Nghệ thuật xiếc hiện đại xuất hiện trên thế giới vào nửa cuối thế kỷ 18 và xuất hiện muộn hơn tại Việt Nam. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với việc du nhập của nghệ thuật tạo hình, kịch nói phương Tây thì nhiều đoàn xiếc nổi tiếng trên thế giới đã đến Việt Nam biểu diễn. Ngay từ khi có mặt, xiếc là loại hình nghệ thuật ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tầng lớp công chúng đương thời vì tính mới lạ, mạo hiểm và hấp dẫn.
Tuy nhiên, trước khi các đoàn xiếc quốc tế đến Việt Nam thì từ ngàn xưa, người Việt đã biết đến xiếc. Lĩnh Nam chích quái có đề cập đến trò xiếc leo dây từ thời Lý – Trần. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghệ thuật xiếc Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều. Người bắt nhịp được nghệ thuật hiện đại là tài nhân lỗi lạc Tạ Duy Hiển, sinh ngày 10/10/1889 tại phố Cầu Đất (Hà Nội).
Năm 1922, ông Tạ Duy Hiển đã tập hợp một số con cháu trong gia đình, thành lập Gánh xiếc Việt Nam.
Ảnh: vietnamcircus
Tháng 1/1956, Đoàn Xiếc Trung ương được thành lập, đồng thời lúc đó, Tạ Duy Hiển cũng tái lập gánh xiếc cũ. Tháng 5/1958, ông đã đem toàn bộ gánh xiếc của mình gia nhập Đoàn xiếc Trung ương, trở thành Đoàn xiếc Thống Nhất do ông làm trưởng đoàn.
Năm 1959, Đoàn xiếc Thống Nhất gia nhập quốc doanh, trở thành Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương, tiền thân của Liên đoàn Xiếc Việt Nam ngày nay). Tạ Duy Hiển (1889-1967) được xem là người sáng lập ngành xiếc Việt Nam hiện đại, và được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Việt Nam.
Ảnh: vietnamcircus
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, nghệ thuật xiếc đã tạo nên nhiều thành quả to lớn, làm nên một dấu son, đóng thành một cột mốc; được khán giả Việt Nam yêu mến, với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Ở bối cảnh vài thập kỷ trước, khi các phương tiện nghe nhìn và các loại hình giải trí chưa phổ biến, thì xiếc Việt vẫn là món ăn tinh thần phổ biến. Giờ đây, xiếc Việt phải nhọc nhằn hơn để đến với khán giả, nhất là những bạn trẻ không được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ vàng son của xiếc Việt.
Tuy nhiên, ngành xiếc Việt Nam nói chung và Liên đoàn Xiếc nói riêng đã từng bước đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề đang gặp phải, từ việc nâng cao chất lượng nghệ nhân biểu diễn xiếc đến việc xây dựng nhiều chương trình phù hợp với thời đại và mang tính gần gũi với khán giả hơn. Ví dụ như Cuộc thi tài năng diễn viên Xiếc toàn quốc 2018 với sự quy tụ của 67 diễn viên thuộc 6 đơn vị nghệ thuật xiếc trên cả nước. Theo Chủ tịch Hội đồng giám khảo NSND Lưu Văn Phúc, thì cuộc thi là một dấu mốc “thể hiện rất rõ sự bứt phá của ngành xiếc Việt Nam so với 12 năm trước đây”.
Ảnh: truyenhinhdulich
Theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam NSƯT Tống Toàn Thắng, Xiếc Việt Nam đang từng bước 4.0 hóa với những chương trình áp dụng công nghệ cao, hay sắp tới đây là đầu tư vào nghệ thuật biểu diễn xiếc tương tác, sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa. Và gần đây nhất là sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia – Gala Xiếc 3 Miền 2020 – tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh vào cuối tháng 5 năm nay, với sự tham gia của gần 80 nghệ sĩ đến từ khắp mọi miền quê Tổ quốc như TP.HCM, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Hà Nội,… và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Đây đều là những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc đưa bộ môn này trở nên gần gũi và phù hợp hơn với khán giả thời đại mới. Sự kiện Gala Xiếc 3 miền vừa qua còn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, trong đó có Trần Minh Thiện – một họa sĩ minh họa trẻ tại Đà Nẵng. Được truyền cảm hứng từ những vở xiếc mới gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thời gian gần đây, Thiện đã tạo ra dự án thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, với những hình ảnh và họa tiết mang đậm nét truyền thống dân tộc nhưng vẫn không kém phần mới mẻ, hiện đại.
Cùng The Millennials ngắm nhìn những sáng tác của Trần Minh Thiện nhé!
Thảo luận về bài viết