#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Hiện nay, hàng tỉ người trên thế giới vẫn đang là “con tin” của thuốc lá. Dù có cố gắng đến mấy, mọi người đều thừa nhận chuyện cai nghiện không phải điều dễ dàng. Việc bỏ thuốc khó đến nỗi nhà văn và diễn giả người Mỹ, Mark Twain (1835-1910) đã từng thốt lên: “Bỏ hút thuốc là điều dễ làm nhất trên thế giới. Tôi biết thế vì tôi đã làm điều đó hàng ngàn lần rồi.”
Nghiện thuốc lá, nghiện chất kích thích, nghiện rượu bia,…là điều ta thấy đang tràn ngập khắc các báo đài. Xã hội đang phải đối mặt với “sức hút” tuy độc hại nhưng khó chối từ của những loại hóa chất này.
Do sở hữu những tác động tương đồng và gây hưng phấn cho não bộ, tình dục đã “vô tình” bị lọt vào danh sách các dạng nghiện ngập (không nên có) của con người. Tuy nhiên, hiện có hai luồng ý kiến đồng tình và phản đối chứng nghiện tình dục này.
Nghiện tình dục là một lối nghĩ hoang đường
“Nghiện tình dục” không phải là một chẩn đoán lâm sàng, có nghĩa là các chuyên gia không có số liệu chính thức về số người đã tìm kiếm sự trợ giúp để giải quyết các vấn đề thông qua NHS ( National Health Service – Dịch vụ Y tế Quốc gia).
Trên thực tế, nghiện tình dục đã từng được xem xét để đưa vào ấn bản năm 2013 của DSM. DSM (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần) là một công cụ được các chuyên gia sử dụng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, lời đề nghị đã nhanh chóng bị từ chối vì thiếu bằng chứng.
Những người tự cho rằng mình nghiện tình dục – hoặc bị dán nhãn như thế, thường miêu tả các triệu chứng họ mắc phải tương tự như những bệnh nhân mắc phải chứng nghiện ma túy hoặc rượu. Tuy nhiên, nghiện tình dục lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Theo đó, nhà trị liệu tình dục, đồng thời là tác giả của quyển The myth of sex addiction (tạm dịch: Sự hoang đường của chứng nghiện tình dục), David Ley cho biết: Các hành vi được dán nhãn là biểu hiện của chứng nghiện tình dục thực chất lại là các triệu chứng của sự rối loạn tâm trạng và lo âu không được điều trị. Đồng thời, ông bổ sung y học vẫn còn thiếu bằng chứng về phương hướng điều trị và cai chứng nghiện này.
Đối với một người nghiện thuốc, khi bị nhốt trong phòng và cơn nghiện tìm đến, ngay lập tức cơ thể họ sẽ có những phản ứng mạnh rõ rệt. Trong quá trình cai nghiện, não bộ của người nghiện thuốc sẽ tạo ra các điểm nối giữa các tế bào thần kinh có chứa chất dẫn truyền thần kinh GABA. Quá trình này gây ức chế ít nhiều đến hệ thống não bộ vốn bị kích thích bởi các tín hiệu liên quan đến chất kích thích.
Trong trường hợp của một đứa trẻ nghiện chơi điện tử, khi chúng đang mải miết “cày” game thì bố mẹ lại giục xuống ăn cơm tối. Dù đã ngồi vào bàn ăn ngay ngắn, tâm chí của đứa trẻ đó vẫn luôn nghĩ về trò chơi đang dở dang. Tuy nhiên, thực chất, không có gì diễn ra trong não của chúng tác động vào hành động nghiêm trọng đến mức tạo ra sự mất cân bằng hoặc không thể kiểm soát bản thân.
Nghiện tình dục cũng tương tự như trường hợp số hai: Những đối tượng nghiện làm tình hoặc khiêu dâm khi không thể quan hệ sẽ có những biểu hiện giống đứa trẻ nghiện game mà không được chơi.
Đánh đồng cơn nghiện quan hệ tình dục hoặc thủ dâm với cơn nghiện rượu hoặc ma túy là điều lố bịch. Những người nghiện rượu có thể chết vì cai nghiện – và hãy nhìn những người ham thích tình dục xem, họ vẫn sống khi không thể làm tình đấy thôi.
Khái niệm về chứng nghiện tình dục được đặt ra dựa trên các giá trị đạo đức về tình dục lành mạnh. Bạn sẽ bị gắn mác “nghiện tình dục” nếu bạn ân ái nhiều hơn, hoặc làm tình “khác” so với chẩn đoán của bác sĩ trị liệu.
David Ley chia sẻ
Một người nghiện tình dục hoặc ám ảnh với phim khiêu dâm, khi bị ngăn cản không được làm tình hoặc khi không xem được phim “đen”, những cảm giác bứt rứt mà họ có đơn giản là đều do do cảm giác hứng tình mang lại.
