Nếu xem đủ nhiều phim Disney, bạn sẽ không khỏi thắc mắc, “Mẹ ruột các nhân vật chính đâu cả rồi?”
Chú người gỗ Pinocchio được tạo ra và chăm sóc bởi “cha đẻ” là bác thợ mộc Geppetto. Peter Pan – thủ lĩnh nhóm Những cậu bé đi lạc ở vùng đất thần tiên Neverland – mãi mãi là một cậu bé không lớn, và cũng chẳng ai nghe nhắc đến mẹ cậu.
Các cô công chúa Disney cũng vậy. Từ cô con gái của tù trưởng bộ lạc người da đỏ Pocahontas, đến nàng Jasmine nơi lầu son gác tía uy quyền, tất cả đều không có mẹ. Nhân vật mẹ sẽ vắng mặt từ khi câu chuyện bắt đầu, hoặc qua đời, bị bắt, bị giết, bị thay thế bằng nhân vật mẹ kế trong quá trình xảy ra câu chuyện. Ngay cả thương vụ mua lại nổi tiếng nhất của Disney từ trước đến nay – loạt phim Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao – cũng có mô-típ tương tự: mẹ mất, cha vắng mặt, Luke Skywalker được họ hàng nuôi dưỡng.
Liệu có “ẩn tình” nào đen tối đằng sau những nhân vật không có mẹ này không?
Câu chuyện của Walt Disney
Khán giả đã bắt gặp rất nhiều trường hợp “không mẹ” trong các bộ phim Disney kể từ ngày những tác phẩm đầu tiên ra mắt vào hơn 80 năm trước. Nhiều chuyên gia đã phủ nhận mối liên quan giữa những bộ phim trên và đi đến kết luận đó chỉ là trùng hợp.
Tuy nhiên, trong một phỏng vấn thực hiện năm 2014, Don Hahn – nhà sản xuất của Vua Sư Tử – cho rằng điều này có liên quan đến tổn thương tâm lý tuổi thơ của Walt Disney. Theo nhận định của Hahn, chính Walt Disney đã cố tình loại bỏ hoặc thay thế cổ mẫu người mẹ trong các bộ phim của ông, do mặc cảm tội lỗi bởi cái chết của mẹ mình.
Sau thành công rực rỡ của Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn (1937), Walt Disney và anh trai mình là Roy Disney mua cho bố mẹ mình một căn nhà ở Bắc Hollywood, gần xưởng phim Disney ở Burbank, California. Một năm sau đó, chính tại ngôi nhà này, tai nạn đã xảy ra và mẹ ông – bà Flora – thiệt mạng.
Ảnh hưởng từ những câu chuyện cổ tích
Theo nhà sử học hoạt hình Michael Barrier, “Lý do phụ huynh đơn thân hay xuất hiện trên phim của Disney, phần nhiều nằm ở những chuyện cổ tích, những truyền thuyết,… ngắn gọn là những chất liệu gốc mà Walt Disney sử dụng cho các bộ phim của ông. Bác thợ mộc Geppetto góa vợ hay là chưa bao giờ lấy vợ? Chúng ta không có câu trả lời, vì cả Disney lẫn Collodi – tác giả sách Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio – đều chẳng cho ta lấy một manh mối nào.”
Phần lớn phim của Walt Disney, đặc biệt là những bộ phim giai đoạn đầu, kế thừa giá trị và nội dung của những câu chuyện cổ tích – thứ đã xuất hiện từ rất lâu và có nhiều dị bản do truyền miệng. Chúng phản ánh các phong tục, chuẩn mực, và giá trị của con người cũng như thời đại sản sinh ra chúng.
“Xét trên góc nhìn lịch sử thì tuổi thọ của người thời trung cổ không cao. Đến khoảng đầu thế kỷ 20 thì điều này mới thay đổi. Rất nhiều phụ nữ chết khi sinh con. Không lấy làm lạ khi những câu chuyện thời này đa số đều có phụ huynh đơn thân, mặc dù đàn ông vẫn có xu hướng tái hôn sau khi vợ trước qua đời – như trong trường hợp của Bạch Tuyết và Lọ Lem.” – Jack Zipes, tác giả sách Happily Ever After: Fairy Tales, Children and the Culture Industry.
“Vào thế kỷ 19 ở châu Âu, một phụ nữ nông dân có thể sinh đâu đó 7 đứa con. Số chết có thể tương đương số còn sống sót. Đó là nếu cô ấy vượt cạn an toàn.” Katie Orenstein – tác giả sách Little Red Riding Hood Uncloaked: Sex, Morality and the Evolution of a Fairy Tale. Cô cũng cho biết mẹ kế là hiện tượng phổ biến giai đoạn này, cũng như mức độ nghiêm túc của các cuộc chiến tranh giành của cải.
