Spider-man: No Way Home khiến người ta phải gật gù “Thì ra thằng nhóc này trẻ trâu đến thế đều là có dụng ý cả.”
Lần đầu tiên Spider-man / Peter Parker bước lên màn ảnh là vào năm 1977, dưới sự thể hiện của nam tài tử Nicholas Hammond trong bộ phim Spider-Man. Thế nhưng tình hình không mấy sáng sủa khi bộ phim và cả series truyền hình sau đó không được đón nhận nồng nhiệt cũng không đem lại doanh thu đáng kể.
Năm 1999, bản quyền nhân vật được bán lại cho Sony. Dưới sự nhào nặn của studio này, hình ảnh “người nhện hàng xóm thân thiện” đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ. Trilogy Spider-Man (2002–2007) do Tobey Macguire đóng chính trở thành “tượng đài” Người Nhện với hàng tỷ đô lợi nhuận cùng nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Mặc dù không quá thành công về doanh thu nhưng series The Amazing Spider-Man (2012-2014) sau đó cũng đã khiến hàng triệu con tim nức nở với câu chuyện tình trái ngang giữa Người Nhện (Andrew Garfield) và cô bạn gái Gwen Stacy (Emma Stone).
Sau những lùm xùm hợp tác giữa Sony và Disney, năm 2016, “Nhện nhí” do Tom Holland thể hiện lần đầu tiên ra mắt trong Captain America: Civil War. Người hâm mộ toàn cầu bùng nổ. Loạt Spider-man reboot của đạo diễn Jon Watts mang đến một phiên bản Người Nhện được đánh giá là gần gũi với nguyên tác truyện tranh nhất – một nam sinh trung học mồm mép tép nhảy, tính cách đơn thuần, nhiệt tình (đôi khi… quá lố) giúp đỡ người khác dù hơi vụng về, luôn mơ tưởng trở thành người thực thi công lý.
Tuy chiếm cảm tình khán giả, thế nhưng vẫn có không ít người lo lắng vì hình tượng Người Nhện của Tom Holland tạo cho họ cảm giác xa lạ về nhân vật. Bên cạnh sự hài hước, gần gũi, đáng yêu, “Peter Parker MCU” vẫn là một cậu bé vô tư, bộp chộp, đôi lúc… trẻ trâu và ích kỷ, thiếu hẳn độ chín và chiều sâu cần có của nhân vật.
Từ Civil War (2016), Homecoming (2017), Infinity War (2018), cho đến Far From Home và Endgame (2019), mục tiêu của Peter vẫn chưa thật sự rõ ràng. Lúc thì cậu mong muốn được trở thành một phần của team Avengers, lúc thì lại chiến đấu vì “chú Stark”. Động lực trở thành anh hùng của Peter chưa đủ lớn, ngay cả cái chết của chú Ben cũng không để lại nhiều tác động đến tính cách và hành trình trưởng thành của người nhện mới như trong các loạt phim trước đây.
Trước tình hình đó, Spider-man: No Way Home – bộ phim cuối cùng trong trilogy Homecoming – đối mặt với kỳ vọng vô cùng lớn từ phía người hâm mộ. Không chỉ là dấu mốc trưởng thành của Peter-trung-học, No Way Home còn gánh vác trọng trách đưa giai đoạn 4 của MCU đến gần khán giả hơn với khái niệm đa vũ trụ. Ngay từ lúc những thông tin đầu tiên về dự án được hé lộ, người hâm mộ đã đứng ngồi không yên khi lần lượt những ác nhân trong 2 vũ trụ trước xác nhận sẽ tái xuất. Thắc mắc “Có bao nhiêu Nhện trong No Way Home?” khiến fans thấp thỏm từng ngày. Thêm vào đó là những cú nhử trailer do chính Sony “đạo diễn”. Càng gần ngày công chiếu, sự mong đợi của khán giả toàn cầu dành cho No Way Home càng lên đến đỉnh điểm.
Không phụ lòng người hâm mộ, Spider-man: No Way Home đã tạo nên cơn sốt từ khi ra mắt. Đại diện đơn vị phát hành tại Việt Nam cho biết doanh thu sau 3 ngày công chiếu của No Way Home là 24 tỉ đồng, vượt xa những cái tên khác như Venom: Let There be Carnage, Doraemon: Stand by Me 2, và Eternals để trở thành phim ngoại có doanh thu mở màn cao nhất ở thị trường nội địa. Nhiều người còn mạnh dạn ví von Spider-man: No Way Home như một phiên bản Endgame của vũ trụ Nhện.
So sánh này hoàn toàn có cơ sở. Trên góc độ câu chuyện, cả hai phim đều là đoạn kết của một hành trình dài đầy cảm xúc, đề cao sự hy sinh, làm rõ sức nặng trách nhiệm mà những người mang trong mình quyền năng to lớn phải gánh vác. Trên góc độ “chiều fans”, cả No Way Home lẫn Endgame đều thành công trong việc chiêu đãi khán giả một bữa tiệc nghe-nhìn mãn nhãn.
