#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Hiện nay, không ít người mắc phải những thói quen ăn uống không lành mạnh. Nó có thể dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau, rối loạn ăn uống là một trong số đó. Tuy nhiên, ăn uống không lành mạnh chỉ là một phần nguyên nhân. Các chứng rối loạn ăn uống không còn đơn giản là thói quen hay lối sống mà đã trở thành một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp hơn thế nhiều.
Rối loạn ăn uống là gì?
Theo DSM-5 (Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần), rối loạn ăn uống là một dạng bệnh lý phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các chức năng xã hội. Đây cũng là rối loạn tâm thần có tỉ lệ tử vong cao nhất – cứ mỗi 62 phút sẽ có ít nhất một người chết vì những ảnh hưởng trực tiếp từ hội chứng này.
Đáng lo ngại là có hơn 70% người bị rối loạn ăn uống cho biết họ sẽ không tìm cách chữa trị vì sợ kỳ thị, bao gồm cả những kỳ thị nhắm đến trạng thái cơ thể của họ sau chữa trị (tăng cân lại bình thường) hay chỉ vì sự thật rằng họ đã đi tìm kiếm giải pháp cho mình.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, riêng ở Hoa Kỳ đã có đến hơn 10 triệu nam và 20 triệu nữ giới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu từ 2015 thực hiện trên 244 sinh viên nữ tại một Đại học ở Hà Nội, thì có 45,3% trong số đó bị thiếu cân, và gần 48,8% có khả năng cao bị rối loạn ăn uống (đánh giá dựa trên khảo sát sàng lọc SCOFF – một công cụ sàng lọc xu hướng mắc các hội chứng rối loạn ăn uống). Tuy nhiên, do rối loạn ăn uống hay rối loạn khiếm khuyết cơ thể đều là những khái niệm còn khá mới ở Việt Nam nên vẫn chưa có thêm nhiều thống kê chính xác.
Ai có nguy cơ mắc rối loạn ăn uống?
Dạng rối loạn này có thể xảy ra với tất cả mọi người ở những lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội, dân tộc, chủng tộc khác nhau. Nữ giới được ghi nhận mắc chứng này nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm, với định kiến xã hội rằng rối loạn ăn uống là bệnh của phụ nữ (nữ giới có xu hướng ám ảnh với vẻ đẹp hình thể) và bệnh của tuổi teen (trẻ vị thành niên là đối tượng dễ bị lệch lạc nhận thức về cơ thể và về xã hội) nên những đối tượng mắc rối loạn là người trưởng thành và / hoặc là đàn ông sẽ có tâm lý mặc cảm trong việc chẩn đoán và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Ngoài định kiến bệnh phụ nữ và bệnh tuổi teen, rối loạn ăn uống cũng hay được nhắc đến với cái tên bệnh của người da trắng – vì đặc thù trong văn hóa tiêu thụ thực phẩm của nhóm sắc tộc này. Thêm vào đó, biểu hiện của rối loạn có sự không đồng nhất cao ở các nhóm đối tượng khác nhau, góp phần làm tăng khó khăn trong việc nhận dạng và ra phương án điều trị phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
Chán ăn tâm thần và một số dạng rối loạn phổ biến khác
Theo APA (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ), có 4 dạng rối loạn ăn uống chính: chán ăn tâm thần, ăn ói, ăn vô độ, và rối loạn hấp thu thực phẩm do né tránh / hạn chế. Trong đó, chán ăn tâm thần mặc dù là rối loạn ít phổ biến nhất nhưng đây lại là ‘hình ảnh’ nhiều người liên tưởng đến nhất khi nhắc đến rối loạn ăn uống.
Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa)
Rối loạn này hay bắt gặp ở nữ giới vị thành niên (13-18 tuổi). Theo định nghĩa, chán ăn tâm thần được xác định khi lượng thức ăn mà bệnh nhân tiêu thụ vô cùng hạn chế, thấp hơn nhiều so với mức cân nặng tương ứng của họ. Người mắc rối loạn này có những cảm nhận sai lệch về cơ thể – họ ‘tin tưởng’ rằng mình quá béo, sẵn sàng làm mọi thứ để không tăng cân thêm. Kết quả, hầu hết sẽ quyết định nhịn ăn kéo dài.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nhất thiết phải có ngoại hình gầy ốm thì mới là người chán ăn tâm thần. Thực tế, có nhiều người quá khổ (plus-sized) cũng là nạn nhân của rối loạn này. Có khoảng 4% những bệnh nhân chán ăn tâm thần tử vong vì ảnh hưởng trực tiếp (chết đói, suy dinh dưỡng), nhưng có đến 20% chết vì các biến chứng của nó (tự tử hoặc các vấn đề tim mạch).
