#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Thời Hy Lạp cổ đại, đồng tính luyến ái được các triết gia, nhà văn, những người yêu nhau xem là một hình mẫu đáng kính trọng. Trái với giá trị lãng mạn, thanh sạch của Hy Lạp, tình yêu và tình dục đồng giới của La Mã cổ đại lại có cách tiếp cận thô tục và nặng về ham muốn thể xác hơn. Tuy vậy, nó vẫn có những nét lãng mạn rất riêng.
Xã hội Hy Lạp cổ đại hợp pháp hóa mối quan hệ giữa những người đàn ông. Với họ, mối quan hệ đồng tính cũng thăng hoa, thiêng liêng, đáng được tôn vinh không kém bất cứ mối quan hệ dị tính nào. Điều này thể hiện qua triết học Platon, những mẩu chuyện thần thoại và những minh chứng có thật trong lịch sử.
Tình yêu nói chung và tình yêu đồng giới nói riêng trong xã hội Hy Lạp cổ được John Addington Symonds (nhà thơ, nhà phê bình văn học 1840-1893) và George Cecil Ives (tác giả, nhà vận động cải cách luật về đồng tính luyến ái 1867 – 1950) – những nhà hoạt động tiêu biểu về quyền của người đồng tính – ưu ái miêu tả bằng các mỹ từ như thăng hoa hay tuyệt mỹ. Trong khi đó, họ sử dụng nhiều từ ngữ “xôi thịt” hơn để nói về La Mã như khiêu dâm, gợi dục, kinh tởm, tục tĩu.
Đối với họ, đồng tính luyến ái trong xã hội La Mã không đi kèm với tình yêu lãng mạn mà gắn liền với những cuộc truy hoan tập thể chỉ có dục chứ không có tình, với cái tên thường được nhắc đến nhất là Nero – bạo chúa khét tiếng tàn ác và dâm loạn của La Mã.
Symonds và Ives cũng lên tiếng chỉ trích một số tác gia La Mã, đơn cử như Petronius – người viết quyển tiểu thuyết được xem như tuyên ngôn cho sự suy đồi của xã hội La Mã, Satyricon; Catullus, với những áng thơ tuyệt đẹp về tình yêu (cả nam và nữ) nhưng hàm chứa những hình ảnh gợi dục gây sốc; và Juvenal cùng Martial – hai nhà thơ bị lên án các tác phẩm “thô tục” của họ.
Chúng ta cần cởi mở hơn với La Mã, vì bản thân họ vô cùng cởi mở
Việc nhấn mạnh, đồng thời bôi bẩn thêm những hành vi xấu xa của La Mã rất hữu ích về mặt chính trị. Quan hệ đồng tính trong xã hội La Mã càng bị hạ thấp thì tính cao quý của quan hệ đồng tính tại Hy Lạp càng được nâng cao. Đồng thời, những người tỏ ý khinh ghét và chối bỏ lối sống La Mã đồi trụy lập tức được phủ lên người tấm áo choàng đức hạnh.
Tuy nhiên, khi xét theo khía cạnh ham muốn thuần túy, người La Mã lại được xem là những hình mẫu tích cực hơn. Đồng tính luyến ái ở Hy Lạp, mặc dù được tôn vinh, nhưng thường được miêu tả là vô vị, trái ngược với tính đa dạng, cởi mở, gợi tò mò và hấp dẫn nhục thể của La Mã.
Một khi nhìn La Mã dưới góc độ cởi mở hơn, tình yêu (love) và tình dục (sex) không bị tách biệt cũng không triệt tiêu lẫn nhau. Chúng ta có thể thấy điều này trong Teleny – quyển tiểu thuyết ra đời năm 1893 về chủ đề khiêu dâm đồng tính được lưu hành khuyết danh và bí mật.
Rất nhiều thứ trong Teleny có liên quan đến La Mã: ngôn ngữ tác giả dùng để miêu tả những cảnh làm tình gợi nhắc đến các tác phẩm được cho là khiêu dâm thô tục của Catullus và Martial; hoặc chi tiết những người nam đảo trang(*) trong một cuộc sex tập thể được xem là sự tái hiện bằng câu chữ những bức tranh tường có yếu tố khiêu dâm phổ biến tại La Mã. Ngoài ra, quyển tiểu thuyết này còn nhắc đến Priapus – vị thần bảo trợ cho sinh sản và tình dục với bộ phận sinh dục ngoại cỡ được người La Mã hết mực tôn sùng.
