#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Hypergamy là một thuật ngữ được dùng trong khoa học xã hội để mô tả việc một người kết hôn cùng một người chồng / vợ thuộc tầng lớp xã hội cao hơn mình. Trái với hypergamy là hypogamy – tức việc lấy một ai đó có địa vị xã hội thấp hơn. Cả hai thuật ngữ này được hình thành từ thế kỷ 19 tại khu vực Nam Á (tiểu lục địa Ấn Độ).
Dưới tác động của chế độ phụ hệ (một hệ thống xã hội xuất hiện và tồn tại trong nhiều nền văn hóa trên thế giới) và hình thái xã hội giai cấp mà hypergamy thường xảy ra với phụ nữ, còn hypogamy sẽ xuất hiện ở đàn ông. Trong suốt một thời gian dài, ngoài ý nghĩa kết đôi thì hôn nhân còn được dùng như một công cụ chính trị hoặc được xem là cách để gia đình người phụ nữ cải thiện vị trí của họ trong xã hội.
Hệ thống giá trị này kéo theo nhiều hệ quả khác nhau mà vẫn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như đàn ông không nên cưới người “trên cơ” họ và phụ nữ không nên chọn người kém hơn mình về tài chính và / hoặc về vị thế xã hội.
Chuyện gió đổi chiều
Trong quá khứ, đàn ông xếp trên phụ nữ. Anh ta được hưởng chế độ giáo dục, được có công việc, được có cơ hội thăng tiến trong xã hội, được có nhiều vợ. Ngược lại, phụ nữ chủ yếu hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào những người đàn ông trong gia đình.
Trong xã hội hiện đại, tình trạng này đang dần biến mất. Số lượng phụ nữ được tiếp cận giáo dục ngày càng nhiều lên. Tại Mỹ, cứ 7 sinh viên Đại học thì sẽ có 4 nữ và 3 nam. Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2016 cũng cho biết, dự đoán rằng đến năm 2050 tại mọi quốc gia, phụ nữ sẽ đạt trình độ học vấn cao hơn nam giới.
Thêm vào đó, chênh lệch thu nhập trong hôn nhân cũng đang dần được thu hẹp. Theo kết quả điều tra dân số tại Mỹ, có 30% phụ nữ có gia đình kiếm được nhiều hơn chồng họ, và con số này vẫn tiếp tục tăng mỗi năm.
Thăng tiến trong sự nghiệp và độc lập về tài chính ngày càng trở nên phổ biến hơn với những người phụ nữ của xã hội hôm nay. Thế nhưng, ẩn dưới câu chuyện gió đổi chiều này lại là một vấn đề nhức nhối hơn, khi có không ít những người phụ nữ thành công phải đối mặt với một đời sống tình dục không thỏa mãn.
Những người phụ nữ mãi khoác áo “phái yếu”
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều những người phụ nữ “sang, xịn, mịn” phải tìm mọi cách che giấu đi sự thật rằng họ sang, xịn, và mịn như thế nào. Trong tiếng Anh, họ được gọi là emasculated woman.
Thông thường, ’emasculated’ sẽ xuất hiện cùng ‘man’ để chỉ những người đàn ông kém nam tính khi quyền lực và sự tự tin của họ bị tước mất. ‘Emasculated’ có nghĩa là ‘khiến một thứ yếu đi hoặc kém hiệu quả hơn’. Và chỉ có đàn ông – vốn được xem là phái mạnh – mới có thể bị làm cho yếu đi. Tuy nhiên, với ranh giới mạnh-yếu đang mờ nhạt đi từng ngày, thì số lượng emasculated woman cũng nhiều lên trông thấy.
Những người phụ nữ ấy là ai? Họ có thể là người vừa nỗ lực mang tiền về nuôi cả nhà vừa cố gắng không để người khác biết rằng mình là trụ cột của gia đình. Họ có thể là người lúc nào cũng khoe với bạn bè về chiếc túi xách được chồng tặng trong khi sự thật nó là món quà họ tự thưởng cho chính mình. Hoặc họ cũng có thể là người sẵn sàng đóng vai thiếu-nữ-luôn-thiếu-tiền vì không muốn những đối tượng tiềm năng cảm thấy lép vế trước một cô vợ tương lai giàu sụ.
Định kiến khó xóa bỏ về gia đình “kiểu mẫu” chồng xông pha bên ngoài, vợ chu toàn bên trong khiến cho mô hình ngược lại bị xem là bất bình thường. Nếu người phụ nữ có sự nghiệp thăng hoa, cô ta hẳn phải là một người vợ tồi vì không dành thời gian cho gia đình, cho chồng con. Nếu người đàn ông quán xuyến nhà cửa, chăm lo con cái, anh ta chắc chắn không thoát khỏi cái danh bám váy phụ nữ.
Trước tình trạng đó, nhằm “giữ mặt mũi” cho chồng (và cả cho mình), nhiều phụ nữ chọn cách nói dối về số tiền họ kiếm được. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy trong những cuộc khảo sát dân số, phụ nữ đã kết hôn có xu hướng “khai gian” thu nhập khi cho biết mình kiếm ít hơn bạn đời 1,5%, trong khi mức thu nhập của đàn ông có gia đình lại được khai báo cao hơn 2,9% so với thực tế.
Lý do phụ nữ tự “cắt cánh”
Nhiều phụ nữ sẵn sàng chối bỏ sự thật rằng họ kiếm được nhiều tiền hơn và có vị trí cao hơn chồng trong xã hội. Câu trả lời đưa ra là để “giữ thể diện”. Nhưng liệu chuyện chỉ có như thế?
Mọi thứ trên đời này đều là về tình dục, ngoại trừ tình dục. Tình dục chính là về quyền lực.
