Rocco and His Brothers là một bộ phim lấy đi rất nhiều nước của cả nhân vật lẫn người xem.
Khi tìm hiểu về phim ảnh Tân hiện thực Ý, tôi mong mỏi được hiểu xa hơn về cách nhìn nhận cái khắc khổ, cái liêu xiêu của kiếp người, được bọc trong những toà nhà chọc trời của Milan và Rome hoa lệ. Tôi đã không phải thất vọng nhiều. Phim Ý hậu thế chiến đã khắc hoạ đỉnh cao những hy vọng vào một cuộc sống tươi đẹp, nhiệm màu hơn. Mong ước đó được áng chừng theo những vòng lăn bánh của chiếc xe đạp cũ kĩ, chiếc áo vest nhỏ bé của những đứa trẻ chưa lớn hay từ những cái ôm trong vòng xoáy bất tận của cuộc đời. Họ được sống, nhưng họ không bình yên. Họ được trao cho quyền làm người, nhưng lại bị tước đi mất quyền được tự do.
Người Ý khóc than, Rocco của Luchino Visconti trong Rocco and His Brothers cũng vậy. Người ta thấy anh khóc trong một buổi chiều với tình nhân. Anh khóc cho nỗi lòng chưa được thỏa, vì thiếu thốn, vì bất lực khi bị đẩy vào ngõ cụt không chốn nương về.
Đạo diễn của bộ phim – Luchino Visconti sinh ra và lớn lên trong một gia đình thượng lưu điển hình. Ông luôn tồn tại một chuẩn mực nhất định của giới nhà giàu kiểu mẫu của Ý. Đó là phải kiểu cách, là ứng xử thật chuẩn mực, đàng hoàng, và tất nhiên khoảng cách giữa giàu và nghèo lúc này được kéo dài hàng ngàn cây số. Cuộc đời cho ông cơ hội được đầu thai vào một gia đình giàu sang nhưng đồng thời cũng tặng cho ông những góc nhìn thô ráp và thiếu hoàn mỹ.
Luchino Visconti luôn thừa nhận cuộc sống thượng lưu và giới công nhân của Ý những năm chiến tranh và hậu chiến thực sự là một trời một vực. Ông theo nghiệp phim ảnh và chấp nhận bỏ lại đằng sau những phù phiếm mộng mơ khác chỉ để nói ra được tiếng lòng của mình mình- thứ tiếng nói và nghĩ suy của một kẻ bề trên. Ông miêu tả một xã hội bề dưới nơi có những kẻ thu mình trong những chiếc chăn rách rưới và cũ mèm. Dưới tấm chăn ấy có đủ loại người bao gồm: kẻ tha hóa, trộm cắp, nát rượu và vô hôn. Người thì thiết tha được chết, số khác thì bất chấp tất cả để chiến đấu với cuộc sống khắc nghiệt mà không ngôn từ nào có thể miêu tả.
Luchino Visconti đã tập chung miêu tả sự tha hoá của giới nhà giàu, đưa sự bấp bênh của xã hội về hai gam màu đen trắng giản đông. Ông cũng là người dám lôi những mộng tưởng trong bộ phim La Dolce Vita ra để biến nó thành một trò hề không hơn không kém. Federico Fellini – đạo diễn của La Dolce Vita cũng không ưa gì sự màu mè, kiểu cách của Visconti. Tư tương của hai người này hoàn toàn khác biết, như thể trái đất chỉ có thể tồn tại một người. Bằng chứng là huyền thoại Marcello Mastroianni chỉ được đóng phim của Fellini, còn Alain Delon cũng chỉ được tham gia những tác phẩm của Visconti. Mặc dù cả 2 đều là minh tinh màn bạc nước Ý.
Quay lại với Rocco and His Brothers, đây chắc là bộ phim hay thứ nhì của điện ảnh Ý mọi thứ đại, sau một cái tên mà ai cũng biết là 8 ½. Phim nói về năm anh em cùng sống với nhau dưới một mái nhà. Họ bên nhau với nhau như năm ngón tay trên một bàn tay. Trong đó:
Ngón cái cho Vincenzo, người anh cả với cái tôi vị kỉ.
Ngón trỏ cho Simone, tên thanh niên trẻ người non dạ,luôn bị đứa trẻ bên trong làm mù mắt.
Ngón giữa cho Rocco, Rocco và những người anh em khác.
Ngón áp út Cho Ciro, kẻ cân bằng và hòa giải.
Ngón út cho Luca, hi vọng nhỏ bé của nhà Parondi.
Như tôi đã nói ở trên, nếu phải đánh giá Rocco and His Brothers bằng một câu nói nhát gừng nhưng chắc nịch, thì chắc chắn đây là một bộ phim vô cùng xuất sắc. Nó đưa người xem chạm tới mọi cung bậc cảm xúc, từ hạnh phúc đến đau khổ, từ khăng khít đến bi thương. Tác phẩm như một vở Opera bi kịch, đẹp đến ngỡ ngàng trong tông màu trắng đen, dài 3 tiếng đồng hồ với đủ những phúng dụ của giai cấp công nhân hậu chiến tranh thế giới.
Ở đó, Luchino Visconti tách biệt từng nhân vật để làm nổi bật lên những khoảnh khắc đau đớn đến quặn lòng, để người xem càng thêm xúc động khi các nhân vật vốn vô cùng gắn bó nay lại từng bước, từng bước xa nhau. Tuy nhiên, có lẽ vì những khắc khoải trong phim quá nhiều, người xem sẽ khó lòng tìm được một cảm xúc nguyên vẹn như đã mong đợi từ đầu.
