Ai cũng sợ điều gì đó. Nỗi sợ trong cuộc sống, trong chuyện tình cảm và trong công việc. Nhiều năm làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho các bạn từ sinh viên đến anh chị quản lý nhiều năm kinh nghiệm, mình thấy có một số nỗi sợ nổi cộm khi đi làm đó là: Sợ mất việc, thất nghiệp; sợ cảm giác rảnh rỗi và sợ người khác suy nghĩ xấu về mình.
Những nỗi sợ này xuất hiện khiến cho người đi làm ở trong tâm trạng lo lắng, không tập trung làm việc và ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng phân tích sâu vào từng nỗi sợ và nghĩ cách khắc chế bớt sự sợ hãi này.
1/ Sợ mất việc, thất nghiệp
Không ai muốn thất nghiệp. Thất nghiệp, mất việc thì mất đi nguồn tiền hàng tháng – không có gì để chi trả cho những hoá đơn và nhu cầu giải trí của bản thân. Tuy nhiên, không phải cứ cố gắng hết mình ở chỗ làm, làm tốt công việc được giao thì đảm bảo 100% không mất việc. Trong xã hội hiện nay, không có gì đảm bảo cho chuyện ở một công ty lâu đến khi mình muốn. Có nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc mình còn ở lại một doanh nghiệp hay không: thiên tai, dịch bệnh, công ty phá sản, những chuyện ‘chính trị’ nơi công sở.
Sợ mất đi sự ổn định hiện tại và tương lai bấp bênh là một suy nghĩ hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là khi nỗi sợ này xuất hiện, chúng ta không đóng băng, không lo lắng thái quá. Thay vào đó, ta tranh thủ trang bị kiến thức, kỹ năng cần có để phòng ngừa những rủi ro trong tương lai. Khi nỗi sợ mất việc, thất nghiệp xuất hiện, ta hãy hỏi bản thân mình những câu hỏi bên dưới:
- Ta đã có ‘quỹ tiết kiệm’ bằng khoảng 3-6-12 tháng chi tiêu mỗi tháng chưa? Có quỹ này trong tay, lỡ có mất việc đột ngột thì ta vẫn sống tốt trong 3-6-12 tháng mà không cần làm gì, dành thời gian này để tìm việc mới tốt hơn.
- Ta có thể làm thêm một nghề tay trái nào bên cạnh nghề chính đang làm không? Sáng tạo nội dung trên Tiktok – Youtube? Viết blog. Đi giảng dạy tại trường học. Bán bảo hiểm. Làm Affiliate. Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều cơ hội để bạn tận dụng gia tăng thu nhập.
- Ta có đang hoặc có dự định học thêm kiến thức / kỹ năng nào mới trong thời gian 6 tháng tới hay không? Trong thời đại hiện nay, người có kỹ năng ‘đa ngành’ sẽ có lợi thế hơn trên thị trường lao động. Ví dụ một bạn viết Content giỏi thêm mảng thiết kế, làm Marketing biết kiến thức về kế toán hay IT.
- Ta đã có trình độ ngoại ngữ tốt chưa? Nhắm mục tiêu tối thiểu tiếng Anh ở mức IELTS 6.5 để bạn có thể đọc các tài liệu chuyên ngành nước ngoài, tìm kiếm cơ hội có mức thu nhập cao hơn ở các công ty nước ngoài.
2/ Sợ cảm giác rảnh rỗi
Nhiều người phải luôn chân luôn tay, lúc nào đầu cũng phải nghĩ và tay cũng phải làm gì đó. Không thể rảnh rỗi ngồi im được. Hết giờ làm về nhà lôi thêm việc để làm. Không có việc làm thì phải bấm điện thoại, lướt mạng xã hội. Không thể ngồi im để thở. Không thể ngừng suy nghĩ, phân tích trong đầu.
Có thể những bạn này rất ‘thành công’ trong công việc nếu xét trên khía cạnh tài chính, địa vị. Nhưng nhiều bạn trong tuy đã thành công như vậy, vẫn tìm đến mình tư vấn hướng nghiệp với những mối lo trong lòng. Bạn cảm thấy stress, áp lực cuộc sống, không hạnh phúc với công việc đang làm.
