#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tường cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Niềm vui là một cảm giác tích cực và là thứ chúng ta muốn có càng nhiều càng tốt. Thế nhưng, có những khi niềm vui không được đặt đúng chỗ. Bạn đã bao giờ cảm thấy vui hoặc thỏa mãn, hài lòng khi biết đồng nghiệp không được tăng lương sau khi anh ta ba hoa cả tuần về việc chắc chắn sẽ được tăng lương, hoặc khi nghe rằng một người bạn rất ghét vừa chia tay người yêu?
Nếu bạn có thấy vui trong những trường hợp ấy, cho dù đó chỉ là cảm giác thoáng qua và thường không được bộc lộ rõ ra bên ngoài, đừng vội kết luận rằng bạn là một người vô cảm hoặc độc ác. Vì không phải mỗi bạn thấy thế. Đa số chúng ta đều trong trạng thái dao động khi có cả thiên thần và ác quỷ trên vai. Khi thấy một người gặp bất hạnh, hoặc chúng ta sẽ thấy đồng cảm, hoặc chúng ta sẽ cảm thấy schadenfreude. Nghĩa đen của từ này trong tiếng Đức là khoái cảm độc hại (harm joy), dùng để chỉ hành động tìm thấy niềm vui và cảm giác hài lòng từ nỗi bất hạnh của người khác.
Vì sao ta thấy vui khi người khác khổ?
Hoặc câu hỏi chính xác hơn nên là, đâu là nguyên nhân khiến chúng ta nảy sinh cảm giác hài lòng thay vì thương cảm khi biết một người đang phải đối mặt với khó khăn?
Trong một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí Personality and Individual Differences, nguyên nhân có thể chỉ đơn giản là bạn có cảm tình với người đó hay không. Các nhà nghiên cứu đã cho các đối tượng thí nghiệm tham gia chơi bài và tiến hành quan sát phản ứng của họ khi họ xem người khác chơi.
Kết quả, nếu người thua là người lạ hoặc là người chiếm được cảm tình số đông ngay từ đầu, họ sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm từ đối tượng thí nghiệm hơn. Còn khi người thua “được” nhiều người không thích, có 2 trường hợp xảy ra: những đối tượng thí nghiệm có khuynh hướng vị kỷ (ưu tiên lợi ích của bản thân) sẽ cảm thấy schadenfreude, còn những người thiên về xã hội (ưu tiên những lợi ích tập thể) sẽ đồng cảm với kẻ thua cuộc.
Nhưng có phải chỉ người lớn mới chịu ảnh hưởng của thiên kiến này? Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2015 đã đưa ra câu trả lời. Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm với đối tượng trẻ em. Các bé được cho xem những câu chuyện ngắn bằng tranh, với mô-típ nội dung là nhân vật chính gặp nạn.
Kết quả chỉ ra rằng, những đứa bé cũng có trải nghiệm về schadenfreude và đồng cảm tùy tình huống. Tương tự những đối tượng thí nghiệm là người lớn, trẻ em dễ thể hiện sự đồng cảm của mình hơn khi nhân vật gặp nạn là nhân vật các bé yêu thích, hoặc nhân vật này được các bé xem là người tốt, và khi những tai họa xảy ra với nhân vật là những tai nạn khách quan, không phải do lỗi của nhân vật.
Ngược lại, trẻ em sẽ cảm thấy schadenfreude – thấy “đáng đời đứa đó” – khi nhân vật chính không được các em xem là người tốt, hoặc khiến các em không thích vì một lý do nào đó, đặc biệt là khi một trong những thói xấu của nhân vật là nguyên nhân cho tai họa mà nhân vật đang phải chịu.
“Vừa lòng hả dạ” có phải một cảm xúc độc ác không?
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đồng cảm là một đặc tính tốt, được xã hội công nhận và cổ vũ. Đó cũng là lý do vì sao những người có khuynh hướng ủng hộ lợi ích tập thể dễ dàng cảm thấy và thể hiện đồng cảm hơn.
Tuy nhiên, theo Tiffany Watt Smith – tác giả quyển Schadenfreude: Niềm vui từ nỗi bất hạnh – thì cái cảm xúc “đen tối” này cũng có những mặt tích cực nhất định. Trong schadenfreude có niềm vui. Xét riêng, thì vui hoặc hài lòng là những cảm xúc đem đến sự dễ chịu cho chúng ta. Nghe có vẻ khó tin nhưng nó còn có thể giúp chúng ta đối phó với những thiếu sót và mặc cảm thấp kém của chính mình, đồng thời củng cố mối quan hệ của chúng ta với những người khác.
Smith giải thích: Đôi khi chúng ta tự phô bày những khuyết điểm của bản thân như một cách để tự vượt qua những ám ảnh mà nó đem lại. Khi bạn không ngại để người khác biết rằng bạn không hoàn hảo, bạn đã tiến một bước tuyệt vời trên con đường tự chấp nhận chính mình. Ngoài ra, schadenfreude còn giúp người khác không xem chúng ta là mối nguy hiểm tiềm tàng. Lấy ví dụ nhé, ngày đầu tiên đi làm, gặp những con người mới ở một môi trường mới, và bạn cho họ cơ hội được cười với một “tai nạn” ngớ ngẩn của bạn vì tâm trạng hồi hộp ngày đầu đi làm. Đây là một “mẹo” khá nhiều người đã áp dụng.
Tóm lại, nếu bạn có lỡ bật cười khi ai đó té ngã, hoặc cảm thấy “hả dạ” khi người bạn không thích gặp chuyện không may, hãy nhớ rằng những khoảnh khắc đó không quyết định bạn là thiên thần hay ác quỷ. Đó đơn giản là một trong những mặt “đen tối” của bản chất con người.
Thảo luận về bài viết