Trong tác phẩm Rocco and His Brothers, Rocco đã khóc ba lần, và cả ba lần đó đều vì một người con gái. Nhưng khi bóc tách từng lớp, chúng ta lại được phen ngỡ ngàng vì sau đó là rất nhiều lát cắt về một nước Ý thời bấy giờ.
Lần khóc đầu tiên cho sự tức tưởi.
Có lẽ không có gì đau đớn hơn việc chứng kiến người mình yêu bị huỷ hoại trong sự hung bạo của kẻ khác. Lúc đó Rocco bị hai tên giữ tay và bất lực trong một hoàn cảnh đến chết cũng không dám nghĩ đến. Nguyên nhân đến từ việc Simone, ngón trỏ của gia đình đã gây nên một vết sẹo to lớn trong trái tim Rocco. Người yêu anh, Nadila đang bị chính anh trai của mình hãm hiếp. Simone đã đánh mất lý trí và thú hóa trong cơn dục tính không kiểm soát được.
Nadila thất thểu muốn chết, còn Rocco thì điên lên trong đêm đen lạnh lùng. Anh gào khóc và van xin, thống thiết xin lại chút lòng vị tha của những kẻ tàn bạo, hung ác. Sự suy đồi của Simone đã phá hủy hết thảy những bình yên vốn có của một gia đình. Quyền lực, sự ganh tị song hành cùng tiền bạc đã làm cho hắn bị mờ mắt. Lúc này ngón trỏ như cụp xuống, nó cuộn thành một vòng tròn không hoàn hảo, bé nhỏ đi giữa bốn ngón tay còn lại. Simone đã bị tha hóa bởi tích cách, bởi cuộc đời phiến diện.
Lần khóc thứ 2 cho sự bất lực.
Rocco gặp lại Nadia, nhưng những ấp e trước đây giờ đã bị thay thế cho oán trách và lầm than. Rocco đã khóc thêm một lần nữa. Tuy nhiên lần này lại không quá thảm thiết và cuồng nộ. Anh để nước mắt tự lăn trên má, chơi đùa với tính tương đối của trọng lực. Người xem cũng theo đó nuốt nước mắt vào trong khi thấy anh đổ lệ. Lần này có khi còn đau hơn đấy chứ, vì người tình của anh mãi sẽ không thuộc về vòng tay của kẻ vị tha này.
Có người nói Rocco hi sinh nhiều quá, nhượng bộ cho quá nhiều yêu sách của Simone mà thất bại trong việc dành lấy một mẩu hạnh phúc cho riêng mình. Cuộc sống này lạ ghê, kẻ muốn hạnh phúc thì phải giành giật, còn những người vô tâm thì lại được hưởng khoái lạc trong cơn bệ rạc của chính họ. Nadila chạy đi thật xa, còn Rocco thì ở lại, anh nhìn thẳng vào cái không gian ấy mà trong lòng thật buồn.
Rocco đã vị tha, anh là chúa, là thánh, nhưng ai mới thực sự hiểu cho anh ?
Lần khóc thứ 3, đỉnh điểm của tấn bi kịch.
Người ta luôn nói, chúng ta khóc nhiều nhất khi mất đi một kết nối đặc biệt. Tôi xem đến đoạn này và thầm trách Luchino Visconti sao mà độc ác quá. Ông để cho Rocco được sống trong vài giây phút vinh quang rồi đẩy nhân vật vào sự suy sụp hoàn toàn. Tôi đã tự hỏi, kẻ vị tha, Rocco “ngón giữa” của ông sao phải chịu đựng nhiều như thế? Nhưng cũng chung quy lại thì nếu muốn tất cả được bình yên, ai đó sẽ phải là người khổ hạnh.
Là chúa, là thánh đấy nhưng đâu tránh được những phút lầm than. Máu được bôi lên chiếc áo trắng của Rocco, nó đã nhuốm bẩn lên một điều trinh bạch hiếm hoi còn sót lại ở một vùng đất vốn đã tiêu điều và hoang dại.
Tôi thấy Rocco thêm một lần nữa nức nở. Anh gào lên trong sự bất lực. Mẹ anh ở đó, người mà chỉ ít phút trước còn mong mỏi về sự đoàn tụ của năm anh em giờ cũng đã bật khóc. Những ngón tay khác cũng ở đó, họ run lên vì thổn thức, họ sợ sệt vì những chuyện đã xảy ra. Than ôi số phận của những nhân vật này, dù cố thế nào cũng thành hư không, dù rất nỗ lực ra sao cũng chỉ nhận về sự điêu tàn. Xã hội này là thế đấy, chúng biến con người ở nơi đây thành những đáy vực. Từng đáy vực đấy đã kéo cái xã hội Ý đấy đi xuống.
Rocco khóc úp mặt xuống gối, tôi không thể thấy nước mắt của anh vào lúc này. Nhưng dù vậy, như mọi khán giả khác, chúng tôi thừa biết những giọt lệ đó đã đi đâu, chúng tôi biết sự vị tha đấy đã dành cho những người không xứng đáng.
Tội nghiệp Rocco, anh xứng đáng có một cuộc đời tươi đẹp hơn, Không phải chỉ qua một câu hát ở cuối phim.
“Ở thành phố quê hương nơi tôi được sinh ra
Tôi đã để trái tim mình ở đó, trong cơn tuyệt vọng”
Đời này xiêu đổ, mong Rocco sẽ luôn hiện hữu.
“Không có bộ phim hay nào quá dài và không có bộ phim dở nào quá ngắn.” Rạp Phim Thứ Bảy là chuỗi bài viết về những bộ phim khiến người ta quên đi sự tồn tại của thời gian.
Thảo luận về bài viết