Với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, “shoes game” không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Để thoả thích tung bay trong “thế giới” biến hoá đa dạng này, những người mới bắt đầu ắt hẳn cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về giày. Một đôi giày gồm những bộ phận gì? Tác dụng của những bộ phận đó làm hoàn chỉnh trải nghiệm người mang như thế nào? Tất cả sẽ được “mổ xẻ” trong bài viết dưới đây.
Upper: Đây là toàn bộ phần thân trên cũng như hai mặt bên của giày (trừ phần đế giày). Phần upper bao gồm cả chất liệu, thiết kế, màu sắc, vòng đai hay thậm chí là cánh. Đây được xem như là bộ mặt chính và quyết định tính thẩm mỹ của một đôi giày.
Quarter: Phần thân sau của đôi giày.
Wedge: Phần lót trong của gót giày. Ta thường thấy từ này trong cụm ‘wedge sneakers’ – một dòng giày giấu gót cao dùng tăng chiều cao.
Heel – Gót giày: Phần rìa sau cùng của đế ngoài. Tác dụng hỗ trợ cho gót chân, thường được làm từ vật liệu giống với đế giày.
Last – Khuôn giày: Với hình dạng theo dáng của bàn chân người, phần khuôn giày được thợ đóng giày sử dụng để chế tạo hoặc sửa chữa giày. Khuôn giày có thể làm từ gỗ, kim loại hoặc nhựa cứng. Như xương sống của con người, last chính là yếu tố quan trọng mang đến độ thoải mái và vẻ ngoài đặc trưng của một đôi giày.
Socklining (sockliner): Miếng lót giày với tác dụng chính là lớp đệm nhằm tăng độ êm ái cho bàn chân, khử mùi chân hoặc thấm hút mồ hôi nhằm tăng độ bền cho phần đế giày. Miếng lót giày là phần cấu trúc di động, có thể thay thế dễ dàng.
Toe box: Phần da trên của mũi giày.
Aglets – Đầu mút dây giày: Thường được làm bằng các chất liệu như nhựa, carbon fiber, vàng đồng,… Aglets ngày càng nhận được nhiều sự chú ý quan tâm hơn với nhiều thiết kế, màu sắc và kiểu dáng, hình thù đa dạng.
Eyelet – Lỗ xỏ giày: Hàng lỗ nhỏ nằm bao quanh phần lưỡi giày, được đục xuyên qua lớp chất liệu làm giày và có bọc 2 mảnh vật liệu bằng kim loại, nhựa hay cao su ở hai đầu nhằm giữ cố định lỗ xỏ và ngăn không cho lỗ bị rách ra.
Tongue – Lưỡi gà: Lớp chất liệu đệm giữa phần mũi giày và mu bàn chân. Lưỡi gà có tác dụng che chắn và lấp đầy phần bị hở ở mặt tiền giày, đồng thời tránh sự ma sát giữa chân với dây giày.
Sole – Đế giày: Bắt nguồn từ tiếng Latin “solea” có nghĩa là “đất và mặt đất.” Sole là phần đế nằm ở dưới cùng đôi giày, được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như cao su, da, nhựa PVC. Cấu trúc đế giày có thể chỉ đơn giản gồm một lớp, hoặc phức hợp với nhiều lớp khác nhau được chia thành insole, midsole và outsole.
- Insole – Đế trong: Insole nằm ngay dưới bàn chân cách một lớp với miếng lót giày (socklining). Theo đó, phần đế trong có tác dụng điều chỉnh hình dáng đôi giày, tăng độ thoải mái cho người mang bằng vật liệu êm ái. Insole còn có tính năng khử độ ẩm và khử mùi.
- Midsole – Đế giữa: Phần đế giày kẹp giữa “insole” và “outsole.” Nhiệm vụ chính là để hấp thụ chấn động, giảm ma sát cùng phản lực tác động trực tiếp lên bàn chân. Midsole đóng vai trò quan trọng trong những dòng giày thể thao và giày chạy.
- Outsole – Đế ngoài: Phần đề nằm ở dưới cùng đôi giày, tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Outsole được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau như cao su, da, nhựa PVC. Tuỳ vào mục đích sử dụng và địa hình khác nhau, mà phần đế ngoài của giày cũng có hình thù đa dạng. Các loại giày chuyên dụng như giày bóng rổ, giày đánh golf, giày đá bóng, giày chạy bộ đều có bề mặt đế giày khác nhau.
Stitching: Đường khâu, đường chỉ may. Trừ loại giày chelsea boot và wholecut cao cấp được làm từ nguyên miếng da nên không có stitching.
Foxing: Nằm tách biệt với phần sole và upper, foxing giúp gia cố cho giày, giữ chặt mối nối ở phần trên và phần đế giày.
Deubré (lace tag): Một thuật ngữ chung, bắt nguồn từ Nike, Inc. và có từ giữa những năm 1990, để chỉ một mảnh kim loại hoặc nhựa làm điểm nhấn cho đôi giày, không chỉ để trang trí mà còn khẳng định thương hiệu. Thông thường, mỗi chiếc deubré sẽ có hai lỗ để luồn dây giày, giống như một phụ kiện đính kèm trên dây. Đa phần thương hiệu đều thể hiện signature cùng logo của riêng mình tại vị trí lace tag này.
Ảnh: KOIO
Thảo luận về bài viết