#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Có nhiều xì-tai shopping khác nhau – hoặc lượn lờ các cửa hàng, dành thời gian so sánh, ngắm nghía cho đến khi tìm được món đồ phù hợp; hoặc lên mạng rốp rẻng order ngay thứ cần dùng rồi cứ thế đợi hàng giao đến cửa. Dù theo phong cách nào, dù yêu thích hay chán ghét, thì cũng không thể phủ nhận rằng mua sắm đã là một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Ngoài ra, còn một kiểu shopping khác nữa, là retail therapy, nôm na là mua sắm tìm niềm vui – vì thứ mà chúng ta thu về khi vung tiền ra không phải bản thân món hàng hay dịch vụ, mà là tâm trạng vui phơi phới mỗi khi mua được đồ.
Mục lục
Nhưng mà có vui thật không?
Có, mua sắm thật sự có thể giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. Nghiên cứu Retail Therapy: A Strategic Effort to Improve Mood (2011) đã tìm hiểu về tác dụng tinh thần của retail therapy qua 3 thí nghiệm khác nhau trên 407 người trưởng thành. Kết quả cho thấy:
(1) Mua sắm ngẫu nhiên (unplanned shopping) giúp giải tỏa tâm trạng tồi tệ.
(2) Retail therapy thường không đi kèm những tác động tiêu cực. Nói cách khác, người được ‘trị liệu’ bằng mua sắm sẽ không cảm thấy tội lỗi, hối hận, lo lắng, hay những dạng buồn bã khác.
(3) Sau khi cuộc mua sắm kết thúc, trạng thái tinh thần tích cực vẫn được duy trì.
(4) Việc chống lại thôi thúc phải mua thứ gì đó (với những người đang cố gắng hạn chế chi tiêu thái quá) cũng có tác dụng cải thiện tâm trạng tương tự.
Mọi người thường cho rằng mua sắm tìm niềm vui là con đường nhanh nhất dẫn đến tình trạng ‘đỗ nghèo khỉ’, nhưng kết quả nghiên cứu không ủng hộ nhận định này. Hầu hết những người tham gia đều tiêu xài trong ngân sách cho phép. Ngoài ra, một nghiên cứu khác từ năm 2013 cũng cho thấy, retail therapy là một biện pháp cải thiện tâm trạng hiệu quả – đặc biệt là những khi đang buồn.
Vì sao mua sắm lại đem đến niềm vui?
Theo Tiến sĩ Tâm lý học lâm sàng Scott Bea, có kha khá cách để lý giải việc ai đó đang ủ rũ buồn bã cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn rất nhiều chỉ sau vài cú click chuột (hoặc vài giờ lượn cửa hàng).
Khôi phục cảm giác kiểm soát
Cảm giác buồn bã, căng thẳng hoặc lo lắng thường bắt nguồn từ cảm giác bất lực khi đời điều khiển mình nhiều hơn là mình ảnh hưởng đến đời. Việc đưa ra quyết định mua hàng (hoặc không mua hàng) giúp khôi phục cảm giác tự chủ và kiểm soát của chúng ta, cho ta thấy mình được ‘trao quyền’ nhiều hơn.
Một nghiên cứu khác (2014) của Trường Kinh doanh Stephen M. Ross trực thuộc Đại học Michigan cũng chỉ ra rằng, chi tiền cho những thứ mình thích có thể mang đến cảm giác kiểm soát gấp 40 lần so với việc không mua sắm. Ngoài ra, những người thực sự mua hàng cũng có kết quả ít buồn bã hơn gấp 3 lần so với những người chỉ xem mà không mua.
Nói cách khác, mỗi lúc cuộc đời diễn ra không như ý, thì việc có được chính xác thứ mình muốn có thể được xem là một thành tựu cá nhân tích cực.
Phân tâm khỏi những lo lắng
Mùi đồ mới trên kệ, hệ thống đèn đóm được tính toán lắp đặt cẩn thận kết hợp với những tấm biển quảng cáo giới thiệu rực rỡ sắc màu giúp tạo ra một trải nghiệm đầy kích thích, đưa chúng ta rời xa thực tại để trôi vào miền phiêu du lãng đãng của tâm trí, dù chỉ trong chốc lát. Mua sắm online cũng đem đến tác động tương tự (đôi khi còn hơn như thế).
Theo Tiến sĩ Scott Bea, mua sắm và những tác động kích thích giác quan của mua sắm khiến chúng ta dễ dàng trực quan hóa những hình ảnh tích cực – mình trông xinh xắn thế nào trong chiếc áo mới kia, dụng cụ làm bếp nọ sẽ giúp mình tiết kiệm được khối thời gian, Chủ nhật này còn gì tuyệt hơn là ngồi chill chill nghe nhạc từ cái loa đang giảm giá nọ,…
Dopamine và những phần thưởng
Có hai vùng não rất mỏng và nhỏ chịu trách nhiệm sản xuất dopamine. Dopamine từ vùng não thứ nhất ảnh hưởng đến khả năng nói và chuyển động. Dopamine từ vùng thứ hai thường được sản xuất khi động vật (bao gồm cả con người) mong đợi hoặc nhận được phần thưởng – một món ăn ngon, một bài hát yêu thích, hoặc một món đồ ưng ý. Sự giải phóng dopamine này cho não biết rằng bất cứ điều gì mà nó vừa trải qua đều đáng để hưởng thụ nhiều hơn, từ đó giúp động vật và cả con người thay đổi hành vi theo cách giúp bản thân đạt được nhiều phần thưởng hoặc kinh nghiệm bổ ích hơn.
