1 giờ 26 phút chạy cùng “Ròm,” và đây là 5 điều bạn cần biết trước khi thưởng thức một bộ phim điện ảnh xứng tầm quốc tế của Việt Nam.
1. Sự pha trộn hài hoà nhiều thể loại
“Ròm” là một bộ phim điện ảnh Việt Nam đề tài tâm lí xã hội (drama), xen lẫn yếu tố tuổi mới lớn (coming of age) và hành động (action).
Bộ phim có yếu tố tâm lý xã hội bởi nội dung của tác phẩm xoay quanh một hoạt động khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam: chơi đề. (Đạo diễn Trần Thanh Huy có đặt dòng cảnh báo “Đánh đề là phạm pháp” ở đầu phim, tránh người xem nghĩ tiêu cực về thông điệp mà phim muốn truyền đạt)
Bộ phim đi từ góc nhìn, những suy nghĩ và cuộc đời mưu sinh của nhân vật Ròm (Trần Anh Khoa đóng) – một cậu bé mồ côi sống ở khu chung cư cũ sắp giải toả ở Sài Gòn.
Trần Thanh Huy đã lựa chọn một góc nhìn khá thú vị, qua một lăng kính có phần ngây thơ nhưng cũng không kém phần sâu sắc của một cậu nhóc vốn đã sớm trải đời, phải làm một công việc phức tạp, chứa nhiều góc khuất. Hằng ngày, Ròm phải đi tìm những con số may mắn để tư vấn và thuyết phục mọi người ghi số đề. Thắng thì được ca tụng, thua thì bị đuổi đánh.
Thế giới của dân chơi đề được chi tiết hóa tinh tế đầy nghiêm túc trong “Ròm.” Đánh đề vốn là một trong những tệ nạn xã hội nhức nhối. Dù chỉ là những hình ảnh được chiếu trên màn ảnh, tác phẩm vẫn mở ra cho người xem những góc nhìn không thể thật hơn về thực trạng không mấy người để ý trong cuộc sống, Những người chơi “số” trong phim bị lòng tham làm mờ mắt, không lo làm ăn mà chỉ trông chờ vào giải mộng để tìm số trúng.
Tác phẩm có nhiều tình tiết khiến người xem liên tưởng đến bộ phim “Ký Sinh Trùng” (Parasite) đạt giải Oscar 2020 của đạo diễn Bong Joon Ho. Một trong những phân cảnh gợi nhớ nhất giữa hai phim chính là tình tiết trận mưa như lũ bão. Nếu như trận mưa lớn trong “Ký Sinh Trùng” khiến người nghèo ướt như chuột lột, phải vật vã “thoát” khỏi nó; thì trận mưa ở giữa phim “Ròm” lại giúp người nghèo trúng đề – từ đó sinh ra chuỗi bi kịch mới. Nước mưa gột rửa bùn đất bên ngoài, nhưng không thể dội sạch sự lam lũ đã ăn sâu vào tâm hồn những người nghèo khổ. Họ chỉ biết trông chờ vào phép màu và càng mãi lún sâu trong bi kịch.
“Ròm” cũng mang đậm yếu tố “coming of age” – Chuyện phim xoay quanh một cậu bé nhỏ xíu không ngừng mơ về gia đình, vất vả làm nghề cò đề chỉ để mưu sinh kiếm tiền đi tìm cha mẹ.
Trong cuộc sống mưu sinh mỗi ngày, Ròm gặp phải đối thủ là Phúc (Anh Tú Wilson thủ vai) – người không ngại chơi bẩn, đánh lén để giành mối làm ăn với cậu. Những đứa trẻ chạy đua, đấu tranh tranh giành từng đồng bạc lẻ. Có những cuộc đua dẫn đến bạo lực và máu. Đó chính là yếu tố hành động.
2. Đoạt giải thưởng lớn nhất tại LHP Busan lần thứ 24
“Ròm” là dự án điện ảnh được đạo diễn Trần Thanh Huy phát triển từ phim ngắn “16h30” của anh – phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2012.
Đến năm 2019, bộ phim được công chiếu tại LHP Busan lần thứ 24 và thắng hạng mục New Currents – giải thưởng dành cho phim đầu tay (hoặc phim thứ 2) hay nhất. Đây là sự ghi nhận lớn với “Ròm,” vì LHP ở Busan là nơi tôn vinh tinh thần châu Á trong điện ảnh. “Ròm” và đạo diễn Trần Thanh Huy là người thể hiện rõ nhất tiêu chí của giải thưởng này trong LHP Busan 2019.
