Thật chẳng biết từ bao giờ, cốc rượu có màu trắng tinh khiết đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Cha chú ta ngày xưa vẫn thường nhắc nhở con cháu rằng: “Khách đến nhà không trà thì rượu” hay “Vô tửu bất thành lễ” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của ly rượu mộc mạc, thơm ngon được chế tác từ tinh hoa đất trời đối với với văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Người Việt Nam đã biết tự sản xuất rượu theo cách thủ công từ cách đây rất lâu, chẳng phải tự nhiên mà ông bà ta ngày xưa lại đề cao món đồ uống này đến vậy. Đến nhà bạn cũng phải mời rượu, cưới hỏi cũng phải mời rượu, dâng cúng tổ tiên cũng phải mời rượu, thiếu rượu là một cái gì đó kỳ cục lắm.
Năm 1858, khi người Pháp lần đầu đặt chân đến Việt Nam, rượu Việt Nam vẫn chủ yếu được sản xuất tại gia chứ không có mô hình công nghiệp. Thế là thời điểm ấy, chính phủ bảo hộ hết mực khuyến khích người dân nấu rượu, dùng rượu để thu thuế.
Nhưng làm sao mà lấy tiền của người dân dễ vậy, mọi người có vô số cách để trốn thuế, khai man hòng né đi khoản tiền phải đóng cho chính phủ bảo hộ. Không được bao lâu thì rượu công nghiệp ra đời, chính quyền bảo hộ lúc này cấm dân tự nấu rượu, chỉ cho phép một số làng nghề có tiếng sản xuất để “tiện” thu thuế.
Chính phủ bảo hộ lúc này vừa cấm sản xuất, vừa bắt người dân tiêu thụ các sản phẩm do chính phủ sản xuất, đó chính là rượu Ty (còn gọi là rượu công ty). Lúc này, họ bắt các cấp chính quyền bắt buộc phải tiêu thụ rượu đủ theo quy định của họ thì mới được yên ổn.
Người dân Việt Nam lúc ấy không phải không thích uống rượu, mà vì rượu Ty “không ngon”. Những mẻ rượu trắng do người dân tự ủ vốn có nồng độ cao, cay và thơm hơn.
Có thể so sánh với câu chuyện về luật cấm rượu của Mỹ, cái gì càng cấm thì người ta càng làm, nghĩ ra mọi cách để làm, làm cho bằng được. Thế là khắp nơi người ta lén lút tự nấu rượu. Khi chính quyền tới kiểm tra, mọi người thường ráo riết giấu những “sản phẩm” dưới đồng cỏ hoang dại mọc toàn cây đế. Tên gọi rượu đế mà ngày nay mọi người thường dùng cũng từ đó mà ra.
Tất cả những loại rượu người dân tự chế biến đều được xếp vào “rượu lậu”. Tình trạng tiêu thụ rượu lậu trở nên phổ biến từ nửa thế kỷ thứ 19 kéo dài đến gần cuối thế kỷ 20.
Trong bài thơ Á tế Á cơ của Phan Bội Châu có một đoạn thế này:
“Rượu ta nấu nó rượu lậu, muối ta làm nó bảo muối gian”
Không chấp nhận việc bị xem thường như vậy, người dân đã tự mình đặt ra những cái tên để sử dụng cho quốc tửu của mình. Tại miền bắc, người ta đặt tên cho loại rượu mình nấu là rượu ngang vì rượu nấu và tiêu thụ theo kiểu đi ngang về tắt. Còn rượu cuốc lủi thì là vì vừa bán vừa lủi như con chim cuốc.
Còn có một giai thoại khác khá hay đó là ngày xưa các cụ nhà nho ta nhại theo tiếng của nước ngoài nationale spirit gọi sang tiếng Việt là “Rượu quốc hồn quốc túy”. Mang tiếng là rượu của dân ta mà phải nấu chui nấu lủi nên được gọi là “Rượu quốc lủi”.
Nguyên liệu để làm nên một ly rượu trắng thơm ngon thường từ những loại ngũ cốc có hàm lượng tinh bột cao, loại ngũ cốc được mọi người yêu mến và ưa dùng nhất chính là gạo nếp “hạt ngọc của trời”.
Rượu được đánh giá là ngon nhất khi sở hữu độ tinh khiết cao, trong vắt, sủi tăm chút ít, uống vào sẽ có mùi thơm, vị ngọt và cay, độ cồn khá cao (từ 39 đến hơn 45 độ) nhưng êm dịu và không gây nhức đầu.
Rượu Việt Nam thì có nhiều vô số kể, mỗi vùng miền, mỗi làng nghề đều có những loại rượu riêng của mình. Nhưng trong số đó, có 4 cái tên được bầu chọn là đại diện xuất sắc nhất của rượu ngon Việt Nam, đó là rượu Làng Vân, Kim Long, Bầu Đá và Gò Đen.Dựa vào lời kể của những người đã đến tận nơi để nếm thì rượu Làng Vân đằm và đậm. Rượu Kim Long êm và mềm mại, rượu Bầu Đá thì mạnh mẽ, rượu Gò Đen thì phóng khoáng. Tuy nhiên nếu để bầu ra loại rượu vô địch duy nhất thì thực sự khó.
Trong những đợt gặp mặt gia đình ấm cúng, khi mà mọi người quây quần bên nhau. Những đứa trẻ con vẫn hay bị chú bác dụ vào để nếm tí “nước lọc”. Mặc dù là chưa hề đủ tuổi, và thậm chí còn bị bà và mẹ la. Những đứa trẻ mới lớn, đặc biệt là những bé trai luôn có một bản năng đó là thích chinh phục mọi thứ. Trong mắt của chúng ta khi ấy, ly rượu chính là ngọn núi mà chúng ta muốn trèo lên, uống ly rượu khiến ta có cảm giác như mình đã bước qua ngưỡng trưởng thành (mặc dù là chưa). Những đứa trẻ cứ giả bộ khen thứ nước đắng nghét ấy là ngon để nhận được lời khen của người lớn “Thằng này được đấy, đúng là con chú…”
Lớn lên một chút, những chuyến về quê lo việc của họ hàng lại trở thành một hoạt động thường xuyên. Chúng ta được ngồi cùng mâm với người lớn hoặc các bậc bô lão, bàn về những chuyện ngày bé không bao giờ phải đảm nhận. Khi đó bên mâm cơm, chén rượu, người ta không bàn chuyện Trump hay Binden mà tập trung vào duy trì truyền thống của gia đình. Đó có thể là xây nhà thờ họ như thế nào, năm nay dỗ cụ ra làm sao, xin việc cho đứa em họ ở quê cần những gì. Chén rượu khi đó không chỉ còn là để mua vui mà còn để người ta lắng lại, ngẫm nghĩ hơn về bổn phận với gia đình.
Nếu có ai đó hỏi tôi có nhớ những ly rượu trắng khi bé được các chú bác đưa cho không thì tôi sẽ trả lời là: “có chứ!”. Vì sau đó tôi phải ăn đủ trận đòn roi của mẹ cơ mà.
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…