Nhờ nắm chắc chính sách thuế Mỹ – Trung, có nền tảng marketing ưu việt và thành thục về mạng xã hội, Shein, một hãng thời trang Trung Quốc đã vượt qua làn sóng chỉ trích về “thời trang nhanh”, vượt mặt ông lớn ngành thời trang để khẳng định vị trí tại thị trường Âu Mỹ.
Shein bùng nổ doanh số khiến giới thời trang Âu Mỹ dậy sóng
Bắt đầu nổi danh trên thị trường từ năm 2019, và liên tục tăng vọt doanh số trên toàn cầu trong 4 năm tiếp theo, cái tên Shein giờ đây đang được nhắc tới tràn ngập các mặt báo, trang tin thời trang toàn cầu.
Trung thành với chiến lược kinh doanh online, hãng thời trang gốc Trung Quốc này đã không mở bất cứ một cửa hàng nào, mà tập trung hoàn toàn vào hệ thống website bán hàng, tối ưu quy trình sản xuất, đẩy nhanh khâu phân phối từ nhà máy đến tay người tiêu dùng. Website của hãng thời trang này hiện đã mở cho hơn 150 quốc gia trên toàn cầu có thể mua sắm trực tiếp, dễ dàng thanh toán bằng những phương thức thanh toán thông dụng.
Để chinh phục thị trường mua hàng online và hiện thực hóa tham vọng lật đổ thị phần của các ông lớn khác, hãng đã đẩy nhanh quy trình thiết kế và sản xuất. Tổng thời gian để cho ra sản phẩm của Shein chỉ vỏn vẹn 10 ngày, thay vì mất tới 3 tuần như Zara.
Tưởng rằng chiến lược cạnh tranh về mẫu mã sẽ gây áp lực lên hệ thống phân phối, nhưng hãng đã dễ dàng hóa giải bài toán này nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng về xu hướng thời trang dựa vào phân tích thông tin trên nền tảng số trong thời gian thực, từ đó nắm bắt thị hiếu và linh hoạt sản xuất mặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngay từ khi ra mắt thị trường Mỹ, hãng đã tạo được thiện cảm với người dùng, khi mức giá luôn rẻ hơn những ông lớn ngành thời trang nhanh như Amazon, Zara hay H&M. Trung bình mỗi ngày, nhãn hàng này sẽ ra mắt 2000 sản phẩm thời trang mới trên hệ thống, và chỉ riêng ngày 22.02.2024 đã có tới 6.239 sản phẩm mới lên kệ.
Trên thực tế,ông Xu Yangtian, nhà sáng lập Shein là một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số. Trong những chiến dịch tiếp thị trực tuyến, đội ngũ của ông đã thành công trong việc sử dụng mạng xã hội, các hashtag, đồng thời hợp tác với người nổi tiếng để từ khóa của nhãn hàng được nhắc tới khắp các mạng xã hội.
Nhìn vào những thành tích ấn tượng kể trên, dễ hiểu lý do tại sao hãng thời trang gốc Trung Quốc này lại thành công như hiện tại ở thị trường Âu Mỹ. Cái tên Shein đang được nhiều nhà đầu tư săn đón khi tiết lộ thông tin sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu tiên – IPO tại Mỹ.
Luồn lách giữa “làn đạn” thuế quan, đắc lợi nhờ xuất thân khác biệt
Không chỉ giỏi marketing, đội ngũ kinh doanh, tài chính của Shein cũng rất nhạy bén với chính sách từ các nước lớn. Tài năng tận dụng “lỗ hổng thuế quan” này đã mở đường cho những món hàng thời trang của hãng tràn vào thị trường châu Âu với mức giá sốc. Câu chuyện đơn giản bắt đầu từ việc… Tiền thân của hãng thời trang này vốn là một công ty Trung Quốc. Các nhà máy, xưởng may mà hãng đặt hàng sản xuất đều đặt tại Trung Quốc.
Vậy nên năm 2018, Trung Quốc ra chính sách miễn giảm thuế xuất khẩu cho các hãng bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Các đơn hàng của hãng thời trang này nghiễm nhiên được cắt giảm đến 13% thuế quan.
Với mô hình bán hàng online, những đơn hàng của nhãn hàng xuất qua Mỹ đa phần là giao hàng lẻ cho từng khách hàng, và những gói hàng trị giá dưới 800 USD sẽ né được thuế suất đặc biệt, mặc cho bao doanh nghiệp lớn phải đau đầu với ở thời điểm xung đột Mỹ – Trung.
Đáng chú ý, xuất thân Trung Quốc của hãng không hề được tung hô trên báo chí, mà ngược lại, được khéo léo che giấu. Thậm chí, hãng đã chuyển trụ sở sang Singapore để né tránh những chỉ trích từ phía Mỹ trong cuộc chiến thương mại.
Câu chuyện của Shein là một ví dụ điển hình cho thành công ngành thời trang nhanh ở thời đại số, và khả năng nắm bắt thị trường, nhạy bén quan sát khắp các mặt trận, từ mạng xã hội đến thị trường tài chính.