(*) đảo trang (cross-dressing): phục sức như một người khác giới (nam giả nữ / nữ giả nam). Đảo trang được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như để ngụy trang, vì sở thích hay là một cách thể hiện bản thân trong thời hiện đại và xuyên suốt lịch sử. Lưu ý: đảo trang và phong cách phi giới tính (unisex) không giống nhau.
Nhân vật chính trong Teleny là hai người đàn ông La Mã: hoàng đế Hadrian và người thương của ông, Antinoüs. Bằng việc xây dựng câu chuyện xoay quanh hai nhân vật này và mối quan hệ của họ, Teleny hàm ý rằng tình yêu giữa những người đàn ông có tồn tại (chứ không chỉ là tình dục). Không những thế, đây còn là tình cảm sâu đậm và cao cả, thách thức cả kẻ thù không thể bị đánh bại là cái chết.
Teleny được nhiều người cho là tác phẩm của Oscar Wilde. Tuy nhiên, Wilde đã phản bác những thông tin liên quan đến tiểu thuyết này, đồng thời công khai chống lại những cáo buộc rằng ông phạm tội kê gian(*).
(*) kê gian (sodomy): một thuật ngữ chỉ những hành vi tính dục được cho là phi tự nhiên, tức là những hành vi tính dục không tạo ra sự sinh sản, cụ thể là QHTD bằng miệng (oral sex), QHTD đường hậu môn (anal sex), và QHTD giữa người với động vật (beastiality).
Mật ngữ của tình yêu đồng tính
Không riêng gì Wilde, khá nhiều người cũng có những phản ứng trái ngược về đồng tính luyến ái trong xã hội thời ấy. Điều này tùy thuộc vào chuyện người ta đang nói đến vấn đề này ở nơi công cộng hay ở chốn riêng tư. Trong những chiến dịch công khai, John Addington Symonds đã quyết liệt lên án La Mã và tôn vinh Hy Lạp. Thế nhưng trong những trang hồi ký cá nhân, ông bớt đoan chính hơn nhiều.
Cứ đến những đoạn liên quan đến tình dục giữa ông và người tình (tất nhiên là một nam giới), Symonds chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Latin. Việc sử dụng tiếng Latin – ngôn ngữ của La Mã cổ đại – để nói về tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới, được xem như một truyền thống lâu đời. Từ xa xưa, tiếng Latin đã được những người đàn ông thượng lưu sử dụng mỗi khi họ muốn nói bất cứ điều gì liên quan đến tình dục, vì phụ nữ (vợ của họ) và những người giai cấp thấp trong xã hội (người hầu trong nhà) không đọc được tiếng Latin. Trong xã hội La Mã cổ đại, hầu như chỉ có nam giới quý tộc được tiếp cận với giáo dục.
So với đồng tính nam, những mối quan hệ đồng tính nữ trong xã hội La Mã ít được nhắc đến hơn, ngoài một số cá nhân đặc biệt. Anne Lister (1791-1840) là một trong những người như thế. Lister học tiếng Hy Lạp và tiếng Latin với gia sư riêng. Bà tuyên bố Hy Lạp là ngôn ngữ yêu thích của mình, tuy nhiên La Mã mới là nơi bà dành trọn con tim (và những nơi khác trên cơ thể).
Bà dùng Metamorphoses – kiệt tác của nhà thơ Ovid – để buông lời ong bướm với một người bạn vừa quen, hỏi rằng liệu cô ấy có nhận thức được tính khả thi của việc phát triển một mối quan hệ đồng tính thông qua những câu thơ cổ. Bà thủ dâm bằng những tập thơ châm biếm của Juvenal (nhà thơ hẳn sẽ ngạc nhiên lắm khi biết người đời sau làm những gì với tác phẩm của ông). Và bà dịch thơ của Martial cho người tình của mình là Marianna trước khi hai người cùng nhau lên giường.
Kết
Xã hội La Mã cổ đại đã để lại những ảnh hưởng quan trọng đến tình yêu đồng tính. Họ có tư tưởng tình dục không kiêng dè. Ngôn ngữ của họ trở thành mật ngữ của tình dục.
Tuy bị đánh giá là thô tục và dơ bẩn (so với Hy Lạp), nhưng xét trên nhiều phương diện, tình dục của người La Mã thực tế hơn nhiều. Tình yêu không vương tình dục (platonic love) cao quý và đẹp đẽ của Hy Lạp hay tình yêu đầy đam mê xác thịt của La Mã đều xứng đáng được tôn vinh như nhau.
Thảo luận về bài viết