Các câu chuyện được xây dựng trong điện ảnh và văn học thường tồn tại hai tuyến nhân vật: chính diện (protagonist) và phản diện (antagonist). Thông thường, chính diện là người tốt, còn phản diện sẽ là người xấu. Hai bên đối đầu nhau, mâu thuẫn lên cao trào, chính diện chiến thắng, và khán giả ra về (hoặc xếp sách lại) với lòng hân hoan.
Nhưng phản diện có đồng nghĩa với xấu không?
Xấu–tốt là những khái niệm vô cùng tương đối. (Mà suy cho cùng trên đời này có điều gì là tuyệt đối đâu?) Chúng ta đánh giá một việc hoặc một người là tốt hay xấu phần nhiều dựa vào quan điểm cá nhân và tiêu chuẩn của cộng đồng. Đặc biệt trong những câu chuyện hư cấu (fiction), thì ranh giới thiện–ác, tốt–xấu càng được ưu tiên làm rõ để tăng tính hấp dẫn về mặt nội dung. Chúng ta – người theo dõi câu chuyện – trong quá trình ủng hộ phe chính diện sẽ quay ra ghét phe phản diện.
Thế nhưng, đứng trên góc độ khách quan mà nói, nhân vật phản diện mặc dù có làm ra những chuyện không tốt nhưng không phải lúc nào cũng là người xấu. The Millennials Life nêu vài dẫn chứng cho bạn nhé.
Dr. Heinz Doofenshmirtz – Phineas & Ferb
Tiến sĩ Heinz Doofenshmirtz được xây dựng đúng kiểu người xấu điển hình:
- Có khả năng đủ tốt: mặc dù bằng Tiến sĩ là đồ mua online nhưng vẫn có tài
- Có tham vọng đủ lớn: Doofenshmirtz dành hầu như toàn bộ thời giờ của mình để đạt được mục đích thống trị vùng Ba Bang
- Có động cơ đủ ích kỷ và nhỏ mọn: ham muốn quyền lực và ghen tỵ vì người khác (em trai) có những thứ mình không có
- Có hành động đủ xấu: người đứng đầu của Tập đoàn (nghe–là–thấy) xấu xa Doofenshmirtz
- Được chính thức công nhận là kẻ xấu và có hẳn một anh hùng chuyên đi theo để ngăn chặn những kế hoạch xấu xa của ông
Nhưng nhìn lại, nhân vật này đã phải trải qua một tuổi thơ tan vỡ và một chặng đường trưởng thành tối đen như tiền đồ chị Dậu. Khi Heinz vừa ra đời thì cả bố lẫn mẹ cậu còn không thèm… có mặt. Rồi mỗi sinh nhật sau đó cậu đều chỉ một mình. Đi học thì không có bạn bè mà còn bị trêu chọc và bắt nạt.
Bố mẹ chưa bao giờ công nhận những ý tưởng hay kiến thức của cậu, thậm chí nhị vị phụ huynh (có lẽ) còn không muốn xem Heinz là con trai mình. Điều này đặc biệt tồi tệ hơn khi em trai Heinz – Roger – ra đời, và lập tức thu hút hết sự chú ý cũng như tình thương yêu của mọi người. (Chẳng trách sau này Heinz ghét em trai mình đến thế.)
Trên đây chỉ mới chừng 1/3 những chuyện không vui xảy ra với nhân vật này. Bạn nghĩ xem, một con người hứng chịu bấy nhiêu đó việc xấu, thì phần trăm họ trở thành người tốt sẽ là bao nhiêu?
Thế nhưng dù chế tạo rất nhiều vũ khí hủy diệt nhưng chưa lần nào Doofenshmirtz thật sự làm hại ai cả. Trái lại, đống máy móc của ông toàn quay ra giúp đỡ cho tuyến chính diện là Phineas và Ferb. Dù xài bằng giả, nhưng chúng ta phải công nhận rằng Heinz có tài. Thật đáng tiếc khi bộ óc tuyệt vời như vậy lại không được công nhận và không bao giờ có cơ hội tỏa sáng. Buồn hơn nữa khi đây là việc xảy ra thường xuyên, ngay cả trong thế giới thực.
