So với mẹ thì cha là chủ đề ít được khai thác hơn trên màn ảnh. Có lẽ không phải đạo diễn và biên kịch thiên vị mẹ hơn đâu, mà có lẽ vì ngay cả ở ngoài đời thật, khi nhắc đến cha, chúng ta cũng khó định nghĩa và cảm nhận hơn so với khi nhắc đến mẹ.
Những ông bố trên phim ảnh không phải lúc nào cũng giống với “người thật việc thật” ngoài đời. Tuy nhiên, họ cũng ít nhiều cho chúng ta cơ hội nhìn ngắm và liên hệ với câu chuyện của mỗi người.
The Pursuit of Happyness (2006)
Chris Gardner (Will Smith)
Chris Gardner có thể gặp thất bại trong cuộc sống và mạo hiểm trong kinh doanh, thế nhưng với con trai mình thì anh lúc nào cũng cẩn trọng và đặt cậu bé làm ưu tiên hàng đầu. Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Chris luôn luôn có đủ thời gian và năng lượng để làm một người cha tốt.
Cặp cha con đời thật Will Smith và Jaden Smith vào vai bố-con trên màn ảnh vô cùng đáng yêu và ngọt ngào. Với màn hóa thân thành doanh nhân Chris Gardner, Will Smith nhận đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của anh.
Finding Nemo (2003)
Marlin (Albert Brooks)
Phụ huynh đơn thân lúc nào cũng khó khăn. Là một người cha đơn thân thì còn vất vả hơn nhiều.
Vợ con đều qua đời, không khó hiểu khi Marlin lại trở thành một ông bố bảo bọc con quá mức. Dù sao đi nữa thì Nemo vẫn là đứa con cuối cùng của Marlin sống sót. Mặc kệ việc bản thân lúc nào cũng sợ hãi đại dương bao la, Marlin đã không ngần ngại làm một cuộc hành trình tìm con cùng với cô cá Dory quên trước quên sau.
Bob’s Burgers (2011-)
Bob Belcher (H. Jon Benjamin)
Bob’s Burgers là một bộ phim có thể làm bạn mỉm cười. Không như The Simpsons hay Family Guy, sự hài hước của Bob’s Burgers không đến từ việc đem người khác ra làm trò tiêu khiển. Khán giả được thư giãn cùng với gia đình nhà Belchers, chứ không phải ‘cười vào mặt’ họ.
Các thành viên trong gia đình Belcher – mẹ Linda và các con Tina, Gene, Louise – đều có phần lập dị. Người ‘bình thường’ duy nhất trong nhà là Bob. Vậy nhưng anh không vì điều ấy mà yêu thương gia đình mình ít đi.
Gia đình Belchers gặp khó khăn về tài chính và chật vật để duy trì quán ăn của mình. Với từng đó gánh nặng nhưng Bob chưa bao giờ trút sự bực dọc của mình sang các thành viên khác. Ngược lại, tình yêu mà anh dành cho gia đình là nguồn động lực để anh vượt qua những căng thẳng và khó khăn trong cuộc sống.
The Godfather (1972)
Vito Corleone (Marlon Brando)
“Bố” trong The Godfather (Mario Puzo) là biểu tượng của cả tình yêu và sự kính sợ. Vito Corleone vừa là bố già – ông trùm quyền lực – của đế chế Corleone, vừa là một người chồng, người cha, người ông đầy tình yêu thương, lúc nào cũng hết lòng chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Mrs. Doubtfire (1993)
Daniel Hillard (Robin Williams)
Sau cuộc ly hôn, 3 đứa con của Daniel Hillard được tòa xử thuộc quyền nuôi dưỡng của vợ anh. Daniel muốn gặp các con đến mức anh đã đóng giả làm một vú em để có thể dành thời gian với con mình, mặc kệ sự nghiệp và cả cuộc sống của anh bị đảo lộn.
Câu chuyện về một người bố không bao giờ chấp nhận lời từ chối cũng như không ngại ngần sửa sai vì gia đình trong Mrs. Doubtfire luôn là một ví dụ kinh điển về tình yêu cha dành cho con.
Mẹ con Đậu Đũa (1998)
Cha của Đậu Đũa (NSƯT Công Ninh)
Mẹ mất từ khi Đậu Đũa (Thiên Tú) còn nhỏ, một mình cha nuôi em khôn lớn. Người cha gầy gò, ốm yếu với khuôn mặt khắc khổ. Cha nghèo nhưng tình cha dành cho con chẳng sự giàu có nào trên thế gian có thể sánh nổi. Một mình cha lo lắng, chăm sóc em từng bữa ăn, giấc ngủ…
Hành trình cha Đậu Đũa đưa em tham gia hội thi “Bé khỏe, bé ngoan” trên chiếc xe đạp cà tàng đã khiến không ít khán giả cảm động. Thậm chí dù ngại ngùng nhưng vì Đậu Đũa, cha vẫn phải tỉ mỉ trả lời câu hỏi oái oăm của Ban giám khảo: “Mẹ vắt sữa cho con như thế nào?”.
