Thẳng thắn trao đổi vấn đề với đồng nghiệp hoặc cấp trên là một điều tốt. Nhưng nếu trở nên quá thô lỗ với người khác, thì có lẽ ta nên chỉnh sửa lại.
Bạn có thường hay bị nhận xét bởi đồng nghiệp hay cả cấp trên rằng tính cách của mình “mạnh” không, đặc biệt khi trao đổi về 1 vấn đề nào đó liên quan đến công việc? Có khi nào bị người khác nghĩ mình thúc ép, thô lỗ, thiếu nhạy cảm, hoặc bị gán cho những nhãn mác khác nhỉ?
Trong thâm tâm, bạn nghĩ rằng mình hay thẳng thắn nói mọi thứ vì vòng vo không phải phong cách của bạn. Tuy nhiên, giao tiếp thẳng thắn mà thiếu sự cảm thông có thể khiến người khác cảm thấy bị tổn thương, tức giận và khó chịu.
Khi người khác cảm thấy bị thiếu tôn trọng trong cuộc trò chuyện, họ hoặc sẽ rút lui, hoặc trở nên phòng thủ. Nếu thể hiện quá gay gắt, người khác có thể bí mật ghét bạn. Thay vì thúc đẩy sự hợp tác, những cuộc thảo luận như vậy có thể phá hỏng những mối quan hệ. Vì thế, ta phải hiểu là lằn ranhgiữa thẳng thắn và thiếu tinh tế rất mong manh.
Như thế nào là nói chuyện thẳng thắn và thô lỗ?
Ví dụ:
- Thẳng thắn: “Mã code của cậu chưa tốt lắm, thành ra khiến mã khó đọc và hiểu được.” Thô lỗ: “Dòng mã này thật tệ. Bạn là một lập trình viên kém cỏi.”
- Thẳng thắn: “Hiện tại em đang có quá nhiều việc, nên không thể giúp chị lúc này.” Thô lỗ: “Bạn không thấy là tôi đang ngập đầu trong công việc sao? Đừng làm phiền nữa.”
- Thẳng thắn: “Mình nghĩ ý tưởng của bạn có thể không hiệu quả trong một số tình huống. Nhưng sao chúng ta không thử xem xét qua một vài trường hợp sử dụng để đánh giá tính khả thi không nhỉ?” Thô lỗ: “Ý tưởng của cậu sẽ chẳng bao giờ hiệu quả. Hãy làm theo ý tôi.”
Thiền sưThích Nhất Hạnh từng nói trong cuốn sách Nghệ thuật thiết lập truyền thông rằng: “Khi ta nói một điều gì mà nuôi dưỡng ta hay khích lệ người khác là ta nuôi lớn thương yêu và từ bi. Khi ta nói hay làm điều gì mà tạo căng thẳng hay sân hận là ta đang nuôi lớn bạo lực và khổ đau.“
Nói chuyện thẳng thắn mà không quan tâm đến cảm xúc người khác có thể biến bạn thành một kẻ thô lỗ, vì bạn chỉ tập trung vào sự thật mà không để ý đến nỗi đau mà nó gây ra cho người khác. Nó chỉ đáng ngưỡng mộ khi không gây tổn thương mà thôi.
Cách chúng ta thể hiện bản thân hiệu quả đòi hỏi người nói phải giao tiếp một cách cẩn trọng để thông điệp được đón nhận với sự tôn trọng và giá trị. Dưới đây sẽ là những mẹo để bạn khẳng định bản thân mà không bị hiểu lầm là thô lỗ hoặc dộc đoán:
1. Chú ý đến lời nói của mình
Thẳng thắn là một con dao 2 lưỡi vì nó tác động trực tiếp đến cảm xúc của người nghe. Khi nói điều gì đó phù hợp với quan điểm của họ, bạn sẽ khơi gợi cảm xúc tích cực. Nhưng khi truyền đạt thông điệp trái ngược, bạn dễ kích hoạt phản ứng tiêu cực. Sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải khi nói chuyện thẳng thắn đó là không để ý đến từ ngữ họ sử dụng.