Đó là còn chưa kể, vì đã trải qua một tuổi thơ tồi tệ, nên Doofenshmirtz đã cố gắng trở thành một ông bố tốt, và ông thật sự đã là một ông bố đủ tốt.
Sharpay Evans – High School Musical
Cũng như Heinz Doofenshmirtz, nhân vật do Ashley Tisdale thủ vai trong series Disney một thời làm mưa làm gió High School Musical được xây dựng hoàn toàn đối lập với phe thánh thiện.
Đối với đa số khán giả tuổi teen, Sharpay đúng là một nhân vật đáng ghét:
- Vừa có nhan sắc, vừa có điều kiện, vừa có tài năng: combo phổ biến để được tặng một rổ gato
- Chảnh: cô nàng từ chối tình cảm của Zeke, một anh chàng dễ thương vừa mê thể thao vừa ham làm bếp
- Lúc nào cũng bày trò phá rối cặp trai tài gái sắc Zac–Vanessa
- Không quan tâm đến cảm xúc của người khác, nhất là của cậu em sinh đôi Ryan Evans.
Thế nhưng, khi lớn hơn và nhìn lại, bạn sẽ nhận ra xung quanh mình có vô vàn Sharpay Evans, thậm chí những người đó còn chẳng được xinh đẹp tài giỏi như Sharpay thứ thiệt.
Sao có thể nói Sharpay chảnh khi cô nàng từ chối một người mình không có tình cảm? Và liệu bạn có dám chắc mình chưa từng thấy ghen tức, chưa từng nảy sinh ý định muốn “phá cho bõ ghét” khi thấy người trong mộng của mình sánh vai cùng người khác?
Nữ hoàng sân khấu của Trung học East High chẳng qua là một cô nàng tuổi teen như bao cô nàng tuổi teen khác mà thôi. Sharpay có những lúc ích kỷ nhỏ nhen, nhưng căn bản cô nàng không phải người xấu.
Thanos – Avengers
Xét về độ phản diện, nhân vật Thanos trong series Avengers (MCU) đáng sợ hơn hẳn hai ví dụ trên, vì Thanos vừa trực tiếp vừa gián tiếp làm người khác chết.
Thế nhưng, mục tiêu ban đầu và cũng là mục đích cuối cùng của nhân vật này là cứu rỗi, không phải hủy diệt. Động cơ của hắn là sự cân bằng của vũ trụ, chứ hoàn toàn không phải thống trị vũ trụ. Hắn không giành lấy bất cứ cái gì cho riêng mình, hành động của hắn (dù gây chết người) hoàn toàn là vì kẻ khác.
Thanos là một phản diện vì hắn dám làm lấy những điều đa số chúng ta cho là trái với lẽ thường (thế nhưng cái lẽ thường này do ai quyết định?). Thế giới quá tải vì dân số, môi trường bị phá hủy không thể cứu vãn, tài nguyên vũ trụ cạn kiệt, liệu có mấy người trong chúng ta nhanh trí nghĩ ra cách… giết bớt phân nửa số lượng người để đưa mọi thứ trở về trạng thái cân bằng? Và trong số ít ỏi nghĩ đến phương án ấy, bao nhiêu người sẽ dám đi đến cùng để thực hiện nó?
Ba ví dụ trên được lấy từ ba bộ phim khác nhau, dành cho ba đối tượng khán giả khác nhau. Mặc dù là phản diện, thế nhưng cả ba nhân vật trên căn bản đều không phải là người xấu. Người trông có vẻ xấu hóa ra lại tốt, kẻ nhìn thấy chắc tốt ai ngờ chuyên đi hại người.
Bạn thấy đấy, đến phim ảnh còn phức tạp như vậy, thì nói gì đến cuộc sống thật của chúng ta. Lần tới, nếu có ai làm phật lòng bạn, đừng vội vàng gắn nhãn người xấu cho họ, nhất là khi bạn chưa biết câu chuyện đằng sau con người bạn đang nhìn thấy, cũng như chưa biết điều gì thúc đẩy họ hành động như vậy. Vì suy cho cùng, biết đâu chính chúng ta cũng đang trở thành phản diện trong câu chuyện của người khác, đúng không?