Từ xưa, ông cha ta đã có câu “Há miệng chờ sung” hoặc “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, nhằm đề cao sự siêng năng chăm chỉ, đồng thời phê phán những kẻ suốt ngày không làm gì. Thế nhưng, xã hội 4.0 đã chứng minh điều ngược lại: chúng ta vẫn có thể sống được, thậm chí là sống một cách thoải mái và an bình hơn, khi chúng ta không làm gì.
Trước khi nổi tiếng với công việc kỳ lạ này, cuộc sống của Shoji Morimoto cũng như bao người khác. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Vật lý tại Đại học Osaka, anh bắt đầu công việc tại một nhà xuất bản giáo dục. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau đó (2017), Morimoto quyết định nghỉ việc.
Anh chia sẻ, “Tôi từng đi dạy luyện thi khi còn Đại học, thế nên tôi nghĩ mình sẽ hợp với những công việc liên quan đến giáo dục. Ở công ty, tôi chỉ lẳng lặng làm việc của mình. Tôi được yêu cầu phải chú trọng đến làm việc nhóm hơn cũng như năng giao tiếp với đồng nghiệp hơn. Tuy nhiên, tôi không thích phải nói chuyện với những người giống nhau ngày này qua ngày khác, thế nên chỉ sau 3 năm tôi đã nghỉ làm.
Sau đó, tôi có thử chuyển sang làm copywriter nhưng không gặt hái được mấy thành công trong ngành quảng cáo. Rồi lại trở thành biên tập viên freelance, công việc chẳng cần gặp gỡ ai, tôi có thể tập trung làm việc, nhưng cuối cùng chuyện đó cũng không đi đến đâu. Thử cái gì thua cái đó, tôi đâm ra chán nản, không muốn làm gì nữa cả. Rồi dần dần, tôi nhận ra rằng, không làm gì cả mới chính là việc tôi muốn làm nhất.”
Thời gian đó, Shoji Morimoto biết đến Pro Ogorareyer – một người đàn ông sống cuộc đời nhờ vào sự đãi ngộ của người khác. Điều này càng thôi thúc quyết tâm “không làm gì” của anh. Thay vì chịu sự kiểm soát của những quy chuẩn xã hội về việc “có làm thì mới có ăn”, Morimoto bắt đầu tự hỏi liệu anh có thể sống được mà không cần làm gì cả không? Và cuối cùng, anh quyết định sẽ “không làm gì cả” để sinh tồn.
Vào khoảng tháng 6 năm 2018, Morimoto mở tài khoản Twitter mang tên The Man Who Does Nothing (tạm dịch: Người đàn ông không làm gì). Tính đến thời điểm này, tài khoản của anh đã có hơn 270.000 lượt theo dõi. Đồng thời, anh bắt đầu cung cấp dịch vụ đồng hành cho bất cứ ai có nhu cầu. Khách hàng chỉ cần chịu phí di chuyển và ăn uống. Đổi lại, Morimoto sẽ ở bên cạnh “tháp tùng” họ đến những nơi họ cần, làm những thứ họ muốn.
Thông tin cá nhân trên Twitter (phần bên trái) của anh mô tả: “Ở đây cho thuê một người không làm gì cả (là tôi đấy). Dịch vụ luôn được cung cấp. Bạn chỉ cần trả phí di chuyển từ Ga Kokubunji và các khoản phụ thu ăn uống. Chi tiết xin vui lòng nhắn tin trực tiếp. Tôi sẽ ăn uống cùng bạn, trả lời một vài câu hỏi đơn giản, chỉ vậy thôi.”
Chỉ 9 tháng sau “khai trương”, dịch vụ đồng hành của anh đã thành công có trên 1.000 khách hàng. Các yêu cầu “thuê người” cũng khá đa dạng. Có người trả tiền thuê để mời anh ăn tại một nhà hàng tepanyaki cao cấp, chỉ vì họ muốn được mời ai đó một bữa cơm; người khác lại thuê anh đi xem bóng chày cùng, vì họ thích đi với một người hoàn toàn không biết gì về môn thể thao này.
