Trong năm 2020, thương hiệu Burberry chứng tỏ mình không chỉ đơn thuần là một hãng thời trang xa xỉ, thương hiệu đã tham gia các chương trình vì xã hội và môi trường.
Đầu năm nay, Burberry là một trong những nhà mốt cao cấp đầu tiên biến xưởng may của mình thành xưởng sản xuất trang phục bảo hộ cho ngành y tế ở Anh. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng mở rộng chương trình học bổng cho diện học sinh nghèo tại các đại học thiết kế lớn như Central Saint Martins ở London, Parsons School of Design ở New York, và Institute Français de la Mode ở Paris.
Thời điểm cuối năm hiện giờ, Burberry lại bắt tay với Hiệp hội Thời trang Anh Quốc (British Fashion Council) để giúp đỡ các sinh viên với chương trình ReBurberry Fabric. Qua dự án lần này, Burberry sẽ tài trợ vải thừa cho các sinh viên theo học ngành thiết kế thời trang tại Anh Quốc. Đây là một cách để Burberry đẩy mạnh truyền bá việc theo đuổi định hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh xu hướng thời trang xanh.
Chương trình ReBurberry Fabric tặng vải cho sinh viên thời trang gia cảnh khó khăn
Với chiến dịch ReBurberry Fabric, các thước vải thừa (deadstock) trong kho của Burberry sẽ được chuyển cho các sinh viên thuộc diện khó khăn đang theo học tại các trường thời trang. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng thương hiệu, nhà mốt sẽ không đưa ra những cây vải có họa tiết kẻ sọc biểu trưng của Burberry.
Nếu bạn chưa biết thì deadstock là những phần vải thừa không được sử dụng bởi nhà máy, hoặc bởi các thương hiệu thời trang, nhà thiết kế. Ngoài ra, đó có thể là phẩn vải không đạt yêu cầu của các đối tác và phải chịu số phận bị vứt bỏ. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là những mét vải thừa do vô tình đặt hàng nhiều hơn dự kiến ban đầu, hoặc đơn giản là phần vải không phù hợp để được đưa vào thiết kế. Deadstock cũng có thể là những sản phẩm lỗi, hàng hoá tồn kho không bán được từ các cửa hàng và nhanh chóng được mang vứt đi.
Vì thế việc Burberry hay các thương hiệu thời trang trao tặng đi những thước vải deadstock được xem là hành động ý nghĩa và thiết thực nhất nhằm giúp đảm bảo tính bền vững cho môi trường. Đồng thời, đây cũng là động thái “đúng người đúng việc” khi nhà mốt tích cực góp phần hỗ trợ những nhà thiết kế trẻ.
“Trang bị nguồn vải cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ chấp thêm ngọn lửa nhiệt huyết các bạn trẻ tiếp tục sáng tạo và phát huy tốt nhất. Chúng tôi rất trông đợi được chiêm ngưỡng các thiết kế sử dụng những cây vải này của Burberry ”, bà Pam Batty – phó giám đốc điều hành phòng ban xã hội của Burberry, chia sẻ.
Với chương trình ReBurberry Fabric lần này, nhà mốt nước Anh Burberry hi vọng các thương hiệu thời trang khác cũng sẽ chung tay làm nên điều tương tự, tạo điều kiện cho các “mầm non” thời trang thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình.
Không chỉ mỗi Burberry, nhà mốt Alexander McQueen đầu năm 2020 cũng từng quyên góp vải thừa cho 14 trường đại học thời trang khác nhau tại Anh. Những hành động ý nghĩa như thế này đặc biệt có giá trị vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra.
Vì dịch bệnh mà hàng loạt các trường học đã phải đổi qua mô hình học online từ xa. Có lẽ vì thế mà phần thực hành với mannequin hay những hoạt động trực tiếp tại studio cũng bị gián đoạn. Chưa kể, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người mất việc, các gia đình của học sinh cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chi trả cho các dụng cụ / vật liệu cần thiết cho lớp học thực hành. Việc những thương hiệu lớn như Burberry hay Alexander McQueen tặng vải cho các trường học đã phần nào chia sẻ gánh nặng tài chính cho những học sinh gặp khó, tạo điều kiện để mọi người có thể yên tâm tiếp tục trau dồi và theo đuổi đam mê may mặc của mình.
Thảo luận về bài viết