Não bộ giống như cục pin, hoặc giống như cơ bắp trên cơ thể – để hoạt động liên tục và dài lâu, cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi. Mỗi người có một khoảng thời gian nghỉ ngơi khác nhau, có người 5 phút là đủ, có người 2 tiếng mới đủ. Tuy nhiên, nhất thiết là phải nghỉ ngơi. Cho não nghỉ ngơi thì bạn mới có thể đi đường dài, bớt stress trong công việc, bớt mệt mỏi. Nghỉ ngơi là thực sự nghỉ hoàn toàn, không phải là cầm điện thoại lên lướt mạng xã hội hoặc cầm cuốn sách lên đọc – như vậy thì não vẫn hoạt động. Giải pháp tốt hơn là tản bộ, chú tâm vào hơi thở hoặc thực hành một vài bài tập thiền ngắn.
Thêm một điều nữa, nhiều người mải làm – làm – làm vì không bao giờ thấy đủ. Hãy nhớ rằng của cải, danh tiếng, địa vị không mang theo được khi chúng ta chết đi. Điều làm chúng ta hạnh phúc là những mối quan hệ chất lượng và những việc chúng ta làm được đóng góp cho cộng đồng của mình.
3/ Sợ người khác nghĩ xấu về mình
Nếu mình làm việc này thì những người đó sẽ nghĩ thế này về mình. Nếu mình không làm việc này thì những người đó sẽ nghĩ thế nọ về mình. Một ví dụ dễ hiểu trong một ca tư vấn hướng nghiệp mình từng làm: một bạn du học sinh đi du học về, biết mình thích và hứng thú với các công việc bảo vệ môi trường, làm việc ở các công ty nhỏ ít danh tiếng – nhưng không dám làm, vì sợ ba mẹ và họ hàng ‘đánh giá’ tại sao du học sinh nước ngoài về mà không làm công ty to, tập đoàn lớn.
Chúng ta không thể kiểm soát được người khác nghĩ gì về mình. Cũng không nên mong nhiều người nghĩ tốt ít người nghĩ xấu. Còn mong, dù tốt hay xấu, là còn tham. Còn tham là còn dính mắc vào suy nghĩ của người khác. Tức là tâm trạng của bản thân vẫn do suy nghĩ của người khác điều khiển. Hãy tập vui với bản thân mình. Hôm nay mình đặt 3 mục tiêu và hoàn thành 3 mục tiêu, vui. Dự án này mình chưa hoàn thành tốt, buồn và cố gắng hơn.
Hãy tập đăng một thứ gì đó lên mạng xã hội vì bạn thấy thích, hoặc thấy rằng kiến thức đó có ích cho người khác. Không quan tâm nhiều đến việc có bao nhiêu Like, Share, Comment – cũng không lấy comment khen làm niềm vui, comment chê làm nỗi buồn. Làm được điều này là bạn đã lên được một ‘level’ ở khả năng ‘bơ đi mà sống’ – mặc kệ thiên hạ nghĩ gì.
Không có cách nào làm biến mất những nỗi sợ trên. Nếu ta đã sợ, thì nỗi sợ luôn ở đó. Tuy nhiên thay vì trốn tránh nỗi sợ, hay để nỗi sợ kiểm soát mình – mình dám đối diện với nỗi sợ, lôi nỗi sợ ra để cùng đối mặt và trao đổi, tìm giải pháp, tự nhiên năng lượng nỗi sợ sẽ giảm đi, thay vào đó là những năng lượng tích cực hơn.
Chúc bạn một hành trình công việc thật nhiều bình an.
Để đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh, bạn có thể đăng ký tại: https://anhtuanle.com/tuvan/
- Hỏng hóc là cơ hội để sửa chữa
- Hiệu ứng “người mới, ngày đầu” và cách mình tăng mood đi làm thứ 2 đầu tuần
- Mỗi người có cột mốc thành công riêng