Ngõ lỗ thủng (2009)
Ông Thống (NSND Trần Hạnh)
Đây là một vai diễn điển hình mà NSND Trần Hạnh đảm nhận. Trong phim, ông Thống là một người cha già nghèo khổ, sống cả cuộc đời vất vả nuôi hai chị em Sương và Hạnh. Thế nhưng dù cố hết sức dạy con sống tử tế, hai đứa con ông vẫn lựa chọn một cuộc đời thực dụng, bất chấp tất cả để làm giàu.
Bi kịch của một người cha là bất lực nhìn các con dần tuột khỏi tay mình với lối tư duy thực dụng của lớp trẻ. Nỗi đau, niềm trăn trở của nhân vật đã được NSND Trần Hạnh thể hiện xuất sắc. Đây cũng là vai diễn giúp nghệ sĩ nhận được giải thưởng Cống hiến tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc năm 2010.
Bão qua làng (2014)
Ông Phất (NSND Trần Hạnh)
Bộ phim về đề tài nông thôn, những mối quan hệ trong Bão qua làng tuy giản dị nhưng không hề kém phần sâu sắc, hình ảnh người cha nổi bật trong phim là ông Phất, người bố lắm chiêu nhiều trò của anh trưởng thôn Lộc.
Ông Phất tuổi đã cao, cả cuộc đời ông lủi thủi trong cảnh gà trống nuôi con. Với bề ngoài là ông lão lơ đãng chẳng quan tâm tới ai mà lạ thay bất cứ chuyện to, chuyện nhỏ của bà con lối xóm đều được ông ghi nhớ hết. Những mẩu chuyện không đầu không cuối nghe ngóng từ làng xóm đều được ông Phất mang về kể lể với con trai.
Ông và anh con trai như hai thế giới hoàn toàn đối lập. Anh Lộc thích làm thơ, ông Phất chê thứ đó thật phù phiếm lãng xẹt. Con trai thích giúp đỡ mọi người, ông lại thấy đó là điều phiền phức. Mặc dù luôn tỏ thái độ phản đối với việc làm của anh Lộc nhưng ông Phất lại lặng lẽ quan tâm, đồng hành cùng anh vượt qua mọi sóng gió.
Người phán xử (2017)
Phan Quân (NSND Hoàng Dũng)
Nhắc đến vai diễn “người bố” chắc chắn không thể bỏ qua nhân vật Phan Quân trong “Người phán xử”, do NSND Hoàng Dũng thể hiện.
Dù là một nhân vật đáng nể, đáng sợ song Phan Quân cũng là ông bố đáng thương bậc nhất. Một mặt, ông là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực kinh doanh, một ông trùm “hắc bang” được thế giới ngầm kính sợ. Thế nhưng mặt khác, Phan Quân gần như “bó tay” trong việc dạy con.
Cả đứa con quý tử lẫn đứa con rơi đều ít nhiều có sự chống đối ông, như một minh chứng cho thấy sự mất cân bằng khi Phan Quân có cả xã hội ngoài kia nhưng lại không có được gia đình. Chính rắc rối trong mối quan hệ cha con Phan Quân đã chạm đến sự đồng cảm của khán giả. Bởi ít nhiều gia đình nào cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Về nhà đi con (2019)
Bố Sơn (NSND Trung Anh)
Sống cảnh “gà trống nuôi con”, bố Sơn coi ba cô con gái như ba “bình rượu mơ” quý nhất đời. Tình yêu giản dị của bố Sơn thể hiện qua phân cảnh ông tìm đến nhà ông Luật khi biết chuyện hợp đồng giữa Vũ và Thư.
Xót xa nhưng bất lực chứng kiến cảnh con gái không hạnh phúc, ông chỉ còn biết ôm con vào lòng mà chua chát: “Con cũng thấy đấy, giờ bố già nua, lẩm cẩm, giáo điều. Nhưng bố có tình yêu, tình yêu và ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về.”
Từng nét mặt, cử chỉ, diễn biến tâm lý chứng minh Bố Sơn đã thực sự tròn vai khi lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Bất cứ ai xem phim cũng có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của bố mình trong đó.
Vai diễn ông bố lam lũ, khắc khổ nhưng dạt dào tình yêu mà NSND Trung Anh đảm đương đã thể hiện xuất sắc tinh thần chính của bộ phim: “Về nhà đi con, về nhà với bố”, rằng gia đình mãi mãi là nơi để trở về.
Xem thêm:
Những vị phụ huynh trên phim Disney đâu cả rồi?
Những bộ phim ngắn đáng yêu “hết nấc” của Pixar
Thảo luận về bài viết