Ví dụ: “Điều này sẽ không bao giờ hiệu quả,” “Bạn thật thiển cận” hoặc “Đây là một sai lầm ngớ ngẩn”
Cách diễn đạt như vậy sẽ làm người khác mất thiện cảm và ngay lập tức chống lại bạn. Việc xúc phạm người khác bằng cách nhận xét cá nhân hoặc cố chứng minh họ sai là điều không nên. Những lời này sẽ kích hoạt cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ và khiến người khác rơi vào trạng thái phòng thủ.
Những yếu tố cần tránh:
- Các từ mang tính khái quát, như :“luôn luôn” và “không bao giờ.”
- Các từ mang tính áp đặt, như: “không thể,” “không nên,” “phải,” “tuân thủ,” “bắt buộc.”
- Các từ nói về tính cách, như: “tồi tệ,” “đòi hỏi,” “thiếu chuyên nghiệp,” “thô lỗ.”
- Các từ phán xét, như: “sai lầm,” “thất bại,” “không chấp nhận được.”
Khi nói chuyện thẳng thắn, ta cần cực kỳ cẩn trọng với từ ngữ mình chọn:
- Tránh những từ dễ gây hiểu lầm hoặc có tính phán xét.
- Đừng thể hiện quá mạnh mẽ.
- Tập trung vào vấn đề, không cá nhân hóa.
- Bày tỏ mối quan tâm của mình bằng giọng điệu trung lập và không phán xét.
Nói tóm lại, hãy “uốn lưỡi 7 lần” trước khi nói nhé! Suy nghĩ kỹ về tác động của lời nói và tránh những từ ngữ nặng cảm xúc làm cho cuộc trò chuyện trở nên kém hiệu quả. Hãy cân bằng giữa sự trung thực và sự đồng cảm. Truyền đạt ý tưởng một cách cẩn thận để không gây hiểu lầm hoặc xáo trộn mối quan hệ.
2. Thể hiện sự tò mò trước khi nói lên quan điểm
Khi bạn không đồng tình hoặc có quan điểm khác, thay vì tấn công, áp đặt, hoặc vội vàng bày tỏ ý kiến, hãy bắt đầu bằng sự tò mò. Hãy đặt câu hỏi để hiểu quan điểm của người khác, ví dụ như:
- Bằng chứng nào hỗ trợ cho lập luận của họ?
- Còn cách làm khác nào nữa không?
- Những rủi ro và giả định là gì?
- Họ sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?
Nếu vội vàng bày tỏ ý kiến, bạn chắn chắn sẽ gặp phải sự phản kháng. Thay vào đấy, thể hiện sự tò mò về ý kiến của người khác sẽ tạo ra một cuộc đối thoại lành mạnh, khi mà thông tin có thể được chia sẻ và đón nhận.
Ví dụ:
- Thay vì: “Bạn lúc nào cũng đến muộn trong các cuộc họp. Hành vi này sẽ làm ảnh hưởng đến cả team.”
- Hãy nói: “Trong 2 cuộc họp gần đây, tôi nhận thấy bạn hay đến trễ 10–15 phút. Liệu bạn có cách nào để có thể đến đúng giờ và làm gương cho mọi người không?”
Hoặc trường hợp khác:
- Thay vì: “Bạn phải để người khác phát biểu trong cuộc thảo luận chứ! Như thế là thô lỗ đấy.”
- Hãy nói: “Lắng nghe nhiều quan điểm sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn. Vậy, làm thế nào để ta khuyến khích sự tham gia của mọi người trong cuộc thảo luận?”
Hãy thẳng thắn bằng cách đặt câu hỏi, thay vì phán xét hoặc áp đặt ý kiến. Điều này sẽ giúp bạn dễ được lắng nghe hơn và tạo ra sự đồng thuận thay vì xung đột.
