Được mệnh danh là “Bill Gates trong giới những người có ảnh hưởng về sắc đẹp”, Huda Kattan (sinh năm 1983, Mỹ) là blogger làm đẹp kiêm doanh nhân nổi tiếng. Từ công việc trong ngành tài chính và dựa vào sự hỗ trợ của mạng xã hội, cô gái trẻ lập nên công ty mỹ phẩm Huda Beauty trị giá hơn $1 tỉ USD tại Dubai (theo Forbes). Dẫn đầu Top 10 những ngôi sao mạng có cát-xê quảng cáo cao nhất, mỗi bài đăng thương mại trên trang cá nhân đem về cho Huda khoản thù lao “khủng” tới 33,000 USD.
Sinh năm 1999, beauty blogger người Mỹ James Charles có hơn 26 triệu người theo dõi trên trang cá nhân trở thành “hiện tượng mạng” nhờ khả năng trang điểm điêu luyện. Năm 2016, khi mới 17 tuổi, James đã gây bất ngờ khi được mời làm gương mặt đại diện của hãng mỹ phẩm đình đám CoverGirl. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 50 năm tồn tại của thương hiệu này lựa chọn một gương mặt nam cho sản phẩm của mình.
Ngày nay, chúng ta hay gọi Huda hay James là những ví dụ về influencer (người gây ảnh hưởng) – kiểu ngôi sao truyền thông xã hội không theo tiêu chuẩn thông thường. Họ nổi tiếng qua việc truyền cảm hứng cho một nhóm người theo dõi nhất định và dựa vào đó để xây dựng “đế chế” của riêng mình.
Influencer ở Việt Nam có sức ảnh hưởng sánh ngang cả các ngôi sao showbiz?
Trong khi những người nổi tiếng trên truyền hình hay các ngôi sao âm nhạc trên toàn thế giới đang học cách kết nối với người hâm mộ của họ qua mạng xã hội, thì những influencer xuất thân từ internet đang dần được yêu thích hơn, có thể nói là sánh ngang với sức hút của các ngôi sao nổi tiếng trong giới showbiz.
Một nghiên cứu có tên gọi Influencer thời đại mới: Gen Z và Gen Y đang đặt niềm tin vào ai? đã ghi lại sự phát triển không ngừng của những influencer trên các nền tảng trực tuyến. Nghiên cứu cho thấy các phương tiện quảng cáo truyền thống và cách quảng bá thương hiệu thông qua các nghệ sĩ, celebrities đang mất dần sự ảnh hưởng tại Việt Nam.
Influencer – Thời đến cản không nổi
Gắn liền với những tiến bộ trong công nghệ là sự “lên ngôi” của hình thức PR, quảng cáo thông qua lời hay, ý tốt của những influencer nổi tiếng trên mạng xã hội.
SJ Nooth-Cooper – quản lý cấp cao của Models 1 Talent, một cơ quan ký hợp đồng làm việc với các influencer và người mẫu, nhận định: “Influencer là những người có thể kiếm tiền dựa vào sự ảnh hưởng của mình. Mạng xã hội trở thành ‘mảnh đất màu mỡ’ giúp nhiều người có tài năng tạo dựng uy tín, hút views rồi kiếm bộn tiền bằng cách làm influencer.”
Một influencer thành công sẽ không khó để kiếm được “tiền tỷ.” Một vài giờ đồng hồ đi dự sự kiện của influencer có số lượng người theo dõi từ 100,000 trở lên trên các nền tảng mạng xã hội thông dụng rơi vào $2,000-3,000 USD (45-70 triệu đồng).
Một báo cáo vào đầu năm nay ở Anh cho thấy rằng, chỉ cần có 42,575 người theo dõi là đủ để kiếm được mức lương trung bình, chỉ thông qua việc quảng cáo, review sản phẩm cho các thương hiệu. Cũng theo báo cáo đó, ngành influencer được dự đoán sẽ có giá trị hơn 15 tỷ đô la vào năm 2022.
Việc đánh bóng hình ảnh “không hề giả trân”
Nếu nhìn ở một góc đa diện hơn, chẳng có nghề nào là nghề “ngồi mát thu tiền” thiên hạ cả, và công việc influencer lại càng ngàn lần không. Tạo được vài video viral, trở nên hài hước, xinh đẹp, hay chia sẻ những nội dung gần gũi và dễ tiếp cận chỉ giúp các influencer đi được một chặng đường vừa đủ dài.
Influencer là nghề dễ bị đào thải, chưa kể môi trường cạnh tranh lại vô cùng khắc nghiệt. Nếu thật sự muốn theo đuổi lâu dài, ngoài một chút may mắn cần có ra, họ sẽ cần một “hợp đồng bảo hiểm” – đó có thể là đầu quân cho một công ty giải trí, trở thành người đại diện cho một thương hiệu có tiếng, hay sự trợ giúp của ngành công nghiệp fake wealth (sự giàu có giả tạo).
Trên YouTube, xu hướng các vlogger sử dụng Photoshop để chỉnh sửa ảnh của bản thân trên những bãi biển đầy cát hoặc trên các khu mua sắm đã không còn xa lạ gì. Những hình ảnh nhằm đánh lừa người xem, khoe mẽ về cuộc sống “giả bộ” xa hoa là bước đầu của ngành công nghiệp fake wealth.