Trong trường hợp của shopping, dopamine được giải phóng ngay cả trước khi giao dịch – tức ‘phần thưởng’ – chính thức được thực hiện. Chỉ cần window shopping, lướt hết web này đến web khác xem hàng, hoặc bỏ đồ vào giỏ mà không ấn mua cũng đã đủ khiến ta cảm thấy vui vẻ thoải mái hơn. Thêm vào đó, không mua thì không tốn tiền, và cảm giác hài lòng khi biết mình đã ‘tiết kiệm’ được một số tiền cũng là một dạng phần thưởng.
Ngoài ra, với những người hay mua sắm tìm niềm vui thì tâm trạng háo hức chờ đợi từ lúc chốt đơn cho đến lúc được cầm đồ trên tay cũng góp phần tạo ra hạnh phúc. Nếu mua sắm dạng subscription box(*) hoặc gift bag(**) thì sự háo hức lại càng tăng lên gấp nhiều lần nữa – chúng ta sẽ chẳng biết mình nhận được cái gì cho đến khi mở ra xem.
(*) subscription box: đăng ký, trả phí cố định và nhận hộp đồ ngẫu nhiên theo định kỳ; tùy theo đơn vị phát hành và lĩnh vực mà sản phẩm trong hộp sẽ là sản phẩm mẫu thử (sample), các thương hiệu tốt nhưng ít phổ biến, hoặc sản phẩm mới chưa ra thị trường.
(**)gift bag: túi quà ngẫu nhiên, thường xuất hiện tại cửa hàng hoặc trung tâm thương mại vào các dịp lễ, bên trong là một hoặc nhiều món hàng khác nhau.
Dưới sự thúc đẩy của dopamine, chúng ta có xu hướng lặp lại hành vi tìm kiếm phần thưởng này nhiều lần hơn nữa, nhất là mỗi khi cảm thấy buồn chán. Và đó cũng là lý do vì sao retail therapy có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt.
Mặt tối của những niềm vui
Nếu retail therapy thực sự giúp tăng cường hạnh phúc, lại còn chẳng đi kèm với cảm giác tội lỗi hay hối hận, thì nó xấu ở chỗ nào?
Như hầu hết những thứ đem lại cảm giác thỏa mãn khác, thì điều quan trọng cần ghi nhớ, đó là sử dụng hợp lý và có chừng mực.
Mua sắm đem lại cho chúng ta cảm giác hài lòng, vui vẻ. Nhưng nếu thường xuyên sử dụng nó như một cách để đối phó với căng thẳng, chẳng chóng thì chầy, nó sẽ thành ra một trong những biện pháp kém tối ưu nhất để giải quyết những vấn đề gây khó chịu, từ những chuyện vặt vãnh tủn mủn cho đến những thứ nghiêm trọng và có ảnh hưởng đến cuộc sống.
Tác dụng cải thiện tâm trạng của shopping chỉ có tính chất tạm thời. Giống như việc khuyên ai đó “Đừng buồn nữa, hãy vui lên.”, shopping giúp chúng ta vui, nhưng không giúp tìm về căn nguyên cũng như giải quyết triệt để vấn đề đang gặp phải.
Tình trạng tài chính là nhân tố tiếp theo quyết định xem liệu retail therapy có trở nên một thói quen xấu xí hay không. Hành vi mua sắm tìm kiếm niềm vui tự bản thân nó không đem lại tác động tâm lý tiêu cực, nhưng chỉ khi chúng ta chi tiêu trong mức cho phép. Rỗng túi, nợ nần,… sau khi vung tay quá trán biết đâu lại chẳng là những thứ gây stress còn hơn cả vấn đề bạn gặp phải lúc đầu.
Window shopping cũng không phải giải pháp. Nó không liên quan đến tiền bạc, nhưng lại ảnh hưởng đến một tài nguyên quan trọng khác. Ngần đó giờ đồng hồ bỏ ra để đi lượn lờ cửa hàng, dạo quanh siêu thị, hay làm vài vòng thăm thú các nền tảng shopping online là ngần đó thời gian không thể nghỉ ngơi thư giãn, dành ra cho người thân yêu hoặc tham gia vào các sở thích và hoạt động khác.
Kết
Retail therapy – hay mua sắm nói chung – có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn, nhưng nó không thể giải quyết những vấn đề khác ẩn bên dưới nỗi buồn trên bề mặt. Retail therapy không phải một phương pháp trị liệu thật sự, nó chỉ là hình thức đối phó. Sử dụng mua sắm hay bất kỳ hình thức đối phó nào khác để chống lại tình trạng đau buồn dai dẳng chỉ khiến mọi việc trở nên tệ hơn về lâu về dài. Để thực sự vượt qua vấn đề, bạn cần phải xác định được nguyên nhân, sau đó tìm những phương án trực tiếp hơn để giải quyết.
Thảo luận về bài viết