Ảnh hưởng di truyền
Như hầu hết các rối loạn tâm thần khác, chán ăn tâm thần có khả năng xảy ra do di truyền – cha mẹ hoặc một thành viên khác trong gia đình bệnh nhân cũng từng mắc chứng này. Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chán ăn tâm thần với một gen mã hóa cho một loại enzyme có vai trò trong việc chuyển hóa cholesterol.
Một số nghiên cứu khác tập trung vào mối liên hệ gián tiếp của di truyền. Cụ thể, đặc trưng tính cách của một người – cầu toàn, dễ ám ảnh, lo lắng,… – có xu hướng khiến họ dễ mắc phải chứng chán ăn tâm thần hơn. Đây đều là những đặc trưng tính cách có liên quan đến di truyền, thường biểu hiện khá rõ ràng từ thời thơ ấu.
Mất kết nối với cơ thể
Với đại đa số chúng ta, chán ăn tâm thần nghe có vẻ vô lý, vì chưa cần nói đến bản năng sinh tồn, thì cảm giác khó chịu khi cơ thể ‘đòi ăn’ đã là một nguyên nhân đủ thuyết phục để một người không thể tự bỏ đói chính mình.
Điều này có thể được giải thích bằng nhận thức nội cảm (interoceptive awareness). Người không mắc chứng chán ăn tâm thần có thể dễ dàng nhận biết khi nào mình cần ăn qua những tín hiệu cơ thể như ‘sôi bụng’ hoặc ‘đau tức bụng’ – gọi chung là hiện tượng đói. Trong khi đó, bệnh nhân chán ăn sẽ kém nhạy cảm hơn với những tín hiệu đói của cơ thể. Ngoài ra, mức độ thỏa mãn của họ khi dạ dày được lấp đầy cũng sẽ thấp hơn nhiều so với người có nhận thức nội cảm bình thường.
Không có cảm giác được thỏa mãn
Ăn uống là một trong những hoạt động đem lại sự thỏa mãn tức thời của con người – no bụng là ‘phê’, cả về thể chất lẫn tinh thần. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân chán ăn tâm thần vô cảm trước việc được thỏa mãn nhu cầu. Họ có thể khước từ rất nhiều những ‘phần thưởng’ trong cuộc sống, kể cả tiền bạc, mà không cảm thấy bản thân bị tổn hại gì nhiều.
Không ham phần thưởng, nhưng bệnh nhân chán ăn tâm thần lại vô cùng nhạy cảm với sự trừng phạt – họ bị ám ảnh với hậu quả từ những hành động của mình. Hầu hết mọi người sẽ nhanh chóng chịu thua trước sự giày vò của cơn đói, nhưng bệnh nhân chán ăn có một nỗi sợ lớn hơn, đó là sợ tăng cân vì ăn uống.
Lo âu
Bệnh nhân chán ăn tâm thần có xu hướng bị ám ảnh bởi trọng lượng cơ thể và ngoại hình của mình. Vì thế, họ đặt ra các tiêu chuẩn không tưởng. Ngoài ra, họ cũng cực kỳ lo lắng khi nghĩ về những thứ có thể gây hại đến bản thân. Có thể bạn sẽ thắc mắc, vì nhịn ăn căn bản là một hành động gây nguy hiểm, nhưng với bệnh nhân chán ăn tâm thần, thì tăng cân mới là điều có hại.
Một giải thích khác cho sự ám ảnh và lo âu của người mắc chứng chán ăn tâm thần, đó là sự giải phóng dopamine trong cơ thể. Thay vì đem đến sự thỏa mãn, thì dopamine lại làm tăng thêm cảm giác lo lắng ở họ.
Những dạng rối loạn ăn uống khác
Chứng ăn ói (Bulimia)
Tương tự như chán ăn tâm thần, ăn ói cũng có liên quan đến sợ tăng cân và ám ảnh của việc phải giữ cơ thể thật gầy. Khác biệt là người mắc rối loạn này không bỏ đói bản thân, thay vào đó, họ có thể ăn uống rất nhiều (binge-eating), sau đó tìm cách thải bỏ những gì đã ăn vào bằng cách nôn mửa, nhịn ăn, dùng sản phẩm nhuận tràng / lợi tiểu, hoặc tập thể dục quá mức.