Hay vào đầu năm nay, hàng loạt những bài đăng lật tẩy sự lừa dối đằng các bức ảnh chuyên cơ của influencer xuất hiện khắp các trang mạng xã hội. Nhiều influencer bị bóc mẽ đã thuê một studio ở Los Angeles có thiết kế giống máy bay tư nhân với giá $64 / giờ (khoảng 1,5 triệu đồng) để chụp ảnh và giả vờ tận hưởng trên chuyên cơ “riêng” của mình.
Ở Trung Quốc cũng thế, thậm chí chi phí bỏ ra còn rẻ hơn. Chỉ với 6 nhân dân tệ (khoảng 20,000 đồng), khách hàng sẽ được ghép giọng nói và hình ảnh của mình vào các video có sẵn thể hiện sự giàu có như xấp tiền mệnh giá lớn, xe sang, biệt thự, thú cưng đắt tiền,…
Trào lưu fake wealth của các influencer tại Anh lại là một bức tranh hoàn toàn khác. Không thông dụng với các studio trá hình hay cắt ghép ảnh, giới trẻ ở Anh sẽ quen thuộc hơn với việc thu mua các thùng / túi rỗng với thiết kế của các thương hiệu lớn, rồi giả vờ khoe các “chiến lợi phẩm” như mình vừa thật sự “oanh tạc” cả trung tâm mua sắm.
Trong một cuộc phỏng vấn với Input Mag, một đại lý bán lẻ thiết kế cho biết, khách hàng của họ chủ yếu là những influencer đến và yêu cầu các thiết kế bì của những thương hiệu Hermès, Pandora và Tiffany.
“Ban đầu, tôi nghĩ có thể là để cất giữ một số thứ ở nhà hoặc tái chế làm hộp quà cho ai đó,” cô nói với Input. “Tôi không biết họ đã sử dụng để chụp ảnh trên Instagram. Thậm chí, một khách hàng của tôi cũng có hợp đồng tài trợ chính hãng với các thương hiệu xa xỉ, nhưng họ vẫn đặt mua những chiếc hộp Pandora đó thôi.”
Trên Depop, không khó để tìm được một nơi mua bao bì rỗng thiết kế. Một tài khoản thậm chí có hơn 600 thiết kế hộp và túi rỗng khác nhau. Các mặt hàng lặp đi lặp lại, chủ yếu là túi và hộp của của các thương hiệu Chanel, Tiffany, Pandora hoặc Selfridges; hoặc dust bag của Gucci, Louis Vuitton, Dior.
Điều bất ngờ là những sản phẩm này lại được bán với giá cực kỳ đắt đỏ so với giá thành của bao bì thông thường. Theo đó, một hộp giày Louboutin kèm túi quà được bán với giá £55 (hơn 1,500 triệu đồng); hộp đựng nón của Gucci có giá £35 (khoảng 1 triệu đồng); hộp giày Dior là £30 (khoảng 950,000 đồng); hay bốn dải ruy băng Hermès giá £20 (khoảng 600,000 đồng).
Tìm kiếm từ khóa “thùng rỗng” hoặc “túi rỗng” trên Depop – một ứng dụng mua sắm ở Anh, sẽ thấy hàng trăm kết quả với các thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Các thiết kế vô cùng chi tiết và rất giống với hàng thật.
Tuy nhiên, dù các hình ảnh được influencer sử dụng để đánh bóng tên tuổi được thực hiện rất tinh vi và cẩn thận, cũng không tài nào qua mắt được cư dân mạng. “Nếu để ý kĩ, bạn sẽ dễ dàng thấy được những ‘lỗ hổng’ trong bức hình. Đó có thể là sự chênh lệch ánh sáng (đối với các hình ảnh được chỉnh sửa), hay có thể là dấu hiệu của sự phô trương quá đà của các influencer.”, Scott Guthrie – một nhà tư vấn influencer marketing, cho biết.
“Vì một khi đã khoe được một lần, họ sẽ liên tục làm như thế và chắc chắn cũng phải có ít nhất một lần mắc lỗi. Nếu theo dõi một người thường xuyên và đều đặn, người hâm mộ sẽ không khó để chỉ ra những điều bất thường.”
Guthrie nói rằng không chỉ phô trương “sự giàu có giả tạo” sẽ rất dễ bị “bắt bài”, mà điều đó còn có thể làm tổn hại đến danh tính của một số thương hiệu xa xỉ.
Ông giải thích: “Những hình ảnh thiếu chân thực của các influencer – vốn đã là đại sứ cho một số thương hiệu lớn, có thể sẽ làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu đó. Thay vì công việc của họ là quảng bá sản phẩm, ‘sự giàu có giả tạo’ của influencer có khả năng giết chết cả một thương hiệu.”
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Plus by Bảo Nam – Nhập nhằng ‘kế thừa’ và ‘đạo’ ý tưởng
#KhôngQuạu: Người Việt nghèo nên mới không có tiền ăn McDonald’s?
#KhôngQuạu: Người Châu Á không phải là vi-rút, sự kỳ thị mới là dịch bệnh
Thảo luận về bài viết