3. Đưa ra bằng chứng thoả đáng để bảo vệ quan điểm
Giao tiếp thẳng thắn thường đến từ việc thể hiện những ý kiến mạnh mẽ. Nghĩa là, bạn tin chắc vào điều gì đó và không hiểu tại sao người khác có thể nghĩ khác. Bản thân ta sẽ thường hay nói những câu như: “Hãy làm theo cách này…”, “Điều đó không hợp lý” hoặc “Tôi tự tin 100% rằng điều này sẽ hiệu quả”,….
Tuy nhiên, chia sẻ quan điểm mà không cung cấp ngữ cảnh phù hợp hoặc giải thích cách bạn đi đến kết luận đấy có thể bị xem là kiêu ngạo thay vì đóng góp ý kiến giá trị. Vì thế, hãy củng cố ý kiến bằng cách dựa trên những nguồn thông tin đáng tin cậy, kết quả thí nghiệm, hoặc dữ liệu liên quan khác. Điều này sẽ khiến ta ít gặp phải sự phản đối từ người khác và tăng khả năng ý kiến của bạn được lắng nghe và chấp nhận.
Ví dụ:
- “Chúng tôi đã thực hiện một số thí nghiệm vào tháng trước. Dữ liệu cho thấy rằng [chia sẻ các điểm dữ liệu chính]. Theo tôi, một giải pháp tốt hơn để thực hiện là…”
- “Tôi nghĩ điều bạn đề xuất có thể không hiệu quả. Đây là lý do vì sao…”
- “Tôi rất tự tin rằng điều này sẽ hiệu quả vì…”
4. Tự tin nhưng cũng phải khiêm tốn
Sự tự tin là yếu tố cần thiết để khẳng định ý kiến của riêng, nhưng nếu trong khi cố gắng thể hiện tự tin, bạn quên mất mình phải khiêm tốn thì sao? Chính vì thế, ta nên có sự cân bằng.
Thể hiện sự tự tin qua giọng điệu, lời nói, và ngôn ngữ cơ thể có thể ngay lập tức thu hút sự chú ý của người khác. Nhưng sự tự tin mà thiếu đi sự khiêm tốn sẽ nhanh chóng trở nên phản cảm.
Sự tự tin – tức là bạn tin vào chính mình, là yếu tố rất quan trọng. Nhưng khiêm tốn – tức là bạn nhận ra những giới hạn của mình, cũng không kém phần cần thiết. Khiêm tốn giúp ta tránh sự kiêu ngạo do tự tin thái quá gây ra.
Giao tiếp thẳng thắn mà không có khiêm tốn rất dễ để chúng ta có tên ở trong”danh sách đen” của nhiều người đấy!
5. Đừng lạm dụng chức quyền
Những câu như: “Tôi có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi biết rõ điều này,”“Tôi là cấp trên của bạn. Bạn phải tôn trọng ý kiến của tôi” hay“Hãy nghiêm túc tiếp thu ý kiến của tôi. Tôi là quản lý của bạn.” Nghe có quen không?
Bạn có thể có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn, hoặc giữ một chức vụ cao hơn, nhưng điều đó không đủ để người khác lắng nghe bạn.
Chức quyền có thể cho bạn khả năng đưa ra quyết định cuối cùng và chiến thắng trong 1 cuộc tranh luận, nhưng không thể khiến người khác đồng tình với bạn.
Ra lệnh và mong đợi người khác mù quáng làm theo, sẽ giết chết động lực của họ. Điều đó cũng có thể khiến họ chống lại bạn và phủ nhận mọi điều bản thân nói hoặc làm.
Khi trình bày quan điểm, trao đổi ý tưởng, đưa ra phản hồi, hoặc bất kỳ trường hợp nào liên quan đến giao tiếp; đừng pha trộn kiến thức, kinh nghiệm, hoặc chức vụ vào thông điệp của bạn. Bất kể bạn biết nhiều đến đâu hay đúng như thế nào, việc thể hiện quyền lực khi giao tiếp trực tiếp sẽ ngay lập tức làm hỏng cuộc trò chuyện.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Nếu có một ngày tồi tệ ở chỗ làm, ta nên làm gì?
- 8 sai lầm ta hay mắc phải trong quá trình thăng tiến sự nghiệp
- Làm sao để ra quyết định đúng đắn trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”?