Bộ phim được giới chuyên môn và truyền thông quốc tế ghi nhận:
- Tầm nhìn và khả năng của một đạo diễn trẻ
- Bộ phim đầu tay chỉn chu và đậm chất nghệ thuật
- Tinh thần châu Á rõ nét
3. “Ròm” có kén người xem không?
“Ròm” không khó xem, nhưng cũng không dễ để cảm hết được cái hay. Có nhiều người sẽ thấy phim khá “thường.” Có người thì xem xong và ra về với rất nhiều dấu chấm hỏi.
Khi xem “Ròm,” chúng ta hãy bỏ qua những quan niệm về nghệ thuật chính thống hay đại chúng, bởi bộ phim dường như đã phá vỡ mọi chuẩn mực điện ảnh thông thường và mang đến niềm tự hào cho nền nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam. Gần gũi và độc đáo, điện ảnh nhưng vẫn đời thường, nghệ thuật nhưng không quá xa vời hay thách thức khán giả. “Ròm” là sự gai góc của xã hội, là vết thương của thời đại mà bất cứ người xem nào cũng có thể cảm thấy. Không cần phải cảm nhận bộ phim theo một cách cao sang và tinh tế như một nhà phê bình điện ảnh, không cần phải biết về tỉ lệ vàng, kỹ thuật sử dụng ánh sáng, chúng ta đều có thể cảm nhận được các nhà làm phim và diễn viên đã làm việc nghiêm túc như thế nào để tạo nên một câu chuyện chân thật như vậy.
Bộ phim không nói về tệ nạn lô đề mà là về sự tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng cùng cực của nghèo túng, sự tuyệt vọng cùng cực của bế tắc khi phải trông chờ lối thoát ở những may mắn hão huyền. Chúng ta gần như có thể “ngửi” được mùi thời gian của những khu chung cư cũ nát, cảm nhận được mùi nhang khói của nghi thức dị đoan, mùi của máu và bùn đất bám trên người nhân vật. Nếu như trong “Ký sinh trùng,” chỉ người giàu có mới ngửi thấy mùi khác lạ của người nghèo thì “Ròm” lại tác động trực tiếp đến tất cả giác quan của người xem, khiến cho dư vị của sự day dứt ở lại với khán giả ngay cả khi tác phẩm kết thúc.
4. Một bộ phim mang đậm tính “điện ảnh”
Hình ảnh: Hay hay dở thì có thể nói là do cảm nhận, nhưng cái trải nghiệm điện ảnh trong “Ròm” thật sự tuyệt vời vì từng con đường ngõ hẻm và đời sống đô thị khi lên màn ảnh thì quá.. điện ảnh.
Bối cảnh phim được xây dựng tại một khu chung cũ tại Thanh Đa, Bình Thạnh, với hình tượng là một khu ổ chuột bị che khuất sau những tòa nhà cao tầng. Tường ố màu, cửa sổ xập xệ, sân chữ nhật đầy bụi đất… là loạt chi tiết khắc họa rõ nét sự nghèo khó của xóm lao động.
“Ròm” gây ấn tượng thị giác mạnh ngay từ những cảnh đầu tiên, khi khung hình đổ từ trên cao xuống và bắt trọn nơi sinh sống của khu lao động nghèo.
Âm thanh: Bên cạnh hình ảnh, thì âm thanh đặc trưng của đời sống lao động ở Sài Gòn được miêu tả qua tiếng rao hàng rong, tiếng lia kéo từ những tiệm cắt tóc tạm bợ, radio phát thanh chương trình xổ số…
Âm thanh là một trong những yếu tố quan trọng góp nên phần thành bại của một bộ phim. Trong giai đoạn hậu kì phim “Ròm,” đạo diễn Trần Thanh Huy đặc biệt kĩ lưỡng và có yêu cầu cao đối với kỹ xảo âm thanh. Nhạc sĩ Tôn Thất An (phụ trách nhạc phim) từng chia sẻ: “Trong phim ‘Ròm,’ âm thanh, âm nhạc cũng chính là một nhân vật!”
Khi ngồi trong rạp xem cảnh đánh nhau ngay giữa đường lớn, bạn không chỉ nghe được tiếng xe máy, mà còn cảm nhận được âm thanh đó chạy một vòng tròn từ trái qua phải một cách luẩn quẩn, tựa như những vòng tròn đó đang xoay quanh mình. Trên con đường chạy thật nhanh của mình, đôi tai của Ròm chính là đôi tai của khán giả. Bất cứ điều gì nhân vật nghe được dường như đều xuất hiện thật sự trong thính giác của người xem.