Những khán giả từng ngờ vực, hay thậm chí mất kiên nhẫn với Homecoming và Far From Home sẽ “quay xe” ngay lập tức với bộ phim cuối cùng trong trilogy. Spider-man: No Way Home khiến người ta phải gật gù “Thì ra thằng nhóc này trẻ trâu đến thế đều là có dụng ý cả.”
Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, Peter Parker của Tom Holland đã được phần lớn nhận xét là không giống siêu anh hùng cho lắm. So với Nhện Tobey hay Nhện Andrew, con đường của Nhện Tom khá êm đềm khi xung quanh cậu không lúc nào thiếu vắng sự hỗ trợ của cả người đi trước lẫn những người bạn đồng trang lứa. Ngoài dì May, cậu còn “chú Stark”, còn đồng đội trong team Avengers, còn ông bác “ngang hông” Happy, còn cô bạn gái MJ và cậu bạn thân không-chực-chờ-giết-mình Ned, lại còn cả Dr. Strange đứng ra giúp cậu tháo gỡ vấn đề.
Lớp “rào chắn” kiên cố này của Peter Parker khiến khán giả hoang mang. Song đây chẳng phải là câu chuyện mà mỗi chúng ta đều đã trải qua đó sao? Chúng ta nóng vội với Peter mà quên mất rằng cậu vẫn còn là một đứa nhóc. Homecoming và Far From Home dõi theo những bước đi của cậu qua những vấn đề của tuổi trẻ, hầu như không mang đến những bài học to lớn hay triết lý sâu sắc nào, thế nhưng 2 bộ phim này là tiền đề cần thiết cho No Way Home khi “bé Nhện hàng xóm thân thiện” có thể lớn lên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Có người nói trưởng thành là hành trình cô đơn, khi chúng ta phải học cách để tự bước đi bằng đôi chân của mình, tự phủi tay đứng lên sau những lần vấp ngã, tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định trong cuộc đời. Nếu Peter không được xây dựng dưới hình ảnh một cậu nhóc láo nháo, vô tư, bốc đồng từ những phần đầu, thì No Way Home đã chẳng đem lại nhiều cảm xúc đến thế. Danh tính bị tiết lộ, mặt nạ bị lột bỏ, từng “lớp bảo vệ” của Peter Parker cũng rơi rụng theo, cho đến khi “kẻ thù” duy nhất còn lại mà Spider-Man cần chiến thắng là phiên bản non nớt hơn của chính mình.
Lần đầu tiên, Peter Parker nhận thức rõ ràng về cái giá phải trả của việc làm siêu anh hùng. Lần đầu tiên, cậu thấm thía được thế nào là “Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao”.
Với độ dài 143 phút, No Way Home không để khán giả “nghỉ ngơi” một giây nào với cốt truyện được xây dựng chặt chẽ, không thừa không thiếu. Những tình tiết bất ngờ của phim cũng được thêm thắt vừa vặn, đúng chỗ, mà bất ngờ nhất có lẽ là lần bất đồng giữa Dr. Strange và bộ ba Peter-Ned-MJ. Chính lần “trở mặt” này mới là nguyên nhân gây ra những rắc rối xuyên suốt phim, chứ không phải những gì mà đoạn trailer cố tình “lừa” cả thế giới.
Mặc dù không phải phim mở đầu cho Giai đoạn 4, nhưng No Way Home đã hoàn thành xuất sắc vai trò đem đa vũ trụ đến gần khán giả hơn, với “khách mời” là những phản diện chính từ vũ trụ của Nhện Tobey và Nhện Andrew. Vai trò của những nhân vật này trong No Way Home cũng là một dấu hỏi lớn của người hâm mộ. Chiến đấu với từng đó kẻ ác dường như là nhiệm vụ quá sức với cậu Nhện trung học, cho dù cậu đã được “chú Stark” nâng cấp cho bộ giáp xịn đi chăng nữa. Song nút thắt này cũng được No Way Home giải quyết hợp lý, gọn gàng và vô cùng đẹp lòng các fans của “Người Nhện hàng xóm thân thiện” Peter Parker.
Spider-man: No Way Home là một trải nghiệm giàu cảm xúc, là dấu chấm hết tròn đầy cho hành trình trưởng thành của Spider-man / Peter Parker – một dấu chấm hết đặc biệt khi không chỉ kết thúc mà còn mở ra cho nhân vật này một tương lai mới độc lập hơn, nhiều tiềm năng phát triển hơn cả ở những phim riêng lẫn trong vũ trụ MCU. Riêng với người hâm mộ loạt phim Người Nhện, Spider-man: No Way Home là cơ hội để đắm chìm trong cảm xúc và những ký ức đẹp đẽ một thời.
Spider-man: No Way Home hiện đang được chiếu tại các rạp trên cả nước.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
3 vai diễn Spider-Man (Người Nhện) ấn tượng trên màn ảnh rộng
Our beloved summer – 10 điều đáng ghét khiến anh yêu em
Maika – Câu chuyện điện ảnh tinh tế trong từng khung hình của đạo diễn Hàm Trần