Ngoài ra, cũng hợp lý nếu chúng ta nghĩ theo hướng vắng mặt cha / mẹ là động lực thúc đẩy nhân vật chính trưởng thành. Hầu hết những câu chuyện cổ tích được Disney đưa lên màn ảnh đều có mô-típ gần như nhau: nhân vật chính trẻ tuổi, đơn độc dấn thân vào thế giới đầy hiểm nguy và cạm bẫy. Họ gặp nhiều khó khăn và phải cố gắng gấp nhiều lần khi không có được sự hướng dẫn, che chở của cha mẹ. Cuối cùng, nhân vật sẽ thu nhặt được những bài học cần thiết để đối mặt với nghịch cảnh và thành công vượt qua thử thách.
Sau khi nai mẹ bị thợ săn bắn chết, Bambi phải chật vật học cách sinh tồn trong rừng – điều đã chẳng xảy ra nếu nhân vật này vẫn còn mẹ.
Tranh cãi xung quanh việc “giết” đi hình tượng cha / mẹ
Mất người thân là một chuyện buồn. Nếu người thân đó là cha / mẹ thì cảm xúc hãy còn phức tạp và đáng sợ hơn. Việc để phụ huynh, đặc biệt là người mẹ, vắng bóng trên màn ảnh được cho là “nhắm thẳng vào nỗi sợ hãi nguyên thủy của con người về những mối quan hệ đầu đời nhất”.
Nhà văn, nhà hoạt động và đạo diễn Jennifer Baumgardner cho biết, “Với tư cách là một người hoạt động nữ quyền, tôi lo ngại về cách phim của Disney khắc họa nỗi sợ nguyên thủy này. Đơn cử như trong Bambi, sự kiện mất mẹ làm nhân vật suy sụp, đồng thời nó là cái cớ để nhân vật trưởng thành. Cứ như thể người mẹ được cho là rào cản của sức mạnh và sự trưởng thành vậy.”
Amy Richards – sử gia nghệ thuật, nhà văn, nhà hoạt động – cũng đồng ý với nhận định trên. “Việc phụ nữ bị ‘loại bỏ’ sau khi đã được sử dụng để phục vụ cho mục đích tình dục và duy trì nòi giống có sự tương đồng nhất định với cách phụ nữ bị nhìn nhận trong đời thật. Tôi không nói tất cả, nhưng đó là chuyện không thể phủ nhận.”
Một câu trả lời “phức tạp”
“Những câu chuyện cổ tích kinh điển và được yêu thích nhất chứa đầy bóng dáng ác nữ,” tiểu thuyết gia kiêm nhà thần thoại học Marina Warner chia sẻ, “nhân vật mẹ tốt thường sẽ bị loại bỏ – chết hoặc bị bắt đi mất – ở phần đầu câu chuyện. Những tác phẩm kể về sự tái sinh kỳ diệu của nhân vật này thường không tạo tiếng vang hoặc được yêu thích bằng những câu chuyện như Lọ Lem hay Bạch Tuyết – khi mẹ tốt bị thay thế bằng một con quái vật.”
Lý giải điều này, nhà phân tích tâm lý Bruno Bettelheim cho biết, “Người mẹ (đã qua đời) và người mẹ kế (độc ác) đóng vai trò như 2 nửa của cùng một người. Họ đại diện cho những cảm xúc trái ngược giữa tình yêu và sự chối bỏ.”
Tuy nhiên, không phải phim Disney nào cũng có phụ huynh đơn thân. Nhà sử học Michael Barrier nhận xét rằng, “Đừng quên mất những vị phụ huynh còn lại trong phim. Bambi mất mẹ nhưng vẫn còn cha – mặc dù ông bố này đối xử lạnh nhạt với cậu. Trong 101 Con Chó Đốm, chúng ta có một cặp cha mẹ và một bầy con cả con ruột lẫn con nuôi.
Ngoài ra, việc để một phụ huynh xuất hiện trên phim đôi khi chỉ đơn giản ‘là vấn đề về thuận tiện’. Ví dụ như trong phim Dumbo, có lẽ cậu ấy cũng có cha đấy, nhưng câu chuyện sẽ diễn ra trơn tru và mượt mà hơn nhiều nếu nhân vật này không xuất hiện.”
Ngay cả Hahn – người cho rằng những lý do đằng sau bí ẩn “mất mẹ” của các nhân vật Disney có liên quan đến chính tác giả tạo ra họ – cũng cho biết, “Với thời lượng 80-90 phút, cộng với việc chủ đề chính của các phim Disney là sự trưởng thành, sẽ đơn giản và thuận lợi hơn nếu… bạn biết đấy… dẹp bỏ phụ huynh của nhân vật sang một bên.
Nói ngắn gọn, quá trình trưởng thành của nhân vật sẽ hợp lý và sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều nếu họ không còn cha mẹ bên cạnh. Cha của Simba chết, cậu trốn đi nơi khác, nhưng cuối cùng cũng phải trở về. Mẹ của Bambi bị giết, chú nai nhỏ phải học cách sinh tồn. Cha của Belle bị quái vật bắt giữ, thế nên cô phải lên đường cứu ông, đồng thời hiện thực hóa ước mơ ‘đến một nơi khác xa hơn ngôi làng của mình’. Đó là một cách để kể chuyện.”
Nguồn: hopesandfears
Thảo luận về bài viết