Bộ phim không có nhiều lời thoại bởi đội ngũ sản xuất hiểu rằng, sự đầu tư về mặt âm thanh chính là sợi dây kết nối chặt chẽ nhất để kéo các nhân vật và tình tiết lại với nhau. Có lẽ với đạo diễn Trần Thanh Huy, dù là người nghèo trong phim hay những khán giả đang thưởng thức tác phẩm, cả hai đều có điểm chung là luôn cố gắng chạy thật nhanh về phía trước và không để nỗi sợ hãi đeo bám phía sau nuốt chửng lấy mình.. Đó là lý do tại sao khi ca khúc “Chạy” của rapper Wowy vang lên, chúng ta lại có thể cảm thấy tác phẩm càng chân thực hơn. Nhip điệu của bài hát kết hợp hoàn hảo với những cảnh hành động hay những đoạn phim mang tiết tấu nhanh, cấp bách của “Ròm” đã mang đến cho khán giả một đại tiệc âm thanh và thị giác. Bộ phim thoả mãn người xem ở cả phần nghe lẫn phần nhìn,
5. Diễn xuất ghi dấu ấn của các diễn viên trẻ
Nếu “Ròm” được ví như thời thanh xuân của đạo diễn Trần Thanh Huy và cả ê kíp, thì đối với hai diễn viên chính là Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson, “Ròm” chính là cầu nối cho tình bạn thời thơ ấu. Hai diễn viên trẻ thực sự đã lớn lên bên nhau và trở thành những người bạn, người anh em chí cốt.
Để hoá thân thành Ròm một cách trọn vẹn nhất, Trần Anh Khoa đã phải tập đi lưng còng trong suốt bốn năm cho vai diễn. Nhân vật Ròm được xây dựng là một cậu bé lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương nên tính cách lầm lì và dễ cáu gắt. Nhân vật có thoại ngắn gọn, cộc cằn đúng chất trẻ em đường phố.
“Ròm” còn dùng phân cảnh trong “16:30” về những đứa trẻ bụi đời ở Sài Gòn (có Anh Khoa đóng) để làm cảnh hồi tưởng. Qua đó người có thể xem so sánh, nhận ra sự phát triển về diễn xuất của bạn diễn viên trẻ. Từ một cậu nhóc có gương mặt bầu bĩnh, Trần Anh Khoa hoá thành một Ròm hốc hác, tiều tụy, một cậu bé phải dầm sương dãi nắng vật vã với cuộc sống đầy cạm bẫy.
Nói về vai diễn của Anh Tú Wilson, nhân vật Phúc được xây dựng với hình tượng hoàn toàn đối lập. Đồng trang lứa với Ròm nhưng Phúc có vẻ ngoài dân chơi, tinh ranh. Thời điểm bén duyên với “Ròm,” Anh Tú vẫn còn là một cậu bé 14 tuổi với vẻ ngoài gầy gò, đen nhẻm, chưa đầy 50kg, có niềm đam mê bất tận với môn thể thao mạo hiểm Parkour. Vai diễn Phúc là một cậu bé bụi đời có tâm lý nặng, đòi hỏi sự lăn xả và dấn thân không ngừng. Để làm nên sự thành công cho phim, sự chân thành, mộc mạc, dám lăn xả và hết mình vì vai diễn của Anh Tú đã được đông đảo người xem và giới chuyên môn nhìn nhận.
Với sự làm phim đầu tư, nghiêm túc và quyết liệt của mình, những thành tích mà bộ phim thu về hoàn toàn xứng đáng. Đây không phải một tác phẩm giải cứu phòng vé Việt Nam. Điện ảnh Việt đã làm đủ tốt và có sự phát triển xứng tầm mà không cần bất cứ sự “từ thiện” nào. Nhất là khi, những người hết mình vì điện ảnh đã tự trở thành người hùng cho chính tác phẩm của mình.
Với các thành tích ấn tượng như:
- 16.000 vé đặt trước, phá kỉ lục của siêu bom tấn “Train To Busan 2” và “Tenet.”
- 45.000 vé bán ra chỉ sau nửa ngày công chiếu chính thức.
- Cán mốc 10 tỷ chỉ sau một ngày phát hành.
Bạn còn chờ gì nữa mà không ra rạp và #chaycungRom!
Thảo luận về bài viết