Một số biểu hiện khác của chứng ăn ói (thường là tác dụng phụ của những hành động tự thanh lọc cơ thể) như: mòn men răng, sâu răng, răng đổi màu, đau họng, mất nước, mất cân bằng điện giải. Rối loạn này có xu hướng phát triển ở độ tuổi vị thành niên (10-15) và đầu trưởng thành.
Ăn vô độ (Binge-eating Disorder – BED)
Rối loạn ăn uống vô độ là rối loạn được nhận diện gần đây nhất, và cũng là rối loạn phổ biến nhất. BED là chứng ăn uống quá mức lặp đi lặp lại, kèm theo là cảm giác mất kiểm soát bản thân khi ăn (không thể ngừng ăn uống).
Khác biệt của BED với những dạng khác, đó là người bệnh không có các hành vi tự thanh lọc hay chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Chính vì thế, họ thường phải đối mặt với tình trạng thừa cân, nặng hơn là béo phì cực độ. Kỳ thị về cân nặng là trở ngại phổ biến cho việc chẩn đoán và điều trị rối loạn này.
Rối loạn hấp thu thực phẩm do né tránh / hạn chế (Avoidant / Restrictive Food Intake Disorder – ARFID)
Trước đây được biết đến với tên gọi rối loạn cho ăn ở trẻ sơ sinh (infancy feeding disorder) hay rối loạn hấp thu có chọn lọc (selective intake disorder), ARFID là một dạng rối loạn có liên quan đến việc ăn uống hạn chế, thường bắt gặp ở trẻ nhỏ 6-12 tuổi.
Bệnh nhân mắc rối loạn này thường tránh ăn một số loại thực phẩm nhất định, không phải vì cảm giác mất kiểm soát hay ám ảnh cân nặng, mà vì họ không thích cảm giác ăn vào món đó. Ngoài ra, họ cũng có nỗi sợ bị nghẹn hoặc nôn ói khi ăn.
Hiện tượng này thực ra không hiếm ở trẻ nhỏ cũng như một số người lớn với thói quen ăn uống không lành mạnh (chỉ ăn món mình thích), nhưng về lâu dài, nó sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi cơ thể không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Các rối loạn ăn uống chuyên biệt khác (Other Specified Feeding and Eating Disorder – OSFED)
Đây là một nhóm các vấn đề về ăn uống có thể gây đau đớn, khó chịu, làm suy yếu chức năng cơ thể nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí phân loại cụ thể để được tách riêng. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc nhóm OSFED thường nghĩ rằng họ không cần trợ giúp. Tuy nhiên, các rối loạn trong nhóm này vẫn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, và dẫn đến việc thực sự mắc phải các rối loạn ăn uống khác.
Rối loạn ăn uống lành mạnh (Orthorexia Nervosa)
Mặc dù chưa chính thức được công nhận là một dạng rối loạn, nhưng với sự phổ biến gần đây thì orthorexia nervosa dần thu hút được nhiều sự chú ý. Rối loạn này liên quan đến việc ăn uống lành mạnh quá độ, đến mức người bệnh gặp phải hệ quả về sức khỏe, công việc, và xã hội.
Kết
Việc nâng cao nhận thức về rối loạn ăn uống đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà các con số thống kê cho thấy các trường hợp rối loạn ăn uống nghiêm trọng thường không được điều trị và chẩn đoán. Khi những người mắc chứng rối loạn ăn uống không nhận được sự giúp đỡ họ cần, cơ hội để hồi phục sẽ rất mong manh và chứng rối loạn có thể sẽ xấu đi theo thời gian. Tuy nhiên, khi bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn sẽ có thể trở nên tốt hơn trong việc đồng cảm và thể hiện lòng thương với những người cần giúp đỡ.
Nếu bạn hay bất kỳ ai mà bạn biết đang phải vật lộn với rối loạn ăn uống, hãy nói chuyện với chuyên gia và nhận được sự giúp đỡ bạn cần để trở nên tốt hơn.
Tham khảo:
More men are developing eating disorders. Why are we treating it as only a women’s disease?
4 Kinds of Eating Disorders
Understanding Anorexia Nervosa
International Study Provides New Genetic Clue to Anorexia
Xem thêm:
#Nghĩ: Người nhạy cảm với sự từ chối cũng là những người luôn khao khát được yêu thương
#Nghĩ: Phản ứng khác biệt của những tính cách khác nhau trước đại dịch
#Nghĩ: Có thật là đàn ông đã ‘có chủ’ thì càng quyến rũ?
#Nghĩ: Đam mê, tưởng là dễ kiếm nhưng đôi khi lại “hiếm” đến khó tìm
#Nghĩ: “Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn
Thảo luận về bài viết