Oscar Wilde
Mọi thứ trên đời này đều là về tình dục, ngoại trừ tình dục. Tình dục chính là về quyền lực.
Oscar Wilde
Minh họa: Andrea de Santis
Nghiên cứu của Đại học Cornell thực hiện trên 1.024 nam giới và 1.559 nữ giới có gia đình cho biết, những người đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ có khả năng ngoại tình cao hơn. Trong trường hợp này, một ông chồng đi tìm của lạ vì muốn khôi phục cảm giác quyền lực hơn là vì để thỏa mãn tình dục. Thế nhưng ở hướng ngược lại, kết quả cho thấy khi mức độ phụ thuộc tài chính vào chồng càng cao thì khả năng người phụ nữ ngoại tình càng thấp. Nói cách khác, cùng cảnh phụ thuộc, đàn ông dễ “đi lạc” hơn phụ nữ.
Ngoài ra, ý niệm của một người về tình hình tài chính của mình cũng có ảnh hưởng đến cách họ chọn bạn đời. Trong nghiên cứu When Love Meets Money: Priming the Possession of Money Influences Mating Strategies, người tham gia được chia ra 2 nhóm: một nhóm được “dẫn dắt” để tin rằng họ có nhiều tiền hơn (1), nhóm còn lại tin rằng họ có ít tiền hơn so với thực tế (2).
Từ đây, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích cả 2 nhóm để xác định mức độ hài lòng của họ về người bạn đời hiện tại. Kết quả, những người đàn ông nhóm (1) cho biết họ cảm thấy bạn đời “kém hấp dẫn hơn” so với trước đây. Trong khi đó, những người phụ nữ nhóm này cho biết họ không cảm thấy người phối ngẫu của mình kém hấp dẫn hơn chút nào.
Một nghiên cứu khác về hành vi (Gender differences in implicit self-esteem following a romantic partner’s success or failure) đã tiến hành kiểm tra mức độ nhận thức của một người về chính mình thông qua thành kiến rõ ràng (explicit bias – thể hiện những gì chúng ta nói về bản thân) và thành kiến ngầm (implicit bias – thể hiện những gì chúng ta nghĩ về bản thân).
Sau khi được yêu cầu nhớ lại những thành tựu mà bạn đời đạt được, thành kiến ngầm về lòng tự tôn của những người tham gia là đàn ông giảm. Không chỉ vậy, mức độ hài lòng của họ về mối quan hệ cũng giảm theo. Trong khi đó với những người tham gia nữ, 2 tiêu chí này không có sự thay đổi.
Thông qua nhiều quan sát và nghiên cứu, các nhà tâm lý học tiến hóa đã phần nào đưa ra kết luận rằng, đàn ông dùng tiền như một công cụ để quyến rũ phụ nữ. Trong khi để hấp dẫn đàn ông, phụ nữ lại che giấu sự thật rằng họ giàu có thế nào (hoặc ít ra là để tránh làm cho cánh mày râu cảm thấy bị biến thành “phái yếu”).
Nỗ lực bảo toàn sự nam tính cho phái mạnh thậm chí còn vươn dài gọng kìm đến một khía cạnh riêng tư và bản năng hơn của con người: tình dục. Giả vờ lên đỉnh ở phái nữ đã không còn là chuyện gì mới lạ, nhưng theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tờ Social Psychological and Personality Science, thì những phụ nữ kiếm nhiều tiền hơn partner của họ có khả năng giả vờ đạt cực khoái cao gấp đôi.
Thường thì trong câu chuyện này, đàn ông hay bị cho là “kẻ có tội”. Nhưng một nghiên cứu khác gần đây cho thấy sự việc không đơn giản nằm ở chỗ “đàn ông không biết cách đưa phụ nữ lên đỉnh”. Theo đó, một trong những nguyên nhân làm xuất hiện chênh lệch cực khoái (orgasm gap) chính là cảm giác “mình được quyền hưởng điều đó” (entitlement). Cụ thể, đàn ông tin rằng mình có quyền đạt cực khoái, trong khi phụ nữ thì không.
Và điều đáng buồn là cả hai giới đều có chung niềm tin như vậy.
Kết
Đã qua rồi cái thời phụ nữ không được quyền lựa chọn và phải làm mọi cách để ép mình vào khuôn khổ của một xã hội ưu tiên đàn ông. Nếu muốn được trao quyền, phụ nữ cần ngừng việc tự cắt đi đôi cánh của mình. Đừng để ai khác “diễn” vai trụ cột gia đình nếu thực tế không phải vậy. Đừng ở cạnh những người dễ cảm thấy bị đe dọa và sẵn sàng ra đi khi vợ / bạn gái của họ kiếm được nhiều tiền hơn. Đừng hi sinh quyền được thỏa mãn tình dục nhằm làm người khác cảm thấy “đàn ông” hơn.
Và quan trọng nhất, đừng “khuyên nhủ” những người phụ nữ xung quanh mình rằng họ cần phải khép mình lại để mặc vừa chiếc áo phái yếu.
Minh họa: Andrea de Santis
Hoặc hãy tự hỏi bản thân thế này: “Nếu địa vị kinh tế của người đàn ông bên cạnh không ảnh hưởng đến tình yêu bạn dành cho anh ấy, thì chẳng phải bạn cũng xứng đáng với điều tương tự sao?”
Thực hiện: Van Nguyen – Mi Nguyen
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
#Thoáng: BDSM – đâu là giới hạn an toàn cho phục tùng và thoả mãn?
#Thoáng: Mặt tối của phim người lớn – Khi nam giới tưởng là kẻ cầm quyền lại hoá nạn nhân
Thảo luận về bài viết