Shoji Morimoto cũng từng nhận những “đơn hàng” đặc biệt, có ảnh hưởng to lớn đến nỗi đủ sức thay đổi cuộc đời của người thuê mãi mãi. Một lần nọ, anh từng được một người phụ nữ thuê đi cùng đến Tòa án để nộp đơn ly hôn và để chuẩn bị đổi lại sang họ cũ của cô. Một lần khác, anh nhận trách nhiệm ngồi cạnh một người khi cô ấy căng thẳng chất vấn chồng mình về việc ngoại tình.
Mặc dù có mặt trong không ít những vụ drama, nhưng Morimoto cho biết anh không dự phần vào những sự việc đó. Điều duy nhất anh cung cấp khi mở dịch vụ cho thuê này là sự hiện diện của chính bản thân anh. Ngoài ra, anh không làm gì nữa cả.
Nguyên tắc cơ bản của Morimoto là lặng lẽ đồng hành cùng khách hàng, lắng nghe và mang lại cảm giác thoải mái cho họ. Dịch vụ đồng hành được ưa chuộng đến nỗi số lượng yêu cầu trong một ngày có thể lên đến 20. Trung bình mỗi ngày, từ 8:30 sáng đến 10h tối, Morimoto sẽ xử lý 3 – 4 “đơn hàng” và sẽ phải sắp xếp lịch trước đó ít nhất một tháng.
Nếu người thuê cho phép, Morimoto sẽ đăng tải những thông tin liên quan đến “đơn hàng” lên tài khoản Twitter của mình, kèm theo đó là vài dòng cảm nghĩ. Mỗi một khách hàng đều có những câu chuyện và những hoàn cảnh khác nhau. Ghé thăm “nhà” của Morimoto, bạn sẽ có cơ hội nhìn nhận những vấn đề thực tế mà con người đang phải đối mặt hằng ngày trong xã hội hiện đại.
Công việc kỳ lạ không những có ích cho những người tìm đến anh, mà nó còn đem lại những trải nghiệm đáng quý và quan trọng với bản thân Morimoto cũng như những người giống anh – những cá thể không hòa nhập tốt với cộng đồng hoặc trong môi trường doanh nghiệp. Nó đem lại cho Morimoto cảm giác anh không dư thừa.
Chia sẻ về những dự định tương lai, anh cho biết sẽ tiếp tục làm công việc này lâu hết mức có thể. “Có nhiều lý do khiến chúng ta cảm thấy khó khăn khi muốn chia sẻ với ai đó. Có người sợ bị cho là khoe khoang khi họ muốn chia sẻ niềm vui của mình. Cũng có người sợ bị đâm sau lưng, sợ bí mật của họ không an toàn với người khác. Có người lại bị căng thẳng vì không thể mở lòng với bạn đời của mình, mặc cho người kia ra sức khuyến khích.
Những khách hàng tìm đến tôi đều có những rắc rối và lý do của riêng mình. Điểm chung ở đây, là họ không thể giải quyết vấn đề đó trong những mối quan hệ thông thường. Nhiều người cũng gặp vấn đề như tôi – khó để giao tiếp với cùng một người ngày này qua ngày khác. Có lẽ chính tôi cũng cần một dịch vụ như thế này.”
Nhiều ý kiến cho rằng xã hội Nhật Bản hiện đại có rất nhiều người phải chịu đựng áp lực và Morimoto đã xuất hiện, lặng lẽ sưởi ấm trái tim nhiều người. Đặc biệt vào thời điểm Covid-19, dịch vụ của Morimoto rất hợp thời. Câu chuyện của Morimoto nổi tiếng đến nỗi, một quyển sách viết về hành trình “lập nghiệp” của anh đã trở thành best-seller tại Nhật Bản. Thậm chí, tác phẩm này còn được chuyển thể thành truyện tranh và tái hiện trên phim truyền hình “Mr.Renting Who Does Nothing”, được diễn viên Takahisa Masuda thủ vai chính.
Thảo luận về bài viết