Vì sao một số người dường như không–có–khả–năng nhận sai cho dù lỗi đã rõ rành rành? Là do cố chấp, hay thật sự có ‘ẩn tình’ gì khác khiến một người không thể chịu trách nhiệm cho hành động của mình?
Mục lục
Ngay cả những người tử tế nhất cũng từng không nói lời xin lỗi.
Vì chẳng ai hoàn hảo cả mà. Việc một ai đó không thừa nhận cái sai của mình qua lời xin lỗi thường vì một trong hai lý do:
– Chúng ta không quan tâm đến đối phương và mối quan hệ giữa cả hai đủ nhiều để có thể tình nguyện trải nghiệm cảm giác khó chịu khi phải nhận lỗi;
– Chúng ta cho rằng lời xin lỗi của mình có hay không cũng không quan trọng với vấn đề đang gặp phải và cả với những khía cạnh khác.
Một ví dụ cho trường hợp thứ hai – bạn cáu vì đồng nghiệp lỡ làm phiền trong lúc mình đang cần tập trung, do trước đây cũng đã vài lần ‘đụng độ’ nên lần này bạn thấy không cần phải xin lỗi vì nó cũng không giúp quan hệ của hai người trở nên tốt hơn bao nhiêu.
Còn những người không bao giờ thừa nhận mình sai bất kể trong hoàn cảnh nào thì sao? Điều gì ngăn họ nói ra lời xin lỗi?
Chúng ta thường nghĩ rằng người không nhận lỗi là những người cứng rắn, vững vàng, biết bảo vệ quan điểm. Nhưng sự thật ngược lại.
Nhận định thường thấy sẽ là nếu ai đó không nhận sai, hẳn họ sẽ là người có tâm lý vững và rất tự tin vào bản thân. Nhưng sự thật ngược lại.
Sâu thẳm bên trong, những người không chịu nhận lỗi thực ra rất tự ti. Khi bị đe dọa, trong vô thức, cơ chế bảo vệ của họ sẽ cố gắng làm mọi cách để tránh nguy cơ phải hạ thấp bản thân, gây thêm tổn hại cho cái tôi vốn đã rất mỏng manh. Bằng việc phân tán, chuyển giao trách nhiệm, đổ thừa hoàn cảnh, phủ nhận sự thật, hoặc công kích người khác, cảm giác về quyền lực và tự chủ của họ được nâng cao thay vì chịu giảm sút nếu nói xin lỗi.
Về mặt tâm lý, thừa nhận mình sai là một hành động gây khó chịu về tinh thần, ảnh hưởng đến cảm giác của chúng ta về chính mình. Nếu hình dung ý niệm về bản thân của mỗi người như một yếu nhân, thì hành động nhận lỗi sẽ là một trong những kẻ thù lăm le chực chờ để đâm chết ‘Ngài’.
Nhận lỗi đồng nghĩa với việc thừa nhận mình đã làm ảnh hưởng hay làm hại đến ai hoặc việc gì đó. Kéo theo nó là đám lâu la những ‘ngượng ngùng’, ‘xấu hổ’, ‘ân hận’, ‘nuối tiếc’, ‘nhục nhã’,… Để có thể đường hoàng nhận trách nhiệm và thốt ra lời xin lỗi, thì tường thành bảo vệ – lòng tự trọng của mỗi người – cần phải đủ kiên cố và vững chắc để chống chịu đòn tấn công của kẻ thù. Nếu người đang được bảo vệ vốn đã yếu ớt, và tường bao trông thì cao nhưng lại không vững, thì chỉ một–lời–xin–lỗi–đơn–giản cũng là quá ngưỡng chịu đựng của tâm lý.
Đừng khó chịu, cũng đừng sa đà vào tranh cãi với những người không nhận lỗi.
Một trong những sai lầm chúng ta thường gặp khi tương tác với một người không có thói quen nhận lỗi, đó là trở nên giận dữ và cố gắng thắng cho bằng được cuộc tranh cãi này mới thôi (ủa thì tôi đúng còn nó sai rành rành?)
Thực tế thì sao? Những trận cãi vã này khả năng cao sẽ chẳng đi đến đâu, và người chiến thắng thường cũng không phải là mình. Ngay cả khi bạn có chứng minh được một cách vô cùng hiển nhiên, rõ ràng, hết–đường–chối–cãi rằng đối phương đã sai, họ vẫn sẽ tiếp tục phủ nhận những sự thật đó (hay người ta còn gọi là cãi cùn!) hoặc chuyển từ tranh cãi sang tấn công cá nhân, kiểu “Sao lúc nào đằng ấy cũng khó khăn / xét nét / vô lý thế nhỉ?”
Trong những tình huống này, điều tốt nhất nên làm là:
– Trình bày quan điểm một cách thuyết phục và bình tĩnh nhất có thể;
– Ngừng tranh luận ngay khi nó có chiều hướng diễn tiến xấu – đối phương phủ nhận sự thật, đưa ra những lời bào chữa vô lý hoặc tập trung nhận xét, chỉ trích những thứ vụn vặt khác không trực tiếp liên quan đến chủ đề.
Thật ra, không phải tất cả những người không nhận lỗi đều xấu. Trong một số trường hợp nhất định, họ biết rõ rằng mình sai, và cũng thấy tệ khi đã khiến người khác phiền lòng, chỉ là họ không đủ vững vàng và mạnh mẽ để chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình ngay thời điểm ấy.
Do đó, họ vẫn sẽ nỗ lực hàn gắn và bù đắp mối quan hệ bị tổn thương theo những cách không gây tổn hại cho ý thức của họ về chính mình – như tỏ ra tử tế hơn, dịu dàng hơn, quan tâm hơn, nhiệt tình hơn,… Bằng cách này, cảm giác về bản thân của họ sẽ càng được vỗ về và củng cố.
Bên trong vẻ ngoài bướng bỉnh là một con người dễ bị tổn thương.
Chúng ta có thể gặp phải những người thế này rất nhiều lần và ở mọi thời điểm trong đời. Nếu là người xa lạ hay không mấy thân thiết, ta chỉ cần giảm tiếp xúc và tránh đụng độ là xong. Nhưng nếu những người không nhận lỗi này lại là người có liên kết lớn hơn – đồng nghiệp, bạn bè, hay người thân trong nhà?
Nghe thì khó, nhưng hãy đối xử bằng thái độ hòa hoãn. Chấp nhận khía cạnh ‘dễ lên máu’ này như một phần con người họ, cũng như chấp nhận sự thật rằng họ sẽ không thay đổi, nếu có thì đó cũng sẽ là một hành trình dài và vất vả. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được những cuộc cãi vã lặt vặt triền miên không cần thiết, cũng như tự bảo vệ mình trước cảm giác thất vọng, tức giận, tổn thương.
Tuy nhiên, hòa hoãn không có nghĩa là phải luôn chịu thua thiệt. Lưu ý rằng bài viết này chỉ đang nhắc đến những người không nhận lỗi do trở ngại tâm lý, chứ không bao hàm hết mọi trường hợp. Bạn có thể chấp nhận việc ai đó không nhận lỗi, nhưng bên cạnh đó cũng cần đặt ra giới hạn cho chính mình, đồng thời, cần tỉnh táo để có thể nhận ra những động cơ tiêu cực sâu xa hơn nếu có.
Xem thêm:
Một căn phòng bừa bộn nói lên điều gì về chủ nhân của nó?
Sống chân thực, và hãy ngừng rao bán chính mình
Phá vỡ thói quen xấu từ bên trong
Thảo luận về bài viết