“Không có lửa làm sao có khói”, vì sao vẫn có người tin rằng tình dục gây nghiện?
Cờ bạc trước đây được coi là hành vi cưỡng chế (compulsive behaviours), nhưng cuối cùng vào năm 2013, “nghiện cờ bạc” cũng đã được đưa ra chẩn đoán chính thức. Giới y học cho rằng đây là một chứng nghiện. Các nhà trị liệu tin rằng chứng nghiện tình dục cũng có thể đang trải qua một “lộ trình” tương tự.
Theo các anti-fapper (tạm dịch: những người phản đối thủ dâm), phim khiêu dâm được xem như một kiểu kích thích không thể kiểm soát, khiến não bộ nghiện do sự giải phóng dopamine. Họ cho rằng bất cứ điều làm giải phóng dopamine thì đều sẽ tạo ra cơn nghiện.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ Valerie Voon (Đại học Cambridge) được công bố vào năm 2014. Theo đó, kết quả cho thấy não bộ của những người nghiện tình dục và thích xem phim khiêu dâm có những hoạt động tương tự như não của các đối tượng nghiện ma túy khi được cho xem loại thuốc mà họ có thể lựa chọn.
Tuy nhiên, khi nói về nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Voon cũng đã rất cẩn thận phát biểu: “Đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát những đối tượng mắc các chứng rối loạn này, đồng thời tôi cũng đã quan sát não bộ của họ. Tuy nhiên, với những gì chúng ta có hiện nay, tôi không nghĩ rằng ta có đủ bằng chứng để nói ‘nghiện’ tình dục thật sự là một chứng nghiện.”
Vì đâu tình dục lại có sự nhập nhằng giữa có hoặc không gây nghiện?
Giáo sư tại Đại học Open của Anh, Tiến sĩ Frederick Toates cho biết có hai đặc điểm chính định nghĩa chứng nghiện: (1) động lực tìm kiếm phần thưởng/niềm vui; và (2) sự tồn tại của xung đột xung quanh hành vi đó. Đặc điểm “tìm kiếm phần thưởng” là điều mà nhiều chuyên gia tin rằng sẽ giúp phân biệt chứng nghiện với hành vi ám ảnh cưỡng chế, mặc dù cả hai có những điểm tương đồng nổi bật.
Những người mắc chứng nghiện luôn cố gắng tìm kiếm một sự thỏa mãn ngắn hạn, ngay cả khi điều này có thể dẫn đến những mất mát dài hạn. Nghiện ngập là một quá trình rất khó chấm dứt mà không để lại những hậu quả nghiêm trọng – kể cả tác động đến não bộ.
Ngược lại, những người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế thực hiện các hành vi mà họ không tìm kiếm hoặc đòi hỏi bất kì niềm vui gì từ chúng. Những ám ảnh đó dù có hơi khó khăn nhưng cuối cùng vẫn có thể kết thúc.
Chắc hẳn đọc đến đây, nhiều bạn sẽ thắc mắc: chẳng phải tất cả con người chúng ta đều luôn tìm kiếm niềm vui mọi lúc mọi nơi sao? Vậy sự khác biệt giữa chứng nghiện và động lực tìm kiếm niềm vui hàng ngày là gì?
Nhà tâm lý học – Tiến sĩ Harriet Garrod nói rằng một hoạt động sẽ trở thành “cơn nghiện” khi hành vi đó đạt đến độ khắc nghiệt đến mức gây hại cho cá nhân và những người xung quanh.
Việc bạn có tin ai đó có thể nghiện tình dục hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc bạn nghĩ điều gì khiến thứ gì đó trở thành nghiện – liệu nó có gây tổn hại cho bản thân của chính bạn hoặc những người xung quanh hay không.
Nghiện thức ăn và cờ bạc đã được công nhận là chứng nghiện có thể chẩn đoán lâm sàng, trong khi nghiện tình dục thì không.
Harriet Garrod cho biết
Nhà tâm lý học lâm sàng – Tiến sĩ Abigael San tin rằng với những người đang vật lộn với cảm giác mất kiểm soát, tình dục chỉ là thứ yếu của các vấn đề cơ bản – cho dù đó là trầm cảm, lo lắng hay tổn thương. Các đối tượng đó sử dụng tình dục như một cơ chế đối phó với những bất ổn tâm lý mà học đang trải qua.
Bài viết được lược dịch từ nguồn BBC và Dollar Shave Club
Xem thêm:
#Thoáng: Các loại “tình dục mạo hiểm” cùng sự biến hóa muôn hình vạn trạng
#Thoáng: Khi những tiếng ồn “ướt át” không đo được đường “lên đỉnh”
#Thoáng: Lược sử về những nụ hôn
Thảo luận về bài viết