Chuyên gia trị liệu tâm lý Joseph Burgo là một trong những cây bút hàng đầu tại The New York Times, US Today, The Washington Post, The Atlantic, … đồng thời là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng về tâm lý học, đặc biệt là chủ đề ái kỷ (narcissist).
Tuy nhiên, mọi người vẫn e ngại khi lần đầu nghe Burgo đề xuất ý tưởng viết về sự xấu hổ (shame) – đây là một chủ đề khá nhạy cảm với nhiều người. ‘’Văn phòng đại diện của tôi cho rằng đây là một chủ đề ‘tăm tối’. Nó sẽ làm độc giả sợ hãi. Các biên tập viên và các văn phòng khác cũng cùng ý kiến như thế. Xấu hổ hay nhục nhã gần như là một chủ đề cấm kỵ – chẳng ai muốn đọc về nó cả.’
Thế nhưng quyển sách ‘chẳng ai muốn đọc’ mang tên Shame: Free Yourself, Find Joy, and Build True Self-Esteem’ của Joseph Burgo vẫn được mắt vào tháng 11/2018. Theo Burgo, con người thấy xấu hổ vì nhiều lý do khác nhau, theo nhiều cách khác nhau. ‘Xấu hổ là một phần của cuộc sống, ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ chế phòng vệ và các đặc trưng tính cách khác nhau của con người. Mỗi ngày, chúng ta đều đối mặt với sự xấu hổ. Nó không nhất thiết phải xảy ra theo cách độc hại hay trên quy mô to lớn. Tôi chỉ đang nói đến những tình huống gây xấu hổ rất thường tình.’
Trong sách của mình, Joseph Burgo đã ‘mổ xẻ’ chủ đề này dưới những lăng kính khác nhau.
Xấu hổ khi tình cảm không được đáp lại
Những mối tình lặng thầm, những lời tỏ tình bị từ chối có thể khiến người ta thấy xấu hổ, thậm chí nhục nhã. Tuy nhiên, nỗi xấu hổ này có thể bắt gặp trong hầu hết các trường hợp bị từ chối cảm xúc trong đời sống, không riêng gì tình cảm lãng mạn. Trên thực tế, đây là một dạng xấu hổ khá cơ bản và có thể xảy ra từ rất sớm.
Edward Tronick – nhà tâm lý học phát triển người Mỹ chuyên nghiên cứu trẻ sơ sinh – từng thực hiện một thí nghiệm mang tên Still Face. Những người mẹ tham gia thí nghiệm này sẽ thực hiện các tương tác như trò chuyện, mỉm cười với con họ. Sau đó, họ được yêu cầu làm lơ các phản ứng của em bé và ngừng tương tác. Kết quả, sau rất nhiều nỗ lực cười, chỉ trỏ, la hét nhưng không nhận được phản hồi của mẹ, các em bé bắt đầu khóc lớn.
Hành động làm lơ, từ chối tương tác của mẹ làm nảy sinh một cảm giác gần với nỗi xấu hổ nơi những đứa con. Joseph Burgo cho biết, tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra ngoài đời nếu vì một lý do nào đó (trầm cảm, biến cố cuộc sống, môi trường gia đình, …) mà người mẹ không thể dành cho con mình những tương tác và sự thấu cảm cần thiết. Tình trạng này kéo dài sẽ làm biến dạng sự phát triển của trẻ về sau này.
Xấu hổ khi bất ngờ đối mặt với những tình huống ngượng ngùng
Dạng xấu hổ thứ hai là những cảm xúc chúng ta có khi bất ngờ đối mặt với những tình huống gây ngượng cao độ. Một số ví dụ có thể kể đến như:
– Bị phê bình ở nơi công cộng
– Vô tình bị ai đó bắt gặp khi đang làm hành động riêng tư hoặc không phù hợp
Xấu hổ khi kỳ vọng không thành
Những kỳ vọng không thành có thể khiến chúng ta thấy xấu hổ. Cũng như trong tình huống thứ nhất, sự thất bại ở đây không giới hạn trong bất cứ lĩnh vực nào – kỳ vọng sự nghiệp sụp đổ khi trượt kỳ đánh giá nâng lương, kỳ vọng tình yêu tiêu tan khi chia tay người ấy, kỳ vọng thay đổi bản thân bất thành vì mãi không cai được trà sữa, …
Xấu hổ vì bị loại trừ
Cuối cùng, chúng ta có thể xấu hổ nếu bị người khác cho ‘ra rìa’. Tình huống này có thể bắt gặp trong mọi hoàn cảnh, với mọi con người khác nhau – tại chỗ làm, trong tình bạn, trong các mối quan hệ lãng mạn, cả với gia đình. Khi đặt rất nhiều tình cảm và nỗ lực để hòa nhập nhưng luôn bị xem như người ngoài cuộc, chúng ta sẽ không tránh khỏi việc cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn, mặc dù đó hoàn toàn không phải lỗi của mình.
Mỗi ngày, chúng ta đều có lý do để cảm thấy xấu hổ. Đó có thể là những tình huống ngượng ngùng vô hại như bị hàng xóm bắt gặp đang cao hứng nhảy múa ca hát tưng bừng ngoài ban công, hoặc cũng có thể là những chuyện lớn và gây ảnh hưởng hơn như trượt phỏng vấn công việc vô cùng yêu thích.
Tất cả những mối bận tâm thường ngày, như không biết mình có đang hòa nhập tốt không, có được mọi người yêu thích không, hay liệu mình có đang đi đúng đường để thành công hay không, … đều ẩn chứa nguy cơ ‘lật kèo’ giữa chừng và khiến chúng ta thấy xấu hổ. Tuy nhiên, cảm xúc này không phải lúc nào cũng có hại.
Sự xấu hổ có thể phát triển theo chiều hướng có lợi
Những ẩn ức nhục nhã, xấu hổ là một trong những lý do khiến nhiều người trưởng thành với một cái nhìn méo mó và một nhân cách biến dạng. Nhưng xét trên một số góc độ nhất định, không thể phủ nhận rằng xấu hổ vẫn có lợi cho sự tồn tại của con người.
Ví dụ, tính tò mò, ưa khám phá của trẻ nhỏ đôi khi có thể khiến các em gặp nguy hiểm với những người hoặc những địa điểm xa lạ. Khi chuyến phiêu lưu của các em bị ngăn cản, những cảm xúc tích cực cũng theo đó bị gián đoạn, hình thành nên một nỗi xấu hổ, ngượng ngùng. Nhưng những nỗi xấu hổ này thông thường không kéo dài, cũng không để lại hậu quả nặng nề về sau. Ngược lại, đây là một trong những cách giúp trẻ nhỏ biết phân biệt đúng – sai, cũng như đâu là điều nó nên làm.
(Theo: Business Insider)
Xem thêm:
Khoa học lý giải tình yêu như thế nào?
Hội chứng nhạy cảm âm thanh chọn lọc – Khi bạn bị tra tấn bởi những thanh âm thường ngày
6 dấu hiệu cho thấy bạn đang bị lạm dụng cảm xúc
Thảo luận về bài viết