài khoản, giữ vị trí nào trong công việc, leo lên đến nấc thang nào trong xã hội thì mới được xem là thành công hay giàu có?
Không khác gì tất cả những thứ đem đến khoái lạc khác, hạnh phúc chúng ta có được từ trạng thái thành công hay từ tài sản mình sở hữu rồi sẽ nhanh chóng biến mất. Từ đây, chúng ta lại ‘kết luận’ rằng mình cần nhiều hơn nữa vì thế này vẫn là chưa đủ. Chúng ta không nhận ra rằng quan trọng không phải là thành công hay giàu sang đến cỡ nào, mà là ở việc ta sẽ làm gì với nó.
#6 – Ốm đau bệnh tật có phải đau khổ?
Một khi đã đối diện với những sợ hãi về tình trạng sức khỏe của bản thân, sẽ rất khó để chúng ta hình dung ra một cái gì khác ngoài những đau đớn về tinh thần và thể xác mà trạng thái ốm đau mang lại.
Nói theo cách dí dỏm một chút, thì tất cả chúng ta đều đang chết. Chủng tộc, sắc tộc, địa lý, trình độ, tư tưởng, ước mơ, cuộc sống dẫu có khác nhau, nhưng đích đến cuối cùng trên hành trình của mỗi người đều là cái chết. Muốn không chết, tốt nhất đừng bao giờ được sinh ra.
Nói thế để thấy rằng, cái chết là một điều không thể tránh khỏi. Một cuộc sống chất lượng và những tiến bộ y học có thể giúp kéo dài cuộc dạo chơi của con người trên trần thế, nhưng không thể giúp chúng ta ‘chơi’ mãi mãi được. Tất nhiên chẳng ai muốn mình ốm đau bệnh tật, nhưng nếu nó xảy ra, ít nhất hãy học cách chấp nhận nó như một phần tất yếu của bạn trong thời điểm hiện tại.
Chúng ta có thể không còn kiểm soát được tình trạng sức khỏe, nhưng chúng ta vẫn có quyền quyết định đối với trải nghiệm của mình. Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, bạn đều phải đưa ra lựa chọn xem sẽ chú ý đến điều gì và ngó lơ điều gì. Những thứ chúng ta chọn để tập trung vào sẽ trở thành trải nghiệm, phần còn lại sẽ biến mất.
Nếu bạn có thể dễ dàng bỏ qua việc ai đó nhỡ làm đổ nước lên đôi giày bạn yêu thích trong bữa tiệc vui vẻ, thì tin rằng bạn cũng sẽ đủ mạnh mẽ để nhìn thấy và tập trung vào những niềm vui và những gì có ý nghĩa, dù là nhỏ nhặt nhất, trong một quá trình rất dễ bị những cảm xúc tiêu cực lấn át như bệnh tật.
#7 – Những năm tháng đẹp nhất cuộc đời đã nằm lại trong quá khứ
Cho dù hiện tại bao nhiêu tuổi, thì đa số chúng ta đều vững một niềm tin rằng mức độ hạnh phúc tỉ lệ nghịch với số tuổi. ‘Những năm tháng đẹp nhất cuộc đời đã nằm lại trong quá khứ’ được xem là một dạng thiên kiến nhận thức. Khi nghĩ về những gì đã xảy ra, chúng ta có xu hướng nhớ đến những thứ liên quan (con người, sự kiện, địa điểm, …) một cách trừu tượng, đồng thời vô tình hướng sự chú ý vào những thứ tích cực nói chung hơn là những chi tiết xấu xí cụ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những năm tháng đẹp nhất cuộc đời không phải nằm lại đằng sau, mà thực chất còn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Nghiên cứu thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học California về sự lạc quan của con người theo thời gian cho thấy, những người ở độ tuổi 20 có mức lạc quan thấp nhất, tăng dần lên theo độ tuổi 30 và 40, đạt đỉnh ở 50, sau đó giảm dần.
Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn chúng ta khi già đi thì cảm xúc sẽ trở nên ổn định hơn, ít nhạy cảm hơn với những thăng trầm của cuộc sống. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời là một món hàng có hạn sử dụng. Khoảng thời gian ngắn hơn sẽ góp phần thúc đẩy bạn hướng đến hiện tại nhiều hơn, đầu tư năng lượng và thời gian (tương đối hạn chế) của mình vào những gì thật sự quan trọng.
Những ngày đẹp nhất, cho dù chúng thật sự đẹp nhất, thì cũng chỉ có giá trị với chúng–ta–khi–ấy, không phải với chúng–ta–trong–hiện–tại. Quá khứ, hiện tại, hay tương lai rồi thì cũng sẽ đẹp theo cách riêng của chúng.
(Tham khảo: The Myths of Happiness – Sonja Lyubomirsky)
Thảo luận về bài viết